ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
Khi mật nghị diễn ra vào ngày 7 tháng Năm, Aleteia cung cấp thông tin về một trong những Hồng y cử tri có tiếng nói đáng được quan tâm. ĐHY Pietro Parolin, 70 tuổi, là Quốc vụ khanh Tòa Thánh từ năm 2013 và là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc nhất của Vatican. Là người kiến tạo chủ nghĩa đa phương, quen thuộc với các cơ quan hành chính của Vatican, ngài thể hiện tính liên tục ôn hòa với triều đại của Đức Phanxicô. Mặc dù chưa bao giờ điều hành một giáo phận, vị giáo sĩ người Ý này có tố chất của một nhà đàm phán, có kinh nghiệm trong việc cân bằng cán cân ở Rôma, có thể trấn an một Giáo triều bị lay động sau mười năm cải cách.
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh kể từ mùa Thu năm 2013, là nhân vật trung tâm trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Là một dạng “Thủ tướng” của Đức Giáo hoàng, ngài thường được nhắc đến trong số “papabili”. Là một nhà ngoại giao được các cơ quan hành chính của Vatican đánh giá cao, ngài có hiểu biết tinh tế về việc quản trị Giáo triều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cố gắng cải cách. Nếu được bầu vào ngai tòa Phêrô, ngài có thể thể hiện tính liên tục với Đức Phanxicô trong khi tìm cách xoa dịu một Giáo hội phần nào bị đảo lộn bởi một triều đại giáo hoàng với những cải cách toàn diện.
Sinh ngày 17 tháng 1 năm 1955 tại Schiavon, Veneto, Pietro Parolin lớn lên trong một gia đình rất sùng đạo. Cha của ngài, một thương gia, qua đời năm 1965 trong một vụ tai nạn xe hơi, và mẹ ngài, một giáo viên, qua đời vào ngày 31 tháng 8 năm 2024. Bà Ada Miotti đặc biệt đồng hành cùng con trai mình, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vào năm 2018 trong chuyến thăm làng Salcedo, nơi bà đã dạy học vào những năm 1950. Trong bài giảng tại Thánh lễ an táng mẹ mình vào ngày 3 tháng 9 năm 2024 tại Schiavon, Đức Hồng y Parolin đã tưởng tượng mẹ mình “được chào đón tại cổng Thiên Đàng, không chỉ bởi Đấng Cứu Thế, bởi Đức Trinh Nữ Maria mà bà rất gắn bó và bởi Thánh Phêrô, mà còn bởi ba người” trong số đó có cha của ngài, ông Luigi: “Bà tâm sự với tôi rằng bà đã yêu ông ấy, bị ấn tượng bởi cách ông cầu nguyện trong nhà thờ này, điều mà ngày nay không còn nữa. Đó là một câu chuyện đẹp và không may là ngắn ngủi về tình yêu vợ chồng. Hôm nay, họ gặp lại nhau sau 59 năm, trong một cái ôm mà không ai có thể ngưng lại và sẽ tồn tại mãi mãi”, Đức Hồng y tâm sự, chia sẻ một câu chuyện riêng hiếm hoi về lịch sử gia đình và thân mật của mình.
Tuổi thơ của Pietro Parolin được đánh dấu bằng việc ngài phục vụ trong ca đoàn giáo xứ, và bởi hình ảnh của cha xứ, Augusto Fornasa, người đã hướng dẫn chàng trai trẻ mồ côi cha đến với ơn gọi linh mục. Ngài vào chủng viện năm 1969, khi mới 14 tuổi, và được thụ phong linh mục năm 1980 cho giáo phận Vicenza. Sau đó, ngài phục vụ trong hai năm với tư cách là cha xứ tại giáo xứ Sainte Trinité ở Schio, một thị trấn miền núi, nơi cựu nô lệ người Sudan Josephine Bakhita đã sống gần 50 năm. Josephine Bakhita trở thành nữ tu vào cuối thế kỷ XIX và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 2000.
Sự khởi đầu trong ngoại giao Tòa Thánh
Từ năm 1983 đến năm 1986, cha Pietro Parolin được cử đến Rôma để học giáo luật, Giám mục của ngài có kế hoạch bổ nhiệm ngài làm thẩm phán tại tòa án giáo phận và chuyên về các vấn đề gia đình. Nhưng cuối cùng, vị linh mục trẻ người Ý này lại hướng đến nền ngoại giao của Tòa Thánh, theo đuổi con đường học vấn tại Học viện ngoại giao trong khi vẫn bảo vệ luận án tại Đại học Gregorian về Thượng hội đồng Giám mục.
Ngày 1 tháng 7 năm 1986, ngài chính thức phục vụ hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh. Hai nhiệm vụ đầu tiên của ngài là Nigeria, từ năm 1986 đến năm 1989, và sau đó là Mexico từ năm 1989 đến năm 1992. Với tư cách là thư ký của đại diện giáo hoàng tại Mexico, vị giám chức trẻ tuổi, người đã trở thành “Đức Ông” khi mới 33 tuổi vào năm 1988, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Mexico và Tòa Thánh và trong việc công nhận quyền tự do tôn giáo trong Hiến pháp mới. Giáo hội Mexico sau đó đã giành được sự công nhận về mặt xã hội và pháp lý mà họ đã mất kể từ đầu thế kỷ XX. Sau thành công to lớn này, Đức ông Parolin đã trở lại Vatican trong một thời gian dài kéo dài 17 năm, trong thời gian đó, ngài được biết đến vì sự hiệu quả và tài ngoại giao khéo léo….
Từ năm 1992 đến năm 2002, Đức ông Parolin được phân công vào bộ phận quan hệ với các quốc gia, đặc biệt giải quyết các hồ sơ liên quan đến Tây Ban Nha và Ý. Sau đó, từ năm 2002 đến năm 2009, trong những năm cuối triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và đầu triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíct XVI, ngài giữ chức vụ chiến lược là Thứ trưởng Bộ Quan hệ với các quốc gia.
Người xích lại gần với Việt Nam và Trung Quốc
Chức vụ “Thứ trưởng Bộ Ngoại giao” này sẽ khiến ngài phải theo đuổi một số hồ sơ nhạy cảm, đáng chú ý là cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân, khiến ngài phải thực hiện một chuyến đi kín đáo tới Bắc Triều Tiên, một điểm đến chưa từng có tiền lệ đối với một quan chức Vatican vào thời điểm đó. Ngài đã đóng góp vào sự hòa giải thành công giữa Tòa Thánh và Việt Nam, một quốc gia đã tìm được sự thỏa hiệp về hồ sơ bổ nhiệm giám mục. Dưới sự thúc đẩy của ngài, các cuộc trao đổi ngoại giao được tăng cường, và một cựu chủ tịch nước Việt Nam thậm chí đã đến Vatican dịp ngài được tấn phong Hồng y vào năm 2014. Gần mười năm sau, vào tháng 7 năm 2023, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp đón Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Vatican. Sau đó, Hà Nội và Rôma chính thức công bố việc ký kết “Thỏa thuận về quy chế đại diện thường trú của Giáo hoàng” và văn phòng của vị đại diện tại Việt Nam. Bước đi này được ca ngợi là một bước tiến, mặc dù quan hệ ngoại giao vẫn chưa được bình thường hóa hoàn toàn.
Mặc dù chế độ vẫn còn mơ hồ về tự do tôn giáo và xung đột giữa Giáo hội và Nhà nước vẫn tiếp diễn, đặc biệt là về quyền sở hữu một số đất đai, nhưng đạo Công giáo ở Việt Nam đã lấy lại được sự hiện diện và sức sống nhất định, thể hiện rõ nhất qua nhiều ơn gọi tu sĩ và linh mục. Với tư cách là Thứ trưởng, Đức ông Parolin cũng đã đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đóng góp vào việc soạn thảo Bức thư gửi người Công giáo Trung Quốc được công bố vào năm 2007. Văn kiện này là một trong những hành động mạnh mẽ của Đức Bênêđíctô XVI đối với gã khổng lồ châu Á, nhưng cung giọng của bản văn này đã bị Đức Hồng y Trần Nhật Quân, khi đó là Giám mục Hồng Kông, chỉ trích mạnh mẽ, người đã cáo buộc văn bản này có cách tiếp cận quá hòa giải đối với Bắc Kinh.
Sứ thần đối mặt với sự lệch lạc của chủ nghĩa Chavism
Việc bổ nhiệm Đức cha Parolin làm Sứ thần Tòa thánh tại Venezuela vào năm 2009 được một số nhà quan sát hiểu là một cách đẩy ngài xa khỏi Vatican, nhưng kinh nghiệm này đã chứng tỏ là cần thiết để vị Giám mục kín đáo này có thể đảm nhận vai trò của một người trung gian. Được chính Đức Bênêđíctô XVI tấn phong làm giám mục, ngài được phái đến Caracas để cố gắng hướng tới sự hiệp nhất trong một Giáo hội đang bị chia rẽ giữa những người ủng hộ chế độ và những người chống đối. Cho đến năm 2013, Đức cha Parolin đã thực hiện nhiệm vụ của mình tại đất nước phức tạp này, được đánh dấu bằng sự lệch hướng dân túy và độc đoán của Tổng thống Hugo Chavez, người có mối quan hệ nổi tiếng là đầy sóng gió với hàng giám mục. Đức cha Parolin, bằng sự khéo léo ngoại giao của mình, đã can ngăn được tổng thống không thành lập một Giáo hội quốc gia tách biệt khỏi Rôma. Đức Sứ thần cũng để lại ấn tượng với sự nhạy bén trong mục vụ và quan hệ, không ngần ngại đến thăm những giáo xứ xa xôi nhất, ngay cả ở những vùng núi và rừng rậm.
Chính nhờ thành công này mà ngài được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh vào ngày 31 tháng 8 năm 2013, sau nhiều tuần ngài được công bố là ứng cử viên sáng giá cho vị trí này. Phát biểu với báo chí Venezuela, ngài bày tỏ niềm vui khi được làm việc cho vị Giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ Latinh và cho biết ngài muốn hướng tới “dân chủ hóa” Giáo hội. Vắng mặt trong nghi thức chia tay của Đức Hồng y Bertone vào ngày 15 tháng Mười vì lý do sức khỏe, cuối cùng ngài đã đảm nhiệm nhiệm vụ của mình vào cuối năm 2013, trở thành “Thủ tướng” 59 tuổi trẻ nhất của Đức Giáo hoàng từ một thế kỷ qua.
Quốc vụ khanh Tòa Thánh và những cải cách của Đức Phanxicô
Được phong Hồng y trong công nghị Hồng y đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 22 tháng 2 năm 2014, ngài gia nhập C9, Hội đồng Hồng y, vài tháng sau đó, trong đó ngài tìm cách kiềm chế nhiệt huyết cải cách của Hồng y Pell, Tổng trưởng Văn phòng Kinh tế. Đặc biệt, ngài sẽ cố gắng duy trì quyền tự chủ về tài chính của Phủ Quốc vụ khanh, mà cuối cùng sẽ bị mất trong quá trình phân xử do Đức Giáo hoàng Phanxicô thực hiện vào năm 2020, khi quyền kiểm soát các quỹ sau đó được chuyển giao cho APSA (Cơ quan Quản lý Di sản của Tòa Thánh). Vụ bê bối tòa nhà ở London, vụ bê bối tài chính lớn của triều đại giáo hoàng đã dẫn đến việc kết án cánh tay phải trước đây của ngài, Đức Hồng y Angelo Becciu, đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngài.
Tuy nhiên, Đức Hồng y Parolin vẫn đảm nhận trách vụ điều phối với lòng trung thành trong suốt triều đại giáo hoàng, thể hiện tính liên tục của một Giáo triều Rôma thường bị lay động bởi các quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ở cấp độ giáo thuyết, đôi khi ngài đưa ra những soi sáng khi các giám mục giải thích quá mức cách tiếp cận mục vụ do Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra. “Con đường công nghị [của Đức] đang đưa ra những quyết định không hoàn toàn phù hợp với giáo thuyết hiện hành của Giáo hội”, ngài tuyên bố vào đầu năm 2023, sau mong muốn được nêu rõ của người Đức về việc thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đạo đức tình dục và gia đình. Sau cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra do tuyên ngôn Fiducia Supplicans cho phép thực hiện một hình thức chúc lành cho các cặp đôi đồng giới, Đức Hồng y Parolin đã khéo léo cho biết rằng cần phải đào sâu thêm. Một số người cho biết họ cảm thấy ngài khó chịu khi phải đối mặt với một văn bản có thể gây ra sự nhầm lẫn và thể hiện sự bất hòa trong Giáo hội Công giáo.
Một Hồng y đi khắp thế giới
Năng lực của Đức Hồng y Parolin được thể hiện rõ ràng nhất trên trường quốc tế. Di động hơn nhiều so với những người tiền nhiệm, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh tham gia nhiều cuộc họp quốc tế, bao gồm COP21 tại Paris năm 2015, COP26 tại Glasgow năm 2021 và COP28 tại Dubai năm 2023, cũng như nhiều cuộc họp của Liên hợp quốc và UNESCO, thậm chí cả các cuộc họp tại Davos và cuộc họp của nhóm Bilderberg gây tranh cãi. Ngài củng cố vị thế của Tòa Thánh tại các tổ chức Liên hợp quốc bằng cách đưa chủ nghĩa đa phương trở thành trục cơ bản của ngoại giao Tòa Thánh.
Ngoài sự hiện diện có hệ thống trong các chuyến đi của Đức Giáo hoàng, Đức Hồng y Parolin còn thực hiện nhiều chuyến đi đến nhiều quốc gia khác nhau như Nga, Belarus, Ucraina, Moldova, Cameroon, Thụy Sĩ, Công quốc Monaco và Pháp trong nhiều dịp khác nhau. Một số chuyến đi của ngài cũng cho phép ngài đánh dấu địa hình trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng: Iraq, Madagascar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Papua New Guinea…
Được đánh giá cao về kỹ năng tương quan và sự điềm tĩnh, Đức Hồng y Parolin đã mang lại tầm nhìn đáng kể cho Tòa Thánh trong quan hệ quốc tế. Ngài đã đến giải cứu Đức Giáo hoàng Phanxicô khi Đức Thánh Cha suýt gây ra một sự cố ngoại giao, như vào tháng 11 năm 2023 khi vị Giáo hoàng người Argentina làm thất vọng một phái đoàn Israel gồm những người thân của các con tin và nạn nhân của Hamas ở Gaza….
Mối liên hệ với Đức Gioan Phaolô I và Hồng y Silvestrini
Trong những năm học tại chủng viện, Pietro Parolin chịu ảnh hưởng của Đức Hồng y Albino Luciani, Thượng phụ Venice từ năm 1969 đến năm 1978 trước khi được bầu vào ngài tòa Phêrô dưới tông hiệu là Gioan Phaolô I. Do đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hợp lý khi bổ nhiệm Đức Hồng y Parolin làm người đứng đầu Quỹ được thành lập vào năm 2020 để tôn vinh ký ức về vị Giáo hoàng ngắn ngủi này, người chỉ trị vì trong 33 ngày, nhưng “ký ức” và “sứ điệp” của ngài vẫn “rất thời sự “, ĐHY Quốc vụ khanh lúc đó đã nhấn mạnh trên tờ Osservatore Romano.
Một nhân vật trung tâm khác đóng vai trò xây dựng việc đào tạo của Pietro Parolin trong những năm tháng hình thành của ngài tại Rôma là Hồng y Achille Silvestrini (1923-2019). Với tư cách là Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia từ năm 1979 đến năm 1988, Đức cha Silvestrini đã ủng hộ chính sách Ostpolitik của Đức Hồng y Casaroli, một cách tiếp cận tương đối hòa giải đối với các chế độ cộng sản, điều này dường như trái ngược với sự chỉ trích có hệ thống và mang tính ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II đối với chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, Đức Hồng y Parolin nhận lấy mối liên hệ này, đặc biệt là trong cách tiếp cận của ngài đối với Việt Nam, Trung Quốc và Nga, với những kết quả tương phản.
Tại một hội nghị ở LUMSA tại Rôma vào tháng 4 năm 2022, hai tháng sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công vào Ucraina, Đức Hồng y Parolin đã kêu gọi một hội nghị Helsinki mới, liên quan đến hội nghị thượng đỉnh mà, vào năm 1975, đã cho phép thiết lập được quy chế cho quan hệ Đông-Tây, và lúc đó, ngoại giao Vatican, dưới sự lãnh đạo của Đức cha Casaroli, đã đóng vai trò động lực. Sự gần gũi giữa Đức cha Parolin và Đức Hồng y Silvestrini sẽ được thể hiện qua việc quản lý Villa Nazareth, một trường đào tạo dành cho sinh viên học bổng trẻ tuổi, nơi mà luật gia Giuseppe Conte, người đứng đầu chính phủ Ý từ năm 2018 đến năm 2021, sẽ tốt nghiệp.
Một người phục vụ trung thành có thể trấn an Giáo triều
Sự nghiệp của Hồng y Parolin kể từ năm 2013 khiến ngài trở thành một trong những nhân vật chủ chốt trong mật nghị tương lai, có khả năng thể hiện một tính liên tục nào đó với triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, nhưng cũng có khả năng trấn an Giáo triều Rôma, vốn có phần lay động trước vị Giáo hoàng người Argentina, và đội ngũ nhân viên của vị Giáo hoàng này sẽ cần sự khéo léo và ngoại giao để chấp nhận các cải cách. Là một nhân vật trung tâm trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, Đức Hồng y Parolin vừa là người mang đến cho Phủ Quốc vụ khanh sự hiện diện năng động trong quan hệ quốc tế, đặc biệt thông qua nhiều chuyến đi của ngài, vừa là người đồng hành cùng sự xóa mình đi của cơ quan này, vốn từng có quyền tự chủ tài chính rất rộng rãi và giờ đây chỉ còn đóng vai trò điều phối giữa các bộ.
Ngoài những vấn đề nội bộ trong Giáo triều, điểm gây tranh cãi và chưa thành công nhất trong hành động của ngài vẫn là ảnh hưởng của ngài đối với “vụ đánh cược với Trung Quốc” của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Thỏa thuận tạm thời năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục, mà ngài là một trong những người xây dựng, dường như chưa mang lại tất cả những thành quả như mong đợi: quyền kiểm soát của chế độ đối với các cộng đồng Kitô hữu dường như đã được tăng cường.
Vào năm 2025, sau một số chuyến công du quốc tế, đặc biệt là đến Na Uy và Burkina Faso, Đức Hồng y Parolin đã thấy mình ở trong một vị trí đặc biệt trong thời gian Đức Giáo hoàng người Argentina, 88 tuổi, nhập viện. Với lòng trung thành và sự thận trọng, Đức Quốc vụ khanh Tòa Thánh đảm bảo một hình thức “nhiếp chính” về mặt quan hệ quốc tế của Tòa Thánh, đặc biệt là khi tiếp đón tổng thống Litva và Ba Lan tại Vatican, và điện đàm với Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky. Ngài cũng tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance vào ngày 19 tháng Tư, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hàng giám mục Hoa Kỳ và chính quyền Trump. Biết rằng mình đang bị dò xét kỹ, trong những tháng gần đây, trước khi Đức Phanxicô qua đời, ngài đã rất cẩn thận để không thể hiện mình quá nhiều và từ chối mọi bầu không khí trước mật nghị bằng cách đảm bảo rằng sự hồi phục của Đức Giáo hoàng là “điều duy nhất quan trọng“. Bài giảng của ngài vào ngày 2 tháng Tư, trong thánh lễ kỷ niệm 10 năm ngày phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, được coi là góp phần tạo nên hình ảnh của một người đảm bảo sự lôgic của tính liên tục giữa các triều đại giáo hoàng.
——————————
Tý Linh lược dịch
(theo Aleteia)
Tags: các thánh-nhân vật, curie, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”
- ĐHY FERNANDEZ : ĐỨC PHANXICÔ, TẤM GƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LAO ĐỘNG QUẢNG ĐẠI
- ĐỨC CHA CACCIA: TẠI LIÊN HỢP QUỐC, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÃ TẠO ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN”
- ĐHY SANDRI: ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LẠI DI SẢN VỀ SỰ PHỤC VỤ VÀ TẦM NHÌN
- LỊCH SỬ MẬT NGHỊ HỒNG Y, TỪ THỜI TRUNG CỔ ĐẾN NGÀY NAY
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 7: CÁC HỒNG Y XIN CÁC TÍN HỮU CẦU NGUYỆN
- TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC TƯỞNG NHỚ ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y CÔNG NHẬN QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA TẤT CẢ CÁC HỒNG Y CỬ TRI TRONG MẬT NGHỊ
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 6: MẬT NGHỊ PHẢI MỞ RA CHO SỰ TỰ DO CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- ĐHY GAMBETTI : ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ MỞ GIÁO HỘI RA CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
- MẬT NGHỊ: AI SẼ BẦU GIÁO HOÀNG TIẾP THEO
- TÍNH HIỆP HÀNH THEO ĐỨC PHANXICÔ
- CÁC HỒNG Y THÔNG BÁO THÁNH LỄ TIỀN MẬT NGHỊ
- HỒNG Y BECCIU SẼ KHÔNG THAM DỰ MẬT NGHỊ HỒNG Y