BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ. CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN DÂN THIÊN CHÚA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. BÀI 1. THẦN KHÍ THIÊN CHÚA BAY LƯỢN TRÊN MẶT NƯỚC

Written by xbvn on Tháng Năm 29th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý mới về “Chúa Thánh Thần và Hiền Thê”, tập trung vào cách Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa trong suốt lịch sử cứu độ. Ngay từ đầu, Thần Khí Thiên Chúa đã hoạt động, mang lại trật tự và vẻ đẹp từ sự hỗn mang. Sự biến đổi liên tục này được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng “công trình tạo dựng đang rên rỉ và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22), một thực tế vẫn đúng, và nhấn mạnh chúng ta cần phải giải quyết cả sự hỗn mang bên trong lẫn bên ngoài. Trước vấn đề này, thánh Phanxicô Assidi đưa ra sự chiêm ngắm và ca ngợi như một phương thuốc chữa trị và giải thích cách đón nhận công trình tạo dựng một cách tự do. Và rồi, chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần Thiên Chúa vào trong cuộc sống của chúng ta, để biến đổi tâm hồn chúng ta và chữa lành thế giới của chúng ta: “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo! Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời. Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi. Là sản phẩm do tay Ngài mà có”.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 29/5/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Hôm nay, với bài giáo lý này, chúng ta bắt đầu một chu kỳ suy tư với chủ đề “Chúa Thánh Thần và Hiền Thê” – Hiền Thê là Giáo hội – “Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa đến với Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Chúng ta sẽ thực hiện cuộc hành trình này qua ba giai đoạn lớn của lịch sử cứu độ: Cựu Ước, Tân Ước và thời của Giáo hội. Luôn hướng ánh mắt về Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta.

Trong những bài giáo lý đầu tiên này về Thần Khí trong Cựu Ước, chúng ta sẽ không nghiên cứu về ‘khảo cổ học Thánh Kinh’. Thay vào đó, chúng ta sẽ khám phá ra rằng những gì được ban như một lời hứa trong Cựu Ước đã được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa Kitô. Điều này sẽ giống như đi theo con đường của mặt trời từ bình minh đến ban trưa.

Chúng ta hãy bắt đầu với hai câu đầu tiên của toàn bộ Thánh Kinh. Hai câu đầu tiên của Thánh Kinh viết: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (Stk 1,1-2). Thần Khí Thiên Chúa xuất hiện với chúng ta ở đây như một sức mạnh huyền bí chuyển thế giới từ trạng thái vô hình, hoang vắng và u ám ban đầu sang trạng thái trật tự và hài hòa. Bởi vì Thần Khí tạo nên sự hài hòa, sự hài hòa trong cuộc sống, sự hài hòa trong thế giới. Nói cách khác, chính Ngài là Đấng làm cho thế giới chuyển từ tình trạng hỗn mang sang vũ trụ, nghĩa là từ hỗn độn đến một điều gì đó đẹp đẽ và có trật tự. Thực ra, đây là ý nghĩa của từ kosmos trong tiếng Hy Lạp, cũng như từ mundus trong tiếng Latinh, nghĩa là điều gì đó đẹp đẽ, điều gì đó có trật tự, trong sạch, hài hòa, bởi vì Thần Khí là sự hài hòa.

Dấu hiệu còn chưa rõ ràng này về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình tạo dựng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong mặc khải sau đây. Trong một thánh vịnh, chúng ta đọc thấy: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33, 6); và còn nữa: “Thần khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 30).

Đường hướng phát triển này trở nên rất rõ ràng trong Tân Ước, mô tả sự can thiệp của Chúa Thánh Thần vào công trình tạo dựng mới, sử dụng chính xác những hình ảnh mà người ta đọc thấy liên quan đến nguồn gốc của thế giới: chim bồ câu bay lượn trên mặt nước của sông Giođan lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (x. Mt 3,16); Chúa Giêsu, ở Phòng Tiệc Ly, thổi hơi vào các môn đệ và nói: “Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22), giống như thuở ban đầu Thiên Chúa đã thổi hơi thở của Ngài vào Ađam (x. Stk 2, 7).

Thánh Phaolô đưa vào một yếu tố mới trong mối quan hệ giữa Chúa Thánh Thần và công trình tạo dựng. Ngài nói về một vũ trụ “rên rỉ và quằn quại như sắp sinh nở” (x. Rm 8, 22). Nó đau đớn vì con người đã buộc nó phải “lệ thuộc vào cảnh hư nát” (x. câu 20-21). Đó là một thực tế liên quan đến chúng ta cách sâu xa và liên quan đến chúng ta cách đáng kể. Thánh Tông đồ nhìn thấy nguyên nhân quằn quại của công trình tạo dựng trong sự băng hoại và tội lỗi của nhân loại vốn đã kéo nó vào tình trạng xa cách Thiên Chúa. Điều này vẫn đúng cho đến ngày nay cũng như thời đó. Chúng ta thấy sự tàn phá đã được thực hiện, và sự tàn phá này tiếp tục được gây ra cho công trình tạo dựng bởi loài người, đặc biệt là cho phần của công trình tạo dựng vốn có khả năng lớn nhất bị khai thác tài nguyên của nó.  

Thánh Phanxicô Assidi chỉ cho chúng ta một lối thoát, một con đường tốt đẹp, một lối thoát để trở về với sự hài hòa của Chúa Thánh Thần: con đường chiêm ngắm và ca ngợi. Ngài muốn một bài ca ngợi Đấng Tạo Hóa được vang lên từ các thụ tạo. Chúng ta nhớ lại bài “Laudato sí, mi Signore… ” bài ca của thánh Phanxicô Assidi.

Một trong các Thánh vịnh (18, 2 [19, 1]) nói: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”, nhưng con người đều cần phải lên tiếng cho tiếng kêu thầm lặng này của chúng. Và trong lời tung hô “Thánh” trong Thánh lễ, chúng ta lặp lại mỗi lần: “Trời đất đầy vinh quang Chúa”. Có thể nói, chúng đang “cưu mang” nó, nhưng chúng cần bàn tay của một bà đỡ giỏi để sinh ra lời khen ngợi này của chúng. Ơn gọi của chúng ta trong thế giới, Thánh Phaolô một lần nữa nhắc nhở chúng ta, là “ca ngợi vinh quang của Người” (Êp 1, 12). Đó là đặt niềm vui chiêm ngắm lên trên niềm vui sở hữu. Và không ai vui mừng với các thụ tạo hơn thánh Phanxicô Assidi, người không muốn sở hữu bất kỳ thụ tạo nào.

Thưa anh chị em, Chúa Thánh Thần, Đấng ban đầu đã biến đổi sự hỗn mang thành vũ trụ, vẫn đang hoạt động để thực hiện sự biến đổi này nơi mỗi người. Qua tiên tri Êdêkien, Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi… Chính Thần Khí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi” (Êd 36, 26-27). Vì trái tim của chúng ta giống như vực thẳm tối tăm, hoang vắng của những câu đầu tiên của Sách Sáng Thế ký. Những cảm xúc và ham muốn trái ngược khuấy động trong đó: của xác thịt và của tinh thần. Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là “vương quốc tự chia rẽ” mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng (x. Mc 3, 24). Bên trong chúng ta, chúng ta có thể nói rằng có sự hỗn mang bên ngoài – hỗn mang xã hội, hỗn mang chính trị. Chúng ta nghĩ về chiến tranh, chúng ta nghĩ về biết bao chàng trai, cô gái không có đủ hơi ấm, về biết bao bất công xã hội. Đây là sự hỗn mang bên ngoài. Nhưng cũng có sự hỗn mang bên trong: bên trong mỗi chúng ta. Hỗn mang bên ngoài không thể được chữa lành trừ khi chúng ta bắt đầu chữa lành sự hỗn mang bên trong! Thưa anh chị em, chúng ta hãy làm tốt công việc biến sự hỗn độn bên trong của chúng ta thành sự sáng tỏ của Chúa Thánh Thần. Chính quyền năng của Thiên Chúa thực hiện điều này, và chúng ta mở lòng mình để Ngài có thể làm được điều đó.

Ước gì suy tư này khơi dậy trong chúng ta ước muốn cảm nghiệm được Thánh Thần Sáng Tạo. Trong hơn một thiên niên kỷ qua, Giáo hội đã đặt trên môi chúng ta lời kêu cầu: “Veni creator Spiritus! Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo! Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời. Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi. Là sản phẩm do tay Ngài mà có.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta và biến chúng ta thành những con người mới, với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn anh chị em.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ (bản dịch Thánh Kinh và Veni Creator của CGKPV)

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31