BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 28. CẦU NGUYỆN HIỆP THÔNG VỚI CÁC THÁNH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình. Mỗi khi chúng ta chắp tay và mở lòng ra với Chúa, chúng ta thấy mình đang ở gần với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những người cầu nguyện và cầu bầu cho chúng ta như những anh chị cả. Trong Giáo hội, không có một tang thương nào là cô độc, không có một giọt nước mắt nào bị rơi vào quên lãng, bởi vì mọi sự đều tham dự vào một ân sủng chung. Các vị thánh không ở xa chúng ta. Đó là những chứng nhân, bằng cả ngàn cách, hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa duy nhất và là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Các ngài nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi mong manh và bị đánh dấu bởi tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể triển nở. Không bao giờ là quá muộn để quay về với Chúa là Đấng nhân lành và có tình yêu bao la. Trong Chúa Kitô, có một sự liên đới mầu nhiệm giữa những người đã tới cuộc sống bên kia và chúng ta, những người hành hương ở cõi trần này. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và thúc đẩy chúng ta đến sự gần gũi cụ thể. Nếu, bất chấp thử thách, chúng ta vẫn có thể tin tưởng tiến bước, có lẽ chúng ta mang nợ điều đó nhờ sự chuyển cầu của nhiều vị thánh, một số ở trên trời, một số khác đang hành hương như chúng ta trên trái đất, và là những người đã bảo vệ và đồng hành với chúng ta.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 7/4/2021 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Hôm nay tôi muốn tập trung vào mối liên hệ giữa lời cầu nguyện và sự hiệp thông của các thánh. Quả thế, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình: cho dầu chúng ta không nghĩ đến điều đó, nhưng chúng ta vẫn đắm mình trong dòng sông hùng vĩ của những lời cầu khẩn đi trước chúng ta và tiếp tục theo sau chúng ta.
Trong những lời cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy trong Thánh Kinh, và thường vang vọng trong phụng vụ, chúng ta tìm thấy dấu vết của những câu chuyện cổ xưa, của những cuộc giải phóng phi thường, của những cuộc lưu đày và lưu vong đau buồn, của những cuộc hồi hương cảm động, của những lời ca ngợi được thốt lên trước những kỳ công của công trình tạo dựng. Và do đó, những tiếng nói này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong sự hòa trộn không ngừng giữa kinh nghiệm của cá nhân và kinh nghiệm của dân tộc và của nhân loại mà chúng ta thuộc về. Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử của chính mình, khỏi lịch sử của dân tộc mình, chúng ta mang di sản này trong những thói quen cũng như trong lời cầu nguyện của mình. Trong lời cầu nguyện ngợi khen, nhất là trong lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim của những người nhỏ bé và khiêm nhường, vang vọng điều gì đó từ bài ca Magnificat mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước người bà con Elisabeth của mình; hay từ lời thốt lên của cụ già Simeon, người ôm Hài Nhi Giêsu trên tay và nói rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2, 29).
Những lời cầu nguyện – những lời cầu nguyện tốt lành – được “lan tỏa”, chúng lan truyền không ngừng, có hoặc không có tin nhắn trên “mạng xã hội”: từ các phòng bệnh viện, từ những khoảnh khắc hội ngộ mừng lễ, cũng như từ những nơi chúng ta đau khổ trong im lặng… Nỗi đau của mỗi người là nỗi đau của mọi người, và hạnh phúc của người này chảy vào tâm hồn người khác. Nỗi đau và hạnh phúc là một phần của một câu chuyện duy nhất: đó là những câu chuyện vốn trở thành lịch sử trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sống lại lịch sử bằng lời lẽ của mình, nhưng kinh nghiệm vẫn như nhau.
Những lời cầu nguyện luôn được tái sinh: mỗi khi chúng ta chắp tay và mở lòng ra với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình đang ở gần với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những người cầu nguyện với chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta, với tư cách là những anh chị cả đã trải qua thời cuộc phiêu lưu làm người tương tự của chúng ta. Trong Giáo hội, không có một tang thương nào là cô độc, không có một giọt nước mắt nào bị rơi vào quên lãng, vì mọi thứ đều thở và tham gia vào một ân sủng chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong các nhà thờ xưa, các ngôi mộ được tìm thấy ngay trong khu vườn xung quanh thánh đường, như muốn nói rằng trong mỗi Thánh lễ, một cách nào đó, đều có sự tham dự của đám đông những người đã ra đi trước chúng ta. Có cha mẹ và ông bà của chúng ta, có cha mẹ đỡ đầu, có các giáo lý viên và các nhà giáo dục khác… Đức tin được thông truyền, truyền đạt này, mà chúng ta đã lãnh nhận: cách cầu nguyện, việc cầu nguyện, cũng được truyền đạt lại cùng với đức tin.
Các thánh vẫn còn ở đây, không xa chúng ta; và việc trình bày họ trong các nhà thờ gợi lên “đám mây các nhân chứng” luôn vây quanh chúng ta (x. Dt 12, 1). Lúc đầu chúng ta đã nghe đọc đoạn Thư gửi tín hữu Do Thái. Đây là những chứng nhân mà chúng ta không tôn thờ – hiển nhiên, chúng ta không tôn thờ các vị thánh này – nhưng chúng ta tôn kính và bằng hàng ngàn cách, các ngài hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, là Chúa duy nhất và là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Một vị thánh không hướng bạn đến Chúa Giêsu Kitô thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một Kitô hữu. Vị thánh nhắc nhở bạn về Chúa Giêsu vì ngài đã trải qua con đường sự sống với tư cách là một Kitô hữu. Các thánh nhắc nhở chúng ta rằng cả trong cuộc sống của chúng ta, dù yếu đuối và đầy tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể nở hoa. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta đọc thấy rằng vị thánh đầu tiên được “phong thánh” là một tên trộm và ông được “phong thánh” không phải bởi một Giáo hoàng, mà bởi chính Chúa Giêsu. Sự thánh thiện là một hành trình của cuộc sống, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, dù dài hay ngắn, trong chốc lát, nhưng đó luôn là một chứng tá. Một vị thánh là chứng tá của một người nam hay người nữ đã gặp được Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Không bao giờ là quá muộn để quay về với Chúa, Đấng nhân lành và cao cả trong tình yêu (x. Tv 102, 8).
Sách Giáo lý giải thích rằng các thánh “chiêm ngắm Thiên Chúa, ca ngợi Ngài và không ngừng quan tâm đến những người mà các ngài để lại trên trần gian. […] Sự cầu bầu của họ là sự phục vụ cao nhất của họ đối với Kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta có thể và phải cầu xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới” (GLGHCG, 2683). Trong Chúa Kitô, có một sự liên đới mầu nhiệm giữa những người đã tới cuộc sống bên kia và chúng ta là những người hành hương ở đời này: từ Thiên Đàng, những người đã khuất thân yêu của chúng ta tiếp tục chăm sóc chúng ta. Họ cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện cho họ, và chúng ta cầu nguyện với họ.
Mối liên hệ cầu nguyện này giữa chúng ta và các thánh, nghĩa là giữa chúng ta và những người đã đạt đến sự sống sung mãn, mối liên hệ cầu nguyện này chúng ta đã trải nghiệm ở đây, trong cuộc sống trần thế: chúng ta cầu nguyện cho nhau, chúng ta cầu xin cầu nguyện và chúng ta cầu nguyện cho… Cách đầu tiên để cầu nguyện cho ai đó là nói với Chúa về người đó. Nếu chúng ta làm điều này thường xuyên mỗi ngày, thì trái tim chúng ta không khép kín, nó vẫn rộng mở với anh em mình. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và thúc đẩy chúng ta đến sự gần gũi cụ thể. Ngay cả trong những lúc xung đột, một cách để giải quyết xung đột, làm dịu nó, là cầu nguyện cho người mà tôi đang xung đột. Và điều gì đó sẽ thay đổi nhờ lời cầu nguyện. Điều đầu tiên thay đổi là trái tim tôi, là thái độ của tôi. Chúa thay đổi nó để làm cho cuộc gặp gỡ trở nên khả thi, một cuộc gặp gỡ mới và ngăn chặn xung đột trở thành một cuộc chiến tranh bất tận.
Cách đầu tiên để đối mặt với thời gian lo âu là xin anh em chúng ta, đặc biệt là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Tên được đặt cho chúng ta khi rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một vật trang trí! Nói chung, đó là tên của Đức Trinh Nữ, của một vị thánh, những người không mong đợi điều gì khác hơn là “giúp đỡ chúng ta” trong cuộc sống, giúp chúng ta nhận được từ Chúa những ân sủng mà chúng ta cần nhất. Nếu trong cuộc sống của chúng ta, những thử thách không quá nhiều, nếu chúng ta vẫn có khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi thứ, chúng ta tin tưởng tiến bước, thì có lẽ chúng ta mang nợ tất cả những điều này, hơn cả công trạng của chúng ta, nhờ sự chuyển cầu của nhiều vị thánh, một số vị trên Thiên Đàng, những người khác đang hành hương như chúng ta trên trái đất, những người đã bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng trên trái đất này có những con người thánh thiện, những người nam và người nữ thánh thiện đang sống trong sự thánh thiện. Họ không biết điều đó, chúng ta cũng không biết, nhưng có những vị thánh, những vị thánh đời thường, những vị thánh ẩn danh hoặc, như tôi thích nói, “những vị thánh ở cửa nhà bên cạnh”, những người chia sẻ cuộc sống của họ với chúng ta, làm việc với chúng ta và sống một cuộc sống thánh thiện.
Vì thế, hãy chúc tụng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới, với sự nở rộ vô số các vị thánh, đang sinh sôi nảy nở trên trái đất và đã biến cuộc đời mình thành một lời ca ngợi Thiên Chúa. Bởi vì – như Thánh Basiliô đã khẳng định – “Chúa Thánh Thần thực sự là nơi cư ngụ của các thánh vì các ngài dâng hiến chính mình làm nơi cư ngụ cho Thiên Chúa và được gọi là đền thờ của Người.” (Liber de Spiritu Sancto, 26, 62: PG 32, 184A; xem GLGHCG, 2684).
—————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE