BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA KI-TÔ VUA: CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA TÌM THẤY ÁNH SÁNG VÀ Ý NGHĨA NƠI TÌNH YÊU

Written by xbvn on Tháng Mười Một 26th, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Năm B, Tâm linh, Thế Giới, Tin Mừng Chúa Nhật

“Chúa Kitô đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật”. Đức Thánh Cha nhắc lại điều đó vào  Chúa Nhật 24/11/2024, lễ trọng Chúa Kitô Vua vũ trụ. Ngỏ lời với các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, ngài mời gọi họ hãy hướng mắt về Chúa Giêsu, Thánh Giá của Người và Mẹ Maria, để tìm thấy, ngay cả trong những khó khăn, sức mạnh để tiến về phía trước mà không sợ những lời lên án của thế giới. Đồng thời, ngài nhắc nhở về ý nghĩa đích thực của cuộc sống được tìm thấy nơi tình yêu theo ánh sáng của Chúa, là điều mang lại hạnh phúc thực sự.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Vào cuối năm phụng vụ, Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ. Việc cử hành này mời gọi chúng ta hướng nhìn về Ngài, là Chúa, là nguồn mạch và là sự viên mãn của mọi sự (x. Cl 1, 16-17), “vương quốc của Ngài sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7, 14).

Khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Ki-tô là Vua, chúng ta được nâng đỡ và đánh động. Tuy nhiên, những gì chúng ta nhìn thấy xung quanh mình lại hoàn toàn khác hẳn, và sự tương phản này có thể làm dấy lên những câu hỏi trong cõi lòng chúng ta. Chúng ta phải làm gì trước quá nhiều cuộc chiến tranh, bạo lực không ngừng và các thiên tai? Có thể nói gì về nhiều vấn đề mà các con, những người trẻ quý mến, phải đối diện khi các con nhìn về tương lai: khan hiếm cơ hội việc làm, sự bấp bênh về tình trạng kinh tế, sự gia tăng bất công đang làm phân cực xã hội chúng ta? Vì sao tất cả những điều này xảy ra? Và làm thế nào chúng ta có thể tránh bị lấn át? Đây đúng là những câu hỏi đầy thách đố và cũng không kém phần quan trọng.

Hôm nay, Giáo Hội cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tôi muốn khuyến khích anh chị em suy ngẫm, dưới ánh sáng của Lời Chúa, về ba ý tưởng có thể giúp chúng ta can đảm đối diện với những thách đố này. Ba ý tưởng đó là: những lời buộc tội, sự tán thành sự thật.

Trước tiên: những lời buộc tội. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su bị buộc tội (x. Ga 18, 33-37). Như những lời đó cho hay, Ngài đang ‘ở trên bục nhân chứng’ trước toà. Philatô, một viên chức của Đế Quốc Rôma, đang chất vấn Đức Giê-su. Điều này có thể được xem như  hình ảnh đại diện cho mọi thứ quyền lực vốn đã đàn áp người dân cách bạo tàn qua dòng lịch sử. Mặc dù cá nhân Philatô chẳng có chút quan tâm nào đến Đức Giê-su, nhưng ông cũng biết rằng dân chúng đi theo Ngài, tin Ngài sẽ là người hướng dẫn, là thầy dạy, là Đấng Mêsia. Kẻ cầm quyền không thể cho phép bất cứ sự náo động hay hỗn loạn nào đe doạ đến ‘hoà bình ép buộc’ trong khu vực của mình, vì thế Philatô đã quyết tâm xoa dịu những kẻ thù hùng mạnh của vị ngôn sứ không có khả năng tự vệ này. Ông đã thử Đức Giê-su và đe doạ kết án tử hình Ngài. Chúa, Đấng đã luôn rao giảng công bình, lòng thương xót và sự tha thứ, chẳng hề sợ hãi. Ngài không để mình bị đe doạ; Ngài cũng không chống đối. Đức Giê-su trung thành với sự thật mà Ngài loan báo, trung thành cho đến hy sinh mạng sống mình.

Các bạn trẻ quý mến, có lẽ nhiều khi các con cũng cảm thấy ‘bị buộc tội’ khi bước theo Đức Giê-su. Ở trường học, hay giữa những người bạn và những người quen biết của mình, một số người có thể cố gắng làm cho các con nghĩ rằng lòng trung thành của các con với Tin Mừng và các giá trị của Tin Mừng là sự sai lầm, bởi vì Tin Mừng ngăn các con khỏi việc thích nghi với đám đông và hoà nhập vào họ. Đừng sợ hãi về những ‘lời buộc tội’ của họ! Đừng lo lắng; sớm muộn thì sự chỉ trích của họ sẽ thất bại, những cáo buộc của họ cũng sẽ tỏ ra sai lầm, và những giá trị giả tạo của họ sẽ bộc lộ bản chất của họ là gì: ảo tưởng. Các bạn trẻ thân mến, hãy cẩn thận để không bị những ảo tưởng cuốn đi. Làm ơn hãy cụ thể bởi vì thực tế là cụ thể. Hãy đề phòng những ảo tưởng.

Những gì trường tồn, như Đức Ki-tô dạy chúng ta, lại hoàn toàn khác hẳn: công việc của tình yêu. Đó là những gì còn lại và làm cho cuộc sống nên tươi đẹp! Phần còn lại sẽ lụi tàn đi. Tình yêu được thực hiện cụ thể trong việc làm. Vì vậy, cha lặp lại: đừng sợ những ‘lời cáo buộc’ của thế gian. Hãy yêu thương! Nhưng yêu thương theo ánh sáng của Chúa; bằng cách hiến trao đời mình để giúp đỡ người khác.

Điều này đưa chúng ta đến điểm thứ hai: sự tán thành. Đức Giê-su nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Đức Giê-su muốn nói gì qua lời tuyên bố này? “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Vì sao Ngài không làm điều gì đó để đảm bảo thành quả của mình, để thu hút sự ủng hộ của nhà cầm quyền, để có được sự chấp thuận cho kế hoạch của mình? Tại sao Đức Giê-su lại không làm điều đó? Làm sao Ngài có thể mong chờ thay đổi được mọi chuyện nếu Ngài bị ‘đánh bại’? Đức Giê-su hành xử bằng cách này bởi Ngài loại bỏ não trạng quyền lực (x. Mc 10, 42-45). Ngài không lệ thuộc vào quyền lực!

Các bạn trẻ quý mến, các con cũng sẽ làm như thế để noi theo gương mẫu của Ngài. Đừng để mình bị lôi kéo bởi nhu cầu cần được nhìn nhận, được tán thành và được khen ngợi. Những người bị cuốn vào cơn mê này sẽ cảm thấy băn khoăn lo lắng. Cuối cùng thì họ đẩy người khác ra xung quanh, rơi vào sự ganh đua, trở nên không thành thật, chịu áp lực từ bạn bè và thoả hiệp chỉ để đạt được một chút sự công nhận và được nhìn thấy. Xin hãy cẩn thận, phẩm giá của các con không phải để mua bán. Nó không dành để mua bán! Hãy cẩn thận.

Thiên Chúa yêu thương các con như chính con người các con, chứ không như vẻ bên ngoài của mỗi người. Trước mặt Ngài, sự hồn nhiên nơi những ước mơ của các con đáng giá hơn thành công và danh tiếng, và sự chân thật nơi ý hướng của các con có giá trị hơn sự tán thành thế gian. Đừng bị lừa gạt bởi những người tìm dụ dỗ các con với những lời hứa hão huyền, nhưng chỉ muốn thao túng và sử dụng các con cho lợi ích riêng của họ. Hãy coi chừng bị lợi dụng. Hãy cẩn thận để không bị công cụ hóa. Hãy tự do, nhưng là tự do trong sự hoà hợp với phẩm giá của mình. Đừng thoả hiệp để trở thành ‘những ngôi sao một ngày’ trên mạng xã hội hãy trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác! Cha nhớ lại lần nọ khi một người phụ nữ trẻ muốn được chú ý, mặc dù cô ấy xinh đẹp, nhưng đã trang điểm cho mình trước khi đến buổi tiệc. Cha nghĩ, ‘sau khi trang điểm, còn lại điều gì?’. Đừng đặt những lớp phấn son trên tâm hồn mình và cũng đừng tô điểm cho cõi lòng mình. Hãy là chính mình: chân thật và trong sáng. Đừng trở thành ‘những ngôi sao một ngày’ trên mạng xã hội hãy trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác. Các con được mời gọi toả sáng trong một bầu trời rộng lớn hơn. Trên thiên đàng, tình yêu bất tận của Chúa Cha được phản chiếu bằng nhiều ánh sáng nhỏ bé. Tình yêu của Người được biểu lộ nơi chúng ta qua tình cảm chung thuỷ giữa đôi vợ chồng, niềm vui thơ ngây của đàn con, lòng nhiệt thành của những người trẻ, chăm sóc người già yếu, lòng quảng đại của những người thánh hiến, lòng bác ái hướng đến người nghèo và tính trung thực được đề cao trong những môi trường làm việc. Hãy nghĩ về những điều sẽ làm cho các con nên mạnh mẽ. Những ánh sáng nhỏ bé về: tình cảm thuỷ chung của các đôi vợ chồng – một điều tuyệt vời – ; niềm vui hồn nhiên của những đứa trẻ – đây là một niềm vui thật dễ thương!-; lòng nhiệt thành của người trẻ – tất cả các con, hãy nhiệt thành! – ; và sự chăm sóc người già yếu. Cha hỏi các con: các con có chăm sóc cho người cao niên không? Các con có thăm viếng ông bà của mình không? Hãy quảng đại trong cuộc sống của mình và bác ái với người nghèo, cũng như miệt mài trong công việc của các con. Đây chính là bầu trời thực sự, nơi mà chúng ta chiếu sáng như những vì sao giữa thế giới (x. Pl 2, 15). Làm ơn đừng nghe những kẻ lừa dối các con! Không có sự tán thành nào mà các con nhận được có thể cứu thế giới hoặc làm các con hạnh phúc. Chỉ duy món quà tình yêu nhưng không mới có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Điều cứu được thế giới chính là món quà tình yêu nhưng không. Tình yêu không thể bị mua bán: tình yêu là nhưng không, là hiến trao chính mình.

Điều này đưa chúng ta đến điểm thứ ba: sự thật. Đức Ki-tô đến thế gian để ‘làm chứng cho sự thật’ (Ga 18, 37), và Ngài làm như thế qua việc dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và anh chị em của mình (x. Mt 22, 34-40; 1Ga 4, 6-7). Chỉ trong tình yêu, sự hiện hữu của chúng ta mới tìm được ánh sáng và ý nghĩa (x. 1Ga 2, 9-11). Trái lại, chúng ta vẫn sẽ là những tù nhân của sự dối trá lớn lao. Sự dối trá lớn lao này là gì? Đó là sự tự mãn, cái ‘tôi’ tự mãn (x. St 3, 4-5). Loại ích kỷ này là cội rễ của mọi bất công và bất hạnh. Đó là ‘cái tôi’ quy hướng về mình – tôi, với tôi, luôn là ‘tôi’ – và điều này không thể nhìn thấy người khác hay nói chuyện với họ. Hãy coi chừng căn bệnh này, tức cái ‘tôi’ quy hướng về mình.

Đức Ki-tô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14, 6), qua việc lột trần mình khỏi mọi sự và chết trên thập giá vì ơn cứu độ của chúng ta, dạy chúng ta rằng chỉ trong tình yêu chúng ta mới có thể sống, lớn lên và phát triển trong phẩm giá trọn vẹn của mình (x. Ep 4, 15-16). Chân Phước Pier Giorgio Frassati – một người trẻ như các con – từng viết cho một người bạn, nói rằng, không có tình yêu chúng ta chẳng thể sống được nữa, nhưng chỉ sống qua ngày thôi (x. Thư gởi Isidoro Bonini, 27/2/1925). Chúng ta muốn sống, chứ không chỉ để tồn tại. Đó là lý do vì sao chúng ta phải cố gắng làm chứng cho sự thật trong đức ái, yêu thương nhau như Chúa Giê-su đã dạy chúng ta (x. Ga 15, 12).

Thưa anh chị em, thật không đúng khi một số người nghĩ rằng những biến cố trên thế giới đã ‘vượt khỏi’ tầm kiểm soát của Thiên Chúa. Chẳng hề đúng khi lịch sử được viết nên bởi những kẻ áp bức, những tay bạo chúa và những kẻ kiêu căng. Mặc dù nhiều trong số các sự dữ khiến chúng ta đau buồn chính là việc làm của những người đã bị lừa dối bởi Thần Dữ, mọi thứ cuối cùng đều phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Những kẻ áp bức người dân, gây nên chiến tranh, khuôn mặt của những người này sẽ trông như thế nào khi họ đứng trước Chúa? “Tại sao ngươi khơi mào chiến tranh? Tại sao ngươi lại phạm tội giết người?” Họ sẽ đáp lại thế nào? Chúng ta hãy nghĩ về điều đó, và cũng nghĩ về chúng ta nữa. Chúng ta không khơi mào chiến tranh và cũng không giết người, nhưng tôi lại phạm phải tội này hay tội kia. Khi đó Chúa sẽ nói với chúng ta, “Nhưng vì sao con lại làm điều này? Vì sao con lại bất chính bằng cách này? Tại sao con lại dùng tiền của vào sự phù hoa của con?” Chúa cũng sẽ hỏi chúng ta những điều này. Chúa ban cho chúng ta sự tự do, nhưng Ngài không ruồng bỏ chúng ta. Ngài sửa lỗi khi chúng ta vấp ngã, nhưng Ngài chẳng bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta muốn, Ngài nâng chúng ta lên để chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình với niềm vui.

Vào cuối buổi Cử hành Thánh Thể này, các bạn trẻ Bồ Đào Nhà sẽ trao các biểu tượng của Ngày Giới Trẻ Thế giới cho các bạn trẻ Hàn Quốc: Thánh giá và linh ảnh Đức Maria Bảo vệ Cư dân thành Rôma (Salus Populi Romani). Đây cũng là một dấu chỉ. Đó là lời mời gọi cho tất cả chúng ta để sống Tin Mừng và mang Tin Mừng đến khắp nơi trên thế giới, không ngừng nghỉ, không nản lòng, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và chẳng bao giờ ngừng hy vọng. Thật vậy, chủ đề của sứ điệp cho buổi cử hành hôm nay là: “Những ai hy vọng vào Chúa sẽ tiến bước không mỏi mệt” (x. Is 40, 31). Các con, những người trẻ Hàn Quốc, sẽ nhận lấy Thánh Giá Chúa, Thánh giá sự sống, dấu chỉ vinh thắng, nhưng các con không đơn độc: các con sẽ nhận lấy Thánh Giá cùng với Mẹ của chúng ta. Đó là Đức Maria, người luôn đồng hành với chúng ta trên hành trình hướng về Chúa Giê-su. Chính Đức Maria, trong những thời khắc khó khăn, vẫn ở bên cạnh Thánh Giá của chúng ta để giúp đỡ chúng ta, bởi vì Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ lặng yên. Hãy giữ Mẹ Maria trong tâm trí.

Chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Đức Giê-su, vào Thánh giá của Ngài và vào Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Bằng cách này, dẫu trải qua những khó khăn, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để tiến về phía trước, mà không hãi sợ những lời buộc tội, cũng chẳng cần đến sự tán thành, dựa trên phẩm giá của chính chúng ta, với sự bảo đảm được Mẹ Maria cứu thoát và đồng hành. Không thoả hiệp và không tô điểm thiêng liêng. Phẩm giá của anh chị em không cần phải tô điểm. Chúng ta hãy tiến về phía trước, vui vẻ sống vì người khác, yêu thương và trở nên những chứng nhân cho sự thật. Xin đừng đánh mất niềm vui của anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

———————————

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31