BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 13. CHÚA GIÊSU, THẦY DẠY CẦU NGUYỆN

Written by xbvn on Tháng Năm 15th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Thưa anh chị em, trong cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu đã liên lỉ nhờ đến sức mạnh của lời cầu nguyện. Tin Mừng cho chúng ta thấy Người rút lui vào những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Quả thật, Người không bao giờ chểnh mảng cuộc đối thoại thân mật với Chúa Cha, ngay cả trong những lúc hết sức quan tâm đến người nghèo và người bệnh. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại mầu nhiệm cho phép hiểu được toàn bộ sứ mạng của Người, vì chính nó hướng dẫn cuộc đời và vạch ra con đường của Người. Bằng việc cầu nguyện, Chúa Giêsu đắm mình trong tình yêu của Đấng mà mọi tâm hồn khao khát. Vì vậy, từ gương của ngài, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của việc cầu nguyện Kitô giáo. Trước hết, cầu nguyện là ước muốn đầu tiên của ngày sống, là điều được thực hiện vào lúc bình minh, ngay trước khi thế giới thức dậy. Đó cũng là việc lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng cũng kêu gọi chúng ta lắng nghe và gặp gỡ người lân cận, bởi vì nó có sức mạnh mở rộng tâm trí và mở rộng trái tim. Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần phải kiên trì thực hành. Chúa Giêsu dạy chúng ta biến nó thành một kỷ luật, một bài tập và một quy luật sống. Một đặc điểm khác của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự cô tịch, vì Thiên Chúa nói trong sự thinh lặng. Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta nhận ra rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Nó giúp chúng ta tìm ra thước đo đúng đắn trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là Cha chúng ta và với toàn thể công trình tạo dựng.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 4/11/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Thật không may, chúng ta phải trở lại với buổi tiếp kiến này trong thư viện, để ngăn ngừa sự lây lan của Covid. Điều này cũng dạy chúng ta rằng chúng ta phải rất chú ý đến các chỉ thị của các nhà chức trách, dù là chính quyền hay cơ quan y tế, để ngăn ngừa đại dịch này. Chúng ta hãy dâng lên Chúa khoảng cách giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả mọi người và hãy nghĩ nhiều đến các bệnh nhân, đến những người vào bệnh viện đã bị coi như loại bỏ, nghĩ đến các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, rất nhiều người đang làm việc với người bệnh vào lúc này: họ liều mạng sống, nhưng họ làm điều đó vì tình yêu đối với người lân cận, như một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu không ngừng nhờ đến sức mạnh của lời cầu nguyện. Các Tin Mừng cho chúng ta thấy điều này khi Người rút vào những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đó là những quan sát đúng mực và kín đáo, chỉ cho phép chúng ta hình dung được những cuộc đối thoại cầu nguyện này. Tuy nhiên, những quan sát này chứng minh rõ ràng rằng, ngay cả trong những giây phút tận tâm hết mình cho người nghèo và người bệnh, Chúa Giêsu không bao giờ bỏ qua cuộc đối thoại thân mật với Chúa Cha. Càng đắm chìm trong nhu cầu của con người, Người càng cảm thấy cần thiết phải nghỉ ngơi trong sự Hiệp thông Ba Ngôi, cần thiết phải trở về với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Vì vậy, có một bí mật trong cuộc đời của Chúa Giêsu, ẩn giấu trước mắt con người, được coi là trung tâm của mọi sự. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại mầu nhiệm, mà chúng ta chỉ có một trực giác nhỏ bé, nhưng nó cho phép chúng ta đọc toàn bộ sứ mạng trong viễn cảnh đúng đắn. Trong những giờ phút cô tịch này – trước bình minh hay trong đêm tối – Chúa Giêsu đắm mình trong sự thân mật với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình Yêu mà mỗi tâm hồn đều khao khát. Đây là những gì xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên trong sứ vụ công khai của Người.

Chẳng hạn, một ngày thứ Bảy nọ, thị trấn nhỏ Capharnaum được biến thành một “bệnh viện dã chiến”: sau khi mặt trời lặn, tất cả những người bệnh được mang đến với Chúa Giêsu, và Người chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến mất: Người rút vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Simon và những người khác tìm kiếm Người, và khi tìm thấy Người, họ nói với Người: “Mọi người đang tìm Thầy!” Chúa Giêsu trả lời thế nào: “Thầy phải đi rao giảng ở các làng khác nữa; chính vì thế mà Thầy đã đến” (x. Mc 1, 35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn trong lời cầu nguyện với Chúa Cha và xa hơn nữa, ở những ngôi làng khác, những chân trời khác để đi rao giảng, những dân tộc khác.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn đường của Chúa Giêsu. Điều hướng dẫn các giai đoạn trong sứ mạng của Người không phải là những thành công, không phải là sự đồng thuận, không phải là cụm từ quyến rũ “mọi người đang tìm Thầy” này. Điều vạch ra con đường của Chúa Giêsu, đó là con đường ít thuận tiện nhất, tuy nhiên lại tuân theo sự linh hứng của Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giêsu lắng nghe và đón nhận trong lời cầu nguyện cô tịch của Người.

Sách Giáo lý khẳng định: “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, là Người đã dạy chúng ta cầu nguyện” (số 2607). Đó là lý do tại sao, từ gương Chúa Giêsu, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của việc cầu nguyện Kitô giáo.

Trước hết, nó có vị trí hàng đầu: nó là ước muốn đầu tiên của ngày sống, là điều chúng ta thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức dậy. Nó mang lại linh hồn cho những gì còn thiếu sức sống. Một ngày sống không có cầu nguyện sẽ có nguy cơ trở thành một kinh nghiệm tẻ nhạt, hay nhàm chán: mọi thứ xảy ra với chúng ta đều có thể trở thành một số phận khó chịu đựng và mù quáng. Trái lại, Chúa Giêsu giáo dục về sự tuân phục thực tại và do đó giáo dục sự lắng nghe. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa. Như thế, những vấn đề hằng ngày không trở thành trở ngại, nhưng là lời kêu gọi của chính Chúa để lắng nghe và gặp gỡ người trước mặt chúng ta. Do đó, những thử thách của cuộc sống được biến thành những cơ hội để lớn lên trong đức tin và đức ái. Cuộc hành trình hằng ngày, bao gồm cả những khó khăn, đạt được viễn cảnh của một “ơn gọi”. Lời cầu nguyện có sức mạnh biến đổi thành điều tốt lành những gì, trong cuộc sống, đáng lẽ phải bị lên án; lời cầu nguyện có sức mạnh mở ra một chân trời rộng lớn cho tâm trí và mở rộng trái tim.

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành một cách kiên trì. Chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: hãy gõ cửa, gõ cửa, gõ cửa. Tất cả chúng ta đều có thể cầu nguyện theo kiểu giai đoạn, xuất phát từ cảm xúc nhất thời; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một kiểu cầu nguyện khác: kiểu cầu nguyện biết một kỷ luật, một bài tập và được thực hành theo quy luật của cuộc sống. Lời cầu nguyện kiên trì tạo ra sự biến đổi tiệm tiến, giúp chúng ta mạnh mẽ trong lúc hoạn nạn, mang lại ân sủng được nâng đỡ bởi Đấng luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta.

Một đặc điểm khác của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự cô tịch. Người cầu nguyện không chạy trốn thế giới, nhưng thích những nơi vắng vẻ hơn. Ở đó, trong sự thinh lặng, có thể xuất hiện nhiều tiếng nói mà chúng ta ẩn sâu trong nội tâm: những ước muốn thầm kín nhất, những sự thật mà chúng ta vẫn cố kìm nén, v.v. Và trên hết, Thiên Chúa lên tiếng trong thinh lặng. Mỗi người cần một không gian cho riêng mình, nơi vun trồng đời sống nội tâm của mình, nơi hành động tìm thấy ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, bồn chồn, lo lắng – nỗi lo lắng làm tổn hại chúng ta biết bao! Đây là lý do tại sao chúng ta phải thực hành cầu nguyện; không có đời sống nội tâm, chúng ta chạy trốn thực tại và chúng ta cũng chạy trốn chính mình, chúng ta là những con người luôn chạy trốn.

Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi chúng ta ý thức rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Đôi khi con người chúng ta tin rằng mình là chủ của mọi thứ, hoặc ngược lại, chúng ta mất hết lòng tự trọng, chúng ta chuyển từ bên này sang bên kia. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm ra chiều hướng đúng đắn trong mối quan hệ với Thiên Chúa là Cha chúng ta và với tất cả công trình tạo dựng. Cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là phó mình trong tay Chúa Cha, giống như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong nỗi thống khổ này: “Lạy Cha, nếu có thể được…, nhưng xin cho ý Cha được thể hiện”. Sự phó thác trong tay Chúa Cha. Thật là điều đẹp đẽ khi chúng ta bồn chồn, bận tâm đôi chút và Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn chúng ta đến sự phó thác trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tái khám phá, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô là thầy dạy cầu nguyện, và chúng ta hãy đặt mình vào trường học của Người. Tôi đảm bảo với anh chị em rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sự bình an.

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31