BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 4. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tốt đẹp, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của sự dữ. Những chương đầu tiên của sách Sáng Thế ký mô tả sự lan tràn dần dần của tội lỗi trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, một câu chuyện khác cũng được viết trong những trang đầu tiên này của Thánh Kinh, tượng trưng cho niềm hy vọng cứu chuộc. Vẫn có những người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết nên số phận của con người theo một cách khác. Khi đọc những câu chuyện này, chúng ta có ấn tượng rằng lời cầu nguyện là con đê, là nơi trú ẩn của con người trước làn sóng sự dữ đang gia tăng trên thế giới. Chúng ta cũng cầu nguyện để được cứu khỏi chính mình. Cầu nguyện vun trồng những ốc đảo tái sinh ở những nơi mà sự thù ghét của con người chỉ có thể mở rộng sa mạc. Và lời cầu nguyện rất mạnh mẽ, vì nó thu hút quyền năng của Thiên Chúa và quyền năng của Thiên Chúa luôn mang lại sự sống. Và thế giới sống và phát triển nhờ sức mạnh của Thiên Chúa mà những tôi tớ này thu hút được qua lời cầu nguyện của họ.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 27/5/2020 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho lời cầu nguyện của người công chính.
Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tốt đẹp, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của sự dữ: đó là một kinh nghiệm hằng ngày. Những chương đầu tiên của sách Sáng Thế ký mô tả sự lan tràn dần dần của tội lỗi trong lịch sử nhân loại. Ađam và Eva (x. Stk 3,1-7) nghi ngờ những ý định nhân từ của Thiên Chúa, nghĩ rằng họ đang đối phó với một vị thần đố kỵ, ngăn cản hạnh phúc của họ. Từ đó có cuộc nổi loạn: họ không còn tin vào một Đấng Tạo Hóa quảng đại, mong muốn hạnh phúc cho họ. Tâm hồn họ, chiều theo sự cám dỗ của ma quỷ, bị vướng vào ảo tưởng về sự toàn năng: “Nếu chúng ta ăn trái cây đó, chúng ta sẽ trở nên giống như Thiên Chúa” (x. câu 5). Và đây là sự cám dỗ: chính tham vọng đã đi vào trái tim. Nhưng kinh nghiệm lại đi theo hướng ngược lại: mắt họ mở ra và họ phát hiện ra mình trần truồng (c. 7), chẳng có gì cả. Đừng quên điều này: kẻ cám dỗ là kẻ trây nợ, hắn trả tiền rất tồi.
Sự dữ càng trở nên bạo lực hơn với thế hệ thứ hai của con người, nó mạnh mẽ hơn: đó là câu chuyện về Cain và Aben (x. St 4,1-16). Cain ghen tị với emtrai mình: có con sâu ghen tị; mặc dù là anh cả, nhưng anh ta coi Aben như đối thủ, người đe dọa vị trí hàng đầu của mình. Sự dữ xuất hiện trong lòng của anh ta và Cain không thể kiểm soát được nó. Sự dữ bắt đầu xâm nhập vào trái tim: trong suy nghĩ chúng ta luôn nhìn người khác xấu xa, với sự nghi ngờ. Và điều này cũng xảy ra qua suy nghĩ: “Người này ác độc, hắn sẽ làm hại mình”. Và tư tưởng này đi vào tâm hồn… Và như thế, câu chuyện về tình huynh đệ đầu tiên kết thúc bằng một vụ giết người. Ngày nay, tôi nghĩ đến tình huynh đệ của con người… các cuộc chiến tranh khắp nơi.
Trong hậu duệ của Cain, nghề nghiệp và nghệ thuật phát triển, nhưng bạo lực cũng phát triển, được thể hiện qua bài hát nham hiểm của Laméc vang lên như một bài ca thê thảm: ” Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ […].Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy” (Stk 4, 23-24). Trả thù: “Mày đã làm điều đó, mày sẽ phải trả giá”. Nhưng không phải thẩm phán nói điều đó, mà chính tôi là người nói điều đó. Và tôi tự coi mình là người phán xét hoàn cảnh. Và cứ thế, sự dữ lan tràn như một vết dầu, cho đến khi nó chiếm lấy toàn bộ khung cảnh : “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày” (Skt 6, 5). Những bức bích họa vĩ đại về trận hồng thủy toàn cầu (chương 6-7) và Tháp Babel (chương 11) cho thấy rằng cần có một khởi đầu mới, giống như một công trình tạo dựng mới, sẽ được hoàn thành nơi Chúa Giêsu Kitô.
Tuy nhiên, một câu chuyện khác cũng được viết trong những trang đầu tiên này của Thánh Kinh, ít thấy rõ hơn, khiêm nhường và đạo đức hơn nhiều, tượng trưng cho niềm hy vọng cứu chuộc. Ngay cả khi hầu hết mọi người đều hành xử một cách tàn bạo, biến hận thù và chinh phục làm động lực to lớn của lịch sử nhân loại, thì vẫn có những người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết nên số phận của con người theo một cách khác. Aben dâng hy lễ hoa quả đầu mùa cho Thiên Chúa. Sau khi ông qua đời, Ađam và Eva có con trai thứ ba là Seth, từ đó Ênốt có nghĩa là “người phàm”) được sinh ra, và người ta nói: “Ông ấy là người đầu tiên kêu cầu danh Đức Chúa” (4, 26). Tiếp đến xuất hiện Khanốc, một nhân vật “bước đi cùng Thiên Chúa” và được đưa lên trời (x. 5, 22.24). Và cuối cùng là câu chuyện về Nôê, một người công chính “bước đi cùng Thiên Chúa” (6, 9), trước mặt ông Thiên Chúa đã rút lại ý định xóa bỏ loài người (x. 6,7-8).
Khi đọc những câu chuyện này, chúng ta có ấn tượng rằng lời cầu nguyện là con đê, là nơi trú ẩn của con người trước làn sóng sự dữ đang gia tăng trên thế giới. Nếu nhìn kỹ, chúng ta cũng cầu nguyện để được cứu khỏi chính mình. Điều quan trọng là cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu con khỏi chính con, khỏi những tham vọng, khỏi những đam mê của con”. Những người cầu nguyện trong những trang đầu tiên của Thánh Kinh là những người kiến tạo hòa bình: thực vậy, lời cầu nguyện, khi đích thực, sẽ giải phóng những bản năng bạo lực và nó là cái nhìn hướng về Thiên Chúa, để Ngài lại bắt đầu quan tâm con người. Chúng ta đọc trong Sách Giáo lý: “Biết bao người công chính trong mọi tôn giáo đã cầu nguyện theo cách thức như thế” (GLGHCG, số 2569). Cầu nguyện vun trồng những ốc đảo tái sinh ở những nơi mà sự thù ghét của con người chỉ có thể mở rộng sa mạc. Và lời cầu nguyện rất mạnh mẽ, vì nó thu hút quyền năng của Thiên Chúa và quyền năng của Thiên Chúa luôn mang lại sự sống: luôn luôn. Ngài là Thiên Chúa của sự sống và Ngài lầm tái sinh.
Đây là lý do tại sao quyền chủ tể của Thiên Chúa trải qua chuỗi những người nam và người nữ này, thường bị hiểu lầm hoặc bị loại trừ khỏi thế giới. Nhưng thế giới sống và phát triển nhờ sức mạnh của Thiên Chúa mà những tôi tớ này thu hút được qua lời cầu nguyện của họ. Họ là một kênh không hề ồn ào, hiếm khi xuất hiện trên trang nhất các tờ báo nhưng nó lại rất quan trọng để khôi phục niềm tin cho thế giới! Tôi nhớ câu chuyện về một người: một người đứng đầu chính phủ, không phải của thời kỳ chúng ta, của thời xa xưa. Một người vô thần, không có tình cảm tôn giáo trong lòng, nhưng khi còn nhỏ đã nghe bà mình cầu nguyện và điều đó vẫn còn trong lòng ông. Và vào thời điểm khó khăn của cuộc đời, ký ức này lại hiện về trong tâm hồn ông và ông tự nhủ: “Nhưng bà tôi đã cầu nguyện…”. Vì vậy, ông bắt đầu cầu nguyện theo công thức của bà bà mình và ở đó ông đã tìm thấy Chúa Giêsu. Cầu nguyện luôn là một kênh sự sống; biết bao người nam và người nữ cầu nguyện đều gieo sự sống. Lời cầu nguyện gieo sự sống, lời cầu nguyện vắn tắt: đây là lý do tại sao việc dạy trẻ em cầu nguyện lại rất quan trọng. Tôi cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ không biết làm dấu thánh giá. Cần phải dạy cho chúng làm tốt dấu thánh giá, vì đó là lời cầu nguyện đầu tiên. Điều quan trọng là trẻ em học cầu nguyện. Tiếp đến, có lẽ chúng sẽ quên, chúng sẽ đi theo con đường khác; nhưng những lời cầu nguyện đầu tiên được học khi còn nhỏ vẫn còn in sâu trong tâm hồn, bởi vì chúng là hạt giống sự sống, hạt giống đối thoại với Thiên Chúa.
Con đường của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại đã trải qua chúng: nó đã trải qua “số sót lại” của nhân loại vốn không tuân theo luật của kẻ mạnh nhất, nhưng đã cầu xin Thiên Chúa thực hiện những phép lạ của Ngài, và nhất là biến trái tim bằng đá của chúng ta thành một trái tim bằng thịt (x. Êd 36, 26). Và điều này giúp ích cho việc cầu nguyện: vì lời cầu nguyện mở ra cánh cửa đến với Thiên Chúa, bằng cách biến đổi trái tim rất thường bằng đá của chúng ta thành trái tim con người. Và cần có rất nhiều lòng nhân ái, và với lòng nhân ái, chúng ta cầu nguyện tốt đẹp.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?