ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI TẠP CHÍ AMERICA : « SỰ PHÂN CỰC KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG GIÁO » (phần 1)
Trong cuộc phỏng vấn dành cho « America Magazine », Đức Phanxicô đã đề cập đến các chủ đề khác nhau : phá thai, lạm dụng tính dục, vai trò của nữ giới trong Giáo hội hay sự thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Gợi lên cuộc chiến tranh ở Ucraina, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng « Tòa Thánh sẵn sàng làm trung gian cho hòa bình ».
Ngày 22/11 vừa qua, năm thành viên của tạp chí được dòng Tên ở Hoa Kỳ thành lập vào năm 1909, « Ameriaca Magazine », đã phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô tại nơi ở của ngài, nhà Thánh Mátta tại Vatican. Đó là các linh mục Matt Malone, tổng biên tập sắp hết nhiệm kỳ, và Sam Sawyer, tổng biên tập sắp tới, Kerry Weber, Tổng biên tập điều hành, Gerard O’Connell, phóng viên, và bà Gloria Purvis, người dẫn chương trình « Gloria Purvis Podcast ». Họ đã thảo luận với Đức Phanxicô về nhiều chủ đề : đặc biệt về sự phân cực của Giáo hội Mỹ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chiến tranh ở Ucraina, mối tương quan của Tòa Thánh với Trung quốc và vai trò của nữ giới trong Giáo hội. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nói tiếng Tây Ban Nha với sự trợ giúp của Elisabetta Piqué để phiên dịch.
Thưa Đức Thánh Cha, điều gì khiến ngài vui tươi và thanh thản trong thừa tác vụ của mình ?
Khi tôi ở với mọi người, tôi luôn hạnh phúc. Một trong những điều khiến tôi phải trả giá đắt nhất với tư cách là Giáo hoàng, là không thể đi bộ trên đường phố với mọi người, vì ở đây bạn không thể ra ngoài, không thể đi bộ trên đường phố. Nhưng tôi không muốn nói rằng tôi hạnh phúc vì tôi khỏe mạnh, hay vì tôi ăn ngon, ngủ ngon hay vì tôi cầu nguyện nhiều. Tôi hạnh phúc vì tôi cảm thấy mình hạnh phúc, Thiên Chúa làm cho tôi hạnh phúc. Tôi không có gì để đổ lỗi cho Chúa, ngay cả khi những điều tồi tệ xảy đến với tôi. Trong suốt cuộc đời tôi, Ngài luôn hướng dẫn tôi đi trên con đường của Ngài, đôi khi trong những lúc khó khăn, nhưng tôi luốn xác tín rằng tôi không bước đi một mình. Tôi không bước đi một mình, Ngài ở bên cạnh tôi. Chúng ta có những lỗi lầm của mình, thậm chí cả tội lỗi của mình : tôi xưng tội mười lăm ngày một lần.
Ở Hoa Kỳ, chúng con đã chứng kiến một sự phân cực ngày càng gia tăng, không chỉ trong chính trị nhưng còn trong đời sống Giáo hội. Làm thế nào Giáo hội có thể trả lời cho sự phân cực trong lòng của mình và giúp đỡ xã hội ?
Sự phân cực không phải là Công giáo. Một người Công giáo không thể suy nghĩ « ủng hộ hay chống đối » và giảm thiểu mọi thứ thành sự phân cực. Người Công giáo kết hợp người tốt và người ít tốt hơn. Dân Thiên Chúa là một. Sự phân cực đến từ não trạng chia rẽ vốn ưu đãi người này và gạt người khác sang một bên. Người Công giáo luôn nghĩ đến sự hài hòa giữa những sự khác biệt. Nếu chúng ta nhìn vào cách thức Chúa Thánh Thần hành động, thì trước tiên Ngài tạo ra sự hỗn độn : hãy nghĩ đến buổi sáng lễ Hiện Xuống, đến sự hỗn độn được tạo ra ở đó. Và rồi Ngài tạo ra sự hài hòa. Chúa Thánh Thần trong Giáo hội không giảm thiểu mọi sự thành một giá trị duy nhất, nhưng tạo ra sự hài hòa giữa các sự khác biệt của các mặt đối lập. Và đó là tinh thần Công giáo.
Càng có sự hài hòa giữa những sự khác biệt và đối lập, thì càng Công giáo. Càng phân cực, chúng ta càng mất tinh thần Công giáo và rơi vào tinh thần giáo phái. Về vấn đề này, thật thú vị khi tìm kiếm cội nguồn của những chọn lựa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu có bốn sự lựa chọn : trở thành một người Pharisêu hay một người Sađốc, hoặc trở thành một người Essêniên hay một người theo phái nhiệt thành. Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả những điều đó với các mối phúc. Những cám dỗ trong Giáo hội luôn đi theo bốn con đường này. Có một đạo Công giáo đặc thù ở Hoa Kỳ, đó là điều bình thường. Nhưng cũng có những nhóm Công giáo ý thức hệ.
Đa số người Công giáo dường như đã mất niềm tin vào khả năng của Hội đồng Giám mục mang lại một định hướng luân lý. Làm thế nào các Giám mục có thể lấy lại niềm tin của người Công giáo Hoa Kỳ ?
Câu hỏi hay vì nó nói về các Giám mục. Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tạo nên mối liên hệ giữa người Công giáo và Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục không phải là chủ chăn, chủ chăn, đó là Giám mục. Do đó, người ta có nguy cơ làm giảm thẩm quyền của Giám mục khi xem xét một Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục có mục đích đoàn kết các Giám mục, làm việc cùng nhau, thảo luận các vấn đề, chuẩn bị mục vụ. Nhưng mỗi Giám mục là một chủ chăn. Đừng hòa tan quyền bính Giám mục, bằng cách giảm thiểu nó thành quyền bính của Hội đồng Giám mục. Bởi vì đó là nơi các khuynh hướng đối chất với nhau, nhiều hơn về cánh hữu, nhiều hơn về cánh tả, nhiều hơn ở đây, nhiều hơn ở đó, và cách nào đó, không có trách nhiệm bằng xương bằng thịt, như trách nhiệm của Giám mục với đoàn dân của mình, của chủ chăn với đoàn dân của mình.
Chúa Giêsu đã không tạo ra Hội đồng Giám mục, Chúa Giêsu đã tạo ra các Giám mục, và mỗi Giám mục là mục tử của dân mình. Về phương diện này, tôi nhớ đến một tác giả vào thế kỷ thứ V mà, theo ý kiến của tôi, đã viết nên chân dung tốt nhất của một Giám mục, đó là thánh Augustinô trong khảo luận « De pastoribus » của mình. Vì thế, câu hỏi là : đâu là mối tương quan giữa một Giám mục và dân của ngài ? Và tôi mạn phép trích dẫn một Giám mục mà tôi không biết liệu ngài có bảo thủ không, liệu ngài có cấp tiến không, liệu ngài thuộc cánh hữu không, liệu ngài thuộc cánh tả không, nhưng đó là một mục tử rất tốt. Mark Seitz, Giám mục của El Paso, ở biên giới với Mêxicô, là một người đã tiếp nhận tất cả những mâu thuẫn của nơi này và đưa chúng tiến tới với tư cách là chủ chăn. Tôi không nói rằng những Giám mục khác không tốt, nhưng Giám mục đó, tôi biết ngài. Bạn có một vài Giám mục tốt thiên về cánh hữu, một vài Giám mục tốt thiên về cánh tả, nhưng đó là những Giám mục hơn là những nhà ý thức hệ, đó là những mục tử hơn là những nhà ý thức hệ. Và bí mật nằm ở đó. Câu trả lời cho câu hỏi của bạn là : Hội đồng Giám mục có thể khác nhau, đó là một tổ chức để giúp đỡ và đoàn kết, một biểu tượng của sự hiệp nhất. Nhưng ân sủng của Chúa Giêsu-Kitô được tìm thấy nơi mối tương quan giữa Giám mục và dân mình, giáo phận của mình.
Thưa Đức Thánh Cha, phá thai là một vấn đề được chính trị hóa cao ở Hoa Kỳ. Các Giám mục có nên ưu tiên phá thai hơn các vấn đề công bằng xã hội khác không ?
Về việc phá thai, tôi nói với bạn những điều mà tôi lặp lại bây giờ. Trong bất cứ cuốn sách phôi học nào, người ta nói rằng ngay trước tháng đầu tiên sau khi thụ thao, các cơ quan của thai nhi nhỏ bé và ADN đã được phác họa. Ngay cả trước khi người mẹ nhận ra điều đó. Vì thế, đó là một hữu thể nhân linh (être humain) sống động. Tôi không nói một nhân vị (personne), vì có một cuộc tranh luận về vấn đề này, nhưng là một hữu thể nhân linh. Và tôi tự đặt ra hai câu hỏi. Có đúng không khi loại bỏ một hữu thể nhân linh để giải quyết một vấn đề ?
Câu hỏi thứ hai : có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề ? Vấn đề, đó là khi thực tại giết người này trở thành một vấn đề chính trị. Hay khi một chủ chăn của Giáo hội rơi vào một phạm trù chính trị. Từ khi một vấn đề mất đi chiều kích mục vụ của nó, thì nó trở thành một vấn đề chính trị. Và điều đó trở thành chính trị hơn là mục vụ. Tức là theo bên này hay bên kia. Cái đó ở khắp nơi. Khi tôi thấy rằng một vấn đề như vấn đề này, một tội ác, có một cường độ chính trị cao, thì tôi nói rằng thiếu tính mục vụ trong cách đề cập vấn đề này. Dù là vấn đề phá thai này hay liên quan đến các vấn đề khác, chúng ta không được quên đi tính mục vụ : một Giám mục là một mục tử, một giáo phận là dân thánh của Thiên Chúa với vị mục tử của mình. Chúng ta không thể bàn nó như thể là một vấn đề dân sự.
Vấn đề là biết liệu Hội đồng Giám mục có nên coi cuộc đấu tranh chống phá thai như là vấn đề số một không, trong khi tất cả những vấn đề khác là thứ yếu…
Câu trả lời của tôi như sau : đó là một vấn đề mà Hội đồng Giám mục phải giải quyết nội bộ. Điều tôi quan tâm, đó là mối tương quan của Giám mục với dân của mình, tức là khía cạnh bí tích. Khía cạnh khác thuộc trật tự tổ chức chính trị, và các Hội đồng Giám mục đôi khi nhầm lẫn. Chỉ cần nhìn vào thế chiến thứ hai là đủ, một số lựa chọn của một số Hội đồng Giám mục là sai lầm về mặt chính trị và xã hội. Đôi khi, đa số thắng thế, điều này có thể công bằng hoặc không. Chúng ta hãy rõ ràng : một Hội đồng Giám mục thường nên bày tỏ ý kiến của mình về đức tin và các phong tục, nhưng nhất là về tổ chức giáo phận và những vấn đề tương tự. Phần bí tích của chức năng mục vụ là mối tương quan giữa mục tử và dân Thiên Chúa, giữa Giám mục và dân của ngài. Hội đồng Giám mục sẽ giúp tổ chức các lớp học, những gì họ làm là rất đáng khen ngợi, nhưng mục tử còn quan trọng hơn. Hơn cả quan trọng, tôi thậm chí có thể nói rằng khía cạnh bí tích là thiết yếu. Rõ ràng là mỗi Giám mục phải tìm kiếm tình huynh đệ với các Giám mục khác, điều đó rất quan trọng. Nhưng điều thiết yếu, đó là mối tương quan với dân của mình.
Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã ảnh hưởng nhiều đến tính khả tín của Giáo hội và những nỗ lực loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Những tiết lộ gần đây về các vụ lạm dụng do các Giám mục thực hiện đã làm gia tăng mối lo ngại về tính minh bạch. Vatican có thể làm gì để cải thiện tình trạng này ?
Một chút lịch sử. Cho đến cuộc khủng hoảng Boston, khi tất cả được đưa ra ánh sáng, trong Giáo hội, một số kẻ lạm dụng đã bị thay đổi chức vị. Người ta che đậy họ. Đó là cách nó diễn ra trong các gia đình ngày nay. Vấn đề lạm dụng tính dục là rất nghiêm trọng trong xã hội. Khi tôi gặp các chủ tịch của các Hội đồng Giám mục cách đây hai năm rưỡi, tôi đã yêu cầu số liệu thống kê chính thức : 42 đến 46 % các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hay láng giềng. Phía sau chúng ta thấy thế giới thể thao và giáo dục, và 3% là các linh mục Công giáo. Chúng ta có thể nói : « Cảm ơn Chúa, họ là rất ít ». Không, thậm chí là một người, thì đó vẫn là quái dị.
Sự ngược đãi trẻ em là một trong những điều kinh quái dị nhất. Phong tục là phong tục vẫn còn được dùng trong các gia đình hay trong một tổ chức khác : che đậy. Giáo hội đã đưa ra một chọn lựa : đó là không che đậy. Và từ đó, Giáo hội đã theo đuổi bằng cách thành lập các thủ tục pháp lý và Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên. Chính Đức Hồng y O’Malley, của Boston, đã có ý tưởng thể chế hóa điều đó trong Giáo hội. Khi những người trung thực nhìn thấy cách Giáo hội quan tâm đến sự quái dị này, thì họ thấy rằng Giáo hội là một chuyện, những thủ phạm lạm dụng trong Giáo hội là một chuyện khác, và họ bị Giáo hội trừng phạt. Đức Bênêđíctô XVI đã rất tài tình trong việc đưa ra những quyết định này. Đó là một vấn đề « mới », trong ngoặc kép, trong sự biểu hiện, nhưng là một vấn đề muôn thuở, vì nó đã luôn tồn tại. Trong thế giới ngoại giáo, việc sử dụng trẻ vị thành niên để mua vui đã luôn tồn tại. Một trong những điều khiến tôi quan tâm nhất trong lĩnh vực này là nội dung khiêu dâm trẻ em : nó có được quay phim trực tiếp không, nó được quay nơi quốc gia nào ? Chính quyền của quốc gia này đang làm gì để cho phép điều đó ? Đó là tội phạm, tội phạm. Giáo hội đảm nhận trách nhiệm về tội lỗi của mình và chúng ta, những tội nhân, tiếp tục tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi tôi tông du, tôi thường tiếp một phái đoàn các nạn nhân của các vụ lạm dụng. Một giai thoại : khi tôi ở Ailen, người ta xin tôi tiếp đón một nhóm các nạn nhân của các vụ lạm dụng. Họ có sáu hay bảy người và họ đến giống như vậy, lúc đầu tức giận và họ có lý. Tôi đã nói với họ : « Nghe này, chúng ta hãy làm điều gì đó, ngày mai tôi phải giảng lễ. Tại sao không chuẩn bị bài giảng cùng nhau, về vấn đề này ? ». Và rồi một điều tuyệt vời đã xảy ra, bởi vì điều vốn chỉ là một sự phản đối đã biến thành điều gì đó tích cực và tất cả họ đã chuẩn bị bài giảng với tôi vào ngày hôm sau. Đó là một điều tích cực, ở Ailen, một trong những nơi « nóng » nhất mà tôi từng tiếp xúc. Vậy Giáo hội phải làm gì ? Tiếp tục tiến về phía trước cách nghiêm túc và không xấu hổ.
Giáo hội tại Hoa Kỳ đã có một bước tiến lớn trong cuộc đấu tranh chống lại các vụ lạm dụng do các linh mục thực hiện. Tuy nhiên, dường như có ít minh bạch hơn khi một Giám mục bị cáo buộc…
Vâng, và tôi nghĩ rằng cần phải có nhiều minh bạch hơn ở đây. Nếu có ít minh bạch hơn, thì đó là một sai lầm.
…
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)
(Xem phần 2 ở đây)
Tags: Bí-tích, Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Hòa-bình, nữ giới, Phá thai, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO