BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 20. NHÂN ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, kết thúc chu kỳ giáo lý về các tật xấu và nhân đức, chúng ta hãy dừng lại ở đức khiêm nhường. Mặc dù không nằm trong danh sách các nhân đức đối thần hay bản lề, nhưng nó vẫn là nền tảng của đời sống Kitô hữu. Đối mặt với thói kiêu ngạo đang thổi phồng chúng ta và khiến chúng ta tỏ ra hơn những gì mình là, sự khiêm tốn đưa chúng ta trở lại chiều kích đúng đắn của mình. Thánh Kinh cho chúng ta biết chúng ta là cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Trong số các Mối Phúc, Chúa Giêsu đặt đức khiêm nhường lên hàng đầu vì nó là cửa ngõ của mọi nhân đức. Thiên Chúa đã cho chúng ta những mẫu gương về điều này nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria: lời loan báo của Thiên thần được thực hiện tại một ngôi làng hẻo lánh ở Galilê cho một cô gái trẻ vô danh, bị ngạc nhiên trước điều đó, từ đó có bài Magnificat của Mẹ. Thiên Chúa bị thu hút bởi tâm hồn bé nhỏ của Mẹ. Trong một thế giới của vẻ bề ngoài, Mẹ vẫn kín đáo, sự khiêm nhường của Mẹ là sức mạnh vô địch cho phép Mẹ vẫn ở lại dưới chân thập giá trước cuộc thử thách về sự nhục nhã của Chúa Kitô. Khiêm nhường là tất cả, nó cứu chúng ta khỏi Ác Thần, nó là nguồn bình an cho Giáo hội và thế giới.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 22/5/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta sẽ kết thúc chu kỳ giáo lý này bằng cách nhìn vào một nhân đức không nằm trong bảy nhân đức bản lề và đối thần, nhưng lại là nền tảng của đời sống Kitô hữu: đó là nhân đức khiêm nhường. Nó là đại địch thủ của tội trọng nhất, tức là tội kiêu ngạo. Trong khi sự kiêu căng và ngạo mạn thổi phồng trái tim con người lên, khiến chúng ta tỏ ra hơn những gì chúng ta là, thì sự khiêm nhường khôi phục mọi thứ về chiều kích đúng đắn của nó: chúng ta là những thụ tạo tuyệt vời, nhưng chúng ta có giới hạn, có những phẩm chất và khiếm khuyết. Ngay từ đầu, Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và sẽ trở về cát bụi (x. Stk 3,19); quả thực, từ “khiêm tốn” bắt nguồn từ “humus”, tức là bùn đất. Tuy nhiên, ảo tưởng về sự toàn năng, vốn rất nguy hiểm, lại thường nảy sinh trong tâm hồn con người, và điều này gây cho chúng ta rất nhiều tổn hại.
Chỉ cần rất ít thời gian để giải phóng bản thân khỏi tính kiêu ngạo; chỉ cần chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao để lấy lại thước đo chính xác, như Thánh vịnh nói: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (8, 4-5). Khoa học hiện đại cho phép chúng ta mở rộng chân trời xa hơn rất nhiều và cảm nhận được mầu nhiệm xung quanh chúng ta, mầu nhiệm mà chúng ta đang sống nhiều hơn nữa.
Phúc cho ai giữ trong lòng ý thức này về sự nhỏ bé của mình! Họ được bảo vệ khỏi một thói xấu xí: thói kiêu ngạo. Trong Các Mối Phúc của mình, Chúa Giêsu bắt đầu từ chính họ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Đó là Mối Phúc thứ nhất, bởi vì nó là nền tảng của những Mối Phúc tiếp theo: quả thực, sự hiền lành, lòng thương xót và tâm hồn trong sạch đều xuất phát từ ý thức về sự nhỏ bé trong tâm hồn. Khiêm nhường là cửa ngõ dẫn tới mọi nhân đức.
Trong những trang đầu tiên của Tin Mừng, sự khiêm nhường và tinh thần nghèo khó dường như là nguồn gốc của mọi sự. Việc loan báo của thiên thần không xảy ra ở cửa thành Giêrusalem, nhưng tại một ngôi làng hẻo lánh ở Galilê, tầm thường đến mức người ta thường nói: “Từ Nadarét, có cái gì hay được?” (Ga 1, 46). Nhưng chính từ đó mà thế giới được tái sinh. Vai nữ chính được chọn không phải là một nữ hoàng nhỏ lớn lên trong sự cưng chiều, nhưng là một cô gái vô danh: Đức Maria. Chính Mẹ là người đầu tiên ngạc nhiên khi thiên thần mang đến lời loan báo của Thiên Chúa. Và trong bài thánh thi cầu nguyện của Mẹ, quả thật điều kỳ diệu này nổi bật lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 46-48) ). Có thể nói, Thiên Chúa bị thu hút bởi sự nhỏ bé của Đức Maria, trên hết là một tâm hồn nhỏ bé. Và Ngài cũng bị thu hút bởi sự nhỏ bé của chúng ta khi chúng ta chấp nhận nó.
Từ đây trở đi, Đức Maria sẽ cẩn thận để không chiếm sân khấu trung tâm. Quyết định đầu tiên của Mẹ sau khi được thiên thần truyền tin là đi giúp đỡ, đi phục vụ người chị họ của mình. Đức Maria tiến về vùng núi Giuđêa để thăm bà Êlisabeth: Mẹ giúp đỡ người chị họ trong những tháng cuối của thai kỳ. Nhưng ai nhìn thấy cử chỉ này? Không ai khác ngoài Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ dường như không muốn lộ diện từ sự kín đáo này. Như khi một người phụ nữ trong đám đông lên tiếng tuyên bố sự diễm phúc của Mẹ: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho con bú!” (Lc 11, 27). Nhưng Chúa Giêsu trả lời ngay: “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Ngay cả chân lý thiêng liêng nhất của đời Mẹ – là Mẹ Thiên Chúa – cũng không trở thành lý do để Mẹ khoe khoang trước mặt người ta. Trong một thế giới được đánh dấu bằng việc theo đuổi vẻ bề ngoài, tỏ ra mình hơn người khác, Đức Maria dứt khoát bước đi, bằng quyền năng duy nhất của ân sủng Thiên Chúa, theo hướng ngược lại.
Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Mẹ cũng đã trải qua những thời điểm khó khăn, những ngày mà đức tin của Mẹ tiến bước trong bóng tối. Nhưng điều này không bao giờ làm cho lòng khiêm nhường của Mẹ bị dao động, vốn là một nhân đức vững chắc nơi Đức Maria. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: khiêm nhường là một nhân đức vững chắc. Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Maria: Mẹ luôn nhỏ bé, luôn không tự coi mình là quan trọng, luôn tự do thoát khỏi mọi tham vọng. Sự nhỏ bé này của Mẹ là sức mạnh vô địch của Mẹ: chính Mẹ vẫn ở dưới chân thập giá, trong khi ảo tưởng về một Đấng Mêsia khải hoàn đã bị tan vỡ. Chính Đức Maria, trong những ngày trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sẽ quy tụ các môn đệ, những người đã không thể thức canh chỉ một giờ với Chúa Giêsu, và đã bỏ rơi Người khi cơn bão ập đến.
Thưa anh chị em, sự khiêm nhường là tất cả. Đó là điều cứu chúng ta khỏi Ác Thần và khỏi nguy cơ trở thành đồng lõa của hắn. Và sự khiêm nhường là nguồn gốc của hòa bình trên thế giới và trong Giáo hội. Ở đâu không có sự khiêm nhường, ở đó có chiến tranh, ở đó có bất hòa, ở đó có chia rẽ. Thiên Chúa đã nêu gương cho chúng ta về điều này nơi Chúa Giêsu và Mẹ Maria, vì phần rỗi và hạnh phúc của chúng ta. Và khiêm nhường chính là con đường, con đường dẫn đến ơn cứu độ. Cảm ơn anh chị em!
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA