BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG

Written by xbvn on Tháng Mười Một 21st, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Chúa Thánh Thần thánh hóa Dân Thiên Chúa, không chỉ qua các bí tích và các thừa tác vụ bằng cách trang điểm cho họ các nhân đức và hướng dẫn họ, mà còn bằng cách phân phát cho mỗi người những ơn riêng của họ, như Công đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium nhắc lại. Cách thức hoạt động thứ hai này của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội là hoạt động đặc sủng. Các đặc sủng được trao cho một số người vì ích chung, chúng nhằm phục vụ cộng đoàn, nghĩa là Giáo hội, hơn là để thánh hóa cá nhân. Do đó, những ân sủng này có thể được đón nhận với lòng biết ơn và mang lại niềm an ủi.

Chúng ta phải khám phá lại các đặc sủng để việc thăng tiến giáo dân và nữ giới nói riêng không chỉ được hiểu như một sự kiện thể chế và xã hội học, mà còn theo chiều kích Thánh Kinh và thiêng liêng của nó. Giáo dân không phải là người rốt hết, không, giáo dân không phải là một loại cộng tác viên bên ngoài hay “đội quân phụ trợ” của hàng giáo sĩ, không! Họ có những đặc sủng và những ơn riêng để đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội“.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 19/11/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong ba bài giáo lý vừa qua, chúng ta đã nói về hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần, được thực hiện trong các bí tích, trong lời cầu nguyện và trong việc noi gương Mẹ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe một bản văn nổi tiếng của Công đồng Vatican II nói: “Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa, dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo hội và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ “cho mỗi người theo ý Ngài muốn” (1 Cr 12,11)” (Lumen Gentium, 12). Chúng ta cũng vậy, chúng ta có những ơn cá nhân mà cũng chính Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta.

Vì vậy, đã đến lúc để nói đến hình thức hoạt động thứ hai này của Chúa Thánh Thần, đó là hoạt động đặc sủng. Một từ hơi khó, tôi sẽ giải thích. Hai yếu tố giúp xác định đặc sủng là gì. Trước hết, đặc sủng là ơn được ban “vì ích chung” (1 Cr 12,7), để hữu ích cho mọi người. Nói cách khác, nó chủ yếu và thông thường không nhằm thánh hóa con người, nhưng để “phục vụ” cộng đoàn (x. 1 Pr 4, 10). Đây là khía cạnh đầu tiên. Thứ hai, đặc sủng là ơn được ban “cho một người”, hay “cho một số người” nói riêng, chứ không phải cho tất cả mọi người theo cùng một cách, và đây là điều phân biệt nó với ơn thánh sủng, với các nhân đức đối thần và các bí tích, vốn giống nhau và chung cho mọi người. Đặc sủng được ban cho một người hoặc một cộng đồng cụ thể. Đó là một ơn mà Chúa ban tặng cho bạn.

Công đồng cũng giải thích điều này cho chúng ta. Công đồng nói, Chúa Thánh Thần “cũng phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, nhờ đó, Ngài làm cho họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội như lời này: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7)

Các đặc sủng là “những viên ngọc quý” hay đồ trang sức, mà Chúa Thánh Thần phân phát để làm cho Hiền Thê của Chúa Kitô trở nên xinh đẹp. Như vậy chúng ta hiểu tại sao bản văn công đồng kết thúc bằng lời khuyên sau đây. “Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ hoặc được ban rộng rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được lãnh nhận với lòng tri ân và niềm an ủi, vì đó là những ơn thích hợp và hữu ích cho những nhu cầu của Giáo hội” (LG, 12).

Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định: “Bất cứ ai nhìn vào lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra sự năng động của sự đổi mới thực sự, thường mang lấy những hình thức bất ngờ trong những phong trào tràn đầy sức sống và làm cho sự hoạt bát vô tận của Hội Thánh hầu như có thể chạm tới được”. Và đây chính là đặc sủng được ban cho một nhóm, thông qua một con người.

Chúng ta phải khám phá lại các đặc sủng để việc thăng tiến giáo dân và nữ giới nói riêng không chỉ được hiểu như một sự kiện thể chế và xã hội học, mà còn theo chiều kích Thánh Kinh và thiêng liêng của nó. Giáo dân không phải là người rốt hết, không, giáo dân không phải là một loại cộng tác viên bên ngoài hay “đội quân phụ trợ” của hàng giáo sĩ, không! Họ có những đặc sủng và những ơn riêng để đóng góp vào sứ mạng của Giáo hội.

Chúng ta hãy thêm vào một điều nữa: khi nói về các đặc sủng, cần phải ngay lập tức xua tan một sự hiểu lầm: đó là đồng nhất hóa chúng bằng những ơn và khả năng ngoạn mục và phi thường; trái lại, đó là những ơn bình thường – mỗi người chúng ta đều có đặc sủng riêng – vốn thủ đắc một giá trị phi thường khi chúng được được Chúa Thánh Thần soi sáng và được thể hiện một cách yêu thương trong các hoàn cảnh cuộc sống. Một lối giải thích như vậy về đặc sủng là rất quan trọng vì nhiều Kitô hữu, khi nghe nói về đặc sủng, cảm thấy buồn bã hoặc vỡ mộng, vì họ tin rằng họ không có đặc sủng và cảm thấy mình bị loại trừ hoặc là những Kitô hữu hạng hai.

Không, không có những Kitô hữu hạng hai, không, mỗi người đều có đặc sủng cá nhân cũng như cộng đoàn. Về những điều này, thánh Augustinô đã trả lời vào thời của mình bằng một so sánh khá hùng hồn. Ngài nói với đoàn dân của mình: “Nếu bạn yêu thương, thì những gì bạn sở hữu không hề ít đi. Quả thật, nếu bạn yêu thích sự hiệp nhất, thì bất cứ ai có bất cứ điều gì trong sự hiệp nhất đó cũng có nó cho bạn! Trong cơ thể, chỉ có mắt mới có khả năng nhìn; nhưng có phải con mắt chỉ nhìn thấy cho chính nó? Không, nó nhìn thấy cho tay, cho chân, cho tất cả các chi thể” [1].

Ở đây tiết lộ bí quyết qua đó đức ái được Thánh Tông đồ định nghĩa là “con đường tuyệt hảo” (1 Cr 12, 31): đức ái khiến tôi yêu mến Giáo hội, hay cộng đồng nơi tôi sống và, trong sự hiệp nhất, mọi đặc sủng, chứ không phải chỉ một số đặc sủng, là “của tôi”, cũng như các đặc sủng “của tôi”, ngay cả khi chúng có vẻ nhỏ nhất, đều là những đặc sủng của tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả mọi người. Đức ái nhân rộng các đặc sủng; nó biến đặc sủng của người này, của một người duy nhất, thành đặc sủng của tất cả mọi người. Cảm ơn anh chị em!

————————

[1] S. Augustin, Traités sur Jean, 32,8.

 ————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30