BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 16. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÁO HỘI SƠ KHAI

Written by xbvn on Tháng Tư 30th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Thưa anh chị em, cầu nguyện là nền tảng cho động lực truyền giáo của cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem, là điểm quy chiếu cho mọi kinh nghiệm Kitô hữu khác. Trong Chúa Thánh Thần, cầu nguyện là nơi đối thoại với Chúa Cha qua sự trung gian của Chúa Kitô. Các thành viên của cộng đồng Kitô hữu đầu tiên – nhưng điều này cũng áp dụng cho ngày nay – nhận thấy rằng câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không kết thúc vào lúc Chúa lên trời, nhưng vẫn tiếp tục trong cuộc sống của họ và trong đời sống của Giáo hội. Chúa Thánh Thần nhắc nhớ về Chúa Kitô cho Giáo hội của Người qua lời cầu nguyện, vốn không phải chỉ là một ký ức, nhưng bằng cách làm cho Người hiện diện và hoạt động, thúc đẩy Giáo hội loan báo và phục vụ. Qua cầu nguyện, người Kitô hữu được đắm mình trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi người và muốn Tin Mừng được loan báo cho mọi người, và chính ngọn lửa Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho chứng tá và sứ mạng. Qua lời cầu nguyện, theo lời thánh Phaolô, người Kitô hữu sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mạng cho họ.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 25/11/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Những bước đầu tiên của Giáo hội trên thế giới được đồng hành bằng lời cầu nguyện. Các tác phẩm của các Tông đồ và trình thuật tuyệt vời của Sách Công vụ Tông đồ mô tả cho chúng ta hình ảnh của một Giáo hội đang lữ hành, một Giáo hội năng động, tìm thấy trong các cuộc gặp gỡ cầu nguyện nền tảng và động lực cho hoạt động truyền giáo. Hình ảnh cộng đoàn nguyên thủy ở Giêrusalem là điểm quy chiếu cho mọi kinh nghiệm Kitô hữu khác. Thánh Luca viết trong Sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (2, 42). Cộng đoàn kiên trì cầu nguyện.

Ở đây chúng ta tìm thấy bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống Giáo hội: thứ nhất, lắng nghe lời dạy của các tông đồ; thứ hai, duy trì sự hiệp thông hỗ tương; thứ ba, việc bẻ bánh và, thứ tư, là cầu nguyện. Những đặc điểm này nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội có một ý nghĩa nếu Giáo hội luôn hiệp nhất vững chắc với Chúa Kitô, nghĩa là trong cộng đoàn, trong Lời Chúa, trong Bí tích Thánh Thể và trong lời cầu nguyện. Đây là cách kết hợp chúng ta với Chúa Kitô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho lời nói và cử chỉ của Thầy; việc liên tục tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ sẽ giữ cho khỏi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân; việc bẻ bánh thể hiện bí tích về sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta: Người sẽ không bao giờ vắng mặt, trong Bí tích Thánh Thể, đó thực sự là Người. Người sống và đồng hành với chúng ta. Và cuối cùng, cầu nguyện, là không gian để đối thoại với Chúa Cha, qua Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.

Mọi sự trong Giáo hội phát triển bên ngoài những “tọa độ” này đều bị thiếu nền tảng. Để phân định một hoàn cảnh, chúng ta phải tự hỏi, trong hoàn cảnh này, bốn tọa độ này như thế nào: lời rao giảng, liên tục tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ – bác ái -, việc bẻ bánh – nghĩa là đời sống Thánh Thể – và cầu nguyện. Bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải được đánh giá dưới ánh sáng của bốn tọa độ này. Những gì không phù hợp với những tọa độ này sẽ bị mất đi tính giáo hội, không thuộc về Giáo hội. Chính Thiên Chúa tạo nên Giáo hội chứ không phải tiếng ồn ào của các công trình. Giáo hội không phải là một cái chợ; Giáo hội không phải là một nhóm doanh nhân đang tiến về phía trước với công việc kinh doanh mới này. Giáo hội chính là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu sai đến để quy tụ chúng ta lại với nhau. Giáo hội chính là công trình của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu, trong đời sống cộng đoàn, trong Thánh Thể, trong cầu nguyện. Và mọi thứ phát triển ngoài những tọa độ này đều bị thiếu nền tảng, giống như một ngôi nhà xây trên cát (x. Mt 7, 24). Chính Thiên Chúa tạo nên Giáo hội chứ không phải tiếng ồn ào của các công trình. Chính lời của Chúa Giêsu làm cho những nỗ lực của chúng ta tràn đầy ý nghĩa. Chính trong sự khiêm nhường mà tương lai của thế giới được xây dựng.

Đôi khi tôi cảm thấy rất buồn khi thấy một số cộng đoàn, với thiện chí, đã đi sai đường, bởi vì họ nghĩ rằng họ đang làm nên Giáo hội bằng những cuộc tụ họp, như thể đó là một đảng chính trị: đa số, thiểu số, người đó, người này, người kia nghĩ gì… “Nó giống như một thượng hội đồng, một hành trình thượng hội đồng mà chúng ta phải thực hiện”. Tôi tự hỏi: Chúa Thánh Thần ở đâu? Lời cầu nguyện ở đâu? Tình yêu cộng đoàn ở đâu? Thánh Thể ở đâu? Không có bốn tọa độ này, Giáo hội sẽ trở thành một xã hội nhân loại, một đảng chính trị – đa số, thiểu số –, người ta thực hiện những thay đổi như thể đó là một doanh nghiệp, theo đa số hay thiểu số… Nhưng đây không phải là Chúa Thánh Thần. Và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được đảm bảo chính xác bởi bốn tọa độ này. Để đánh giá một hoàn cảnh, liệu nó thuộc Giáo hội hoặc không thuộc Giáo hội, chúng ta hãy tự hỏi liệu có bốn tọa độ này không: đời sống cộng đoàn, cầu nguyện, Bí tích Thánh Thể… [lời rao giảng], cuộc sống trong bốn tọa độ này được phát triển như thế nào. Nếu thiếu điều đó, thì thiếu Chúa Thánh Thần, và nếu thiếu Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ là một hiệp hội nhân đạo, từ thiện, điều đó tốt, điều đó tốt, đó cũng là một đảng phái, có thể nói như vậy, thuộc về Giáo hội, nhưng không có Giáo hội. Và đây là lý do tại sao Giáo hội không thể phát triển với những điều này: Giáo hội phát triển không phải bằng chiêu dụ tín đồ, giống như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, nhưng bằng sự thu hút. Và ai thúc đẩy sự thu hút? Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên những lời này của Đức Bênêđíctô XVI: “Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ tín đồ, Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút”. Nếu thiếu Chúa Thánh Thần, trong khi đó là điều thu hút đến với Chúa Giêsu, thì không có Giáo hội. Có một câu lạc bộ bạn bè thân thiện, điều đó tốt, với những ý định tốt, nhưng không có Giáo hội, không có tính hiệp hành.

Khi đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta khám phá ra rằng động lực mạnh mẽ của việc loan báo Tin Mừng là những buổi hội họp cầu nguyện, nơi mà người tham dự trải nghiệm một cách sống động sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần chạm đến. Các thành viên của cộng đoàn đầu tiên – nhưng điều này vẫn luôn còn giá trị đối với chúng ta ngày nay – nhận thấy rằng câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không dừng lại ở thời điểm Chúa lên trời, nhưng vẫn tiếp tục trong cuộc sống của họ. Khi kể lại những gì Chúa đã nói và đã làm – lắng nghe Lời Chúa –, khi cầu nguyện để được hiệp thông với Người, mọi sự đều trở nên sống động. Lời cầu nguyện lan tỏa ánh sáng và hơi ấm: hồng ân Thánh Thần làm nảy sinh lòng nhiệt thành nơi họ.

Về vấn đề này, Sách Giáo lý có một cách diễn đạt rất phong phú. Nó nói như thế này: “Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc cho Hội Thánh đang cầu nguyện nhớ đến Đức Kitô như vậy, cũng dẫn đưa Hội Thánh đến chân lý trọn vẹn và khơi dậy những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò của Đức Kitô, mầu nhiệm ấy đang hoạt động trong đời sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh Người” (số 2625). Đây là công trình của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội: nhắc nhớ về Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói: Thánh Thần sẽ dạy dỗ và nhắc nhở anh em. Sứ mạng là nhắc nhớ về Chúa Giêsu, nhưng không phải như một bài tập trí nhớ. Các Kitô hữu đang bước đi trên con đường sứ mạng, nhắc nhớ về Chúa Giêsu khi họ làm cho Người hiện diện một lần nữa; và từ Người, từ Thánh Thần của Người, họ nhận được “nhiệt huyết” để ra đi, loan báo và phục vụ. Trong cầu nguyện, người Kitô hữu đắm mình trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng yêu thương mỗi người, vị Thiên Chúa này mong muốn Tin Mừng được rao giảng cho tất cả mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa cho tất cả mọi người, và nơi Chúa Giêsu mọi bức tường ngăn cách vĩnh viễn bị phá bỏ: như thánh Phaolô nói, Người là sự bình an của chúng ta, nghĩa là “Người đã liên kết đôi bên thành một dân tộc” (Êp 2, 14). Chúa Giêsu đã tạo nên sự hiệp nhất.

Vì vậy, đời sống của Giáo hội sơ khai được đồng hành bằng một chuỗi không ngừng các cử hành, hội họp, thời gian cầu nguyện cộng đoàn cũng như cá nhân. Và chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho các nhà giảng thuyết lên đường, và những người vì tình yêu Chúa Giêsu mà vượt biển, đối mặt với nguy hiểm, chịu nhục nhã.

Thiên Chúa ban tình yêu, Thiên Chúa xin tình yêu. Đây là cội rễ thần bí của mọi đời sống đức tin. Những Kitô hữu đầu tiên cầu nguyện, cũng như chúng ta, những người đến sau nhiều thế kỷ, đều sống cùng một kinh nghiệm. Chúa Thánh Thần làm sống động mọi sự. Và mỗi Kitô hữu không sợ dành thời gian cầu nguyện đều có thể biến những lời của thánh Phaolô Tông đồ thành của riêng mình: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Lời cầu nguyện làm cho bạn nhận thức được điều này. Chỉ trong sự thinh lặng thờ phượng, chúng ta mới cảm nghiệm được tất cả sự thật của những lời này. Chúng ta phải khám phá lại ý nghĩa của sự thờ phượng. Thờ phượng, thờ phượng Thiên Chúa, thờ phượng Chúa Giêsu, thờ phượng Chúa Thánh Thần. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: thờ phượng. Thầm lặng. Lời cầu nguyện thờ phượng là lời cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là khởi đầu và cùng đích của toàn thể lịch sử. Và lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh cho chứng tá và sứ mạng. Cảm ơn anh chị em.

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30