BÀI GIÁO LÝ VỀ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI – BÀI 3. CHỌN LỰA ƯU TIÊN CHO NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỨC ÁI

Written by xbvn on Tháng Bảy 13th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Tiếp tục bài giáo lý về chủ đề “Chữa lành thế giới”, hôm nay chúng ta suy niệm về chọn lựa ưu tiên cho người nghèo và đức ái. Đại dịch đã phơi bày hoàn cảnh của người nghèo, những bất bình đẳng và phân biệt kỳ thị to lớn. Phản ứng đối với cuộc khủng hoảng y tế này có hai mặt: tìm ra phương pháp chữa trị loại virus này và chữa trị loại virus to lớn của sự bất công xã hội, bất bình đẳng về cơ hội, bị gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu sự bảo vệ. Trong phản ứng chữa lành kép này, có sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo. Tình yêu ưu tiên này là sứ mạng của toàn thể Giáo hội. Đức tin, đức cậy và đức mến thúc đẩy chúng ta chấp nhận sự ưu tiên này dành cho những người thiếu thốn nhất bởi vì chia sẻ với người nghèo có nghĩa là làm phong phú lẫn nhau. Những hậu quả xã hội của đại dịch là mối quan tâm lớn của mọi người. Việc trở lại trạng thái bình thường cần tính đến công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội để xây dựng một điều gì đó khác biệt. Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là một đòi hỏi đạo đức xã hội xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và điều đó mang lại cho chúng ta động lực để suy nghĩ và hoạch định một nền kinh tế trong đó con người, đặc biệt là người nghèo, là trung tâm. Với gương của Chúa Giêsu, vị thầy thuốc của tình yêu toàn diện của Thiên Chúa, đã đến lúc phải hành động vì một thế giới lành mạnh hơn.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 19/8/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Đại dịch đã phơi bày hoàn cảnh khó khăn của người nghèo và sự bất bình đẳng to lớn đang ngự trị trên thế giới. Và nếu virus không tạo ra ngoại lệ nào giữa con người với nhau, thì trên con đường tàn phá của nó, nó đã tìm thấy những bất bình đẳng và phân biệt kỳ thị to lớn. Và nó đã gia tăng chúng lên!

Do đó, phản ứng đối với đại dịch có hai mặt. Một mặt, điều cần thiết là phải tìm ra phương pháp điều trị loại virus nhỏ nhưng khủng khiếp đang khiến cả thế giới phải quỳ gối. Mặt khác, chúng ta phải chăm sóc một loại virus lớn, đó là virus bất công xã hội, virus bất bình đẳng về cơ hội, virus bị gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu sự bảo vệ cho những người yếu thế nhất. Trong câu trả lời chữa lành kép này, có một sự lựa chọn mà theo Tin Mừng, không thể thiếu: đó là chọn lựa ưu tiên cho người nghèo (x. Tông huấn Evangelii gaudium [EG], số 195).  Và đây không phải là một lựa chọn chính trị; thậm chí cũng không phải là một chọn lựa thuộc ý thức hệ, một lựa chọn đảng phái. Việc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là trọng tâm của Tin Mừng. Và người đầu tiên thực hiện điều đó là Chúa Giêsu; chúng ta đã nghe điều đó trong đoạn Thư gửi tín hữu Côrintô được đọc lúc đầu. Từ giàu có, Người đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có. Người đã trở thành một người trong chúng ta và vì điều này, ở trung tâm của Tin Mừng, ở trung tâm của lời loan báo của Chúa Giêsu, có sự lựa chọn này.

Chính Chúa Kitô, vốn là Thiên Chúa, đã từ bỏ mình, trở nên giống con người; và Người đã không chọn cuộc sống đặc ân, nhưng đã chọn thân phận tôi tớ (x. Pl 2, 6-7). Người tự hóa mình ra không bằng cách trở thành người tôi tớ. Người sinh ra trong một gia đình khiêm tốn và làm nghề thủ công. Khi bắt đầu lời rao giảng của mình, Người đã công bố rằng trong Nước Thiên Chúa, người nghèo là người có phúc (x. Mt 5, 3; Lc 6, 20; EG, số 197).  Người ở giữa những người bệnh tật, những người nghèo khổ và những người bị loại trừ, cho họ thấy tình yêu thương xót của Thiên Chúa (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2444). Và rất thường xuyên, Người bị coi là ô uế vì Người đi thăm người bệnh, người cùi, những người mà theo luật thời đó là ô uế. Và Người đã chấp nhận rủi ro để gần gũi với người nghèo.

Đó là lý do tại sao các tín hữu của Chúa Giêsu được nhận ra qua sự gần gũi của họ với người nghèo, với những người bé mọn, với người bệnh và tù nhân, với những người bị loại trừ và bị lãng quên, với những người bị thiếu lương thực và quần áo (x. Mt 25, 31-36 ; GLGHCG, số 2443). Chúng ta có thể đọc được tham số nổi tiếng này qua đó tất cả chúng ta sẽ bị phán xét, tất cả chúng ta sẽ bị phán xét. Nó được ghi trong Matthêu, chương 25. Đây là tiêu chuẩn then chốt về tính xác thực Kitô giáo (x. Gl 2,10; EG, số 195). Một số người nghĩ sai rằng tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo này là nghĩa vụ của một số ít người, nhưng trên thực tế, như Đức Gioan Phaolô II nói, đó là sứ mạng của toàn thể Giáo hội (x. Thánh Gioan-Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 42).  “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng đều được mời gọi trở thành khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo” (EG, số 187).

Đức tin, đức cậy và đức mến nhất thiết thúc đẩy chúng ta hướng tới sự ưu tiên dành cho những người túng thiếu nhất (x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị về một số khía cạnh của “Thần học Giải phóng”, [1984], chương V), vốn vượt xa sự trợ giúp, mặc dù cần thiết (x. EG, số 198). Quả thế, nó ngụ ý việc cùng nhau bước đi, để mình được Phúc âm hóa bởi họ, những người vốn biết rõ Chúa Kitô đau khổ, để mình được “nhiễm” bởi kinh nghiệm của họ về ơn cứu độ, bởi sự khôn ngoan và sự sáng tạo của họ (x. ibid.). Chia sẻ với người nghèo có nghĩa là làm phong phú lẫn nhau. Và, nếu có những cơ cấu xã hội bệnh hoạn ngăn cản họ mơ về tương lai, thì chúng ta phải cùng nhau làm việc để chữa lành chúng, thay đổi chúng (x. ibid., số 195). Và đây chính là điều mà tình yêu của Chúa Kitô dẫn tới, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13, 1) và là Đấng đã đi đến tận cùng, đến tận những giới hạn, tận những biên giới hiện sinh. Đưa các vùng ngoại vi vào trung tâm có nghĩa là tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Kitô, Đấng “đã trở nên nghèo khó” vì chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên giàu có “nhờ sự nghèo khó của Người” (2 Cr 8, 9) (Bênêđictô XVI, Diễn văn khai mạc Đại hội đồng lần thứ năm của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và Caribê [13/5/2007], tr.3).

Tất cả chúng ta đều lo ngại bởi những hậu quả xã hội của đại dịch. Tất cả mọi người. Nhiều người muốn trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Chắc thế, nhưng “sự bình thường” này không nên bao gồm những bất công xã hội và sự suy thoái môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng và chúng ta không thoát khỏi khủng hoảng mà vẫn giống như trước: chúng ta thoát khỏi được tốt hơn hoặc chúng ta thoát khỏi mà càng tồi tệ hơn. Chúng ta phải thoát ra được tốt hơn để cải thiện những bất công xã hội và sự suy thoái của môi trường. Hôm nay chúng ta có cơ hội để xây dựng một điều gì đó khác biệt. Chẳng hạn, chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế phát triển toàn diện cho người nghèo, chứ không phải nền kinh tế trợ giúp. Khi nói điều này, tôi không muốn lên án sự giúp đỡ, những việc giúp đỡ là quan trọng. Chúng ta hãy nghĩ đến hoạt động tình nguyện, vốn là một trong những cơ cấu đẹp nhất của Giáo hội Ý. Nhưng chúng ta cần phải vượt xa điều đó và giải quyết những vấn đề vốn thúc đẩy chúng ta mang lại sự trợ giúp. Một nền kinh tế không dùng đến các phương thuốc mà trên thực tế đang đầu độc xã hội, chẳng hạn như lợi nhuận bị tách rời khỏi việc tạo ra những việc làm xứng đáng (x. EG, số 204). Loại lợi nhuận này bị tách rời khỏi nền kinh tế thực sự, nền kinh tế vốn phải mang lại lợi ích cho người dân bình thường (x. Thông điệp Laudato si’ [LS], số 109), và đôi khi có vẻ thờ ơ trước những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung . Việc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, sự đòi hỏi về mặt đạo đức và xã hội vốn xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa này (x. LS, số 158), mang lại cho chúng ta động lực để suy nghĩ và quan niệm một nền kinh tế trong đó con người, đặc biệt là người nghèo, nằm ở trung tâm. Và nó cũng khuyến khích chúng ta lập kế hoạch điều trị virus bằng cách ưu tiên những người cần nó nhất. Thật đáng buồn nếu, với vắc xin Covid-19, chúng ta lại ưu tiên cho những người giàu nhất! Thật đáng buồn nếu loại vắc xin này trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia kia và nếu nó không được phổ biến và cho tất cả mọi người. Và sẽ là một vụ bê bối nếu tất cả sự hỗ trợ kinh tế mà chúng ta quan sát được – phần lớn đến từ tiền công – đều tập trung vào việc cứu vớt các ngành công nghiệp không góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, vào việc thăng tiến những người rốt hết, vào công ích hoặc vào việc bảo vệ công trình tạo dựng (ibid.). Đây là những tiêu chí để lựa chọn những ngành công nghiệp cần trợ giúp: những ngành góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người rốt hết, công ích và bảo vệ công trình tạo dựng. Bốn tiêu chí.

Nếu virus bùng phát trở lại trong một thế giới bất công với người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta phải thay đổi thế giới này. Với gương sáng của Chúa Giêsu, vị thầy thuốc về tình yêu toàn diện của Thiên Chúa, nghĩa là về sự chữa lành thể xác, xã hội và tâm linh (x. Ga 5, 6-9) – như việc chữa lành mà Chúa Giêsu đã thực hiện – chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành các dịch bệnh do những loại virus nhỏ vô hình gây ra và chữa trị những dịch bệnh do những bất công xã hội to lớn và vô hình gây ra.  Tôi đề nghị rằng điều này nên được thực hiện khởi từ tình yêu Thiên Chúa, bằng cách đặt các vùng ngoại vi ở trung tâm và những người rốt hết ở vị trí đầu tiên. Chúng ta không được quên tham số này mà chúng ta sẽ bị phán xét, Matthêu, chương 25. Chúng ta hãy áp dụng nó vào thực tế trong quá trình phục hồi sau đại dịch này. Và từ tình yêu cụ thể này, được neo trong niềm hy vọng và được đặt nền tảng trong đức tin, sẽ có thể có một thế giới lành mạnh hơn. Nếu không, chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng một cách tồi tệ hơn. Xin Chúa giúp đỡ chúng ta, xin Người ban cho chúng ta sức mạnh để thoát khỏi được tốt hơn, bằng cách đáp ứng những nhu cầu của thế giới ngày nay.

—————————————

 Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31