BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 4. CHÚA THÁNH THẦN DẠY HIỀN THÊ CẦU NGUYỆN. THÁNH VỊNH, BẢN GIAO HƯỞNG CẦU NGUYỆN TRONG THÁNH KINH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, “bản giao hưởng cầu nguyện vĩ đại”, mà tôi muốn dành cho năm chuẩn bị cho Năm Thánh sắp tới, có một soạn giả: Chúa Thánh Thần, tác giả Sách Thánh vịnh. Các chuyển động khác nhau của bản giao hưởng này tương ứng với các loại cầu nguyện khác nhau: ngợi khen, tạ ơn, cầu xin, than van, suy tư khôn ngoan và những lời cầu nguyện khác, cả dưới hình thức cá nhân cũng như hợp xướng và phụng vụ. Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh này là lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu, của Đức Maria, của các Tông Đồ và của tất cả các thế hệ đi trước chúng ta. Nó đưa chúng ta vào sự hiệp thông của các thánh. Được củng cố bởi tất cả truyền thống không bao giờ gián đoạn này, chúng ta hãy biến các Thánh Vịnh thành lời cầu nguyện của mình vì chúng được Thiên Chúa linh hứng và “hít thở” Thiên Chúa.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 19/6/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Để chuẩn bị cho Năm Thánh sắp tới, tôi đã mời gọi chúng ta dành năm 2024 “cho ‘bản giao hưởng’ cầu nguyện” vĩ đại [1]. Trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn nhắc lại rằng Giáo hội đã có một bản giao hưởng cầu nguyện mà người sáng tác là Chúa Thánh Thần, và đó là Sách Thánh vịnh.
Như trong bất kỳ bản giao hưởng nào, có nhiều “chuyển động” khác nhau, nghĩa là có nhiều loại cầu nguyện khác nhau: ngợi khen, tạ ơn, cầu xin, than van, tường thuật, suy tư khôn ngoan, và những động tác khác, cả trong hình thức cá nhân lẫn hình thức hợp xướng của tất cả mọi người. Đây là những bài ca mà chính Chúa Thánh Thần đã đặt trên môi của Hiền Thê, Giáo hội của Ngài. Tất cả các Sách Thánh Kinh, như tôi đã nhắc lại lần trước, đều được Chúa Thánh Thần linh hứng, nhưng Sách Thánh vịnh cũng được linh hứng theo nghĩa là nó chứa đầy cảm hứng thi ca.
Các Thánh vịnh có một vị trí đặc biệt trong Tân Ước. Trên thực tế, đã và vẫn còn có những ấn bản chứa đựng cả Tân Ước và Thánh vịnh với nhau. Trên bàn làm việc của tôi, tôi có một bản Tân Ước bằng tiếng Ucraina với các Thánh vịnh, được gửi cho tôi và thuộc về một người lính đã chết trong chiến tranh. Anh ấy đã cầu nguyện ở mặt trận với cuốn sách này. Các Kitô hữu và, càng ít hơn nữa, con người hiện đại không thể lấy lại và lấy làm của mình tất cả các Thánh vịnh – cũng như mọi thứ trong mỗi Thánh vịnh. Đôi khi chúng phản ánh một hoàn cảnh lịch sử và một não trạng tôn giáo không còn là của chúng ta nữa. Điều này không có nghĩa là chúng không được linh hứng, nhưng ở một số khía cạnh, chúng được liên kết với một thời kỳ và một giai đoạn tạm thời của mặc khải, như trường hợp của nhiều luật lệ cổ xưa.
Điều biện minh nhất cho việc chúng ta tiếp nhận các Thánh vịnh, đó là vì chúng đã là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, của Đức Maria, của các Tông đồ và của tất cả các thế hệ Kitô giáo đi trước chúng ta. Khi chúng ta đọc chúng này, Thiên Chúa nghe chúng trong “dàn nhạc” hoành tráng tức là sự hiệp thông của các thánh. Chúa Giêsu, theo Thư gửi tín hữu Do Thái, đi vào trần gian với một câu Thánh vịnh trong tâm hồn: “Lạy Thiên Chúa của con, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 7; Tv 40, 9); và theo Tin Mừng theo thánh Luca, Người rời bỏ thế gian với một câu khác trên môi: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46; x. Tv 31, 6).
Sau Tân Ước, các Giáo Phụ và toàn thể Giáo hội đã sử dụng các Thánh vịnh, biến chúng thành một yếu tố cố định trong việc cử hành Thánh Lễ và Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Thánh Ambrose nói: “Toàn bộ Thánh Kinh đều hít thở sự tốt lành của Thiên Chúa, nhưng đặc biệt là sách Thánh vịnh ngọt ngào” [2], sách Thánh vịnh ngọt ngào. Tôi tự hỏi: thỉnh thoảng anh chị em có cầu nguyện bằng các Thánh vịnh không? Hãy cầm lấy Thánh Kinh hoặc Tân Ước và cầu nguyện với một Thánh vịnh. Chẳng hạn, khi anh chị em hơi buồn vì đã phạm tội, anh chị em có cầu nguyện với Thánh vịnh 50 không? Có rất nhiều thánh vịnh giúp chúng ta tiến về phía trước. Hãy tập thói quen cầu nguyện bằng các Thánh vịnh. Tôi đảm bảo với anh chị em rằng cuối cùng anh chị em sẽ hạnh phúc.
Nhưng chúng ta không thể chỉ bằng lòng sống nhờ di sản của quá khứ: chúng ta phải biến các Thánh vịnh thành lời cầu nguyện của chúng ta. Đã có người viết rằng, theo một nghĩa nào đó, chính chúng ta phải trở thành “tác giả” của các Thánh vịnh, biến chúng thành của chúng ta và cầu nguyện với chúng.[3] Nếu có những Thánh vịnh, hay đơn giản là những câu thơ, nói với tâm hồn chúng ta, thì thật tốt để lặp lại và cầu nguyện với những Thánh vịnh đó trong ngày. Các Thánh vịnh là những lời cầu nguyện “cho mọi mùa”: không có trạng thái tâm hồn hay nhu cầu nào mà không tìm thấy nơi chúng những lời lẽ tốt nhất để biến thành lời cầu nguyện. Khác với tất cả những lời cầu nguyện khác, các Thánh vịnh không mất đi hiệu quả khi càng được lặp đi lặp lại, trái lại, nó được tăng thêm. Tại sao? Bởi vì chúng được Thiên Chúa linh hứng và chúng “hít thở” Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta đọc chúng với đức tin.
Nếu chúng ta cảm thấy tràn ngập sự hối hận và tội lỗi, vì chúng ta là tội nhân, chúng ta có thể lặp lại với Đavít: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm” (Tv 51 (50), 3). Nếu chúng ta muốn bày tỏ mối liên hệ cá nhân mạnh mẽ với Thiên Chúa, chúng ta hãy nói: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63 (62), 2). Không phải vô cớ mà phụng vụ đưa Thánh vịnh này vào Kinh Sáng của các Chúa nhật và các lễ trọng. Và nếu nỗi sợ hãi và lo lắng tấn công chúng ta, thì những lời tuyệt vời này của Thánh vịnh 23 (22) sẽ trợ giúp chúng ta: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi […]. Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn” (Tv 23(22), 1.4).
Các Thánh vịnh cho phép chúng ta không làm nghèo nàn lời cầu nguyện của mình bằng cách giảm thiểu nó thành những lời cầu xin, thành một câu liên tục “xin cho con, xin cho chúng con…”. Chúng ta hãy học từ Kinh Lạy Cha, trước khi xin “lương thực hằng ngày”, đã nói: “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện”. Các Thánh vịnh giúp chúng ta mở lòng ra với lời cầu nguyện ít tập trung vào bản thân mình hơn: một lời cầu nguyện ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn; chúng cũng giúp chúng ta trở thành tiếng nói của toàn thể công trình tạo dựng, bằng cách kết hợp nó với lời ngợi khen của chúng ta.
Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban cho Giáo hội – Hiền Thê những lời cầu nguyện với Phu Quân thần linh của mình, giúp chúng ta làm cho những lời đó vang vọng trong Giáo hội hôm nay và biến năm chuẩn bị cho Năm Thánh này thành một bản giao hưởng cầu nguyện thực sự. Cảm ơn anh chị em !
————————————————–
[1] Thư gởi Đức cha Fisichella về Năm Thánh 2025 (11/2/2022).
[2] Commentaire des Psaumes I, 4, 7 : CSEL 64,4-7.
[3] Giovanni Cassiano, Conlationes, X,11: SCh 54, 92-93.
—————————————————————————–
Tý Linh chuyển ngữ (bản dịch Thánh Kinh của nhóm CGKPV)
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, năm thánh 2025, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?