BÀI GIẢNG THÁNH LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐỨC GIOAN PHAOLÔ I, CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C: VỊ MỤC TỬ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Written by xbvn on Tháng Chín 4th, 2022. Posted in Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Tân Chân phước đã sống như thế : trong niềm vui của Tin Mừng, không thỏa hiệp, bằng cách yêu thương cho đến cùng. Ngài là hiện thân của sự nghèo khó của người môn đệ, vốn không chỉ siêu thoát với của cải vật chất, nhưng nhất là chiến thắng sự cám dỗ đặt cái tôi của mình ở trung tâm và tìm kiếm vinh quang của mình. Trái lại, theo gương Chúa Giêsu, ngài là một mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài coi mình như cát bụi mà Thiên Chúa đã đoái thương viết nên ».

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Đức Gioan-Phaolô I như thế trong bài giảng lễ phong chân phước cho Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô I vào ngày 4/9/2022, tại quảng trường thánh Phêrô, khi mời gọi các Kitô hữu sống theo Tin Mừng không phải cách nửa vời, nhưng là trọn vẹn.

Và Đức Thánh Cha nói tiếp : « Với nụ cười, Đức Giáo hoàng Luciani đã thành công trong việc truyền đi lòng nhân từ của Chúa. Thật đẹp một Giáo hội với khuôn mặt vui tươi, với khuôn mặt thanh thản và tười cười, một Giáo hội không bao giờ đóng cửa lại, không cứng lòng, không phàn nàn và không nuôi dưỡng lòng oán giận, không giận dữ hay thiếu bao dung, không tỏ ra càu nhàu, không đau khổ vì hoài niệm quá khứ. »

Đức Thánh Cha đã ấn định ngày lễ mừng chân phước Gioan-Phaolô I vào ngày 26/8 hằng năm, cũng là ngày ngài được bầu làm Giáo hoàng.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Chúa Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem và bài Tin Mừng hôm nay nói rằng « có rất đông người cùng đi đường với Ngài » (Lc 14, 25). Đi đường với Ngài có nghĩa là bước theo Ngài, tức là trở thành môn đệ. Tuy nhiên, Chúa đưa ra cho những người này một phát biểu không hấp dẫn gì và rất đòi hỏi : ai không yêu mến Ngài hơn những người thân của mình, ai không vác thập giá mình, ai không siêu thoát với của cải trần gian thì không thể làm môn đệ Ngài (x. cc. 26-27.33). Tại sao Chúa Giêsu nói những lời này với đám đông ? Đâu là ý nghĩa của những lời cảnh báo này ? Chúng ta hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này.

Trước tiên, chúng ta nhìn thấy một đám đông đông đảo, nhiều người đi theo Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng nhiều người đã bị lôi cuốn bởi lời nói của Ngài và kinh ngạc bởi những cử chỉ Ngài đã thực hiện ; và vì thế, họ sẽ thấy nơi Ngài một niềm hy vọng cho tương lai của họ. Mọi bậc thầy thời đó sẽ làm gì, hay – chúng ta có thể tự hỏi – một nhà lãnh đạo mưu mẹo sẽ làm gì khi thấy lời nói và đặc sủng của mình thu hút đám đông và gia tăng sự nổi tiếng của mình ? Điều đó vẫn còn xảy ra ngày nay : đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng, cá nhân và xã hội, khi chúng ta dễ có cảm giác tức giận hay sợ hãi về điều gì đó đang đe dọa tương lai của chúng ta, chúng ta trở nên dễ bị tổn thương hơn. Và như thế, trong lúc cảm xúc, chúng ta tin tưởng những người biết thao túng cách khéo léo và mưu mẹo, bằng cách lợi dụng nỗi sợ hãi của xã hội và hứa hẹn với chúng ta là « đấng cứu tinh » của chúng ta, người sẽ giải quyết các vấn đề, đang khi trên thực tế, họ muốn gia tăng sự nổi tiếng và quyền lực của mình, hình ảnh của mình, khả năng có mọi sự trong tay của mình.

Tin Mừng nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu không làm như thế. Phong cách của Thiên Chúa thật khác biệt. Điều quan trọng là phải hiểu phong cách của Thiên Chúa, cách Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa hành động với một phong cách và phong cách của Thiên Chúa khác biệt với phong cách của những người này bởi vì Ngài không dụng cụ hóa những nhu cầu của chúng ta, Ngài không bao giờ sử dụng sự yếu đuối của chúng ta để lớn lên. Ngài không muốn quyến rũ chúng ta bằng sự lừa dối, cũng không phân phát những niềm vui rẻ tiền. Ngài không quan tâm bởi đám người đông đảo. Ngài không tôn thờ những con số, Ngài không tìm kiếm sự tán thành, Ngài không thần tượng thành công cá nhân. Trái lại, Ngài có vẻ lo lắng khi dân chúng đi theo Ngài với sự hưng phấn và nhiệt tình cách quá dễ dàng. Đó là lý do tại sao, thay vì để mình bị thu hút bởi sự quyến rũ của sự nổi tiếng – bởi vì sự nổi tiếng quyến rũ -, Ngài yêu cầu mỗi người phân định cách cẩn thận những động cơ mà họ theo Ngài và những hệ quả mà điều đó bao hàm.

Thật vậy, nhiều người trong đám đông này có thể đã đi theo Chúa Giêsu bởi vì họ hy vọng rằng Ngài sẽ là vị thủ lãnh giải cứu họ khỏi kẻ thù, một người sẽ nắm lấy quyền lực và chia sẻ nó cho họ ; hoặc là một người giải quyết các vấn đề nghèo đói và bệnh tật bằng cách cách làm phép lạ. Quả thế, người ta có thể đi theo Chúa Giêsu vì những lý do khác nhau và một số lý do, chúng ta phải thừa nhận là trần tục : đằng sau một vẻ ngoài đạo đức hoàn hảo có thể che giấu chỉ sự thỏa mãn những nhu cầu của mình, tìm kiếm uy tín cá nhân, ước muốn có một vai trò, kiểm soát mọi thứ, ước muốn có được địa vị và đạt được những đặc ân, khát vọng được công nhận….Điều đó xảy ra ngày nay giữa các Kitô hữu. Nhưng đó không phải là phong cách của Chúa Giêsu. Và điều đó không thể là phong cách của người môn đệ cũng như của Giáo hội. Nếu ai đó đi theo Chúa Giêsu với những lợi ích cá nhân này, thì người đó đang đi sai đường.

Chúa đòi hỏi một thái độ khác. Bước theo Ngài không có nghĩa là bước vào một triều đình hay tham gia vào một đoàn rước khải hoàn chiến thắng, thậm chí cũng không phải nhận được bảo hiểm nhân thọ. Trái lại, điều đó có nghĩa là « vác thập giá » (lc 14, 27) : cũng như Ngài, mang lấy gánh nặng của mình và gánh nặng của người khác, biến cuộc sống của mình thành một quà tặng, chứ không phải chiếm hữu, tiêu hao nó bằng cách bắt chước tình yêu quảng đại và thương xót mà Ngài dành cho chúng ta. Đó là chọn lựa liên quan đến toàn bộ cuộc sống ; đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mong ước rằng người môn đệ không đặt gì trước tình yêu này, ngay cả những tình cảm thân thiết nhất và của cải lớn lao nhất.

Nhưng để làm điều đó, cần phải nhìn vào Ngài hơn là vào chính chúng ta, học hỏi tình yêu, kín múc nó từ Đấng Chịu Đóng Đinh. Ở đó, chúng ta nhìn thấy tình yêu tự hiến cho đến cùng này, không mức độ và không giới hạn. Mức độ của tình yêu là yêu thương không mức độ. Chính chúng ta – Đức Giáo hoàng Luciani nói – « chúng ta là đối tượng của một tình yêu không bao giờ suy giảm của Thiên Chúa » (Kinh Truyền Tin, 10/9/1978). Không bao giờ suy giảm : nó không bao giờ lu mờ đi trong cuộc sống của chúng ta, nó chiếu sáng trên chúng ta và soi sáng ngay cả những đêm đen tối nhất. Và như thế, khi nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta được mời gọi đạt tới tầm mức của tình yêu này : thanh tẩy bản thân khỏi những ý tưởng méo mó về Thiên Chúa và khỏi sự khép kín của chúng ta, yêu mến Ngài và tha nhân, trong Giáo hội và trong xã hội, ngay cả những người không suy nghĩ như chúng ta, ngay cả những kẻ thù.

Yêu thương : ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng thập giá của sự hy sinh, của sự thinh lặng, của sự hiểu lầm, của sự cô đơn, bị cản trở và bắt bớ. Yêu thương như thế, kể cả với cái giá này, bởi vì – chân phước Gioan-Phaolô I còn nói – nếu bạn muốn đi theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh, « bạn không thể không cúi mình xuống thập giá và để cho mình bị đâm bởi những gai nhọn của vương miện trên đầu Chúa » (Tiếp kiến chung, ngày 27/9/1978). Tình yêu cho đến cùng, với tất cả những gai nhọn của nó : không phải những việc nửa vời, những dàn xếp hay cuộc sống yên ả. Nếu chúng ta không nhìn lên cao, nếu chúng ta không mạo hiểm, nếu chúng ta bằng lòng với một đức tin màu mè, thì chúng ta – Chúa Giêsu nói – như người muốn xây một ngôi tháp nhưng không biết tính toán phí tổn để làm nó ; anh ta « đặt móng » và tiếp đến « không thể hoàn thành » (c. 29). Nếu, vì sợ đánh mất chính mình, chúng ta từ bỏ việc dâng hiến bản thân, thì chúng ta bỏ dở mọi thứ : mối quan hệ, công việc, trách nhiệm được giao phó cho chúng ta, ước mơ và ngay cả niềm tin. Và như thế cuối cùng chúng ta sống nửa vời – và biết bao người sống nửa vời, chúng ta cũng thường bị cám dỗ sống nửa vời – mà không bao giờ thực hiện bước quyết định, không cất cánh, không mạo hiểm vì điều tốt đẹp, không thực sự dấn thân cho người khác. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta điều này : hãy sống theo Tin Mừng và bạn sẽ sống cuộc sống, không phải cách nửa vời nhưng là trọn vẹn. Hãy sống theo Tin Mừng, hãy sống cuộc sống mà không thỏa hiệp.

Thưa anh chị em, tân Chân phước đã sống như thế : trong niềm vui của Tin Mừng, không thỏa hiệp, bằng cách yêu thương cho đến cùng. Ngài là hiện thân của sự nghèo khó của người môn đệ, vốn không chỉ siêu thoát với của cải vật chất, nhưng nhất là chiến thắng sự cám dỗ đặt cái tôi của mình ở trung tâm và tìm kiếm vinh quang của mình. Trái lại, theo gương Chúa Giêsu, ngài là một mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài coi mình như cát bụi mà Thiên Chúa đã đoái thương viết nên (x. A. Luciani/Jean-Paul I, Opera omnia, Padova 1988, vol. II, p. 11).  Đó là lý do tại sao ngài đã nói : « Chúa đã khuyến cáo nhiều : Hãy khiêm nhường. Ngay cả khi anh chị em đã hoàn thành những điều vĩ đại, thì hãy nói : chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng » (Tiếp kiến chung, ngày 6/9/1978).

Với nụ cười, Đức Giáo hoàng Luciani đã thành công trong việc truyền đi lòng nhân từ của Chúa. Thật đẹp một Giáo hội với khuôn mặt vui tươi, với khuôn mặt thanh thản và tười cười, một Giáo hội không bao giờ đóng cửa lại, không cứng lòng, không phàn nàn và không nuôi dưỡng lòng oán giận, không giận dữ hay thiếu bao dung, không tỏ ra càu nhàu, không đau khổ vì hoài niệm quá khứ. Chúng ta hãy cầu nguyện với người cha và người anh của chúng ta, xin ngài cho chúng ta có được « nụ cười của tâm hồn », trong sáng, không lừa dối, nụ cười của tâm hồn. Bằng những lời của ngài, chúng ta hãy cầu xin điều mà ngài từng có thói quen cầu xin : « Lạy Chúa, xin nhận lấy con như con là, với những lỗi lầm của con, những khuyết điểm của con, nhưng xin biến con trở nên như Chúa muốn » (Tiếp kiến chung, ngày 13/9/1978).  Amen.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31