BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 25. CẦU NGUYỆN VÀ CHÚA BA NGÔI (1)

Written by xbvn on Tháng Tư 7th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta sẽ thấy làm thế nào, nhờ Chúa Giêsu, cầu nguyện Kitô giáo mở rộng đến Chúa Ba Ngôi, đại dương bao la của tình yêu Thiên Chúa. Tự mình chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho đúng và chính Chúa Giêsu là Đấng dẫn chúng ta vào mối quan hệ với Thiên Chúa. Nói chuyện với Thiên Chúa là một ân sủng mà chúng ta không xứng đáng. Tại sao con người phải được Thiên Chúa yêu thương? Các vị thần cổ xưa, câm lặng và thờ ơ, không quan tâm đến những người tìm cách làm hài lòng họ một cách vô ích. Không có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ can đảm để tin vào một Thiên Chúa yêu thương con người và có thể chết vì họ. Qua cuộc đời của mình, Chúa Giêsu dạy chúng ta Thiên Chúa là Cha đến mức nào, và chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu được tình yêu hỗ tương này giữa Chúa Cha và Chúa Con, với Chúa Thánh Thần, tình yêu này là nguồn gốc và niềm vui của toàn thể vũ trụ. Chúng ta không thể tin rằng tình yêu này sẽ đến được với chúng ta: chúng ta là những người lãnh nhận một tình yêu không có gì sánh bằng trên trái đất. Qua đức tin, Chúa Giêsu làm cho sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa sẵn có cho chúng ta: chúng ta không thể hy vọng vào một ơn gọi cao hơn.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 3/3/2021 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong hành trình giáo lý về cầu nguyện của chúng ta, hôm nay và tuần tới, chúng ta muốn thấy làm thế nào, nhờ Chúa Giêsu Kitô, lời cầu nguyện mở chúng ta ra với Ba Ngôi Thiên Chúa –Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần –, với biển cả bao la của Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính Chúa Giêsu đã mở Thiên Đàng cho chúng ta và đưa chúng ta vào mối quan hệ với Thiên Chúa. Chính Người đã làm điều này: Người đã mở ra cho chúng ta mối liên hệ này với Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là điều mà thánh Gioan Tông đồ khẳng định ở phần kết của lời tựa Tin Mừng của ngài: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1,18). Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta căn tính, căn tính này của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta thực sự không biết làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện: những lời nào, những tâm tình nào và những ngôn ngữ nào phù hợp đối với Thiên Chúa. Trong lời thỉnh cầu của các môn đệ đối với Thầy, điều mà chúng ta thường nhắc lại trong suốt các bài giáo lý này, chúng ta thấy tất cả những sự dò dẫm của con người, những nỗ lực lặp đi lặp lại nhưng thường thất bại của họ để thưa với Đấng Tạo Hóa: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1).

Không phải tất cả những lời cầu nguyện đều như nhau, và không phải tất cả những lời cầu nguyện đều phù hợp: chính Thánh Kinh đã chứng thực kết quả tồi tệ của nhiều lời cầu nguyện, vốn bị từ chối. Đôi khi, có thể Thiên Chúa không hài lòng với lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta thậm chí không nhận ra điều đó. Thiên Chúa nhìn vào bàn tay của người cầu nguyện: để làm cho chúng được trong sạch, không cần phải rửa tay, nhưng đúng hơn phải tránh những hành động xấu. Thánh Phanxicô đã cầu nguyện một cách triệt để: “Nullu homo ène dignu te mentovare”, nghĩa là “không người nào xứng đáng gọi tên Ngài” (Bài ca Anh Mặt Trời).

Nhưng có lẽ sự thừa nhận cảm động nhất về sự nghèo nàn trong lời cầu nguyện của chúng ta đã nở hoa trên môi miệng của viên đại đội trưởng Rôma này, người một ngày nọ đã cầu xin Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ đau ốm của mình (x. Mt 8, 5-13). Ông cảm thấy hoàn toàn không phù hợp: ông không phải là người Do Thái, ông là một sĩ quan trong đội quân chiếm đóng đáng ghét. Nhưng sự quan tâm đến người đầy tớ khiến ông dám nói: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (c. 8). Đây là câu mà chúng ta cũng lặp lại trong mỗi phụng vụ Thánh Thể. Đối thoại với Thiên Chúa là một ân sủng: chúng ta không xứng đáng với điều đó, chúng ta không có quyền tiến về phía trước, chúng ta “khập khiễng” với mỗi lời nói và mỗi suy nghĩ… Nhưng Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra cho chúng ta cuộc đối thoại này với Thiên Chúa.

Tại sao con người phải được Thiên Chúa yêu thương? Không có lý do rõ ràng, không có tương xứng… Điều này đúng đến mức trong phần lớn các huyền thoại, trường hợp một vị thần quan tâm đến các sự kiện của con người đã không được dự kiến; những sự kiện này thậm chí còn gây khó chịu và phiền toái, hoàn toàn không đáng kể. Chúng ta hãy nhớ lại câu nói của Thiên Chúa với dân Ngài, được lặp lại trong sách Đệ Nhị Luật: “Hãy nghĩ xem, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?” Sự gần gũi của Thiên Chúa này là sự mặc khải! Một số triết gia nói rằng Thiên Chúa chỉ có thể nghĩ đến chính mình. Đúng hơn, chính con người chúng ta tìm cách xoa dịu vị thần và tỏ ra dễ chịu trước mắt Ngài. Từ đó, bổn phận “thờ phượng”, với những hy lễ và lòng sùng kính kèm theo, phải liên tục được dâng cúng để được ơn của một vị Thiên Chúa câm lặng, một Thiên Chúa dửng dưng. Không có đối thoại. Chỉ duy Chúa Giêsu, chỉ duy sự mặc khải của Thiên Chúa trước Chúa Giêsu cho Môsê, khi Thiên Chúa mặc khải chính mình; chỉ có Thánh Kinh mới mở ra cho chúng ta con đường đối thoại với Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?” Sự gần gũi của Thiên Chúa này mở ra cho chúng ta cuộc đối thoại với Ngài.

Chúng ta sẽ không bao giờ có đủ can đảm để tin vào một Thiên Chúa yêu thương con người nếu chúng ta không biết Chúa Giêsu. Sự hiểu biết về Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu điều này, mặc khải điều này cho chúng ta. Đây là cớ vấp phạm mà chúng ta thấy được ghi lại trong dụ ngôn người cha nhân hậu, hay trong dụ ngôn người mục tử đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15). Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được những câu chuyện như thế này, thậm chí không thể hiểu được chúng, nếu chúng ta không gặp Chúa Giêsu. Vị Thiên Chúa nào sẵn sàng chết vì loài người? Vị Thiên Chúa nào luôn yêu thương và kiên nhẫn mà không đòi được yêu lại? Vị Thiên Chúa nào chấp nhận sự vô ơn khủng khiếp của đứa con đòi trước quyền thừa kế và bỏ nhà ra đi hoang phí mọi thứ? (x. Lc 15, 12-13).

Chính Chúa Giêsu là Đấng mặc khải trái tim của Thiên Chúa. Do đó, qua cuộc đời của mình, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha đến mức độ nào. Tam Pater nemo: Không ai là Cha như Ngài. Tình phụ tử là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Chúng ta đừng quên ba từ này vốn là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Đây là cách thể hiện tình phụ tử của Ngài với chúng ta. Chúng ta tưởng tượng một cách khó khăn và từ xa về tình yêu phong phú của Ba Ngôi Chí Thánh, và lòng nhân từ hỗ tương vô cùng lớn lao tồn tại giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các linh ảnh phương Đông cho chúng ta thoáng nhìn thấy điều gì đó về mầu nhiệm này, vốn là nguồn gốc và niềm vui của toàn thể vũ trụ.

Nhất là, chúng ta không thể tin rằng tình yêu thần linh này sẽ mở rộng khi cập bến bờ cõi nhân loại của chúng ta: chúng ta là những người lãnh nhận một tình yêu không có gì sánh bằng trên trái đất. Sách Giáo lý giải thích: “Nhân tính thánh thiện của Chúa Giêsu là con đường qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta” (số 2664). Và đây là ân sủng của đức tin chúng ta. Chúng ta thực sự không thể hy vọng vào một ơn gọi cao cả hơn: nhân tính của Chúa Giêsu – Thiên Chúa đến gần trong Chúa Giêsu – đã làm cho chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa có sẵn cho chúng ta, đã mở ra, mở rộng cánh cửa này về mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

———————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30