ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI TRẢ TỰ DO CHO BÀ AUNG SAN SUU KYI

Written by xbvn on Tháng Chín 24th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tạp chí Công giáo Ý Civiltà Cattolica đăng tải các cuộc trò chuyện của Đức Phanxicô với các tu sĩ Dòng Tên mà ngài đã gặp ở Indonesia, Đông Timor và Singapore, như một phần trong chuyến tông du của ngài đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Ngài đưa ra lời kêu gọi ủng hộ nhà lãnh đạo Miến Điện, bị bắt vào năm 2021 sau cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện. Đức Phanxicô đã tiếp kiến con trai bà tại Rôma và cho biết ngài sẵn sàng đón tiếp bà tại Vatican.

Đức Thánh Cha tiếp kiến bà Aung San Suu Kyi vào tháng 5/2017

Tôi đã yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Tôi đã đón tiếp con trai bà ấy ở Rôma. Tôi đã đề nghị chào đón bà ấy trên lãnh thổ của chúng tôi tại Vatican.” Số phận của người đoạt giải Nobel Hòa bình và nhà lãnh đạo Miến Điện bị phế truất và cầm tù sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, và rộng hơn là số phận của Miến Điện trong cơn nội chiến vẫn là tâm điểm trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha, như lời kêu gọi này, được đưa ra trong cuộc trò chuyện của ngài với các tu sĩ Dòng Tên gặp nhau ở Indonesia, Đông Timor và Singapore, cho thấy. Đức Thánh Cha đã nói chuyện riêng với các anh em thuộc Dòng Tên của ngài trong ba cuộc gặp gỡ khác nhau, như một phần của chuyến hành hương dài ngày của ngài từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Như “truyền thống” ở cuối mỗi chuyến tông du, La Civiltà Cattolica, tạp chí lịch sử của Dòng Tên, hôm nay, thứ Ba ngày 24 tháng 9, công bố những đoạn trích lớn từ các cuộc trò chuyện của Đức Thánh Cha trong một bài báo có chữ ký của Cha Antonio Spadaro, Dòng Tên, Thứ trưởng của Bộ Văn hóa và Giáo dục.

Với các tu sĩ Dòng Tên từ các vùng lãnh thổ ngài đến thăm và các vùng lân cận, các linh mục địa phương hoặc các linh mục thừa sai từ hàng thập niên qua ở những nơi này, Đức Thánh Cha đã đề cập đến nhiều chủ đề.

Quan tâm đến người Rohingya và bà Aung San Suu Kyi

Liên quan đến Miến Điện, Đức Thánh Cha muốn nhắc lại rằng người Rohingya “gần gũi với trái tim ngài như thế nào”. Ngài đã gặp một số thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo này, những người bị phân biệt đối xử và là nạn nhân của đàn áp, trong chuyến đi tới Miến Điện và Bangladesh vào tháng 12 năm 2017. Ngài cũng đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi, người lúc đó là Thủ tướng. Sau đó, Đức Phanxicô đã trả lời vị tu sĩ Dòng Tên người Miến Điện, người đã hỏi ngài về niềm hy vọng. Ngài khẳng định rằng “không có câu trả lời chung cho câu hỏi của cha. Có những thanh niên tốt đang chiến đấu vì đất nước của họ. Ở Miến Điện ngày nay, cha không thể im lặng: phải làm gì đó!” ĐTC Phanxicô nói: “Tương lai đất nước của cha phải là một nền hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của tất cả mọi người, tôn trọng trật tự dân chủ cho phép mọi người đóng góp cho lợi ích chung”. Tiếp đến, ngài lặp lại yêu cầu trả tự do cho Aung San Suu Kyi, nhắc lại cuộc tiếp kiến ​​với con trai của bà ở Rôma. “Tôi đề nghị đón tiếp bà trên lãnh thổ của chúng tôi, ở Vatican. Vào thời điểm này, Bà (của Rangoon) là một biểu tượng. Và các biểu tượng chính trị phải được bảo vệ. Các bạn có nhớ người nữ tu quỳ gối và giơ tay lên trước mặt những người lính không? Sơ ấy đã đi khắp thế giới. Tôi cầu nguyện để các bạn, những người trẻ, cũng sẽ can đảm. Giáo hội ở nước bạn thật can đảm.”

Tai họa của nạn giáo sĩ trị

Đức Phanxicô cũng tập trung vào các vấn đề về giáo hội. Bắt đầu từ nạn giáo sĩ trị, luôn bị bêu xấu như một “tai họa”. Trả lời một tu sĩ Dòng Tên đến từ Dili, Đông Timor, Đức Phanxicô nhắc lại rằng nạn giáo sĩ trị “có ở khắp mọi nơi”. Ngài nói: “Ví dụ, ở Vatican có một nền văn hóa giáo sĩ mạnh mẽ mà chúng ta đang dần cố gắng thay đổi”. “Nạn giáo sĩ trị là một trong những phương tiện tinh vi nhất mà ma quỷ sử dụng”. Như thường lệ, Đức Thánh Cha trích dẫn Đức Hồng y Henri de Lubac và cuốn sách Méditations sur l’Église của ĐHY, trong đó ngài nói về “tính trần tục thiêng liêng”, nói rằng đó là “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, thậm chí còn tệ hơn cả thời kỳ của các Giáo Hoàng tư tình”. Đức Thánh Cha khẳng định: “Nạn giáo sĩ trị là tính thế tục lớn nhất trong hàng giáo sĩ. Văn hóa giáo sĩ là một văn hóa trần tục”.

Nghỉ ngơi bằng việc cầu nguyện

Lời khuyên của Đức Phanxicô cho sứ mạng của các tu sĩ ở Châu Á là rất nhiều, trước tiên bằng việc nhắc nhở đến những nhân vật lớn của Dòng Tên như Cha Pedro Arrupe và Matteo Ricci. Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến việc đi kèm với việc phục vụ bằng cầu nguyện, một điều cần thiết cơ bản. Khi trả lời vị tu sĩ Dòng Tên hỏi ngài làm cách nào để cầu nguyện giữa những ngày bận rộn, Đức Phanxicô giải thích rằng ngay cả đối với ngài, một vị Giáo hoàng, đó là một “nhu cầu”. “Tôi thực sự cần nó. Tôi dậy sớm vì tôi già rồi. Sau khi nghỉ ngơi, điều đó mang lại lợi ích cho tôi, tôi thức dậy vào khoảng 4 giờ, rồi lúc 5 giờ tôi bắt đầu cầu nguyện: tôi đọc phụng vụ giờ kinh và cầu nguyện với Chúa. Nếu lời cầu nguyện ít, có thể nói là “nhàm chán”, thì tôi lần hạt Mân Côi. Sau đó tôi đến Điện Tông Tòa để tiếp kiến. Tiếp đến, tôi ăn trưa và nghỉ ngơi một chút. Đôi khi tôi thầm cầu nguyện trước mặt Chúa. Tôi cầu nguyện, tất nhiên là tôi cử hành Thánh lễ. Vào buổi tối, tôi tiếp tục cầu nguyện. Điều rất quan trọng đối với việc cầu nguyện là đọc sách thiêng liêng vì chúng ta phải phát triển tâm linh của mình bằng những việc đọc sách tốt. Đơn giản, tôi cầu nguyện như thế… Đơn giản thôi, các cha biết không? Đôi khi tôi ngủ quên trong lúc cầu nguyện. Và điều đó, khi nó xảy ra, không phải là vấn đề. Đối với tôi, đây là dấu hiệu cho thấy rõ tôi ở với Chúa! Tôi nghỉ ngơi khi cầu nguyện. Đừng bao giờ rời bỏ cầu nguyện!

Tý Linh

(theo Salvatore Cernuzio – Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30