BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 20. LỜI CẦU NGUYỆN TẠ ƠN

Written by xbvn on Tháng Tư 25th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Thưa anh chị em, hôm nay, tôi muốn dừng lại ở lời cầu nguyện tạ ơn. Câu chuyện Tin Mừng về mười người bệnh phong chia thế giới giữa những người tạ ơn và những người không tạ ơn. Những người mà mọi thứ đều là nợ phải trả và những người mà mọi thứ đều là một món quà. Tuy nhiên, bất kỳ biến cố nào, và thậm chí bất kỳ sự cần thiết nào, đều có thể trở thành lý do để tạ ơn. Trong mọi sự, chúng ta đều có ân sủng đi trước; nhìn nhận điều đó là điểm khởi đầu của lời cầu nguyện tạ ơn. Lời tạ ơn lên đến đỉnh điểm trong đời sống của người Kitô hữu với việc cử hành bí tích lớn nhất, Bí tích Thánh Thể, vốn có nghĩa chính xác là: tạ ơn. Sống, đó là đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa và tạ ơn Ngài, và lời “cảm ơn” này mở rộng trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Người bệnh phong có lòng biết ơn trong Tin Mừng không hài lòng với niềm vui được chữa lành, nhưng với niềm xác tín được Chúa yêu thương. Nếu chúng ta thuộc về Chúa Kitô, không tội lỗi hay mối đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục cuộc hành trình trong niềm vui. Như Thánh Phaolô nói: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu”.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 30/12/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Hôm nay, tôi muốn tập trung vào lời cầu nguyện tạ ơn. Và tôi lấy cảm hứng từ một tình tiết do thánh sử Luca thuật lại. Khi Chúa Giêsu đang trên đường đi, mười người bệnh phong đến gặp Người và cầu xin: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (17, 13). Chúng ta biết rằng đối với những bệnh nhân phong, sự loại trừ về mặt xã hội và tôn giáo đã làm tăng thêm đau khổ về thể lý. Họ đã bị loại trừ. Chúa Giêsu không từ chối gặp họ. Đôi khi Người vượt lên trên những giới hạn do luật pháp quy định để chạm vào người bệnh – điều mà người ta không thể làm – Người ôm hôn họ, Người chữa lành họ. Trong trường hợp này, không có tiếp xúc. Từ xa, Chúa Giêsu mời gọi họ đến trình diện với các tư tế (c. 14), những người chịu trách nhiệm, theo luật, chứng nhận việc chữa lành đã xảy ra. Chúa Giêsu không nói gì khác. Người đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ, Người đã lắng nghe tiếng kêu thương xót của họ, và Người lập tức sai họ đến gặp các tư tế.

Mười người phong này có lòng tin, họ không ở đó cho đến khi được chữa lành, không: họ có lòng tin và họ đến đó ngay, và trong khi đến đó, họ được chữa lành, cả mười người. Do đó, các tư tế có thể ghi nhận sự chữa lành của họ và nhận họ trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đây là điểm quan trọng nhất: trong nhóm này, chỉ có một người, trước khi đến gặp các tư tế, quay lại để cảm ơn Chúa Giêsu và ca ngợi Thiên Chúa vì hồng ân nhận được. Chỉ một người, chín người khác tiếp tục lên đường. Và Chúa Giêsu nhận xét rằng người này là một người Samari, một loại “dị giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giêsu bình luận: “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này!” (17,18). Thật là một câu chuyện cảm động!

Có thể nói, câu chuyện này chia thế giới thành hai: những người không cảm ơn và những người cảm ơn; những người coi mọi thứ như phải trả cho họ, và những người đón nhận mọi thứ như một món quà, như một ân sủng. Sách Giáo Lý viết: “Mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành lễ vật tạ ơn” (số 2638). Lời cầu nguyện tạ ơn luôn bắt đầu từ đó: nhận ra mình được ân sủng đi trước. Chúng ta đã được suy nghĩ trước khi học biết suy nghĩ; chúng ta đã được yêu trước khi học biết yêu thương; chúng ta đã được ước muốn trước khi một ước muốn được sinh ra trong trái tim chúng ta. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế này, thì “lòng tạ ơn” sẽ trở thành ánh sáng dẫn đường cho cuộc sống của chúng ta. Thậm chí chúng ta rất thường quên nói “cảm ơn”.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, lời tạ ơn đã được đặt tên cho bí tích thiết yếu nhất là Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, từ Hy Lạp có nghĩa chính xác là: cảm ơn. Các Kitô hữu, giống như tất cả các tín hữu, chúc tụng Thiên Chúa về hồng ân sự sống. Sống trước hết là đã nhận được sự sống. Tất cả chúng ta đều được sinh ra vì ai đó muốn cuộc sống cho chúng ta. Và đó chỉ là khoản nợ đầu tiên trong chuỗi dài những khoản nợ mà chúng ta mắc phải khi còn sống. Nợ lòng biết ơn. Trong suốt cuộc sống của chúng ta, đã có hơn một người nhìn chúng ta bằng đôi mắt trong sáng, nhưng không. Thông thường, đó là những nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã hoàn thành vai trò của mình vượt quá mức độ yêu cầu của bổn phận. Và họ đã làm nảy sinh lòng biết ơn trong chúng ta. Ngay cả tình bạn cũng là một món quà mà chúng ta phải luôn biết ơn.

Lời “cảm ơn” này mà chúng ta phải nói không ngừng, lời cảm ơn mà người Kitô hữu chia sẻ với mọi người, còn mở rộng hơn nữa trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Các Tin Mừng chứng thực rằng việc Chúa Giêsu đi ngang qua thường khơi dậy niềm vui và ca ngợi Thiên Chúa nơi những ai gặp Người. Những trình thuật Giáng Sinh tràn ngập những con người cầu nguyện với tấm lòng rộng mở trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ. Và chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào niềm vui bao la này. Đây cũng chính là điều mà câu chuyện về mười người phong được chữa lành gợi ý. Đương nhiên, tất cả họ đều vui mừng vì đã lấy lại được sức khỏe, nhờ đó có thể thoát khỏi sự cách ly bắt buộc vô tận này khiến họ bị loại khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ có một người làm tăng thêm niềm vui: ngoài sự chữa lành, anh ta còn vui mừng vì cuộc gặp gỡ đã diễn ra với Chúa Giêsu. Anh ta không chỉ thoát khỏi tai họa, mà giờ đây anh ta còn có niềm xác tín rằng mình được yêu thương. Đây là trung tâm: khi bạn cảm ơn, bạn bày tỏ sự xác tín rằng bạn được yêu thương. Và đó là một bước tiến lớn: có được niềm xác tín rằng mình được yêu thương. Đó là việc khám phá ra tình yêu như là sức mạnh chi phối thế giới. Dante sẽ nói: Tình yêu “làm di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradis, XXXIII, 145). Chúng ta không còn là những lữ khách lang thang đây đó nữa, không: chúng ta có một mái nhà, chúng ta ở trong Chúa Kitô, và từ “nơi ở” này, chúng ta chiêm ngưỡng tất cả phần còn lại của thế giới, và thế giới này dường như đẹp đẽ hơn vô cùng đối với chúng ta. Chúng ta là con cái của tình yêu, chúng ta là anh em của tình yêu. Chúng ta là những người nam và người nữ của ân sủng.

Thưa anh chị em, do đó, chúng ta hãy tìm cách luôn ở trong niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy vun trồng niềm hỉ hoan vui sướng. Trái lại, ma quỷ, sau khi lừa dối chúng ta – với bất kỳ cám dỗ nào – , luôn để mặc chúng ta buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, không tội lỗi và không mối đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục cuộc hành trình với niềm vui, với nhiều bạn đường.

Nhất là chúng ta đừng quên tạ ơn: nếu chúng ta là người biết ơn, thì thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn, có lẽ chỉ hơn một chút thôi, nhưng thế cũng đủ để truyền tải cho thế giới một chút hy vọng. Thế giới cần niềm hy vọng và với lòng biết ơn, bằng thái độ nói “cảm ơn” này, chúng ta truyền tải một chút hy vọng. Mọi thứ đều hợp nhất, mọi thứ đều được liên kết và mỗi người đều có thể thực hiện phần việc của mình ở nơi mình hiện diện. Con đường dẫn đến hạnh phúc là con đường mà thánh Phaolô đã mô tả ở cuối một bức thư của ngài: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5, 18-19). Đừng dập tắt Thần Khí, một chương trình sống tuyệt đẹp! Việc không dập tắt Thần Khí bên trong chúng ta sẽ dẫn chúng ta tới lòng biết ơn.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30