BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. CÁC DỤ NGÔN. BÀI 6. NGƯỜI GIEO GIỐNG. « NGƯỜI DÙNG DỤ NGÔN MÀ NÓI VỚI HỌ NHIỀU ĐIỀU » (Mt 13, 3a)

Written by xbvn on Tháng Năm 21st, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế này: Ngài không chờ đợi chúng ta trở thành mảnh đất tốt nhất, Ngài luôn hào phóng ban cho chúng ta Lời Ngài. Có lẽ khi thấy Ngài tin tưởng chúng ta, thì ước muốn trở nên một mảnh đất tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong chúng ta. Chính đó là niềm hy vọng, được xây dựng trên đá tảng là lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa“. Lời khẳng định này của Đức Lêô XIV cũng nằm trong đường hướng của Đức Phanxicô khi Đức cố Giáo hoàng luôn nhấn rằng mạnh ân sủng của Thiên Chúa đi trước sự hoàn thiện luân lý của con người. Sự hoán cải là hệ quả của ân sủng đi trước này.

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Tôi rất vui khi được ở cùng anh chị em trong buổi tiếp kiến ​​chung đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của tôi. Hôm nay, tôi muốn tiếp tục loạt bài giáo lý về chủ đề Năm Thánh “Chúa Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta” do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, và suy ngẫm dụ ngôn của Chúa Giêsu về người gieo giống và hạt giống.  Điều khiến chúng ta ấn tượng là sự hào phóng, thậm chí là liều lĩnh, mà người gieo giống đã rải trên mọi loại đất, ngay cả trên mảnh đất sỏi đá có vẻ không mấy hứa hẹn. Chúa Giêsu giải thích rằng hạt giống là Lời Chúa, có nghĩa là phải bén rễ trong lòng mọi người, không loại trừ một ai. Chúng ta, những người nghe dụ ngôn này và áp dụng vào cuộc sống của mình, có thể cảm thấy được thách thức để trở thành một mảnh đất tốt hơn và dễ tiếp nhận hơn đối với hoạt động ân sủng của Người. Tuy nhiên, dụ ngôn về người gieo giống cũng có thể khiến chúng ta nghĩ đến chính Chúa Giêsu, Đấng đã qua cái chết và sự phục sinh của mình, trở thành hạt giống rơi xuống đất và chết đi để sinh hoa trái dồi dào. Hình ảnh người gieo giống – chúng ta có thể nghĩ đến bức tranh nổi tiếng của Van Gogh – do đó là hình ảnh hy vọng vào lời hứa về một vụ thu hoạch sắp tới.  Hôm nay và mỗi ngày, chúng ta hãy cầu xin Chúa mở lòng chúng ta với lời cứu độ của Người và sức mạnh của lời ấy để biến đổi và làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta và thế giới chúng ta đang sống.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha Lêô XIV, ngày 21/5/2025 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Tôi rất vui mừng được chào đón anh chị em đến buổi tiếp kiến ​​chung đầu tiên của tôi. Hôm nay, tôi tiếp tục chuỗi bài giáo lý Năm Thánh, về chủ đề “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy Vọng của chúng ta”, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng.

Hôm nay chúng ta tiếp tục suy niệm về các dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng giúp chúng ta tái khám phá niềm hy vọng, vì chúng cho chúng ta thấy làm thế nào Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Hôm nay tôi muốn tập trung vào một dụ ngôn khá đặc biệt, vì nó giống như một lời dẫn nhập vào tất cả các dụ ngôn. Tôi muốn nói đến người gieo giống (x. Mt 13, 1-17). Một cách nào đó, chúng ta có thể nhận ra trong trình thuật này cách truyền thông của Chúa Giêsu, cách truyền thông này có rất nhiều điều dạy chúng ta về việc loan báo Tin Mừng hôm nay.

Mỗi dụ ngôn đều kể một câu chuyện được rút ra từ cuộc sống thường ngày, nhưng nó muốn nói với chúng ta điều gì đó hơn nữa, hướng chúng ta đến ý nghĩa sâu xa hơn. Dụ ngôn chất vấn chúng ta, mời gọi chúng ta không dừng lại ở vẻ bề ngoài. Đứng trước câu chuyện được kể cho tôi hoặc hình ảnh được trao cho tôi, tôi có thể tự hỏi: tôi ở đâu trong câu chuyện này? Hình ảnh này nói lên điều gì về cuộc sống của tôi? Quả thế, thuật ngữ dụ ngôn xuất phát từ động từ tiếng Hy Lạp paraballein, có nghĩa là ném về phía trước. Dụ ngôn đặt ra trước mắt tôi một lời khiến tôi phải thắc mắc và thúc đẩy tôi tự vấn bản thân.

Đúng thế, dụ ngôn về người gieo giống nói về sự năng động của Lời Chúa và những hiệu quả mà Lời Chúa tạo ra. Thật vậy, mỗi lời của Tin Mừng giống như một hạt giống được gieo vào mảnh đất cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh hạt giống nhiều lần, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong chương 13 của Tin Mừng theo thánh Mátthêu, dụ ngôn người gieo giống dẫn vào một loạt các dụ ngôn nhỏ khác, một số trong đó nói về những gì xảy ra trên mảnh đất: lúa mì và cỏ lùng, hạt cải, kho báu ẩn giấu trong ruộng. Vì thế, đây là mảnh đất nào? Đó là trái tim của chúng ta, nhưng đó cũng là thế giới, là cộng đồng, là Giáo hội. Thực vậy, Lời Chúa làm phong nhiêu và khơi dậy mọi thực tại.

Lúc đầu, chúng ta thấy Chúa Giêsu rời khỏi nhà và một đám đông tụ tập xung quanh Người (x. Mt 13, 1). Lời của Người lôi cuốn và khiến phải suy nghĩ. Trong số đám đông, rõ ràng có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Lời của Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người, nhưng tác động đến mỗi người theo một cách khác nhau. Bối cảnh này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn.

Một người gieo giống khá độc đáo đi ra để gieo giống, nhưng người ấy không quan tâm hạt giống rơi ở đâu. Người ấy gieo hạt giống ngay cả ở những nơi chúng ít có cơ hội sinh hoa trái: trên đường, giữa sỏi đá, giữa bụi gai. Thái độ này làm người nghe ngạc nhiên và khiến họ tự hỏi: điều này có thể xảy ra thế nào được?

Chúng ta có thói quen tính toán mọi thứ – và đôi khi điều đó là cần thiết – nhưng điều này không áp dụng cho tình yêu! Cách người gieo giống “phung phí” này gieo hạt giống là hình ảnh cho thấy cách Chúa yêu thương chúng ta như thế nào. Thật vậy, đúng là số phận của hạt giống cũng tùy thuộc vào cách mảnh đất đón nhận nó và hoàn cảnh mà nó gặp phải, nhưng dụ ngôn này của Chúa Giêsu nói với chúng ta trước hết rằng Thiên Chúa gieo hạt giống lời của Ngài trên mọi loại đất, nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào của chúng ta: đôi khi chúng ta hời hợt và đãng trí hơn, đôi khi chúng ta để mình bị cuốn theo sự nhiệt tình, đôi khi chúng ta bị choáng ngợp bởi những lo lắng của cuộc sống, nhưng cũng có những lúc chúng ta tỏ ra mình sẵn sàng và đón nhận. Thiên Chúa tin tưởng và hy vọng rằng sớm hay muộn hạt giống sẽ nảy mầm. Ngài yêu thương chúng ta như thế này: Ngài không chờ đợi chúng ta trở thành mảnh đất tốt nhất, Ngài luôn hào phóng ban cho chúng ta lời của Ngài. Có lẽ khi thấy Ngài tin tưởng chúng ta, thì ước muốn trở nên một mảnh đất tốt đẹp hơn sẽ nảy sinh trong chúng ta. Chính đó là niềm hy vọng, được xây dựng trên đá tảng là lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Khi kể về cách hạt giống sinh hoa trái, Chúa Giêsu cũng nói về cuộc đời của Ngài. Chúa Giêsu là Ngôi Lời, Ngài là Hạt Giống. Và hạt giống, để đơm hoa kết trái, phải chết đi. Vì vậy, dụ ngôn này nói với chúng ta rằng Thiên Chúa sẵn sàng “phung phí” vì chúng ta và Chúa Giêsu sẵn sàng chết để biến đổi cuộc sống của chúng ta.

Tôi nghĩ đến bức tranh tuyệt đẹp này của Van Gogh: “Người gieo giống lúc hoàng hôn”. Hình ảnh người gieo giống dưới ánh nắng oi bức này cũng nói với tôi về công việc lao động của người nông dân. Và tôi thực sự ấn tượng bởi sự kiện rằng, đằng sau người gieo giống, Van Gogh đã diễn tả hạt lúa đã chín. Với tôi, đây dường như là hình ảnh của hy vọng: bằng cách này hay cách khác, hạt giống đã đơm hoa kết trái. Chúng ta không biết chính xác là như thế nào, nhưng sự việc là như vậy. Tuy nhiên, ở trung tâm của bức tranh, không có người gieo giống đứng ở một bên, nhưng toàn bộ bức tranh được nổi trội bởi hình ảnh mặt trời, có lẽ để nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa đang điều khiển lịch sử, ngay cả khi đôi khi Ngài có vẻ vắng mặt hoặc xa cách. Chính mặt trời sưởi ấm những mảnh đất và làm chín vàng hạt giống.

Anh chị em thân mến, hôm nay, Lời Chúa đến với chúng ta trong hoàn cảnh sống nào? Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn luôn đón nhận hạt giống là Lời Người. Và nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải là một mảnh đất màu mỡ, thì chúng ta đừng nản lòng, nhưng hãy cầu xin Người trau chuốt chúng ta một lần nữa để biến chúng ta thành một mảnh đất tốt đẹp hơn.

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31