BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ

Written by xbvn on Tháng Một 3rd, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Đức Maria

Kêu cầu Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đó là khẳng định rằng Chúa Giêsu đi vào nhân tính mỏng manh của chúng ta, Đức Giáo hoàng đã tuyên bố như thế trong bài giảng tại Thánh lễ của ngày đầu tiên của năm 2025. Đức Phanxicô mời gọi chúng ta phó thác năm mới này cho Đức Maria, Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, để học khám phá sự vĩ đại của Thiên Chúa trong sự nhỏ bé của cuộc sống. Vào Ngày Hòa bình Thế giới này, ngài kêu gọi bảo vệ sự sống và khôi phục phẩm giá cho sự sống của mỗi người được sinh ra bởi người phụ nữ.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha, Thứ Tư, ngày 1 tháng 1 năm 2025 :

Vào đầu năm mới này mà Chúa đã ban cho chúng ta, chúng ta hãy hướng ánh mắt và tâm hồn chúng ta lên Đức Maria. Vì, như một Người Mẹ, Mẹ hướng chúng ta về Con của Mẹ. Mẹ đưa chúng ta trở về với Chúa Giêsu; Mẹ nói cho chúng ta về Chúa Giêsu; Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Lễ trọng kính Đức Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, một lần nữa đưa chúng ta đắm chìm vào mầu nhiệm Giáng Sinh. Trong dạ Đức Maria, Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, và chúng ta, những người đã mở Cửa Thánh để khai mạc Năm Thánh, hôm nay được nhắc nhớ rằng “Đức Maria là cửa mà nhờ đó Chúa Kitô đã bước vào trần gian” (Thánh Ambrôsiô, Ep.42, 4: PL, VII).

Thánh Tông đồ Phaolô tóm kết mầu nhiệm này bằng cách nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4, 4). Những lời này – “sinh làm con một người phụ nữ” – vang lên trong tâm hồn chúng ta hôm nay; những lời đó gợi nhắc chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã trở nên bằng xương bằng thịt và được tỏ lộ trong tính yếu đuối của xác phàm.

Sinh làm con một người phụ nữ. Những lời này đưa chúng ta trở lại với Lễ Giáng Sinh, vì Ngôi Lời đã trở nên xác phàm. Thánh Tông đồ Phaolô, khi nói rằng Đức Kitô được sinh ra bởi một người phụ nữ, gần như cảm thấy cần phải nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thật sự làm người qua cung lòng con người. Vẫn còn đó cám dỗ, mà nhiều người ngày nay vẫn bị lôi cuốn, nhưng cũng có thể khiến cho nhiều Kitô hữu lầm đường, khi tưởng tượng hoặc hư cấu một Thiên Chúa ‘trừu tượng’, kết hợp với một vài cảm giác tôn giáo mơ hồ hoặc cảm xúc thoáng qua. Không phải. Thiên Chúa là hữu hình, Ngài là con người, Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ; Ngài có khuôn mặt lẫn danh xưng, và mời gọi chúng ta có mối tương giao với Ngài. Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, được hạ sinh bởi người phụ nữ, có xác thịt và máu. Phát xuất từ cung lòng của Chúa Cha, Ngài mang lấy xác phàm trong dạ Đức Trinh Nữ Maria. Từ trời cao thẳm, Chúa Giêsu đã xuống trái đất. Ngài là Con của Thiên Chúa, nhưng Ngài trở nên Con của loài người. Là hình ảnh của Thiên Chúa Toàn Năng, Đức Kitô đã đến giữa chúng ta trong sự yếu đuối; mặc dù Ngài không mang lấy vết nhơ nào, “vì chúng ta, Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5, 21). Ngài được sinh ra bởi người phụ nữ; Ngài là một trong chúng ta. Vì lẽ này, Ngài có thể cứu độ chúng ta.

Sinh làm con một người phụ nữ. Những lời này cũng nói với chúng ta về nhân tính của Chúa Ki-tô, để nói với chúng ta rằng Ngài được biểu lộ trong tính yếu đuối của xác phàm. Được sinh ra bởi người phụ nữ, Ngài đến với chúng ta như một hài nhi bé nhỏ. Đó là lý do vì sao các mục đồng, những người đã đến xem điều Thiên Thần đã loan báo, chẳng tìm thấy dấu chỉ lạ thường hay những biểu hiện lớn lao nào, nhưng chỉ có “bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 16). Họ đã tìm thấy một hài nhi bé nhỏ, yếu đuối đang cần sự chăm sóc của người mẹ, áo quần và sữa, sự âu yếm và tình yêu thương. Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort nói với chúng ta rằng Đấng Khôn Ngoan ‘dù chắc chắn có thể, lại không muốn trao ban trực tiếp chính mình cho con người, nhưng chọn làm như thế qua Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Ngài cũng không muốn đi vào thế giới như là một con người trưởng thành toàn diện, chẳng cần đến người khác, nhưng như một hài nhi nhỏ bé, cần đến sự chăm sóc và nuôi dưỡng của Mẹ” (Treatise on True Devotion to the Blessed Virgin, 139). Trong cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng đây là cách mà Thiên Chúa chọn để hành động: qua sự nhỏ bé và sự kín ẩn. Chúa Giêsu chẳng bao giờ quy phục cám dỗ thực hiện những dấu lạ lớn lao và gây ấn tượng trên Ngài khác, như ma quỷ đã gợi lên. Thay vào đó, Ngài tỏ cho thấy tình yêu của Thiên Chúa trong vẻ đẹp của nhân tính của Ngài, cư ngụ giữa chúng ta, sẻ chia đời sống thường ngày của chúng ta, mang lại ánh sáng cho người mù và sức mạnh cho những ai ngã lòng. Ba thái độ của Thiên Chúa là lòng thương xót, sự gần gũi và lòng trắc ẩn. Qua sự yếu đuối nơi nhân tính cũng như sự quan tâm của Ngài đối với người yếu đuối và bị tổn thương, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy dung mạo của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, thật tốt cho chúng ta để suy tư về cách mà Đức Maria, người thiếu nữ thành Nadarét, luôn đưa chúng ta trở về với mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, và trên hết chúng ta gặp gỡ Ngài trong cuộc sống thường ngày, trong nhân tính yếu đuối của chúng ta, và nơi tất cả những ai chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Khi cầu nguyện với Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Đức Ki-tô được sinh ra từ Chúa Cha, nhưng cũng thật sự được hạ sinh bởi một người phụ nữ. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài là Chúa của thời gian, nhưng lại cư ngụ trong thời gian của chúng ta, thật vậy trong năm mới này, với sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian, nhưng chúng ta có thể gặp gỡ Ngài và được mời gọi kiếm tìm Ngài nơi khuôn mặt của mọi người. Nếu Ngài, Đấng là Chúa Con, đã trở nên quá nhỏ bé đến mức được bồng ẵm trong cánh tay của người mẹ, được chăm sóc và nuôi nấng, thì điều này có nghĩa rằng hôm nay Ngài cũng đến giữa chúng ta nơi hết thảy những ai đang cần đến sự chăm sóc tương tự: nơi mọi anh chị em chúng ta gặp gỡ, nơi những người đang cần đến sự quan tâm và chăm sóc dịu dàng của chúng ta.

Chúng ta hãy phó dâng năm mới này cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ước gì chúng ta, như Mẹ, học biết khám phá sự cao cả của Thiên Chúa trong những điều bé nhỏ của cuộc sống. Ước gì chúng ta có thể học chăm sóc mọi trẻ em được sinh ra bởi người phụ nữ, trên hết bằng cách bảo vệ, như Mẹ, hồng ân sự sống đầy quý giá: sự sống trong dạ mẹ, sự sống của những đứa trẻ, sự sống của những người đau khổ, người nghèo, người già yếu, người cô quạnh và người hấp hối. Hôm nay, Ngày Thế Giới Hoà Bình, tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận lời kêu gọi phát xuất từ trái tim từ mẫu của Mẹ: quý trọng sự sống, chăm sóc những cảnh đời bị tổn thương – có rất nhiều cuộc đời đau thương -, trả lại phẩm giá cho cuộc sống của mọi người ‘được sinh ra bởi người phụ nữ’, vì đó là điều căn bản để dựng xây một tương lai hoà bình. Vì lẽ này, ‘tôi thỉnh cầu một sự cam kết chắc chắn hầu tôn trọng phẩm giá của sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, để mỗi người có thể trân quý sự sống của mình và tất cả có thể hướng đến tương lai với niềm hy vọng” (Sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ 58, 1/1/2025).

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta, đang đợi chờ chúng ta ở đó, nơi hang đá. Mẹ chỉ cho chúng ta, như Mẹ đã làm cho các mục đồng, sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng bao giờ cũng khiến cho chúng ta ngạc nhiên, Đấng không đến trong vẻ uy nghi của các tầng trời, nhưng trong sự bé nhỏ của một máng cỏ. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ Năm Thánh mới này. Chúng ta hãy dâng cho Mẹ những vấn đề, những nỗi lắng lo, những đau khổ, những niềm vui của chúng ta và cả những ưu phiền mà chúng ta mang trong lòng. Mẹ là mẹ, là từ mẫu của chúng ta! Chúng ta hãy phó dâng toàn thế giới cho Mẹ, để niềm hy vọng có thể được hồi sinh và hoà bình cuối cùng có thể nảy sinh cho tất cả mọi dân tộc trên địa cầu.

 

Lịch sử cho chúng ta biết rằng, ở Êphêsô, khi các Giám mục tiến vào nhà thờ, các tín hữu hiện diện với cây gậy trong tay, kêu lên: “Mẹ Thiên Chúa!” Chắc chắn những cây gậy đó chính là lời hứa về những gì sẽ xảy ra nếu các Giám mục không công bố tín điều “Mẹ Thiên Chúa”. Hôm nay, dù không có những cây gậy, nhưng chúng ta có những tâm hồn và tiếng nói của trẻ thơ. Vì thế, cùng với nhau, chúng ta hãy tôn vinh Thánh Mẫu Thiên Chúa. Chúng ta hãy thưa lên cùng nhau, cách mạnh mẽ: “Thánh Mẫu Thiên Chúa!” ba lần. Cùng nhau: “Thánh Mẫu Thiên Chúa! Thánh Mẫu Thiên Chúa! Thánh Mẫu Thiên Chúa!”.

———————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31