BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ THỨ TƯ LỄ TRO 2022 : CẦU NGUYỆN, BÁC ÁI VÀ CHAY TỊNH CÓ THỂ THAY ĐỔI LỊCH SỬ
« Những ai nhìn vào phần thưởng của thế gian sẽ không bao giờ tìm được bình an, và thậm chí không biết thăng tiến hòa bình vì họ quên mất Chúa Cha và anh chị em của mình ». Đức Phanxicô lưu ý như thế trong bài giảng, được đọc bởi Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vào Thứ Tư Lễ Tro ngày 2/3/2022.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Mùa Chay là một thời gian được Chúa ban để sống lại, để được chăm sóc nội tâm và hướng về lễ Phục Sinh, hướng về những gì không qua đi, hướng về phần thưởng nơi Chúa Cha. Đó là con đường chữa lành, không phải để thay đổi mọi thứ trong một sớm một chiều, nhưng để sống mỗi ngày trong tinh thần mới mẻ, với một phong cách khác. Việc cầu nguyện, bác ái và chay tịnh hữu dụng cho điều đó : được thanh tẩy bởi tro của Mùa Chay, được thanh tẩy khỏi thói giả hình bề ngoài, họ tìm lại được tất cả sức mạnh của mình và tái tạo một tương quan sống động với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính mình. »
Vị Cha chung cũng nhắc nhớ rằng « cầu nguyện, bác ái và chay tịnh không chỉ là những phương thuốc cho bản thân, nhưng còn cho tất cả mọi người » vì « chúng có thể thay đổi lịch sử ». Đó là « những con đường chính yếu cho phép Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của chúng ta và cuộc sống của thế giới. » Và chính trong niềm xác tín này mà « trong ngày cầu nguyện và chay tịnh cho Ucraina này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa nền hòa bình này mà chỉ duy con người thì không thể xây dựng được. »
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Vào ngày khai mạc Mùa Chay này, Chúa nói với chúng ta: “Những gì anh em làm để trở nên công chính, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1). Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, từ trở lại nhiều lần là phần thưởng (x. cc. 1.2.5.16). Thông thường, vào Thứ Tư Lễ Tro, sự chú ý của chúng ta tập trung vào nỗ lực mà con đường đức tin đòi hỏi, hơn là vào phần thưởng mà nó được ban. Tuy nhiên, hôm nay, diễn từ của Chúa Giêsu mỗi lần trở lại với thuật ngữ này, phần thưởng, dường như là động lực cho hành động của chúng ta. Quả thế, nơi chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, có một khao khát, một ước muốn đạt được vốn thu hút chúng ta và thúc đẩy những gì chúng ta làm.
Thế nhưng, Chúa phân biệt hai loại phần thưởng mà cuộc sống của một người có thể vươn tới: một mặt, phần thưởng nơi Chúa Cha và, mặt khác, phần thưởng nơi con người. Phần thưởng nơi Chúa Cha là vĩnh cửu; đó là phần thưởng đích thực, phần thưởng dứt khoát, nó là mục đích của cuộc sống. Trái lại, phần thưởng nơi con người là tạm thời, nó là con đường sai lạc mà chúng ta dấn thân khi sự ngưỡng mộ của con người và sự thành công trên thế gian đối với chúng ta trở thành điều quan trọng nhất, điều thỏa mãn lớn lao nhất. Nhưng đó là một ảo tưởng: nó giống như một ảo vọng mà, một khi đạt được, sẽ để lại đôi bàn tay trống rỗng. Nỗi lo lắng và sự bất mãn luôn luôn thường chực sẵn với những ai có chân trời là tính trần tục quyến rũ nhưng rồi lại thất vọng. Những ai nhìn vào phần thưởng của thế gian sẽ không bao giờ tìm được bình an, và thậm chí không biết thăng tiến hòa bình vì họ quên mất Chúa Cha và anh chị em của mình. Đó là một rủi ro mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta: “Anh em phải coi chừng”. Như thể Ngài đang nói: “Anh em có khả năng tận hưởng một phần thưởng vô hạn, một phần thưởng không gì sánh bằng: vì thế, anh em hãy canh chừng đừng để mình bị mù quáng bởi vẻ bề ngoài khi theo đuổi những phần thưởng kém giá trị hơn, vốn tuột mất khỏi tay anh em”.
Nghi thức xức tro trên đầu mà chúng ta nhận được muốn giải thoát chúng ta khỏi sự mù quáng tìm cách đặt phần thưởng nơi con người trước phần thưởng nơi Chúa Cha. Dấu hiệu khổ chế này khiến chúng ta suy nghĩ về tình trạng tàn tạ của thân phận con người của chúng ta, giống như một phương thuốc đắng, nhưng hữu hiệu, để chữa lành căn bệnh của vẻ bề ngoài. Đó là một căn bệnh tinh thần nô lệ hóa con người, khiến nó trở nên lệ thuộc vào sự ngưỡng mộ của tha nhân. Đó là một “sự nô lệ của đôi mắt và tâm trí” thực sự (x. Êp 6, 6; Cl 3, 22), thúc đẩy sống dưới ngọn cờ của hư danh, theo đó những gì quan trọng không phải là sự trong sạch của tâm hồn, mà là sự ngưỡng mộ của người ta; không phải cái nhìn của Thiên Chúa trên chúng ta, nhưng cách thức mà người khác nhìn chúng ta. Và chúng ta không thể sống tốt khi bằng lòng với phần thưởng này.
Vấn đề là căn bệnh của vẻ bề ngoài này đe dọa ngay cả những lãnh vực thánh thiêng nhất. Đó là điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh hôm nay: ngay cả việc cầu nguyện, bác ái và chay tịnh cũng có thể trở nên quy ngã. Trong mỗi cử chỉ, ngay cả cử chỉ đẹp nhất, con sâu của sự tự thỏa mãn có thể được che giấu. Khi đó, tâm hồn không hoàn toàn tự do vì nó không tìm kiếm tình yêu đối với Chúa Cha và anh chị em, nhưng là sự ca khen của con người, sự tán thưởng của người ta, danh tiếng. Và mọi thứ đều có thể trở thành một thứ viển vông đối với Thiên Chúa, với chính bản thân và với người khác. Đó là lý do tại sao Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào tâm hồn mình, để nhận thấy những thói giả hình của chúng ta. Chúng ta hãy chẩn đoán những vẻ bề ngoài mà chúng ta đang tìm kiếm; hãy cố gắng vạch trần chúng. Nó sẽ hữu ích cho chúng ta.
Tro phơi bày sự hư vô ẩn núp đằng sau sự tìm kiếm điên cuồng các phần thưởng trần tục. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tính trần tục giống như bụi bị gió cuốn đi. Thưa anh chị em, chúng ta không ở trong thế gian theo chiều gió; tâm hồn chúng ta khao khát cõi vĩnh hằng. Mùa Chay là một thời gian được Chúa ban để sống lại, để được chăm sóc nội tâm và hướng về lễ Phục Sinh, hướng về những gì không qua đi, hướng về phần thưởng nơi Chúa Cha. Đó là con đường chữa lành, không phải để thay đổi mọi thứ trong một sớm một chiều, nhưng để sống mỗi ngày trong tinh thần mới mẻ, với một phong cách khác. Việc cầu nguyện, bác ái và chay tịnh hữu dụng cho điều đó : được thanh tẩy bởi tro của Mùa Chay, được thanh tẩy khỏi thói giả hình bề ngoài, họ tìm lại được tất cả sức mạnh của mình và tái tạo một tương quan sống động với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính mình.
Lời cầu nguyện khiêm tốn, được thực hiện “trong nơi kín đáo” (Mt 6, 6), trong nơi kín ẩn của căn phòng mình, trở nên bí quyết làm cho cuộc sống bên ngoài trổ sinh hoa trái. Nó là cuộc đối thoại ấm áp của tình cảm và lòng tin tưởng, giúp an ủi và mở rộng tâm hồn. Nhất là trong thời gian Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu nguyện bằng cách nhìn vào Đấng chịu đóng đinh: hãy để cho mình được tràn ngập bởi sự dịu dàng đầy cảm động của Thiên Chúa và hãy đặt các vết thương của chúng ta và của thế giới trong các vết thương của Ngài. Chúng ta đừng vội vã, hãy ở yên lặng trước nhan Ngài. Chúng ta hãy tái khám phá điều gì là thiết yếu và phong nhiêu trong cuộc đối thoại thân mật với Chúa. Vì Thiên Chúa không thích những thứ ngoạn mục; trái lại, Ngài muốn để mình được tìm thấy trong nơi kín đáo. Đó là “bí mật của tình yêu”, xa rời với mọi sự phô trương và màu sắc rực rỡ.
Nếu lời cầu nguyện là chân thật, thì nó chỉ có thể được thể hiện trong việc bác ái. Và việc bác ái giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tồi tệ nhất, đó là nô lệ cho chính mình. Việc bác ái của Mùa Chay, được thanh tẩy bởi việc xức tro, dẫn chúng ta trở lại với điều cốt yếu, với niềm vui thâm sâu có được khi cho đi. Việc bố thí, được thực hiện tránh xa máy chiếu, mang lại sự bình an và niềm hy vọng cho tâm hồn. Nó cho chúng ta thấy vẻ đẹp của sự cho đi vốn trở thành sự lãnh nhận và như thế cho phép khám phá một bí mật quý giá: việc cho đi làm cho tâm hồn được vui mừng, hơn là lãnh nhận (x. Cv 20, 35).
Sau cùng, việc chay tịnh. Nó không phải là một chế độ ăn kiêng, trái lại, nó giải thoát chúng ta khỏi tính quy ngã trong việc ám ảnh tìm kiếm sự sung túc thể chất, để giúp chúng ta giữ gìn vóc dáng không phải cơ thể, nhưng là tinh thần. Việc chay tịnh giúp chúng ta mang lại giá trị đúng đắn cho mọi thứ. Cách cụ thể, nó nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống không được phục tùng cảnh phù du của thế giới này. Và việc chay tịnh không nên chỉ giới hạn vào thức ăn: đặc biệt trong suốt Mùa Chay, chúng ta nên chay tịnh những gì mang lại cho chúng ta một sự lệ thuộc nào đó. Mỗi người hãy suy nghĩ về điều đó để thực hiện một cuộc chay tịnh thực sự tác động đến đời sống cụ thể của mình.
Nhưng nếu lời cầu nguyện, việc bác ái và chay tịnh phải trưởng thành trong sự kín đáo, thì những hiệu quả của chúng thì không kín đáo. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh không chỉ là những phương thuốc cho bản thân, nhưng còn cho tất cả mọi người: quả thế, chúng có thể thay đổi lịch sử. Trước hết, bởi vì những ai cảm nhận những hiệu quả của chúng, mà hầu như không nhận ra điều đó, đều cũng truyền chúng cho người khác; và nhất là bởi vì cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là những con đường chính yếu cho phép Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của chúng ta và cuộc sống của thế giới. Đó là những vũ khí của tinh thần, và chính với chúng mà, trong ngày cầu nguyện và chay tịnh cho Ucraina này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa nền hòa bình này mà chỉ duy con người thì không thể xây dựng được.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhìn thấy trong nơi kín đáo và ban thưởng cho chúng ta vượt trên mọi mong đợi, xin lắng nghe lời cầu nguyện của những ai tín thác nơi Chúa, nhất là lời cầu nguyện của những người khiêm tốn nhất, của những người chịu thử thách nhất, của những người đau khổ và đang chạy trốn dưới tiếng gầm thét của vũ khí. Xin Chúa khôi phục sự bình an cho các tâm hồn; xin ban lại sự bình an của Chúa cho những ngày sống của chúng con. Amen.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
Tags: Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?