BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 29. GIÁO HỘI, THẦY DẠY CẦU NGUYỆN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, Giáo hội là một trường học cầu nguyện tuyệt vời. Nhiều người trong chúng ta học biết những kinh nguyện đầu tiên trên đầu gối của cha mẹ hoặc ông bà. Món quà mà chúng ta đã nhận được trong thời thơ ấu một cách đơn sơ là một di sản rất phong phú, và kinh nghiệm cầu nguyện xứng đáng được đào sâu hơn bao giờ hết. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin và chúng ta lớn lên trong đó bao lâu chúng ta học cầu nguyện, đó là sức mạnh của chúng ta. Nhờ đó, các cộng đồng và nhóm chuyên tâm cầu nguyện phát triển mạnh mẽ trong Giáo hội. Đó là những tế bào quan trọng đối với cơ cấu Giáo hội và xã hội, bởi vì việc cầu nguyện và làm việc trong cộng đồng làm cho thế giới tiến bộ. Mọi sự trong Giáo hội đều được sinh ra trong lời cầu nguyện và mọi sự trưởng thành nhờ lời cầu nguyện. Các thánh đã tìm thấy sức mạnh của mình trong lời cầu nguyện mà các ngài đã kín múc được từ “giếng” vô tận của Mẹ Giáo hội. Họ nâng đỡ Giáo hội bằng vũ khí cầu nguyện. Vì mục đích này, ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất bao lâu còn có dầu cầu nguyện. Nhiệm vụ thiết yếu của Giáo hội là cầu nguyện và giáo dục cầu nguyện, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ngọn đèn đức tin bằng dầu cầu nguyện. Không có đức tin, mọi thứ đều sụp đổ; và không có lời cầu nguyện, đức tin sẽ chết. Vì thế, Giáo hội là ngôi nhà và trường học hiệp thông, là ngôi nhà và trường học cầu nguyện.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 14/4/2021 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Giáo Hội là một trường học cầu nguyện tuyệt vời. Nhiều người trong chúng ta học cách đọc những kinh nguyện đầu tiên khi ngồi trên đầu gối của cha mẹ hoặc ông bà. Có lẽ chúng ta nhớ đến cha mẹ chúng ta, những người đã dạy chúng ta đọc kinh trước khi đi ngủ. Những giây phút hồi tâm này thường là những giây phút cha mẹ lắng nghe con cái mình chia sẻ một số tâm sự cá nhân và có thể cho chúng lời khuyên lấy cảm hứng từ Tin Mừng. Sau đó, trên con đường tăng trưởng, chúng ta có những cuộc gặp gỡ khác, với những chứng nhân và thầy dạy cầu nguyện khác (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2686-2687). Thật tốt khi nhớ đến họ.
Đời sống của một giáo xứ và của mỗi cộng đoàn Kitô hữu được dệt nên bằng những giờ phụng vụ và cầu nguyện cộng đoàn. Chúng ta nhận ra rằng món quà mà chúng ta đã nhận được trong thời thơ ấu một cách đơn sơ là một di sản lớn lao, một di sản rất phong phú, và kinh nghiệm cầu nguyện xứng đáng được đào sâu hơn bao giờ hết (x. ibid., số 2688). Thói quen đức tin không bị bỏ đói, nó lớn lên cùng với chúng ta; nó không cứng nhắc, nó phát triển, cả qua những khoảnh khắc khủng hoảng và hồi sinh; hơn nữa, nó không thể phát triển nếu không có những khoảnh khắc khủng hoảng, bởi vì khủng hoảng làm cho bạn trưởng thành: bước vào khủng hoảng là một cách cần thiết để trưởng thành. Và hơi thở của đức tin là lời cầu nguyện: càng học cầu nguyện, chúng ta càng lớn lên trong đức tin. Sau một số chặng đường trong cuộc đời, chúng ta nhận ra rằng nếu không có đức tin, thì chúng ta sẽ không thể đạt được điều đó và lời cầu nguyện đã là sức mạnh của chúng ta. Không chỉ lời cầu nguyện cá nhân, mà còn là lời cầu nguyện của anh chị em chúng ta, và của cộng đồng đã đồng hành và hỗ trợ chúng ta, của những người biết chúng ta, của những người mà chúng ta xin cầu nguyện cho mình.
Đây cũng là lý do tại sao các cộng đồng và nhóm chuyên tâm cầu nguyện liên tục phát triển trong Giáo hội. Một số Kitô hữu thậm chí còn cảm thấy lời kêu gọi biến việc cầu nguyện thành hành động chính trong ngày sống của họ. Trong Giáo hội, có những đan viện, có những dòng tu, những viện ẩn tu, nơi những người tận hiến cho Thiên Chúa sinh sống, những nơi thường trở thành những trung tâm tỏa sáng tâm linh. Đây là những cộng đồng cầu nguyện tỏa sáng tâm linh. Đó là những ốc đảo nhỏ nơi chúng ta chia sẻ lời cầu nguyện mãnh liệt và là nơi chúng ta xây dựng tình hiệp thông huynh đệ ngày này qua ngày khác. Đó là những tế bào quan trọng, không chỉ đối với cơ cấu Giáo hội, mà còn đối với chính xã hội. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ về vai trò của lối sống đan tu trong sự ra đời và phát triển của nền văn minh châu Âu, và cả trong các nền văn hóa khác. Cầu nguyện và làm việc trong cộng đồng làm cho thế giới tiến bộ. Đó là một động cơ.
Mọi sự trong Giáo hội đều phát sinh từ lời cầu nguyện, và mọi sự phát triển nhờ lời cầu nguyện. Khi Kẻ Thù, Ác Quỷ, muốn chống lại Giáo hội, trước hết hắn làm như vậy bằng cách tìm cách làm cạn kiệt các nguồn mạch của Giáo hội, bằng cách ngăn cản họ cầu nguyện. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều đó nơi một số nhóm đồng ý thực hiện các cuộc cải cách Giáo hội, những thay đổi trong đời sống của Giáo hội… Có tất cả các tổ chức, có các phương tiện truyền thông đưa tin cho mọi người… Nhưng không thấy lời cầu nguyện, người ta không cầu nguyện. “Chúng ta phải thay đổi điều đó, chúng ta phải đưa ra quyết định mạnh mẽ hơn một chút…”. Đề xuất thú vị, nó thú vị, chỉ với thảo luận, chỉ với giới truyền thông, nhưng lời cầu nguyện ở đâu? Cầu nguyện là điều mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần, Đấng truyền cảm hứng để tiến về phía trước. Những thay đổi trong Giáo hội mà không có lời cầu nguyện thì không phải là những thay đổi của Giáo hội, mà là những thay đổi của nhóm. Và khi Kẻ Thù – như tôi đã nói – muốn chống lại Giáo hội, hắn làm điều đó trước hết bằng cách tìm cách làm cạn kiệt các nguồn mạch của Giáo hội, bằng cách ngăn cản họ cầu nguyện, và [bằng cách thúc ép Giáo hội] đưa ra những đề xuất khác. Nếu ngừng cầu nguyện, dường như trong giây lát mọi thứ có thể tiếp tục như mọi khi – do quán tính -, nhưng một thời gian ngắn sau, Giáo hội nhận ra rằng mình đã trở thành như một cái vỏ rỗng, mình đã lạc xa trục trung tâm, mình không còn nữa sở hữu nguồn hơi ấm và tình yêu nữa. Những người nam và người nữ thánh thiện không có cuộc sống dễ dàng hơn những người khác, trái lại, họ cũng có những vấn đề phải đối mặt và, hơn nữa, họ thường là đối tượng của sự chống đối. Nhưng sức mạnh của họ là lời cầu nguyện, lời cầu nguyện luôn được kín múc từ “giếng nước” vô tận của Giáo hội mẹ chúng ta. Qua lời cầu nguyện, họ nuôi dưỡng ngọn lửa đức tin của mình, như chúng ta đã làm như thế với dầu đèn. Và vì vậy, họ tiến về phía trước, bước đi trong đức tin và đức cậy. Các vị thánh, những người thường không được coi trọng trong mắt thế gian, thực tế lại là những người nâng đỡ thế giới, không phải bằng vũ khí tiền bạc và quyền lực, phương tiện truyền thông, v.v., mà bằng vũ khí cầu nguyện.
Trong Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đặt ra một câu hỏi đầy kịch tính khiến chúng ta luôn phải suy nghĩ: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8), hay Người sẽ chỉ tìm thấy những tổ chức, như một nhóm “doanh nhân đức tin”, tất cả đều được tổ chức tốt, làm từ thiện, nhiều việc…, hay Người sẽ tìm thấy đức tin?. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Câu hỏi này được tìm thấy ở phần cuối của một dụ ngôn cho thấy sự cần thiết phải kiên trì cầu nguyện, không mệt mỏi (xem câu 1-8). Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất bao lâu còn có dầu cầu nguyện. Ngọn đèn đức tin đích thực của Giáo hội sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất bao lâu còn có dầu cầu nguyện. Đây là điều làm cho đức tin tiến tới và thúc đẩy cuộc sống tội lỗi, yếu đuối, nghèo nàn của chúng ta, nhưng lời cầu nguyện thúc đẩy nó bằng sự an toàn. Đây là một câu hỏi mà người Kitô hữu chúng ta phải tự hỏi: Tôi có cầu nguyện không? Chúng ta có cầu nguyện không? Tôi cầu nguyện như thế nào? Giống như những con vẹt hay chúng ta cầu nguyện bằng trái tim? Tôi cầu nguyện như thế nào? Tôi có cầu nguyện với sự chắc chắn mình đang ở trong Giáo hội và tôi cầu nguyện với Giáo hội, hay tôi cầu nguyện một chút theo ý tưởng của mình và biến ý tưởng của mình thành lời cầu nguyện? Đây là một lời cầu nguyện ngoại giáo, không phải là một lời cầu nguyện Kitô giáo. Tôi nhắc lại: chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất bao lâu còn có dầu cầu nguyện.
Và đây là nhiệm vụ thiết yếu của Giáo hội: cầu nguyện và giáo dục cầu nguyện. Truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ngọn đèn đức tin với dầu cầu nguyện. Ngọn đèn đức tin soi sáng, sắp xếp mọi việc đúng như chúng vốn có, nhưng chỉ có thể tiến tới nhờ dầu cầu nguyện. Nếu không, nó sẽ tắt. Không có ánh sáng của ngọn đèn này, chúng ta không thể nhìn thấy con đường để loan báo Tin Mừng, thậm chí chúng ta không thể nhìn thấy con đường để tin vững chắc; chúng ta không thể nhìn thấy khuôn mặt anh em để đến gần và phục vụ; chúng ta không thể thắp sáng căn phòng nơi chúng ta gặp nhau trong cộng đoàn… Không có đức tin, mọi thứ sẽ sụp đổ; và không có lời cầu nguyện, đức tin sẽ chết. Đức tin và lời cầu nguyện, cùng nhau. Không có đường nào khác. Vì thế, Giáo hội là ngôi nhà và trường học hiệp thông, là ngôi nhà và trường học đức tin và cầu nguyện.
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA KI-TÔ VUA: CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA TÌM THẤY ÁNH SÁNG VÀ Ý NGHĨA NƠI TÌNH YÊU
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- ĐỨC PHANXICÔ THÔNG BÁO NGÀY PHONG THÁNH CHO CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP