BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 1. DẪN NHẬP

Written by xbvn on Tháng Bảy 12th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Thưa anh chị em, chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý về chủ đề “chữa lành thế giới”. Đại dịch tiếp tục tàn phá mọi châu lục, làm lộ ra tính dễ bị tổn thương của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hướng mắt về Chúa Giêsu trong đức tin và hy vọng về một Vương quốc chữa lành và cứu rỗi, một Vương quốc công lý và hòa bình. Trong truyền thống Kitô giáo, đức tin, đức cậy và đức mến là những ân huệ chữa lành chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những người chữa lành và mở ra những chân trời mới trong những thời điểm khó khăn. Một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Tin Mừng của đức tin, đức cậy và đức mến mời gọi chúng ta có một tinh thần sáng tạo và đổi mới. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể chuyển hóa tận gốc rễ những bệnh tật về thể chất, tinh thần và xã hội của chúng ta, đồng thời chữa lành cách sâu xa những căn bệnh đang đe dọa gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta. Câu chuyện tuyệt đẹp về việc chữa lành người bại liệt ở Capharnaum là một câu trả lời trực tiếp đối với đức tin, đức cậy và đức mến. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ và tự vấn về sự đóng góp của chúng ta vào việc chữa lành thế giới ngày nay. Giáo hội, dưới ánh sáng Tin Mừng, đã phát triển một số nguyên tắc xã hội cơ bản như phẩm giá con người, công ích, ưu tiên lựa chọn người nghèo…vốn có thể giúp chúng ta tiến về phía trước và chuẩn bị cho tương lai.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 5/8/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Đại dịch tiếp tục gây ra những vết thương sâu sắc, bộc lộ những điểm dễ bị tổn thương của chúng ta. Có rất nhiều người chết và nhiều người bệnh trên khắp các châu lục. Một số lượng lớn các cá nhân và gia đình đang trải qua thời kỳ bất ổn do các vấn đề kinh tế xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo nhất.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải vững chắc nhìn vào Chúa Giêsu (x. Dt 12,2) và với đức tin này ôm lấy niềm hy vọng về Vương quốc Thiên Chúa mà chính Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta (x. Mc 1,5; Mt 4,17). ; GLHTCG, 2816). Một Vương quốc chữa lành và cứu rỗi đã hiện diện giữa chúng ta (x. Lc 10,11). Một Vương quốc công lý và hòa bình được thể hiện qua các công việc bác ái, đến lượt chúng, làm tăng thêm niềm hy vọng và củng cố đức tin (x. 1 Cr 13, 13). Trong truyền thống Kitô giáo, đức tin, đức cậyđức mến còn hơn nhiều những cảm xúc hay thái độ. Đây là những nhân đức được thông truyền cho chúng ta nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG, 1812-1813): những ân huệ chữa lành chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những người chữa lành, những ân huệ mở ra cho chúng ta những chân trời mới, ngay cả khi chúng ta chèo lái trong vùng nước khó khăn của thời đại chúng ta.

Một cuộc gặp gỡ mới với Tin Mừng của đức tin, đức cậy và đức mến mời gọi chúng ta đảm nhận một tinh thần sáng tạo và mới mẻ. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể chuyển hóa được căn nguyên của những căn bệnh về thể chất, tinh thần và xã hội của chúng ta. Chúng ta sẽ có thể chữa lành cách sâu xa những cơ cấu bất công và những thực hành có tính phá hoại vốn đã chia cắt chúng ta với nhau, đe dọa gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta.

Thừa tác vụ của Chúa Giêsu mang lại nhiều ví dụ về sự chữa lành. Khi Người chữa lành những người bị sốt (x. Mc 1, 29-34), bị bệnh phong (x. Mc 1, 40-45), bị bại liệt (x. Mc 2, 1-12); khi Người phục hồi thị giác (x. Mc 8, 22-26; Ga 9, 1-7), khả năng nói và thính giác (x. Mc 7, 31-37), thực tế, Người không chỉ chữa lành bệnh tật thể xác, mà còn chữa lành toàn bộ con người. Bằng cách này, Người cũng đưa họ trở lại cộng đồng, được chữa lành; Người giải thoát họ khỏi sự cô lập vì Người đã chữa lành họ.

Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện rất đẹp về việc chữa lành người bại liệt ở Capharnaum (x. Mc 2, 1-12), mà chúng ta đã nghe ở đầu buổi tiếp kiến. Khi Chúa Giêsu rao giảng ở lối vào nhà, bốn người đàn ông khiêng người bạn bị liệt của họ đến với Chúa Giêsu; nhưng không thể vào được vì có đông người, nên họ khoét một lỗ trên mái nhà và thả cái chõng xuống trước mặt Người, khi Người đang giảng. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”” (câu 5). Và tiếp đến, như một dấu hiệu hữu hình, Người nói thêm: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà” (câu 11).

Thật là một ví dụ tuyệt vời về sự chữa lành! Hành động của Chúa Kitô là sự đáp trả trực tiếp đối với đức tin của những người này, đối với niềm hy vọng họ đặt nơi Người, đối với tình yêu mà họ thể hiện dành cho nhau. Do đó, Chúa Giêsu chữa lành, nhưng Người không chỉ chữa lành bệnh bại liệt, Người còn chữa lành mọi thứ, Người tha thứ tội lỗi, Người đổi mới cuộc sống của người bại liệt và bạn bè của anh. Chúng ta có thể nói rằng Người làm cho tái sinh. Một sự chữa lành về thể xác và tinh thần, đồng thời là kết quả của một cuộc gặp gỡ cá nhân và xã hội. Chúng ta hãy tưởng tượng tình bạn và đức tin của tất cả những người hiện diện trong ngôi nhà này đã gia tăng đến mức độ nào nhờ cử chỉ của Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ chữa lành với Chúa Giêsu!

Do đó, chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể giúp thế giới ngày nay chữa lành bằng cách nào? Là môn đệ của Chúa Giêsu, Đấng là thầy thuốc của linh hồn và thể xác, chúng ta được mời gọi tiếp tục “công việc chữa lành và cứu rỗi của Người” (GLHTCG, 1421) theo nghĩa thể chất, xã hội và tinh thần.

Giáo hội, mặc dù phân phát ân sủng chữa lành của Chúa Kitô qua các bí tích, và mặc dù tổ chức các dịch vụ y tế ở những nơi xa xôi nhất trên hành tinh, nhưng không phải là một chuyên gia trong việc ngăn ngừa hoặc chăm sóc đại dịch. Và Giáo hội cũng không đưa ra những chỉ dẫn chính trị xã hội cụ thể (x. Thánh Phaolô VI, Tông thư Octogesima adveniens, 14 tháng 5 năm 1971, số 4). Đây là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ và dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo hội đã phát triển một số nguyên tắc xã hội mang tính nền tảng (x. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, số 160-208), những nguyên tắc có thể giúp chúng ta tiến về phía trước, để chuẩn bị cho tương lai mà chúng ta cần. Tôi trích dẫn những các nguyên tắc chính, vốn liên kết chặt chẽ với nhau: nguyên tắc phẩm giá con người, nguyên tắc công ích, nguyên tắc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, nguyên tắc mục đích chung của của cải, nguyên tắc liên đới, nguyên tắc bổ trợ, nguyên tắc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Những nguyên tắc này giúp các nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm với xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng và, cũng như trong trường hợp đại dịch này, thúc đẩy việc chữa lành cơ cấu cá nhân và xã hội. Tất cả những nguyên tắc này diễn tả, theo cách khác nhau, các nhân đức đức tin, đức cậy và đức mến.

Trong những tuần tới, tôi mời gọi anh chị em cùng nhau đối mặt với những vấn đề cấp bách mà đại dịch đã nêu bật, đặc biệt là các bệnh xã hội. Và chúng ta sẽ làm điều đó dưới ánh sáng của Tin Mừng, của các nhân đức đối thần và của các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội. Cùng nhau, chúng ta sẽ khám phá cách thức truyền thống xã hội Công giáo của chúng ta có thể giúp gia đình nhân loại chữa lành thế giới đang phải gánh chịu những căn bệnh nghiêm trọng này. Mong muốn của tôi là suy nghĩ và làm việc cùng nhau, với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tràn đầy hy vọng cho các thế hệ tương lai (x. Tông huấn Evangelii gaudium, ngày 24 tháng 11 năm 2013, số 183).

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31