BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 3. MẦU NHIỆM CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Vẻ đẹp và mầu nhiệm của công trình tạo dựng tạo ra trong tâm hồn con người động lực đầu tiên, vốn khơi dậy lời cầu nguyện. Người cầu nguyện chiêm ngưỡng mầu nhiệm của cuộc sống xung quanh mình, và họ tìm thấy kế hoạch yêu thương đằng sau một công trình mạnh mẽ như vậy! Lời cầu nguyện của con người gắn liền chặt chẽ với cảm giác kinh ngạc thán phục. Nếu câu chuyện cuộc đời chúng ta, với tất cả những cay đắng của nó, đôi khi có nguy cơ bóp nghẹt món quà cầu nguyện trong chúng ta, thì chỉ cần chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao, một hoàng hôn, một bông hoa…là đủ, để nhen nhóm lại tia sáng tạ ơn. Kinh nghiệm này có lẽ là nền tảng của trang đầu tiên của Thánh Kinh. Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, bạn tiến về phía trước. Lời cầu nguyện soi sáng bạn: nó soi sáng tâm hồn, trái tim và khuôn mặt của bạn, ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 20/5/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện, bằng việc suy niệm về mầu nhiệm công trình tạo dựng. Cuộc sống, sự kiện đơn giản là chúng ta hiện hữu, mở lòng con người ra cho việc cầu nguyện.
Trang đầu tiên của Thánh Kinh giống như một bài thánh thi tạ ơn tuyệt vời. Câu chuyện về công trình tạo dựng được mô tả bằng những điệp khúc, trong đó sự tốt lành và vẻ đẹp của mỗi sự vật hiện hữu không ngừng được tái khẳng định. Thiên Chúa, bằng lời của Ngài, kêu gọi đến sự sống, và mọi sự đều hiện hữu. Bằng lời nói, Ngài tách biệt ánh sáng với bóng tối, luân phiên ngày và đêm, làm cho các mùa nối tiếp nhau, tạo ra một bảng màu với đủ loại thực vật và động vật. Trong khu rừng sum sê nhanh chóng thống trị sự hỗn mang này, con người xuất hiện cuối cùng. Và sự xuất hiện này khơi dậy một niềm hân hoan tột độ, làm tăng thêm sự hài lòng và vui mừng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra đều rất tốt đẹp” (Stk 1, 31). Một điều tốt, nhưng cũng là một điều đẹp: chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của toàn thể công trình tạo dựng!
Vẻ đẹp và mầu nhiệm của công trình tạo dựng tạo ra trong tâm hồn con người động lực đầu tiên, vốn khơi dậy lời cầu nguyện (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2566). Thánh vịnh 8, mà chúng ta đã nghe lúc đầu, đã nói: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? ” (c. 4-5). Người cầu nguyện chiêm ngưỡng mầu nhiệm của cuộc sống xung quanh mình, họ nhìn thấy bầu trời đầy sao đang chi phối mình – mà vật lý thiên văn ngày nay cho chúng ta thấy với tất cả sự bao la của nó – và họ tự hỏi phải tìm thấy kế hoạch yêu thương nào đằng sau một công trình mạnh mẽ như vậy!… Và trong sự bao la vô hạn này, con người là gì? “Hầu như không có gì”, một Thánh vịnh khác nói (x. 89, 48): một hữu thể được sinh ra, một hữu thể chết đi, một hữu thể rất mỏng manh. Tuy nhiên, trong toàn bộ vũ trụ, con người là thụ tạo duy nhất ý thức được vẻ đẹp phong phú bao la như vậy. Một hữu thể nhỏ bé được sinh ra, chết đi, hôm nay có đó nhưng ngày mai không còn nữa, là người duy nhất nhận thức được vẻ đẹp này. Chúng ta nhận thức được vẻ đẹp này!
Lời cầu nguyện của con người gắn liền chặt chẽ với cảm giác kinh ngạc thán phục. Sự vĩ đại của con người là vô cùng nhỏ so với kích thước của vũ trụ. Những cuộc chinh phục vĩ đại nhất của nó dường như chỉ là những điều nhỏ nhặt… Tuy nhiên, con người không phải là hư không. Trong lời cầu nguyện, cảm giác thương xót được khẳng định một cách mạnh mẽ. Không có gì tồn tại một cách tình cờ: bí mật của vũ trụ nằm ở cái nhìn nhân từ mà ai đó nhìn ra trong mắt chúng ta. Thánh vịnh khẳng định rằng chúng ta được tạo dựng không kém gì một vị thần, chúng ta được ban vinh quang và danh dự làm mũ triều thiên (x. 8, 6). Mối quan hệ với Thiên Chúa là sự cao cả của con người: sự đăng quang của con người. Theo bản tính, chúng ta hầu như không là gì cả, nhỏ bé, nhưng theo ơn gọi, theo ơn kêu gọi, chúng ta là con cái của Vị Vua vĩ đại!
Đây là một kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua. Nếu câu chuyện cuộc đời chúng ta, với tất cả những cay đắng của nó, đôi khi có nguy cơ bóp nghẹt món quà cầu nguyện trong chúng ta, thì chỉ cần chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao, một hoàng hôn, một bông hoa…là đủ, để nhen nhóm lại tia sáng tạ ơn. Kinh nghiệm này có lẽ là nền tảng của trang đầu tiên của Thánh Kinh.
Khi câu chuyện vĩ đại về công trình tạo dựng trong Thánh Kinh được viết ra, người dân Israel đã không sống được những ngày hạnh phúc. Thế lực thù địch đã chiếm đất của họ; nhiều người đã bị trục xuất và hiện đang làm nô lệ ở miền Lưỡng Hà. Không còn quê hương, không còn đền thờ, không còn đời sống xã hội và tôn giáo, không còn gì cả.
Tuy nhiên, chính từ câu chuyện vĩ đại về công trình tạo dựng, có người bắt đầu tìm ra lý do tạ ơn, bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa vì sự hiện hữu. Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, bạn tiến về phía trước. Tôi có thể nói rằng lời cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Hy vọng vẫn còn đó, nhưng với lời cầu nguyện của mình, tôi mở ra cánh cửa. Bởi vì những người cầu nguyện bảo tồn những giá trị căn bản; họ là những người lặp lại, trước hết với chính họ và sau đó với tất cả những người khác, rằng cuộc sống này, bất chấp mọi khó khăn và thử thách, bất chấp những khoảnh khắc khó khăn, vẫn tràn đầy ân sủng mà chúng ta phải kinh ngạc thán phục. Và như thế, nó phải luôn được bảo vệ và che chở.
Những người cầu nguyện biết rằng niềm hy vọng mạnh hơn sự chán nản. Họ tin rằng tình yêu mạnh mẽ hơn sự chết, và một ngày nào đó, nó chắc chắn sẽ chiến thắng, cho dù trong những thời điểm và phương thức mà chúng ta không biết. Những người cầu nguyện mang trên khuôn mặt của họ sự phản chiếu của ánh sáng rạng ngời: bởi vì, ngay cả trong những ngày đen tối nhất, mặt trời vẫn không ngừng chiếu sáng họ. Lời cầu nguyện soi sáng bạn: nó soi sáng tâm hồn bạn, soi sáng trái tim bạn và soi sáng khuôn mặt bạn. Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, ngay cả trong những thời điểm đau đớn tột cùng.
Tất cả chúng ta đều là những người mang lại niềm vui. Anh chị em đã nghĩ về điều này chưa? Bạn là người mang lại niềm vui? Hay bạn thích mang lại những tin buồn, những điều buồn phiền hơn? Tất cả chúng ta đều có khả năng mang lại niềm vui. Cuộc sống này là món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta: nó quá ngắn ngủi để sống trong buồn bã, trong cay đắng. Chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa, bằng cách chỉ đơn giản là bằng lòng với cuộc sống. Chúng ta hãy nhìn vũ trụ, nhìn những vẻ đẹp của nó và cũng nhìn vào những thập giá của chúng ta và nói: “Nhưng Chúa hiện hữu, Chúa đã tạo dựng chúng con như thế này, cho Chúa”. Cần phải cảm nhận được sự khắc khoải của tâm hồn để tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa. Chúng ta là con cái của Vị Vua vĩ đại, của Đấng Tạo Hóa, có khả năng đọc được chữ ký của Ngài trong toàn thể công trình tạo dựng; công trình tạo dựng mà ngày nay chúng ta không bảo vệ, nhưng trong công trình tạo dựng này, có chữ ký của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nó vì tình yêu. Xin Chúa cho chúng ta hiểu điều này một cách sâu xa hơn bao giờ hết và dẫn chúng ta nói lời “tạ ơn”: và lời “tạ ơn” này là một lời cầu nguyện đẹp đẽ.
—————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I, thiên văn
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?