BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 10. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC THÁNH VỊNH (1)
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, trong các Thánh vịnh chúng ta tìm thấy tất cả những cảm xúc của con người: niềm vui, nỗi đau khổ, nghi ngờ, hy vọng, cay đắng vốn tô điểm cho cuộc sống của chúng ta. Khi đọc các Thánh vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ cầu nguyện. Đó là lời của Thiên Chúa mà chúng ta dùng để nói chuyện với Ngài. Chúng là những lời cầu khẩn, thường đầy kịch tính, xuất phát từ trung tâm của cuộc sống. Để cầu nguyện với chúng, chúng ta chỉ cần là chính mình. Nơi chúng, đau khổ được biến thành lời cầu xin. Người cầu nguyện biết rằng mình quý giá trước mắt Thiên Chúa, đối với Ngài, việc kêu xin có một ý nghĩa. Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh là bằng chứng cho tiếng kêu xin này. Người cầu nguyện với các Thánh vịnh xin Thiên Chúa can thiệp ở nơi mà mọi nỗ lực của con người đều vô ích. Và lúc đó đau khổ trở thành một mối tương quan: đó là lời kêu cứu đang chờ đợi được một đôi tai lắng nghe. Đối với Thiên Chúa, mọi nỗi đau của con người đều linh thiêng. Trước mặt Ngài, chúng ta không phải là những người xa lạ hay những con số. Mỗi chúng ta đều được biết đến bằng tên. Cánh cửa của Ngài luôn mở. Đôi khi chỉ cần biết rằng Ngài đang lắng nghe. Người cầu nguyện biết rằng nhiều vấn đề trong cuộc sống vẫn chưa được giải quyết. Nhưng nếu chúng ta được lắng nghe, mọi thứ sẽ trở nên dễ chịu hơn. Điều tồi tệ nhất là phải chịu đựng sự bỏ rơi. Lời cầu nguyện cứu chúng ta khỏi điều này. Cuộc sống không loại trừ chúng ta khỏi đau khổ, nhưng nếu chúng ta duy trì mối quan hệ với Thiên Chúa, nó sẽ mở ra một chân trời rộng lớn về sự tốt lành và tiến tới sự hoàn thành của nó.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 14/10/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta không ngừng tìm thấy nhiều loại lời cầu nguyện khác nhau. Nhưng chúng ta cũng tìm thấy một cuốn sách chỉ gồm những lời cầu nguyện, một cuốn sách đã trở thành quê hương, sân tập và ngôi nhà của vô số người cầu nguyện. Đó là Sách Thánh vịnh. Có 150 Thánh vịnh để cầu nguyện.
Nó thuộc về các sách khôn ngoan, vì nó truyền đạt việc “biết cầu nguyện” qua kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa. Trong các Thánh vịnh, chúng ta tìm thấy tất cả những cảm xúc của con người: niềm vui, nỗi đau, nghi ngờ, hy vọng, cay đắng vốn tô điểm cho cuộc sống của chúng ta. Sách Giáo lý khẳng định rằng mỗi Thánh vịnh “bình dị đến nỗi con người thuộc bất cứ hoàn cảnh và thời đại nào cũng có thể sử dụng để cầu nguyện” (GLHTCG, số 2588). Bằng cách đọc đi đọc lại các Thánh vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Cha đã gợi hứng chúng bằng Thánh Thần của Ngài trong tâm hồn của vua Đavít và những người cầu nguyện khác, để dạy mỗi người làm thế nào ca ngợi Ngài, làm thế nào cảm tạ và cầu xin Ngài, làm thế nào kêu cầu Ngài trong những lúc vui mừng và đau khổ, làm thế nào kể lại được những điều kỳ diệu trong công trình và Lề luật của Ngài. Tóm lại, các Thánh vịnh là lời của Thiên Chúa mà con người chúng ta dùng để nói chuyện với Ngài.
Trong cuốn sách này, chúng ta không gặp những người thanh khiết, những người trừu tượng, những người nhầm lẫn lời cầu nguyện với một trải nghiệm thẩm mỹ hoặc gò bó. Các Thánh vịnh không phải là những văn bản nảy sinh ở bàn làm việc; chúng là những lời cầu khẩn, thường đầy kịch tính, xuất phát từ trung tâm của cuộc sống. Để cầu nguyện với chúng, chúng ta chỉ cần là chính mình. Chúng ta không được quên rằng để cầu nguyện tốt, chúng ta phải cầu nguyện như chúng ta là, không trang điểm. Không cần phải hóa trang tâm hồn để cầu nguyện. “Lạy Chúa, con là thế đó”, và trình diện trước mặt Chúa như chúng ta là, với những điều tốt đẹp cũng như những điều xấu xí mà không ai biết, nhưng chúng ta biết từ bên trong. Trong các Thánh vịnh, chúng ta nghe thấy tiếng nói của những người cầu nguyện bằng xương bằng thịt, mà cuộc sống của họ, giống như cuộc sống của mọi người, đầy rẫy những vấn đề, khó khăn và bất ổn. Tác giả Thánh vịnh không triệt để tranh cãi về nỗi đau khổ này: ông biết rằng nó thuộc về cuộc sống. Tuy nhiên, trong các Thánh vịnh, đau khổ biến thành một câu hỏi. Từ đau khổ đến câu hỏi.
Và trong số rất nhiều câu hỏi, có một câu hỏi vẫn lơ lửng, giống như một tiếng kêu không ngừng xuyên suốt cuốn sách từ trang này sang trang khác. Một câu hỏi mà chúng ta lặp lại rất nhiều lần: “Lạy Chúa, cho đến khi nào? Cho đến khi nào?”. Mỗi nỗi đau đều cần được giải thoát, mỗi giọt nước mắt đều cần được an ủi, mọi vết thương đều chờ được chữa lành, mỗi sự vu khống chờ một lời xá tội. “Lạy Chúa, con phải chịu đựng điều này đến khi nào? Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe con!”: đã bao nhiêu lần chúng ta cầu nguyện như thế này, với câu “Cho đến khi nào?”, lạy Chúa, thế là đủ rồi!
Bằng cách không ngừng đặt ra những câu hỏi như thế này, các Thánh vịnh dạy chúng ta đừng quen với nỗi đau, và chúng nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống sẽ không được cứu nếu nó không được chữa lành. Cuộc sống của con người là một hơi thở, lịch sử của nó là phù du, nhưng người cầu nguyện biết rằng mình rất quý giá trước mắt Thiên Chúa, đó là lý do tại sao việc kêu xin có một ý nghĩa. Và đó là điều quan trọng. Khi cầu nguyện, chúng ta làm thế vì biết rằng mình quý giá trước mắt Chúa. Chính ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng, từ bên trong, khơi dậy nơi chúng ta ý thức này: mình là người quý giá trước mắt Thiên Chúa. Và vì lý do này mà chúng ta được thúc đẩy để cầu nguyện.
Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh là bằng chứng cho tiếng kêu xin này: có nhiều tiếng kêu xin, bởi vì, trong cuộc sống, nỗi đau có hàng ngàn hình thức, và mang danh xưng bệnh tật, hận thù, chiến tranh, bách hại, ngờ vực… Cho đến “sự vấp phạm” tột cùng của cái chết. Cái chết xuất hiện trong Thánh vịnh như kẻ thù phi lý nhất của con người: tội ác nào đáng bị trừng phạt tàn nhẫn như vậy, bao gồm sự hủy diệt và cái kết? Người cầu nguyện Thánh vịnh cầu xin Thiên Chúa can thiệp ở nơi mà mọi nỗ lực của con người đều vô ích. Đây là lý do tại sao lời cầu nguyện tự nó đã là con đường dẫn tới ơn cứu độ và là khởi đầu của ơn cứu độ.
Trên thế giới này, mọi người đều đau khổ: cả những người tin vào Thiên Chúa lẫn những người khước từ Ngài. Nhưng trong Thánh vịnh, nỗi đau trở thành mối tương quan, mối quan hệ: một tiếng kêu cứu đang chờ được một đôi tai chú ý lắng nghe. Nó không thể tồn tại mà không có ý nghĩa, không có mục đích. Ngay cả những nỗi đau mà chúng ta chịu cũng không thể chỉ là những trường hợp đặc thù của một quy luật phổ quát: chúng luôn là những giọt nước mắt “của tôi”. Hãy suy nghĩ về điều này: nước mắt không phải là phổ quát, chúng là nước mắt “của tôi”. Mỗi người đều có nước mắt của mình. Những giọt nước mắt “của tôi” và nỗi đau “của tôi” buộc tôi phải tiến về phía trước bằng lời cầu nguyện. Đây là những giọt nước mắt “của tôi”, chưa ai từng rơi trước tôi. Vâng, rất nhiều người đã khóc, rất nhiều. Nhưng nước mắt “của tôi” là của tôi, nỗi đau “của tôi” là của tôi, đau khổ “của tôi” là của tôi.
Trước khi bước vào phòng này, tôi đã gặp cha mẹ của vị linh mục đến từ giáo phận Côme, người đã bị sát hại; chính xác là ngài đã bị giết khi phục vụ giúp đỡ. Nước mắt của những bậc cha mẹ này là nước mắt của “họ” và mỗi người trong họ đều biết mình đã đau khổ biết bao khi nhìn thấy người con đã hiến mạng sống mình để phục vụ người nghèo. Khi chúng ta muốn an ủi ai đó, chúng ta không tìm được lời nói. Tại sao? Bởi vì chúng ta không thể chạm tới nỗi đau của họ, bởi vì nỗi đau của họ là của họ, những giọt nước mắt của họ là của họ. Đối với chúng ta cũng vậy: nước mắt, nỗi đau “của tôi” là của tôi, nước mắt là “của tôi” và với những giọt nước mắt này, với nỗi đau này, tôi thưa với Chúa.
Đối với Thiên Chúa, mọi nỗi đau của con người đều linh thiêng. Đây là lời cầu nguyện của Thánh vịnh 56: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” (c. 9). Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không phải là những người xa lạ hay những con số. Chúng ta là những khuôn mặt và những trái tim, được biết đến từng người một, bằng tên.
Trong các Thánh vịnh, người tín hữu tìm thấy câu trả lời. Họ biết rằng, ngay cả khi mọi cánh cửa của con người đều đóng lại, thì cánh cửa của Thiên Chúa vẫn mở. Cho dù mọi người đã tuyên án, nhưng ơn cứu độ vẫn có nơi Thiên Chúa.
“Chúa đang lắng nghe”: đôi khi trong cầu nguyện, chỉ cần biết như thế là đủ. Các vấn đề không luôn luôn được giải quyết. Người cầu nguyện không phải là người ngây thơ: họ biết rằng nhiều vấn đề của cuộc sống dưới trần gian này vẫn khôn có giải pháp, không có lối thoát; đau khổ sẽ đồng hành cùng chúng ta và sau khi thắng trận, sẽ có những đau khổ khác đang chờ đợi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta được lắng nghe, mọi thứ sẽ trở nên dễ chịu hơn.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bị bỏ rơi trong đau khổ, không ai nhớ đến chúng ta. Lời cầu nguyện cứu chúng ta khỏi điều này. Bởi vì có thể xảy ra, và thậm chí thường xuyên, là không hiểu được kế hoạch của Chúa. Nhưng những tiếng kêu xin của chúng ta không bị giam hãm ở dưới trần gian này: chúng lên tới Ngài, Đấng có tấm lòng của một người Cha, và chính Ngài khóc cho mỗi người con đang đau khổ và chết. Tôi sẽ nói với anh chị em điều này: thật là tốt cho tôi, trong những lúc khó khăn, khi nghĩ đến những giọt nước mắt của Chúa Giêsu, khi Người khóc khi nhìn vào Giêrusalem, khi Người khóc trước mộ Ladarô. Thiên Chúa đã khóc cho tôi, Thiên Chúa đang khóc, Ngài khóc cho nỗi đau của chúng ta. Một tác giả tu đức nói, bởi vì Thiên Chúa đã muốn làm người để có thể khóc. Nghĩ đến Chúa Giêsu cùng khóc với tôi trong đau đớn là một niềm an ủi: Người giúp chúng ta tiến về phía trước. Nếu chúng ta duy trì mối quan hệ với Người, cuộc sống không miễn cho chúng ta đau khổ, nhưng nó mở ra một chân trời rộng lớn về sự tốt lành và hướng tới sự hoàn thành của nó. Can đảm lên, chúng ta hãy tiến về phía trước bằng lời cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta.
———————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?