BA ĐIỀU CỐT YẾU CỦA THÔNG ĐIỆP “RERUM NOVARUM”

Written by xbvn on Tháng Năm 20th, 2025. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Sự khởi đầu triều đại giáo hoàng của Đức Lêô XIV là cơ hội để tái khám phá “Rerum Novarum”, thông điệp do Đức Lêô XIII công bố năm 1891, một bản văn nền tảng của học thuyết xã hội của Giáo hội, và xem xét ảnh hưởng tiềm tàng của nó trong thời đại kỹ thuật số.

Khi Giáo hội mở ra một chương mới trong lịch sử của mình với triều đại của Đức Giáo hoàng Lêô XIV, một số người đang đào sâu vào các bản văn lớn của những vị tiền nhiệm của ngài để đoán xem ưu tiên của ngài có thể là gì. Một bản văn nền tảng dường như có ảnh hưởng đến cách tiếp cận của ngài là Rerum Novarum (Tân Sự), thông điệp được Đức Giáo hoàng Lêô XIII công bố năm 1891 và được coi là bản văn thiết lập nền móng của học thuyết xã hội của Giáo hội. Tài liệu này, đề cập đến những biến động kinh tế và xã hội của Cách mạng Công nghiệp, vẫn có tính thời sự đáng kinh ngạc khi thế giới đang phải đối mặt với những thách thức do trí tuệ nhân tạo (IA) và sự tiến triển nhanh chóng của các công nghệ đặt ra. Sau đây là ba bài học chính từ thông điệp này và làm thế nào chúng có thể hướng dẫn triều đại giáo hoàng mới này.

1. Phẩm giá của lao động và quyền của người lao động

Rerum Novarum về cơ bản nhấn mạnh đến phẩm giá của lao động con người và quyền của người lao động được trả lương công bằng, điều kiện an toàn và giờ làm việc hợp lý. Đây là phản ứng táo bạo trước thực tế khắc nghiệt của điều kiện sống của tầng lớp lao động vào thế kỷ XIX. Đức Giáo hoàng Lêô XIII khẳng định rằng lao động không chỉ là phương tiện để sinh tồn, nhưng còn là biểu hiện thiết yếu của óc sáng tạo và phẩm giá con người.

Tại sao điều này vẫn luôn có tính thời sự? Khi IA chuyển đổi toàn bộ các ngành công nghiệp, thay thế người lao động và tự động hóa những công việc từng yên ổn, thì nguyên tắc này càng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết. Đức Giáo hoàng Lêô XIV, được biết đến với sự nhạy cảm mục vụ và mối liên hệ sâu xa với tầng lớp lao động nghèo trong những năm ở Peru, có thể lấy cảm hứng từ truyền thống này để bênh vực các chính sách bảo vệ người lao động trong thời đại kỹ thuật số. Đặc biệt, nó có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn đạo đức cho IA, đặt phẩm giá con người lên trên lợi nhuận, và đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ không phải trả giá bằng tình trạng thất nghiệp tràn lan hoặc bất bình đẳng kinh tế.

2. Lời kêu gọi về tình liên đới và công ích

Thông điệp Rerum Novarum cũng nhấn mạnh đến sự tương tùy của toàn thể con người, kêu gọi tình liên đới trước những chia rẽ xã hội. Nó bác bỏ những thái cực của cả chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa xã hội cấp tiến, và thúc đẩy tầm nhìn về một xã hội nơi nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, được ưu tiên.

Tại sao ngày nay điều này vẫn còn thích đáng? IA, với khả năng gia tăng của cải nhanh chóng nhưng cũng làm khoét sâu bất bình đẳng, biểu lộ cho một loại rủi ro kinh tế và xã hội mới. Giống như cuộc Cách mạng Công nghiệp tập trung quyền lực và của cải vào tay một số ít người, nền kinh tế, do công nghệ thống trị ngày nay, đang có nguy cơ (và đã có) như vậy. Đức Giáo hoàng Lêô XIV, người rất am hiểu các cuộc đấu tranh xã hội, có thể tìm cách thu hẹp khoảng cách này bằng cách kêu gọi phân phối công bằng hơn những lợi ích từ tiến bộ công nghệ. Kinh nghiệm của ngài ở châu Mỹ Latinh, một khu vực có sự chênh lệch kinh tế lớn, có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của ngài đối với thách thức hiện đại này.

3. Vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy công lý

Cuối cùng, Rerum Novarum nhấn mạnh đến bổn phận của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo công lý xã hội. Thông điệp lập luận rằng các chính phủ không chỉ phục vụ lợi ích kinh tế, nhưng còn phải hành động như người bảo vệ nhân phẩm và công ích.

Tại sao điều này vẫn còn quan trọng? Trong khi các chính phủ đang vật lộn tìm cách quản lý IA và bảo vệ công dân khỏi những nguy cơ tiềm ẩn của nó, thì nguyên tắc này lại càng trở nên quan trọng hơn. Từ bảo vệ dữ liệu đến việc sử dụng công nghệ giám sát một cách có đạo đức, tiếng nói luân lý của Giáo hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các chuẩn mực toàn cầu. Đức Lêô XIV, nguyên là một Giám mục hết lòng vì công lý xã hội, có thể đấu tranh vì một Giáo hội đóng vai trò như là lực lượng đối trọng về mặt đạo đức đối với quyền lực công nghệ không được kiểm soát.

Với việc Đức Giáo hoàng Lêô XIV vừa được bầu, triều đại của ngài có thể đánh dấu một bước ngoặt quyết định về cách Giáo hội tham gia vào thời đại kỹ thuật số. Bằng cách dựa vào các giáo huấn của Rerum Novarum, ngài có một khuôn khổ mạnh mẽ để giải quyết những thách thức về đạo đức, kinh tế và xã hội của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng – một khuôn khổ khẳng định rằng phẩm giá con người phải luôn là thước đo tối hậu của sự tiến bộ.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Daniel Esparza, Aleteia)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31