BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 12. CHÚA GIÊSU, CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chúng ta tiếp tục hành trình về cầu nguyện, với câu chuyện Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Mặc dù không phạm tội, Chúa Giêsu vẫn bày tỏ tình liên đới với thân phận con người của chúng ta và cầu nguyện với những tội nhân của dân Thiên Chúa. Người không đứng xa mà đắm mình trong dòng nước thanh tẩy. Khi bắt đầu sứ vụ của mình, Người đứng đầu một đoàn dân hối nhân, chịu trách nhiệm mở ra cánh cửa mà tất cả phải có can đảm để vượt qua theo Người. Thánh sử làm nổi bật bầu khí cầu nguyện trong đó diễn ra phép rửa của Chúa Giêsu. Chính khi cầu nguyện mà Chúa Giêsu mở cửa trời, chính khi cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần ngự xuống và Chúa Cha tuyên bố Người là Con yêu dấu. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, mà vào lúc này, là lời cầu nguyện cá nhân của Người, nhờ ân sủng sẽ trở thành lời cầu nguyện của tất cả những ai đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô. Vì vậy, trong những giây phút đen tối của cuộc đời, chúng ta phải cầu xin để lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng trở thành lời cầu nguyện của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ nghe một giọng nói từ trời nói với chúng ta một cách dịu dàng: “Con được Thiên Chúa yêu thương, con là con của Chúa Cha, con là niềm vui của Ngài”.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 28/10/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay, trong buổi tiếp kiến này, như chúng ta đã làm trong các buổi tiếp kiến trước, tôi sẽ vẫn ở đây. Tôi rất muốn xuống chào mọi người, nhưng phải giữ khoảng cách, vì nếu tôi xuống, thì ngay lập tức có người tụ tập để chào và điều này đi ngược lại các biện pháp, các phòng ngừa mà chúng ta phải có trước mặt “bà” được gọi là Covid này và điều đó gây tổn hại chúng tôi rất nhiều. Vì vậy, xin hãy miễn thứ nếu tôi không xuống chào anh chị em: tôi chào anh chị em từ đây, nhưng tôi mang tất cả anh chị em trong trái tim mình. Còn anh chị em, hãy mang tôi trong trái tim anh chị em và cầu nguyện cho tôi. Từ xa, chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau; cảm ơn anh chị em đã hiểu.
Trong hành trình giáo lý về cầu nguyện của chúng ta, sau khi đi qua Cựu Ước, giờ đây chúng ta đến với Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Khởi đầu sứ vụ công khai của Người bắt đầu bằng phép rửa ở sông Giođan. Các thánh sử đồng thuận với nhau trong việc gán tầm quan trọng cơ bản cho tình tiết này. Các ngài kể rằng tất cả mọi người hồi tâm cầu nguyện, và các ngài nói rõ rằng cuộc tụ họp này rõ ràng có tính cách sám hối (x. Mc 1, 5; Mt 3, 8). Dân chúng đến với Gioan để chịu phép rửa để được ơn tha tội: có một đặc tính sám hối, hoán cải.
Do đó, hành vi công khai đầu tiên của Chúa Giêsu là tham dự vào một buổi cầu nguyện hợp xướng của dân chúng, một lời cầu nguyện của những người sắp chịu phép rửa, một lời cầu nguyện sám hối, trong đó tất cả đều thừa nhận mình là tội nhân. Đây là lý do tại sao Gioan Tẩy Giả muốn phản đối và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi?” (Mt 3, 14). Gioan Tẩy Giả hiểu Chúa Giêsu là ai. Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh: hành vi của Người là một hành vi vâng theo ý muốn của Chúa Cha (c. 15), một hành vi liên đới với thân phận con người của chúng ta. Người cầu nguyện với những tội nhân của dân Thiên Chúa. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này: Chúa Giêsu là Đấng Công Chính, Người không phải là tội nhân. Nhưng Người muốn xuống với chúng ta là những kẻ tội lỗi, và Người cầu nguyện với chúng ta, và khi chúng ta cầu nguyện, Người đang cầu nguyện với chúng ta; Người ở với chúng ta vì Người đang cầu nguyện cho chúng ta ở trên Thiên đàng. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với dân của Người, Người luôn cầu nguyện với chúng ta: luôn luôn. Chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình, chúng ta luôn cầu nguyện với Chúa Giêsu. Người không ở lại bên kia bờ sông – “Ta là người công chính, còn các ngươi là kẻ tội lỗi” – để đánh dấu sự khác biệt và khoảng cách của Người với dân chúng không vâng phục, nhưng Người ngâm chân mình trong cùng dòng nước thanh tẩy. Người hành động như một tội nhân. Chính sự vĩ đại của Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, Đấng tự hóa mình ra không và xuất hiện như một tội nhân.
Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa xa vời, và Người không thể như vậy. Sự nhập thể đã mặc khải điều đó một cách trọn vẹn và không thể tưởng tượng được về mặt nhân loại. Do đó, khi bắt đầu sứ mạng của mình, Chúa Giêsu đã đặt mình đứng đầu một đoàn dân hối nhân, như thể Người chịu trách nhiệm mở ra một cánh cửa mà tất cả chúng ta phải có can đảm để vượt qua theo Người. Nhưng con đường, hành trình thật khó khăn; nhưng Người tiến tới, mở đường. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích rằng đó là tính mới mẻ của thời viên mãn. Nó nói: “Lời cầu nguyện con thảo mà Chúa Cha mong đợi nơi con cái của Ngài, cuối cùng sẽ được sống bởi chính Người Con duy nhất trong nhân tính của Người, với và vì loài người” (số 2599). Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này trong đầu và trong trái tim mình: Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta.
Vì thế, vào ngày đó, bên bờ sông Giođan, có toàn thể nhân loại, cùng với những khát vọng cầu nguyện khôn tả xiết. Nhất là có đoàn dân của người tội lỗi: những người nghĩ không thể được Thiên Chúa yêu thương, những người không dám bước ra khỏi ngưỡng cửa đền thờ, những người không cầu nguyện vì họ cảm thấy mình không xứng đáng. Chúa Giêsu đến vì mọi người, kể cả vì họ, và Người bắt đầu bằng việc kết hiệp với họ, với tư cách là người đứng đầu.
Tin Mừng Thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh bầu khí cầu nguyện trong đó đã diễn ra phép rửa của Chúa Giêsu: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra” (3, 21). Bằng việc cầu nguyện, Chúa Giêsu mở cửa trời và từ đó Chúa Thánh Thần ngự xuống. Và từ trên cao có tiếng công bố sự thật kỳ diệu: “Con là Con yêu dấu của Cha; Chai hài lòng về Con” (c. 22). Câu đơn giản này chứa đựng một kho tàng bao la: nó làm cho chúng ta hiểu được đôi điều về mầu nhiệm Chúa Giêsu và trái tim Người luôn hướng về Chúa Cha. Trong cơn lốc của cuộc sống và của thế giới vốn sẽ đi đến chỗ lên án Người, ngay cả trong những trải nghiệm khó khăn và đau buồn nhất mà Người sẽ phải chịu đựng, ngay cả khi Người cảm thấy không có nơi tựa đầu (x. Mt 8, 20), cả khi hận thù và bách hại diễn ra xung quanh Người, Chúa Giêsu không bao giờ thiếu một mái ấm nương tựa: Người luôn luôn ở trong Chúa Cha.
Đây là sự cao cả độc đáo trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: Chúa Thánh Thần chiếm hữu con người của Người và tiếng nói của Chúa Cha làm chứng rằng Người là Con yêu dấu, Người Con mà Ngài được phản ánh trọn vẹn.
Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, trên bờ sông Giođan là hoàn toàn mang tính cá nhân – và sẽ như vậy trong suốt cuộc đời trần thế của Người – , trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhờ ân sủng, sẽ trở thành lời cầu nguyện của tất cả những ai đã chịu phép rửa trong Chúa Kitô. Chính Người đã giành được món quà này cho chúng ta và Người mời gọi chúng ta cầu nguyện như Người đã cầu nguyện.
Đó là lý do tại sao, nếu một buổi tối cầu nguyện nào đó mà chúng ta cảm thấy yếu đuối và trống rỗng, nếu, đối với chúng ta, cuộc sống của chúng ta dường như hoàn toàn vô ích, thì trong lúc đó chúng ta phải cầu xin để lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng trở thành lời cầu nguyện của chúng ta. “Hôm nay con không thể cầu nguyện, con không biết phải làm gì: con không cảm thấy có khả năng làm điều đó, con không xứng đáng, không xứng đáng.” Lúc đó, chúng ta phải phó thác cho Người để Người cầu nguyện cho chúng ta. Lúc đó, Người đang ở trước Chúa Cha cầu nguyện cho chúng ta, Người là Đấng chuyển cầu; Người cho Chúa Cha thấy những vết thương của Người vì chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng vào điều đó! Nếu chúng ta tin tưởng, thì lúc đó chúng ta sẽ nghe thấy một giọng nói từ trời, to hơn tiếng nói phát ra từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta, và chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói đó thì thầm những lời dịu dàng: “Con là con yêu dấu của Thiên Chúa, con là con, con là vinh quang của Cha trên trời”. Chính vì chúng ta, vì mỗi người chúng ta mà lời của Chúa Cha vang vọng: ngay cả khi chúng ta bị mọi người chối bỏ, ngay cả khi chúng ta là những tội nhân thuộc loại tồi tệ nhất. Chúa Giêsu không xuống sông Giođan cho chính mình, nhưng vì tất cả chúng ta. Chính toàn dân Thiên Chúa đã đến sông Giođan để cầu nguyện, cầu xin sự tha thứ và thực hiện phép rửa sám hối này. Và như nhà thần học này nói, Người đã đến gần sông Giođan “với tâm hồn trần trụi và đôi chân trần”. Đây chính là sự khiêm tốn. Để cầu nguyện, cần phải có sự khiêm nhường. Người đã mở các tầng trời, như Môisê rẽ nước Biển Đỏ, để tất cả chúng ta có thể đi theo Người. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta lời cầu nguyện của chính Người, đó là cuộc đối thoại tình yêu của Người với Chúa Cha. Người đã ban nó cho chúng ta như một hạt giống của Chúa Ba Ngôi, muốn bén rễ trong tâm hồn chúng ta. Hãy đón nhận nó! Chúng ta hãy đón nhận hồng ân này, hồng ân cầu nguyện. Luôn luôn ở với Người. Và chúng tôi sẽ không sai lầm.
———————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE