BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ PHONG THÁNH MƯỜI CHÂN PHƯỚC : SỰ THÁNH THIỆN ĐƯỢC TẠO NÊN BẰNG NHIỀU YÊU THƯƠNG HẰNG NGÀY

Written by xbvn on Tháng Năm 15th, 2022. Posted in Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Sự thánh thiện không phải được tạo nên bởi một vài cử chỉ anh hùng, nhưng bằng nhiều yêu thương hằng ngày », Đức Phanxicô nhắc nhớ như thế trong bài giảng lễ phong thánh cho mười Chân phước hôm 15/5/2022, trước gần 50.000 tín hữu đang hiện diện. Ngài khích lệ hãy để mình được Chúa Kitô yêu thương và rồi yêu thương như Ngài, trong sự phục vụ và  trao hiến chính mình.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác : « Đôi khi, bằng cách quá nhấn mạnh đến nỗ lực thực hiện những việc tốt, chúng ta đã tạo ra một lý tưởng về sự thánh thiện quá dựa vào chính chúng ta, vào sự anh hùng cá nhân, khả năng từ bỏ, hy sinh bản thân để đạt được phần thưởng. … Như thế, chúng ta đã biến sự thánh thiện thành một mục tiêu không thể đạt được, chúng ta đã tách nó ra khỏi cuộc sống hằng ngày thay vì tìm kiếm và đón nhận nó trong đời thường, trong bụi bặm của đường phố, trong nỗ lực của đời sống cụ thể và, như thánh Têrêxa Avila nói với các chị em của mình, « giữa các xoong nồi trong nhà bếp » ». Và ngài nhắc nhớ : « Chúng ta đừng quên sự trỗi vượt của Thiên Chúa trên cái tôi, của Thánh Thần trên xác thịt, của ân sủng trên việc làm ».

Nhắc lại lời chân phước Carlo Acutis, Đức Thánh Cha khẳng định : « Sự thánh thiện luôn luôn độc đáo, như chân phước Carlo Acutis đã nói : bản sao của sự thánh thiện không tồn tại, sự thánh thiện là độc đáo, nó là của tôi, của bạn, của mỗi người chúng ta. Nó là độc nhất và không thể tái tạo. »

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Chúng ta đã nghe những lời mà Chúa Giêsu giao phó cho các môn đệ, trước khi rời thế gian này về cùng Chúa Cha, những lời nói với chúng ta trở thành Kitô hữu nghĩa là gì : « Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con » (Ga 13, 34). Đó là di chúc mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta, tiêu chí nền tảng để phân định liệu chúng ta thực sự là môn đệ của Ngài hay không : giới răn yêu thương. Chúng ta hãy dừng lại ở hai yếu tố thiết yếu của giới răn này : tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta – như Thầy đã yêu thương các con – và tình yêu mà Ngài đòi hỏi chúng ta sống – các con hãy yêu thương nhau.

Trước hết, như Thầy đã yêu thương các con. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào ? Cho đến cùng, cho đến khi trao hiến hoàn toàn chính mình. Điều đáng lưu ý là Ngài nói những lời này vào một đêm tối, khi bầu khí của Phòng tiệc ly đầy cảm xúc và lo lắng : cảm xúc vì Thầy sắp từ biệt các môn đệ của mình, lo lắng vì Ngài thông báo rằng một trong số họ sẽ phản bội Ngài. Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Giêsu đau đớn như thế nào trong tâm hồn, bóng tối bao trùm tâm hồn các Tông đồ thế nào, và sự cay đắng ra sao khi thấy Giuđa rời khỏi phòng để bước vào đêm tối của sự phản bội, sau khi được Thầy chấm bánh trao cho. Và chính vào giờ phút bị phản bội mà Chúa Giêsu xác nhận tình yêu của Ngài đối với các môn đệ. Vì, trong bóng tối và giông tố của cuộc đời, đó mới là điều thiết yếu : Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Thưa anh chị em, lời loan báo này phải ở trung tâm của lời tuyên xưng và diễn tả đức tin của chúng ta : « Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta » (1Ga 4, 10). Chúng ta đừng quên điều đó. Ở trung tâm, không có khả năng của chúng ta, công trạng của chúng ta, nhưng tình yêu vô điều kiện và nhưng không của Thiên Chúa, mà chúng ta không xứng đáng. Khởi đầu của việc trở thành Kitô hữu của chúng ta, không có giáo thuyết hay công trình nào, nhưng là sự ngạc nhiên khám phá mình được yêu thương, trước bất kỳ lời đáp trả nào  từ phía chúng ta. Đang khi thế giới thường muốn thuyết phục chúng ta rằng chúng ta chỉ có giá trị trong chừng mực chúng ta tạo ra những kết quả, thì Tin Mừng nhắc cho chúng ta về chân lý của cuộc sống : chúng ta được yêu thương. Và đó là giá trị của chúng ta : chúng ta được yêu thương. Một bậc thầy tâm linh vào thời chúng ta đã viết : « Ngay cả trước khi một người nào có thể nhìn thấy chúng ta, thì chúng ta đã được nhìn thấy bằng ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa. Ngay cả trước khi một ai đó nghe thấy chúng ta khóc hay cười, thì chúng ta đã được Thiên Chúa lắng nghe, Đấng hoàn toàn lắng nghe chúng ta. Ngay cả trước khi một ai đó trên thế gian này nói với chúng ta, thì tiếng nói của tình yêu vĩnh cửu đã nói với chúng ta rồi » (H. Nouwen, Sentirsi amati, Brescia 1997, p. 50). Ngài đã yêu thương chúng ta trước, Ngài đã chờ đợi chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta, Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta. Và đó là căn tính của chúng ta : được Thiên Chúa yêu thương. Đó là sức mạnh của chúng ta : được Thiên Chúa yêu thương.

Sự thật này đòi hỏi chúng ta hoán cải về ý tưởng mà chúng ta thường có về sự thánh thiện. Đôi khi, bằng cách quá nhấn mạnh đến nỗ lực thực hiện những việc tốt, chúng ta đã tạo ra một lý tưởng về sự thánh thiện quá dựa vào chính chúng ta, vào sự anh hùng cá nhân, khả năng từ bỏ, hy sinh bản thân để đạt được phần thưởng. Đó là một cái nhìn đôi khi quá Pêlagiô về cuộc sống, về sự thánh thiện. Như thế, chúng ta đã biến sự thánh thiện thành một mục tiêu không thể đạt được, chúng ta đã tách nó ra khỏi cuộc sống hằng ngày thay vì tìm kiếm và đón nhận nó trong đời thường, trong bụi bặm của đường phố, trong nỗ lực của đời sống cụ thể và, như thánh Têrêxa Avila nói với các chị em của mình, « giữa các xoong nồi trong nhà bếp ». Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và bước đi trên con đường nên thánh, trước hết đó là để mình được biến đổi nhờ sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên sự trỗi vượt của Thiên Chúa trên cái tôi, của Thánh Thần trên xác thịt, của ân sủng trên việc làm. Đôi khi chúng ta dành sức mạnh, tầm quan trọng cho cái tôi, xác thịt và công việc nhiều hơn. Không : sự trỗi vượt của Thiên Chúa trên cái tôi, sự trỗi vượt của Thánh Thần trên xác thịt, sự trỗi vượt của ân sủng trên việc làm.

Tình yêu mà chúng ta nhận được từ Chúa là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta : nó mở rộng tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta yêu thương. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói – và đây là khía cạnh thứ hai – « như Thầy đã yêu tương các con, các con cũng phải yêu thương nhau ». chữ « như » này không chỉ là một lời mời gọi bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu ; nó có nghĩa là chúng ta chỉ có thể yêu thương bởi vì Ngài đã yêu thương chúng ta, bởi vì Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho tâm hồn chúng ta, Thánh Thần của sự thánh thiện, tình yêu chữa lành và biến đổi chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể lựa chọn và thực hiện những cử chỉ yêu thương trong mỗi hoàn cảnh và với mỗi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì chúng ta được yêu thương và chúng ta có sức mạnh yêu thương. Cũng như tôi được yêu thương, nên tôi có thể yêu thương. Luôn luôn, tình yêu mà tôi thực hiện được kết hiệp với tình yêu của Chúa Giêsu dành cho tôi : « như thế này ». Cũng như Ngài đã yêu thương tôi, vì thế tôi có thể yêu thương. Đời sống Kitô hữu là rất đơn giản, nó rất đơn giản ! Chúng ta làm cho nó trở nên phức tạp hơn, với rất nhiều thứ, nhưng nó rất đơn giản.

Và, cách cụ thể, sống tình yêu này có nghĩa là gì ? Trước khi để lại cho chúng ta giới răn này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của mình ; sau khi loan báo điều đó, Ngài đã hiến mình trên thập giá. Yêu thương có nghĩa thế này : phục vụ và trao hiến mạng sống mình. Phục vụ, tức là không đặt lợi ích của mình lên hàng đầu ; giải độc bản thân khỏi những chất độc của tham lam và cạnh tranh ; chống lại căn bệnh ung thư của sự dửng dưng và con sâu của sự quy ngã ; chia sẻ những đặc sủng và ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Tự hỏi cách cụ thể : « Tôi làm gì cho người khác ? » Đó là yêu thương, và sống cuộc sống hằng ngày trong tinh thần phục vụ, yêu thương và không ồn ào, không đòi hỏi gì.

Và rồi trao hiến mạng sống mình, điều này không bị giảm thiểu thành việc cung cấp cái gì đó, như là một phần tài sản của mình, nhưng là trao hiến chính mình. Tôi thích hỏi những người xin tôi lời khuyên : « Cho Cha biết, con có bố thí không ? » – « Vâng, thưa Cha, con có bố thí cho người nghèo » – « Và khi con bố thí, con có chạm đến tay người đó, hay con ném xuống của bố thí và con làm như thế để con được sạch ? » Và họ đỏ mặt : « Không, con không chạm đến ». « Khi con bố thí, con có nhìn vào mắt của người mà con giúp đỡ hay con nhìn đi chỗ khác ? » – « Con không nhìn ». Chạm và nhìn , chạm và nhìn thân xác của Chúa Kitô đang đau khổ nơi anh chị em của chúng ta. Điều đó rất quan trọng. Trao hiến sự sống là thế đó. Sự thánh thiện không phải được tạo nên bởi một vài cử chỉ anh hùng, nhưng bằng nhiều yêu thương hằng ngày. « Bạn là một người sống đời thánh hiến ? – hôm nay có nhiều người ở đây – Hãy nên thánh bằng cách sống sự cam kết của mình cách vui tươi. Bạn là người kết hôn ? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và quan tâm đến chồng hay vợ của bạn, như Chúa Kitô đã làm như thế với Giáo hội. Bạn là một công nhân ? Hãy nên thánh bằng cách thực hiện công việc của mình cách trung thực và thông thạo để phục vụ anh em của mình, và bằng cách đấu tranh vì công lý của các bạn bè của mình, để họ không bị thất nghiệp, để họ luôn có lương công bằng. Bạn là người cha, người mẹ, người ông hay người bà ? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy cho con cháu bước theo Chúa Giêsu. Cho tôi biết, bạn có quyền bính không ? – và ở đây có rất nhiều người có quyền bính – tôi hỏi các bạn : bạn có quyền bính không ? Hãy nên thánh bằng cách đấu tranh cho công ích và từ bỏ những lợi ích cá nhân của mình » (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 14). Đó là con đường nên thánh, rất đơn giản ! Luôn nhìn Chúa Giêsu nơi người khác.

Phục vụ Tin Mừng và anh em, hiến dâng mạng sống mình mà không mong đền đáp – đó là bí quyết : hiến dâng mà không mong đền đáp -, không tìm kiếm vinh quang trần tục : chúng ta cũng được mời gọi như thế. Những người bạn đường của chúng ta, hôm nay được phong thánh, đã sống sự thánh thiện theo cách này : bằng cách đón nhận ơn gọi của mình cách nhiệt thành –  với tư cách linh mục, một số người, với tư cách những người sống đời thánh hiến, những người khác, với tư cách giáo dân – họ đã hiến dâng chính mình vì Tin Mừng, họ đã khám phá ra một niềm vui khôn sánh và họ đã trở thành những phản chiếu sáng ngời của Chúa trong lịch sử. Đó là một thánh nam hay một thánh nữ : một phản chiếu sáng ngời của Chúa trong lịch sử. Chúng ta cũng hãy thực hiện như thế : con đường nên thánh không bị đóng lại, nó là phổ quát, đó là một lời mời gọi cho tất cả mọi người, nó bằng đầu bằng bí tích Rửa tội, nó không bị đóng lại. Chúng ta cũng hãy thực hiện như thế, bởi vì mỗi người chúng ta được mời gọi nên thánh, một sự thánh thiện độc nhất và không thể tái tạo. Sự thánh thiện luôn luôn độc đáo, như chân phước Carlo Acutis đã nói : bản sao của sự thánh thiện không tồn tại, sự thánh thiện là độc đáo, nó là của tôi, của bạn, của mỗi người chúng ta. Nó là độc nhất và không thể tái tạo. Vâng, Chúa có một kế hoạch yêu thương cho mỗi người chúng ta, Ngài có một ước mơ cho cuộc sống của bạn, cho cuộc sống của tôi, cho cuộc sống của mỗi người chúng ta. Anh chị em muốn tôi nói gì với anh chị em ? Hãy thăng tiến ước mơ đó cách vui tươi. Cảm ơn anh chị em.

—————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31