BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 34. SỰ PHÂN TÂM, KHÔ KHAN VÀ NGUỘI LẠNH

Written by xbvn on Tháng Năm 20th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Anh chị em hãy có can đảm nói với Thiên Chúa : nhưng tại sao… ? », Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung hôm 19/5/2021. Và thậm chí « nổi giận một chút cũng tốt », để « lôi kéo trái tim của Cha chúng ta đến nỗi khốn khổ của chúng ta, đến sự khó khăn của chúng ta, đến cuộc sống của chúng ta ».

Và « Thiên Chúa sẽ đáp lời », Đức Thánh Cha tiếp tục khẳng định. Thiên Chúa « sẽ đón nhận ngay cả những biểu lộ gay gắt và cay đắng nhất, bằng tình yêu của một người cha và và sẽ coi chúng như một hành vi đức tin, như một lời cầu nguyện ».

Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự phân tâm, sự khôn khan và thói nguội lạnh trong đời sống cầu nguyện.

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !

Theo mô hình của sách Giáo lý, trong bài giáo lý này, chúng ta dựa vào kinh nghiệm sống của việc cầu nguyện, bằng cách cố gắng chỉ ra một số khó khăn của nó, rất phổ biến, cần phải được xác định và vượt qua. Cầu nguyện không phải dễ dàng : có nhiều khó khăn diễn ra trong việc cầu nguyện. Vần phải biết chúng, xác định chúng và vượt qua chúng.

Vấn đề đầu tiên xảy ra cho người cầu nguyện là sự phân tâm (x. GLGHCG, số 2729). Bạn bắt đầu cầu nguyện, rồi tâm trí bạn đi lang thang, đi lang thang, trên khắp thế giới ; tâm hồn của bạn ở đó, tâm trí ở đó…Sự chia trí trong việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện thường cùng tồn tại với sự chia trí. Quả thế, tâm trí con người khó dừng lại lâu ở một tư tưởng duy nhất. Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm về sự rộn ràng liên lỉ của những hình ảnh và những ảo ảnh đang chuyển động liên lỉ, ngay cả đi theo  chúng ta khi chúng ta ngủ. Và tất cả chúng ta đều biết rằng nhượng bộ cho khuynh hướng lộn xộn này là không tốt.

Đấu tranh để chinh phục và duy trì được sự tập trung không chỉ liên quan đến việc cầu nguyện. Nếu chúng ta không đạt tới một mức độ tập trung đủ, thì chúng ta không thể học tập cách ích lợi hay làm việc tốt được. Các vận động viên biết rằng các cuộc thi đấu không chỉ thắng được bằng sự tập luyện thể lý, nhưng còn bằng kỷ luật tâm trí : nhất là bằng khả năng giữ tập trung và duy trì sự chú tâm mạnh mẽ.

Việc phân tâm không có tội, nhưng nó phải được khắc phục. Trong di sản đức tin của chúng ta, có một đức tính thường bị quên lãng, nhưng rất hiện diện trong Tin Mừng. Nó được gọi là « tỉnh thức ». Và Chúa Giêsu nói nhiều điều này : « Hãy tỉnh thức. Hãy cầu nguyện ». Sách Giáo lý trích dẫn nó cách minh nhiên trong phần chỉ dẫn về việc cầu nguyện (x. số 2730). Thông thường, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ bổn phận có một cuộc sống tiết độ, được hướng dẫn bởi tư tưởng rằng sớm hay muộn, Ngài sẽ trở lại, như chàng rể của tiệc cưới hay như ông chủ trẩy đi phương xa. Nhưng không biết giờ, ngày trở về, nên tất cả các giây phút của cuộc sống của chúng ta đều quý giá và không được đánh mất do lơ đãng. Vào lúc chúng ta không biết, thì tiếng của Chúa chúng ta sẽ vang lên : ngày đó, phúc cho những tôi tớ mà Ngài sẽ gặp thấy bận rộn, vẫn còn tập trung vào những gì đáng kể thực sự. Họ không bị phân tán chạy theo những quyến rũ đến trong tâm trí họ, nhưng họ đã tìm cách bước đi trên con đường công chính, làm điều thiện và chu toàn bổn phận của mình. Đây là sự phân tâm : khi trí tưởng tượng quay tròn, quay tròn, quay tròn…Thánh Têrêsa đã gọi trí tưởng tượng đi lang thang, đi lang thang trong việc cầu nguyện, là « kẻ điên trong nhà » : đó là một kẻ điên làm cho bạn quay tròn, quay tròn…Chúng ta phải dừng nó lại và nhốt nó vào lồng, cách chăm chú.

Thời gian khô khan xứng đáng một bài nói chuyện riêng. Sách Giáo lý mô tả nó như thế này : « Tâm hồn trống rỗng, không còn hứng thú đối với những tư tưởng, những kỷ niệm và những tình cảm, ngay cả về mặt tinh thần. Đó là thời điểm của đức tin thuần khiết giữ vững trung thành với Chúa Giêsu trong cơn hấp hối và nơi ngôi mộ » (số 2731).  Sự khôn khan làm chúng ta nghĩ đến Thứ Sáu Tuần Thánh, đến đêm tối và đến Thứ Bảy Tuần Thánh, suốt cả ngày : Chúa Giêsu không ở đó, ngài đang ở trong mồ ; Chúa Giêsu đã chết : chúng ta cô độc. Và đó là tư tưởng-mẹ đẻ của sự khô khan. Thông thường, chúng ta không biết đâu là nguyên nhân của sự khô khan : điều đó có thể tùy thuộc vào chính chúng ta, nhưng cũng tùy thuộc vào Thiên Chúa, Đấng cho phép một số hoàn cảnh của đời sống ngoại tại và nội tại. Hay, đôi khi, điều này có thể là đau đầu hay đau gan, cản trở bạn đi vào việc cầu nguyện. Thông thường, chúng ta không biết rõ lý do. Các bậc thầy tu đức mô tả kinh nghiệm về đức tin như là một sự luân phiên liên lỉ của thời gian an ủi và thời gian u sầu ; những lúc mà mọi sự nên dễ dàng, đang khi những lúc khác được ghi dấu bởi sự nặng nề to lớn. Thông thường, khi chúng ta gặp một người bạn, chúng ta nói : « Bạn khỏe không ? » – « Hôm nay, tôi suy sút tinh thần lắm ». Thông thường, chúng ta bị « suy sút tinh thần», tức là chúng ta không cảm thấy cảm xúc, chúng ta không tìm thấy sự an ủi, chúng ta không đạt được điều đó. Đó là những ngày u sầu…Và có nhiều ngày như thế, trong cuộc sống ! Nhưng nguy cơ là có một tâm hồn u sầu : khi sự « suy sút tinh thần » này đi vào tâm hồn và làm cho nó bệnh hoạn…Có những người sống bằng tâm hồn u sầu. Thật ghê sợ : người ta không thể cầu nguyện, người ta không thể cảm thấy sự an ủi bằng tâm hồn u sầu ! Và người ta không thể luôn có một sự khô khan thiêng liêng với một tâm hồn u sầu. Tâm hồn phải cởi mở và tỏa sáng, để ánh sáng của Chúa đi vào. Và nếu ánh sáng của Chúa không đi vào, thì cần phải chờ đợi với niềm hy vọng. Nhưng đừng khép kín nó trong sự u sầu.

Rồi, thói nguội lạnh là một điều khác, một khiếm khuyết khác, một tật xấu khác, vốn là một cám dỗ thực sự chống lại việc cầu nguyện và, chung chung hơn, chống lại đời sống Kitô hữu. Thói nguội lạnh là « một hình thức trầm uất do buông lỏng khổ chế, hạ thấp tỉnh thức, chểnh mảng tâm hồn » (GLGHCG, số 2733). Đó là một trong bảy « tội đầu mối » bởi vì, được nuôi dưỡng bởi tính tự phụ, nó có thể dẫn đến cái chết của linh hồn.

Vì thế, làm thế nào trong chuỗi những nhiệt thành và chán nản ? Phải luôn học biết tiến bước. Sự tiến bộ đích thực của đời sống thiêng liêng không hệ tại nhân tăng những cuộc xuất thần, nhưng là có khả năng kiên trì trong những lúc khó khăn : hãy tiến bước, hãy tiến bước, hãy tiến bước…Và nếu bạn mệt mỏi, thì hãy dừng lại một lát và lại bắt đầu tiến bước. Nhưng một cách kiên trì. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn của thánh Phanxicô về niềm vui hoàn hảo : không phải nơi những vận may vô tận như mưa rơi xuống từ Trời mà ta đo lường khả năng của một người anh em, nhưng trong sự kiện bước đi cách kiên trì, ngay cả khi ta không được nhìn nhận, ngay cả khi ta bị xử tệ, ngay cả khi mọi sự đã mất đi hứng thú lúc ban đầu. Tất cả các thánh đã trải qua « thung lũng âm u » này, và chúng ta đừng bị sốc nếu, khi đọc nhật ký của các ngài, chúng ta nghe kể về những đêm cầu nguyện mà không có sự hăng say , được sống mà không có sự hứng thú. Phải học cách nói : « Lạy Thiên Chúa của con, ngay cả khi Ngài dường như làm mọi cách để con ngừng tin vào Ngài, thì trái lại, con tiếp tục cầu nguyện với Ngài ». Người tín hữu không bao giờ dập tắt lời cầu nguyện ! Đôi khi, lời cầu nguyện có thể giống với lời cầu của ông Gióp, không chấp nhận Thiên Chúa đối xử với ông cách bất công, phản đối và buộc tội Ngài. Nhưng thông thường, ngay cả phản đối trước mặt Thiên Chúa là một cách cầu nguyện hay, như cụ bà nhỏ bé kia đã nói, « nổi giận với Chúa cũng là một cách cầu nguyện », bởi vì thông thường, đứa con nổi giận với cha mình : đó là một cách tương quan với cha ; bởi vì nó nhìn nhận ông ấy là « cha », nên nó nổi giận…

Và chúng ta cũng thế, ít thánh thiện và kiên nhẫn hơn ông Gióp nhiều, chúng ta biết rằng cuối cùng, khi chấm dứt thời gian trầm uất này, mà suốt thời gian đó chúng ta đã dâng lên Trời những tiếng kêu câm lặng và nhiều lời « tại sao ? », thì Thiên Chúa sẽ đáp lời chúng ta. Anh chị em đừng quên lời cầu nguyện « tại sao ? » : đó là lời cầu nguyện mà những đứa con thân thưa khi chúng bắt đầu không hiểu sự việc và các nhà tâm lý học gọi nó là « tuổi tại sao », bởi vì đứa con hỏi cha mình : « Bố ơi, tại sao… ? Bố ơi, tại sao… ? Bố ơi, tại sao… ? Nhưng chú ý : đứa con không nghe câu trả lời của người cha. Người cha bắt đầu trả lời và đứa con đi đến với một lời tại sao khác. Nó chỉ muốn lôi kéo cái nhìn của cha nó ; và khi chúng ta nổi giận một chút với Thiên Chúa, và chúng ta bắt đầu hỏi những câu hỏi tại sao, chúng ta đang lôi kéo trái tim của Cha chúng ta đến sự khốn khổ của chúng ta, đến sự khó khăn của chúng ta, đến cuộc sống của chúng ta. Đúng thế, anh chị em hãy có can đảm nói với Thiên Chúa : « Nhưng tại sao… ? ». Bởi vì đôi khi, nổi giận một chút cũng tốt, vì điều đó đánh thức mối tương quan con trai với Cha, con gái với Cha này, mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa. Và thậm chí Ngài sẽ đón nhận những biểu hiện gay gắt và cay đắng nhất, bằng tình yêu của một người cha và sẽ coi chúng như là một hành vi đức tin, như một lời cầu nguyện.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo ZENIT)

Catéchèse : « Ayez le courage de dire à Dieu : mais pourquoi… ? »

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30