BÀI GIẢNG CỦA ĐHY TAGLE TRONG THÁNH LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO CHỊ PAULINE JARICOT
Hôm Chúa Nhật 22/5/2022, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle đã chủ sự thánh lễ phong chân phước cho chị Pauline Jaricot, người đã sáng lập « Hội truyền bá đức tin » và « Hội Mân Côi sống động ». Trong bài giảng của mình, dựa vào các đoạn Lời Chúa của Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm C, ĐHY đã suy niệm về ba ân huệ (món quà) mà chúng ta đã nhận được : lời của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần và ơn bình an của Chúa Giêsu. ĐHY khẳng định : « Bất kỳ ai nhận được những ân huệ này với niềm vui đều trở thành người yêu mến Chúa Giêsu, thành nhà truyền giáo của Giáo hội, thành người anh em hay chị em của người nghèo và là dụng cụ của tình huynh đệ phổ quát và hòa bình ».
Dưới đây là bài giảng của Đức Hồng y dựa vào các đoạn Lời Chúa Cvtđ 15,1-2.22-29 ; Kh 21,10-14.22-23 ; Ga 14,22-29.
Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã quy tụ chúng ta nhân danh Chúa Giêsu phục sinh và trong tình yêu của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng cảm ơn Ngài về món quà chân phước Pauline Jaricot cho Giáo hội và nhân loại. Chúng ta biết ơn quà tặng của Giáo hội tại Lyon cho sứ mạng của Giáo hội hoàn vũ và cho việc biến đổi xã hội nhờ Tin Mừng. Cho phép tôi đề nghị một vài suy tư dựa trên các đoạn Thánh Kinh mà chúng ta vừa nghe.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một câu hỏi. Làm thế nào tôi có thể biết rằng một người nào đó đang yêu tôi ? Làm thế nào tôi có thể biết rằng tôi đang yêu một ai đó ? Chúng ta có thể trả lời : « Đó là khi chúng ta giữ những món quà mà chúng ta đã nhận được từ những người mà chúng ta yêu thương ; hay khi chúng ta có những hình ảnh về họ mà chúng ta luôn giữ bên mình ; hay khi chúng ta gìn giữ những lá thư, tin nhắn, email mà chúng ta đọc đi đọc lại, nhen nhóm những tình cảm không bao giờ qua đi. » Kinh nghiệm nhân loại của chúng ta về tình yêu xác nhận những lời nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng : « Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy ». Giữ lời của Ngài, quà tặng của lời Ngài. Chúng ta có yêu mến Chúa Giêsu đủ để trân trọng lời của Ngài, vốn là Ngôi Lời của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài không ? Giữ lời của Chúa Giêsu ngụ ý lắng nghe Ngài, học hỏi từ Ngài, chiêm niệm và cầu nguyện với lời của Ngài, như Mẹ của Ngài đã làm. Nhưng điều đó không phải là một hình thức đa cảm ; và điều đó cũng không có nghĩa là nhốt lời của Chúa Giêsu trong lồng. Chúa Giêsu nói : « Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con sẽ giữ các giới răn của Thầy. » Giới răn của Chúa Giêsu, đó là chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Trung thành với lời của Chúa Giêsu ngụ ý sống nhờ lời Ngài, hành động theo lời Ngài và biến lời yêu thương của Ngài thành quy luật cho cuộc sống chúng ta. Nhưng chúng ta không được quên rằng Chúa Giêsu không chỉ là sứ giả của lời Thiên Chúa : chính Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người. Yêu mến Chúa Giêsu, điều đó muốn nói cho phép Ngài ở lại cách tích cực trong chúng ta, để chúng ta có thể nói cùng với thánh Phaolô : « Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Yêu mến Chúa Giêsu, đó là đáp lại với lòng biết ơn Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Yêu mến Chúa Giêsu, đó là để cho Ngài, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa, sống, hành động và yêu thương trong tôi và qua tôi. Chúng ta nhìn thấy nơi chị Pauline Jaricot một chứng tá sống động về sức mạnh của tình yêu đối với Chúa Giêsu, một tình yêu trở nên đồng nhất với Chúa Giêsu. Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ hai của tôi.
Yêu mến Chúa Giêsu bằng cách trung thành với lời của Ngài là một món quà của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nói : « Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.» Chúng ta là những người yếu đuối. Khi chúng ta không hoàn toàn hiểu được điều gì đó, chúng ta phớt lờ nó, và cuối cùng chôn vùi nó. Chúng ta không có trí nhớ tốt hay có lẽ chúng ta chọn những gì chúng ta nhớ. Nếu những gì được dạy có vẻ đơn giản hay có lợi cho tôi, thì tôi lắng nghe nó. Nếu điều đó đòi hỏi từ bỏ chính mình hay hy sinh bản thân, thì tôi quên nó đi. Chúng ta phải thừa nhận rằng yêu mến Chúa Giêsu bằng cách giữ lời Ngài không thể chỉ bằng nỗ lực của con người. Thiên Chúa biết rằng tự sức chúng ta không thể làm điều đó ; đó là lý do tại sao Thiên Chúa sai Chúa Thánh Thần đến để liên lỉ dạy chúng ta và nhắc nhớ lời của Chúa Giêsu cho chúng ta. Yêu mến Chúa Giêsu ngụ ý mở ra cho những thôi thúc và ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần. Trong bài đọc thứ nhất, các Tông đồ đã lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng đã giúp họ hiểu được lời của Chúa Giêsu một cách mới mẻ, qua đó mở sứ mạng của họ ra cho những người gốc dân ngoại. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đi đến với mọi quốc gia và mọi dân tộc, với sứ mạng yêu thương. Chúa Thánh Thần đảm bảo để chúng ta không giữ lời của Chúa Giêsu như một đồ vật của quá khứ, như trong một viện bảo tàng. Thay vào đó, Chúa Thánh Thần mở ra những con đường mới, để lời và tình yêu của Chúa Giêsu có thể đạt tới nhiều người hơn. Chúng ta ngạc nhiên thán phục khi thấy chị Pauline Jaricot đã ngoan ngoãn như thế nào với Chúa Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy chị với những ý tưởng và sáng kiến mới mẻ để loan truyền Tin Mừng và phục vụ người nghèo. Về điều đó, chị đã bước theo một truyền thống thiêng liêng, truyền giáo và xã hội tuyệt vời của Giáo hội ở Lyon.
Một số người có thể nói rằng lãnh nhận ân huệ lời của Chúa Giêsu và ân huệ Chúa Thánh Thần ngụ ý những trách nhiệm nặng nề, cũng như bị chối bỏ và bách hại. Đó là những gì được xác nhận bởi kinh nghiệm của các Tông đồ, của các thánh và của các vị tuẫn đạo. Nhưng chúng ta cũng được an ủi bởi một ân huệ khác của Chúa Giêsu : sự bình an. Ngài nói : « Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy không ban theo cách của thế gian. » Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta sẽ giữ sự bình an của Ngài, không phải sự bình an của thế gian hay của các quyền lực chống lại Thiên Chúa. Đây là một số ví dụ về cách thức mà thế gian ban bình an: khi việc theo đuổi lợi ích ích kỷ quyết định các quyết định và hành động; khi một nhóm thống trị những nhóm khác; khi các nguồn lực bị lãng phí và được dùng cho lối sống xa hoa; khi con người bị loại bỏ bởi vì việc sống với họ là không thuận tiện; khi những bức tường ngăn chặn những người khác với chúng ta đến gần chúng ta; khi có nhiều tiền để sản xuất vũ khí nhưng không đủ để cung cấp nước, lương thực, giáo dục, thuốc men và việc làm. Thế gian sử dụng những chiến lược này vì hòa bình của chính nó. Về phần mình, các môn đệ của Chúa Giêsu cảm nghiệm thế nào về ân ban bình an của Ngài, về sự tròn đầy của các phúc lành của Thiên Chúa ? Chúng ta hãy xem một vài ví dụ. Thánh Phêrô và các môn đệ khác đã vui mừng vì thấy mình xứng đáng chịu bạch hại vì danh Chúa Giêsu (Cvtđ 5, 41). Đó là sự bình an của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta, chính Ngài đã phá đổ bức tường hận thù giữa các dân tộc (Êp 2, 14). Đó là bình an trong Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã chấp nhận mất hết mọi sự để được Chúa Kitô (Pl 3, 8). Đó là bình an của Chúa Giêsu. Phục vụ Chúa Giêsu nơi người đói khát, nơi người ngoại kiều, nơi người trần truồng, bệnh tật, tù nhân, dẫn đến hạnh phúc đời đời. Đó là bình an của Chúa Giêsu. Chỉ bình an của Chúa Giêsu mới đổi mới nhân loại và trái đất. Bình an của Chúa Kitô đã mang lại cho chị Pauline Jaricot sự thanh thản, lòng kiên nhẫn và can đảm đương đầu với những khó khăn thể lý, những vu khống và sỉ nhục. Đó là bình an của Chúa Giêsu.
Chúng ta đã suy niệm về ba ân huệ : ân huệ lời của Chúa Giêsu, ân huệ Chúa Thánh Thần và ân ban bình an của Chúa Giêsu. Bất kỳ ai nhận được những ân huệ này với niềm vui đều trở thành người yêu mến Chúa Giêsu, thành nhà truyền giáo của Giáo hội, thành người anh em hay chị em của người nghèo và là dụng cụ của tình huynh đệ phổ quát và hòa bình. Chân phước Pauline Jaricot đã trở thành tất cả những điều đó, bởi vì chị đã đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa. Bây giờ đến lượt chúng ta.
——————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : lyon.catholique.fr)
Xem video thánh lễ:
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ