PHIM “MẬT NGHỊ HỒNG Y”: NHẬT BÁO “LA CROIX” PHÂN RÕ THẬT GIẢ TRONG KỊCH BẢN PHIM

Written by xbvn on Tháng Tư 29th, 2025. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Trong khi ngày diễn ra mật nghị bầu người kế nhiệm Đức Phanxicô đã được ấn định là ngày 7 tháng Năm, vào thứ Hai, ngày 28 tháng Tư, thì phim “Conclave” (Mật nghị Hồng y), một bộ phim của Edward Berger được phát hành vào tháng 12 năm 2024, đang trở nên phổ biến trở lại trong những ngày qua. Liệu nó có mô tả những khoảnh khắc lịch sử này một cách chân thực như vẻ bề ngoài của nó không? Nhật báo “La Croix” sẽ giúp bạn phân rõ thật giả.

Nó gây sốt trên các nền tảng phát trực tuyến và mạng xã hội. Trong khi Vatican vừa thông báo vào thứ Hai, ngày 28 tháng Tư rằng mật nghị Hồng y sẽ khai mạc vào thứ Tư, ngày 7 tháng Năm, thì Conclave, một bộ phim của Edward Berger phát hành vào tháng 12 năm 2024, đã trở nên phổ biến trở lại trong những ngày gần đây. Theo hãng truyền thông Variety, sau gần 1,2 triệu lượt xem tại Pháp, lượng người xem trực tuyến đã tăng 283% sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời.

Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Robert Harris, bộ phim đoạt giải Oscar này, theo hình thức bộ phim giật gân, kể về một Hồng y Lawrence hư cấu, do Ralph Fiennes thủ vai, có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử giáo hoàng tiếp theo. Liệu nó có mô tả những khoảnh khắc lịch sử này một cách chân thực như vẻ bề ngoài của nó không? La Croix sẽ giúp bạn phân rõ thật giả.

Phòng của cố giáo hoàng có được niêm phong không?

Vào đầu bộ phim, căn phòng của cố giáo hoàng đã bị niêm phong. Quả thế, cảnh tượng tương tự đã thực sự diễn ra khi Đức Phanxicô qua đời cách đây một tuần. Theo Vatican News, “các con dấu sau đó được dán trên cửa căn hộ của Đức cố Giáo hoàng ở tầng ba của Dinh Tông tòa“, nơi ở chính thức của Đức Giáo hoàng, và “trên cửa căn hộ ở tầng hai của Nhà Thánh-Marta“, nơi Đức Giám mục Rôma sinh sống. Truyền thống cổ xưa này mang tính biểu tượng và tượng trưng cho một chu kỳ đang kết thúc.

Trong phim, cũng như ngoài đời, chiếc nhẫn ngư phủ (trong tiếng Latinh là anulus piscatoris), biểu tượng cho mối liên hệ trực tiếp của Đức Giáo hoàng với chức vụ kế nhiệm Thánh Phêrô, cũng bị phá vỡ để ngăn chặn mọi mưu toan làm giả tài liệu bằng cách chiếm đoạt con dấu của người đã khuất.

Một hồng y vô danh có thể tham gia mật nghị không?

Trong bộ phim hư cấu này, một Hồng y, không được các đồng nghiệp biết đến vì được cố giáo hoàng bí mật bổ nhiệm, đã gây bất ngờ khi đến Vatican để tham gia mật nghị. Thủ tục này có từ thế kỷ 15 và thực sự tồn tại: đó là một bổ nhiệm in pectore, trong tiếng Latin có nghĩa là “trong bí mật của trái tim (giáo hoàng)“. Mục tiêu? Để bảo vệ những người của Giáo hội khỏi nguy cơ bị đàn áp tại quốc gia nơi họ cư trú, đây là trường hợp của nhân vật hư cấu này, hồng y Benitez, cư trú tại Kabul, Afghanistan.

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Đức Gioan-Phaolô II đã sử dụng đặc quyền này một cách chiến lược. Năm 1979, ngài bổ nhiệm Ignatius Kung Pin-mei (Trung Quốc), sau đó vào năm 1998 là Marian Jaworski (Ucraina) và Janis Pujats (Latvia) làm Hồng y in pectore, để tránh sự đàn áp của chế độ cộng sản lúc đó đang nắm quyền.

Tuy nhiên, để tham gia mật nghị, một hồng y thực sự phải được tấn phong trong một công nghị, và đây không phải là trường hợp của hồng y Benitez thì không, người chỉ có “thư bổ nhiệm” do cố giáo hoàng ký.

Có sử dụng công nghệ để cô lập các Hồng y không?

Conclave là một từ bắt nguồn từ tiếng Latinh cum clave (“với một chìa khóa”), hay nói cách khác là “khóa cửa”. Trong phim truyện, hai biện pháp quyết liệt được thực hiện để ngăn chặn các hồng y bị theo dõi hoặc rò rỉ thông tin ra bên ngoài: “thiết bị gây nhiễu điện tử” và các tấm bảng trên cửa kính nhà nguyện, để ngăn những người tò mò “sử dụng tia laser để đọc rung động của cửa kính” và cố gắng nghe những gì đang được nói.

Trong mật nghị năm 2013, một hệ thống gây nhiễu đã được đưa vào sử dụng để vô hiệu hóa điện thoại và máy tính bảng. Trong khi các cửa sổ Nhà nguyện Sistine không được che, thì các cửa sổ phòng ngủ của các Hồng y ở Nhà Thánh-Marta bị che lại. Ngay từ mật nghị năm 2005, người ta cũng đã lo ngại về việc sử dụng tia laser siêu nhỏ bên ngoài, như một bài báo vào thời điểm đó trên kênh truyền thông Mỹ NBC đã chứng minh.

Giáo hội có chia rẽ giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ không?

Phim Conclave có sự góp mặt của một số nhân vật có khuynh hướng rất mạnh mẽ, chẳng hạn như hồng y Aldo Bellini (do Stanley Tucci đóng vai), một người cấp tiến, Goffredo Tedesco (Sergio Castellitto đóng vai), người đại diện cho phe truyền thống hơn, và Joshua Adeyemi (Lucian Msamati đóng vai), một người bảo thủ, được coi là ứng cử viên được yêu thích nhất.

Bộ phim do đó đã châm biếm tình hình bằng cách mô tả Hồng y đoàn như một chiến trường giữa phe “tự do” và “bảo thủ“, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Nhất là, một giáo hoàng không thể được bầu nếu không có đa số hai phần ba số hồng y cử tri, điều này tạo thuận lợi cho kết quả bằng sự đồng thuận.

Trở thành Giáo hoàng, một vấn đề giới tính?

Phần kết phim Conclave đã gây ra tranh cãi: vị hồng y hư cấu của Kabul, được bầu sau một bài phát biểu đầy sức mạnh, hóa ra lại là một người liên giơi tính, sinh ra với cả đặc điểm sinh lý của nam và nữ.

Vậy, một người liên giới tính có thể trở thành Giáo hoàng không? Giáo hội Công giáo nêu rõ, nếu người kế vị Thánh Phêrô đã được chọn từ nhiều thế kỷ qua trong số các hồng y cử tri, thì chỉ cần là một “người nam đã được rửa tội“, “18 tuổi trở lên” và “độc thân” là đủ để được bầu. Vì vụ việc này có lẽ chưa bao giờ xảy ra, nên khó có thể nói về tính khả tín của kịch bản cuối cùng này.

Tý Linh

(theo Charlotte de Frémont, nhật báo La Croix)

—————————–

Xem thêm bài Ba sai lầm của phim Conclave ở đây.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30