ÁN PHONG PHONG CHÂN PHƯỚC TỐN BAO NHIÊU TIỀN?

Written by xbvn on Tháng Bảy 2nd, 2024. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Từ công việc nghiên cứu của giáo phận đến các vấn đề ngoại giao của Rôma, án phong chân phước kéo dài và tốn kém đối với các giáo phận.

Vào tháng 5 năm 2023, các giám mục Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chân phước cho Đức Hồng y Henri de Lubac, nhà thần học Dòng Tên lớn của thế kỷ XX, người có ảnh hưởng sâu sắc đến Công đồng Vatican II và tư tưởng của Giáo hội đương thời. Một năm sau, Rôma cũng bật đèn xanh và một Ủy ban đã được ủy quyền bởi Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, người chủ trì Hiệp hội Quốc tế Lubac, và Đức Cha Olivier de Germay, Tổng Giám mục Lyon, giáo phận đã chính thức mở án phong chân phước cho ngài. Nhiệm vụ của Ủy ban này là gì? Từ đây cho đến cuối năm 2024, việc thành lập một chiến dịch huy động tài chính từ cộng đồng sẽ cho phép chi trả cho quá trình này. Bởi vì thủ tục rất tốn kém, từ nghiên cứu đầu tiên đến nộp hồ sơ cho văn phòng ở Rôma, nơi chịu trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ.

Tài trợ cho việc nghiên cứu

Theo tính toán đầu tiên, chúng ta thấy chi phí điều tra vốn sẽ cho phép cấu thành hồ sơ của ứng viên. Thực sự, đây là vấn đề nghiên cứu các nhân đức đối thần và luân lý của chân phước tương lai, đòi hỏi phải có công việc nghiên cứu lịch sử và thu thập các chứng từ. Số lượng – và do đó là chi phí – của công việc thu thập tài liệu này sẽ phụ thuộc vào công việc, thời gian tồn tại hoặc những tranh cãi mà nó có thể gây ra.

Emmanuel Tourpe, giáo sư triết học ở Strasbourg và là điều phối viên của chiến dịch huy động tài chính cộng đồng cho án phong của ĐHY de Lubac, giải thích: “Thông thường, hồ sơ được đảm nhận bởi một giáo phận hoặc một hội dòng, nơi chỉ định một tu sĩ hoặc ít nhất là một người nào đó, trong giáo phận, đã được trả thù lao, để cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu”. Trong trường hợp của tiến trình phong chân phước này, hoàn cảnh là “rất đặc biệt. Bởi vì hóa ra chuyên gia giỏi nhất về Đức Hồng y de Lubac lại là một nữ giáo dân.” Nếu hồ sơ được giáo phận Lyon chính thức đảm nhận, thì công việc biên soạn hồ sơ được giao cho Marie-Gabrielle Lemaire, nhà nghiên cứu thần học tại Đại học Namur, Bỉ.

Emmanuel Tourpe cho rằng vì nhà nghiên cứu này không được giáo phận Lyon trả thù lao, nên đối với bà và Ủy ban, vấn đề là tìm nguồn tài chính để trả “tương đương với một nửa thời nghiên cứu nửa thời gian trong ba năm”. Nhưng ủy ban đã phải hạ thấp tham vọng của mình. Hiện tại, chiến dịch huy động tài chính dự kiến ​​số tiền là 38.000 €. Marie-Gabrielle Lemaire lưu ý: “Đủ để đáp ứng nhu cầu của sáu tháng nghiên cứu vào năm 2025, trong thời gian đó chúng tôi sẽ cố gắng tiến bộ nhiều nhất có thể”.

45.000 € phí hồ sơ

Sau khi hồ sơ ứng viên đã được hoàn tất và giai đoạn cấp giáo phận kết thúc, hồ sơ sẽ được giao cho cáo thỉnh viên, ở Rôma. Augustin Mohrer, giáo sư kinh tế và tác giả cuốn sách La Fabrique des saints, giải thích: “Cáo thỉnh viên là một loại luật sư”. “Là một người am hiểu về Vatican và các thủ tục hành chính của nó, cáo thỉnh viên sẽ tiếp nhận, cải thiện và biện hộ cho hồ sơ vốn sẽ được nộp để nghiên cứu tại một đoàn thần học gia ở Rôma, sau đó là tại Bộ phong thánh”.

Lúc đó, hai dòng ngân sách mới xuất hiện: chi phí của cáo thỉnh viên, “tương đương với chi phí của một luật sư, hoặc 2.000 euro mỗi ngày“, Augustin Mohrer, người ước tính khối lượng công việc của cáo thỉnh viên vào khoảng hai tuần, đánh giá. Rồi, phí hồ sơ, do đoàn thần học gia và bộ phong thánh yêu cầu, lên tới “khoảng 45.000 euro”. “Nhưng số tiền này có thể tăng lên nhanh chóng, tùy thuộc vào hồ sơ, có thể từ 100 đến 15.000 trang, và thời gian xác minh cần thiết.”

Những chi phí vô hình và sự cạnh tranh gay gắt

Trên thực tế, điều tốn kém nhất, theo Augustin Mohrer, “là những chi phí vô hình, những chi phí nhằm mục đích đưa ứng viên của bạn lên vị trí cao hơn trên chồng hồ sơ”. Theo nhà kinh tế học, sự cạnh tranh rất gay gắt: khoảng 2.500 hồ sơ phong chân phước đang chờ xử lý ở Rôma, và quá trình xử lý một ứng viên kéo dài từ 12 đến 15 năm. Do đó, trong khoảng thời gian này, vấn đề về lâu dài sẽ là vấn đề vận động cho ứng viên. Một số người có trực tiếp cho tiền cho án phong của các thánh không? Augustin Mohrer loại trừ nó. Cụ thể, những chi phí vô hình này được tính trong các chuyến đi-về Rôma, và trong các chi phí bổ sung tiềm ẩn với cáo thỉnh viên.

Nhà nghiên cứu giải thích: “Một giáo phận càng giàu có thì càng có ảnh hưởng lớn hơn trong việc biện hộ cho án phong của mình. Vì thế có nhiều người châu Âu được phong chân phước hơn người châu Phi hay châu Á. Điều này khá mâu thuẫn, bởi vì Rôma đang cố gắng có thêm nhiều vị thánh từ những vùng đất xa xôi, đặc biệt là từ Nam Mỹ, bởi vì Đức Giáo hoàng là người Argentina.” Vào năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triển khai bảng giá phí dành cho chi phí của cáo thỉnh viên để đạt được việc xử lý hồ sơ công bằng hơn. Nhà kinh tế học nhấn mạnh : “Nhưng một lần nữa, chính những chi phí vô hình mới là thứ gây tốn kém nhất và rất khó, thậm chí là bất khả, để kiểm soát.”

Tý Linh

(theo Lucile Coppalle và Alix Champlon, nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31