BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
Tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma, thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm đã diễn ra vào thứ Hai ngày 4 tháng 11. Nhân dịp này, trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung suy niệm về hành vi “tưởng nhớ”, có nghĩa là: “đưa trở lại với trái tim”, mời gọi mọi người cầu nguyện để các ngài được muôn đời vui hưởng cùng với các thánh.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
‘Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.’ (Lc 23, 42). Đó là những lời cuối cùng mà một trong hai người bị đóng đinh với Chúa đã thưa lên cùng Người. Đó không phải là lời của một trong các môn đệ của Chúa Giê-su đã theo Người trên những con đường miền Galilê và chia sẻ bánh với Người trong bữa Tiệc Ly. Trái lại, người đàn ông thưa lên những lời này với Chúa lại là một tội phạm, kẻ chỉ gặp được Người lúc cuối đời mình, một người mà chúng ta thậm chí chẳng hề biết tên.
Tuy nhiên, trong Tin Mừng, những lời sau cùng của ‘người ngoài cuộc’ này khai mở một cuộc đối thoại đầy ắp sự thật. Ngay cả khi Đức Giê-su đang ‘bị liệt vào hàng tội nhân’ (Is 53, 12) như ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri, một tiếng nói bất ngờ vang lên, rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23, 41). Đúng là như vậy. Kẻ tội phạm bị kết tội đó đại diện cho hết thảy chúng ta; mỗi người trong chúng ta có thể thay thế tên anh ta bằng tên của mình. Tuy vậy, quan trọng hơn cả, chúng ta có thể biến lời cầu xin của anh ta thành lời cầu khẩn của mình: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến con”. Xin giữ con sống mãi trong ký ức của Người. “Xin đừng quên con”.
Chúng ta hãy suy ngẫm về từ này: nhớ. Nhớ (ricordare) nghĩa là ‘đưa trở lại với trái tim (cor)’, mang lấy trong lòng. Người đàn ông này, bị đóng đinh kế bên Chúa Giê-su, đã biến nỗi đau đớn khủng khiếp thành lời cầu nguyện: “Ông Giê-su ơi, xin hãy mang lấy tôi trong trái tim của Người”. Những lời của người này không phản chiếu nỗi đớn đau và sự tiêu tan, nhưng là niềm hy vọng. Kẻ tội phạm này, người đã chết như một môn đệ vào giờ sau hết, chỉ ước mong một điều: là tìm được một trái tim chào đón. Đó là tất cả những gì hệ trọng với anh khi thấy mình bất lực trước cái chết. Chúa đã đoái đến lời cầu nguyện của tội nhân này, ngay cả lúc sau cùng, vì Người luôn luôn làm như vậy. Trái tim của Đức Ki-tô – một trái tim không khép kín, nhưng rộng mở – bị đâm thâu bởi nỗi đau, đã mở ra để cứu thế giới. Tự hiến mình, Người rộng mở trước tiếng nói của một người sắp chết. Chúa Giê-su chết với chúng ta bởi Người chết vì chúng ta.
Bị đóng đinh mặc dù vô tội, Đức Giê-su đã đáp lại lời kêu xin của người bị đóng đinh vì tội của mình: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Việc nhớ đến Chúa Giê-su thật hiệu quả bởi Người giàu lòng thương xót. Khi cuộc đời của người này sắp kết thúc, tình yêu của Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tử thần. Kẻ bị kết án giờ đây được cứu chuộc. Kẻ ở bên ngoài trở thành người bạn đồng hành; một cuộc đối thoại vắn gọn trên thập giá đưa đến sự bình an vĩnh cữu. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ đôi chút. Tôi gặp gỡ Chúa Giê-su như thế nào? Hay tốt hơn nữa, tôi có cho phép bản thân được Người gặp gỡ không? Tôi có để cho mình được gặp gỡ không hay tôi khép mình lại trong tính ích kỷ, trong nỗi đau thương, trong sự tự mãn của bản thân? Tôi có ý thức về tính chất lỗi tội của mình vốn cho phép tôi được Chúa gặp gỡ không, hay tôi cảm thấy công chính và nói: “Người không cần ở đây để phục vụ con. Xin Người đi đi?”
Chúa Giê-su nhớ đến những kẻ bị đóng đinh bên cạnh Người. Sự cảm thương cho đến hơi thở cuối cùng của Người khiến chúng ta nhận ra rằng vẫn còn đó nhiều cách khác nhau để nhớ đến con người và sự việc. Chúng ta có thể nhớ lại những lầm lỗi của bản thân, việc kinh doanh bỏ dỡ, bạn bè và kẻ thù của mình. Thưa anh chị em, hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi trước khung cảnh từ bài Tin Mừng: làm thế nào để chúng ta cưu mang mọi người trong lòng mình? Làm sao để chúng ta ghi nhớ những người cận kề với mình trong những biến cố của cuộc đời? Tôi có xét đoán không? Tôi có chia rẽ không? Hay tôi chào đón họ?
Anh chị em quý mến, bằng cách trở lại với trái tim của Thiên Chúa, con người ngày hôm nay cũng như ở mọi thời có thể tìm thấy niềm hy vọng cứu rỗi, ngay cả khi ‘dưới con mắt của kẻ ngu si, họ như đã chết rồi’ (Kn 3, 2). Mọi sự của dòng lịch sử đều được giữ lại trong ký ức của Chúa. Ký ức là sự lưu giữ an toàn. Người là vị thẩm phán đầy lòng nhân từ và xót thương của ký ức đó. Chúa gần gũi với chúng ta khi xét xử, Người gần gũi, nhân từ và thương xót. Đó chính là ba thái độ của Chúa. Tôi có gần gũi với mọi người không? Tôi có quả tim biết cảm thương không? Tôi có lòng xót thương không? Với niềm xác tín này, chúng ta cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục đã an nghỉ trong năm vừa qua. Hôm nay, việc tưởng nhớ này trở thành lời chuyển cầu cho những người anh em thân yêu của chúng ta. Là những thành viên được chọn của Dân Thiên Chúa, các ngài đã được thanh tẩy trong cái chết của Chúa Ki-tô (x. Rm 6, 3) để trỗi dậy với Người. Các ngài là những vị mục tử và gương mẫu của đoàn chiên Chúa (x. 1Pr 5, 3). Sau khi đã được bẻ bánh sự sống trên trần gian, ước gì giờ đây các ngài được hưởng một chỗ nơi bàn tiệc của Người. Các ngài đã yêu mến Giáo hội, theo cách thế riêng của mình, nhưng tất cả đều đã yêu mến Giáo hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để các ngài có thể hỉ hoan trong sự hiệp thông với các thánh. Với niềm hy vọng vững vàng, chúng ta hãy hướng lên để hoan hỉ với các ngài trên thiên đàng. Và tôi mời gọi anh chị em cùng thưa lên ba lần với tôi: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến chúng con!”.
———————————
Cồ Ngọc Hải dịch
nguồn (vatican.va)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC