BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 21. LỜI CẦU NGUYỆN NGỢI KHEN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta đề cập chiều kích ngợi khen trong lời cầu nguyện. Chúng ta bắt đầu từ một đoạn quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Sau những phép lạ đầu tiên và sự tham gia của các môn đệ vào việc loan báo Nước Thiên Chúa, sứ mạng của Đấng Mêsia đã trải qua một cuộc khủng hoảng. Trong giây phút thất vọng này, Chúa Giêsu cất lên một lời ngợi khen vui mừng. Giữa cơn khủng hoảng, Người chúc tụng và ca ngợi Chúa Cha. Trước hết, Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha vì những gì Chúa Cha là: Chúa của vũ trụ. Rồi, Người ca ngợi Chúa Cha vì Chúa Cha ưu đãi những người bé mọn đón nhận sứ điệp của Người. Trong tương lai của thế giới và trong niềm hy vọng của Giáo hội, có những người bé nhỏ mà, trong Thiên Chúa, đều nhận ra nhau là anh em. Trong giây phút rõ ràng thất bại, Chúa Giêsu cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Người khiến chúng ta đánh giá những thất bại của bản thân mình một cách khác nhau. Lời cầu nguyện ngợi khen rất hữu ích cho chúng ta. Nó phải đặc biệt được thực hành trong những thời điểm khó khăn trong đó nó cho phép chúng ta nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh mới, một chân trời rộng mở hơn. Về vấn đề này, có một giáo huấn tuyệt vời trong lời cầu nguyện mà thánh Phanxicô đã soạn vào cuối đời, giữa những thiếu thốn: “Bài ca của anh mặt trời” hay “của các thụ tạo”. Ngài ca ngợi Thiên Chúa về mọi điều. Các Thánh cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn có thể ca ngợi, trong hạnh phúc cũng như trong thử thách, bởi vì Thiên Chúa là Người Bạn trung thành và tình yêu của Ngài không bao giờ phai nhạt.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 13/1/2021 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện, và hôm nay chúng ta dành cho chiều kích ngợi khen.
Chúng ta bắt đầu từ một đoạn quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Sau những phép lạ đầu tiên và sự tham gia của các môn đệ vào việc loan báo Nước Thiên Chúa, sứ mạng của Đấng Mêsia đã trải qua một cuộc khủng hoảng. Gioan Tẩy Giả đã nghi ngờ và cho người gửi cho Người lời nhắn này – Gioan đang ở trong tù: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? » (Mt 11, 3); ngài cảm thấy lo âu vì không biết liệu lời rao giảng của mình có sai hay không. Luôn có những khoảnh khắc đen tối trong cuộc sống, những khoảnh khắc đêm tối thiêng liêng, và Gioan đang trải qua một trong những khoảnh khắc đó. Có một sự thù nghịch nào đó trong các làng ven hồ, nơi Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ phi thường (x. 11, 20-24). Giờ đây, chính vào lúc thất vọng này, thánh Mátthêu thuật lại một sự kiện thực sự đáng kinh ngạc: Chúa Giêsu không cất tiếng than thở với Chúa Cha, nhưng cất lên một bài ngợi ca hân hoan: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). Nghĩa là, giữa cơn khủng hoảng, giữa bóng tối trong tâm hồn của rất nhiều người, như Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha, Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha. Nhưng tại sao ?
Trước hết, Người ca ngợi Chúa Cha vì những gì Chúa Cha là: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất”. Chúa Giêsu vui mừng trong tâm hồn vì Người biết và cảm nhận rằng Cha của Người là Thiên Chúa của vũ trụ, và ngược lại, Chúa của tất cả những gì hiện hữu chính là Chúa Cha, “Cha của Thầy”. Chính từ kinh nghiệm cảm nhần mình là “Con của Đấng Tối Cao” mà lời ngợi khen tuôn trào. Chúa Giêsu cảm thấy mình là Con của Đấng Tối Cao.
Rồi, Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha vì Người ưu đãi những kẻ bé mọn. Đây là điều chính Người trải nghiệm khi rao giảng trong các làng mạc: người “khôn ngoan” và “thông minh” thì nghi ngờ và khép kín, họ tính toán; trong khi “những kẻ bé mọn” mở lòng đón nhận sứ điệp. Đây chỉ có thể là ý muốn của Chúa Cha, và Chúa Giêsu vui mừng về điều đó. Chúng ta cũng phải vui mừng và ca ngợi Thiên Chúa vì những con người khiêm nhường và đơn sơ đón nhận Tin Mừng. Tôi vui mừng khi thấy những con người đơn sơ này, những con người khiêm nhường đi hành hương, đi cầu nguyện, ca hát, ngợi khen, những con người có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng sự khiêm nhường dẫn họ đến việc ca ngợi Thiên Chúa. Trong tương lai của thế giới và trong niềm hy vọng của các Giáo hội, luôn có những “những kẻ bé mọn”: những người không coi mình tốt hơn người khác, những người ý thức được những giới hạn và tội lỗi của mình, những người không muốn thống trị người khác, mà trong Thiên Chúa là Cha, tất cả đều nhận ra nhau là anh em.
Vì vậy, trong thời điểm rõ ràng là thất bại này, khi mọi thứ đều tối tăm, Chúa Giêsu cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha. Và lời cầu nguyện của Người cũng dẫn chúng ta, những độc giả của Tin Mừng, đến chỗ phán xét theo một cách khác những thất bại của bản thân chúng ta, những hoàn cảnh mà chúng ta không nhìn thấy rõ ràng sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa, khi dường như sự ác đang thống trị và không còn cách nào để ngăn chặn nó. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, Đấng đã rất khuyến khích việc cầu nguyện xin ơn, chính vào lúc Người có lý do để xin Chúa Cha giải thích, trái lại, bắt đầu ca ngợi Ngài. Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng lại là sự thật.
Lời khen ngợi dành cho ai? Cho chúng ta hay cho Thiên Chúa? Một bản văn trong phụng vụ Thánh Thể mời gọi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa theo cách này: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con” (Sách Lễ Rôma, kinh tiền tụng chung IV). Khi ngợi khen, chúng ta được cứu độ.
Cầu nguyện ngợi khen cũng cho chúng ta. Sách Giáo Lý định nghĩa nó như thế này: “Khi ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta được thông phần hạnh phúc của những tâm hồn trong sạch, những kẻ yêu mến Ngài trong đức tin trước khi được nhìn thấy Ngài trong vinh quang” (số 2639). Nghịch lý thay, nó phải được thực hành không chỉ khi cuộc sống tràn ngập hạnh phúc, mà đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn, trong những khoảnh khắc đen tối khi con đường lên dốc. Đây cũng là thời gian ngợi khen, như Chúa Giêsu, Đấng ngợi khen Chúa Cha trong những giây phút đen tối. Bởi vì chúng ta học được rằng qua cuộc leo núi này, qua con đường khó khăn này, con đường mệt mỏi này, những đoạn đường khó khăn này, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh mới, một chân trời rộng mở hơn. Việc ngợi khen giống như hít thở dưỡng trong lành: nó thanh lọc tâm hồn, giúp nhìn xa trông rộng, không để bạn bị mắc kẹt trong những khoảnh khắc khó khăn, đen tối của những khó khăn.
Có một giáo huấn tuyệt vời trong lời cầu nguyện mà từ tám thế kỷ qua không bao giờ ngừng rung động, và được thánh Phanxicô sáng tác vào cuối đời: “Bài ca của anh mặt trời” hay “của các thụ tạo”. “Người nghèo khó” này không sáng tác nó trong khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc mà trái lại giữa những khó khăn. Thánh Phanxicô lúc đó gần như bị mù, và ngài cảm thấy trong tâm hồn mình sức nặng của sự cô đơn mà trước đây ngài chưa bao giờ cảm thấy: thế giới không thay đổi kể từ khi ngài bắt đầu rao giảng, một số người vẫn để mình bị xâu xé bởi những cuộc cãi vã, và hơn thế nữa, ngài nhận thấy bước chân của cái chết đang đến gần hơn. Đây có thể là thời điểm thất vọng trong sự thất vọng cùng cực này và là thời điểm để nhận ra về sự thất bại của mình. Nhưng trong giây phút đau buồn này, trong giây phút đen tối này, thánh Phanxicô cầu nguyện: “Chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con…”. Ngài cầu nguyện ngợi khen. Thánh Phanxicô ca ngợi Thiên Chúa về mọi sự, về mọi hồng ân của công trình tạo dựng, cũng như về cái chết mà ngài can đảm gọi là “chị”, “chị chết”. Những gương mẫu của các thánh, của các Kitô hữu, cũng như của Chúa Giêsu, trong việc ca ngợi Thiên Chúa trong những lúc khó khăn, mở ra cho chúng ta những cánh cửa của một con đường rất vĩ đại hướng tới Chúa và luôn thanh luyện chúng ta. Lời khen ngợi luôn thanh luyện.
Các thánh cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn có thể ca ngợi, trong lúc tốt lành cũng như trong lúc tồi tệ, bởi vì Thiên Chúa là Người Bạn trung thành. Đây là nền tảng của lời ca ngợi: Thiên Chúa là Người Bạn trung thành, và tình yêu của Ngài không bao giờ phai nhạt. Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, Ngài luôn chờ đợi chúng ta. Có người đã nói: “Chính người lính canh đang ở bên bạn và là người giúp bạn tiến về phía trước một cách an toàn”. Trong những thời điểm khó khăn và đen tối, chúng ta hãy can đảm nói: “Lạy Chúa, Chúc tụng Chúa”. Ngợi khen Chúa sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều điều tốt lành.
—————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE