BÀI GIÁO LÝ VỀ NIỀM SAY MÊ LOAN BÁO TIN MỪNG: LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ CỦA NGƯỜI TÍN HỮU – BÀI 25: MADELEINE DELBRÊL. NIỀM VUI ĐỨC TIN GIỮA NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, tôi muốn giới thiệu với anh chị em hình ảnh một phụ nữ Pháp của thế kỷ 20, Tôi Tớ đáng kính của Chúa, Madeleine Delbrêl. Nhà văn và nhà thần bí, bà đã sống hơn ba mươi năm ở vùng ngoại ô nghèo khổ của tầng lớp lao động ở Paris. Sau thời niên thiếu theo thuyết bất khả tri, Madeleine gặp Chúa. Sau đó, bà lên đường tìm kiếm Chúa, đáp lại cơn khát sâu sắc mà bà cảm thấy trong mình. Niềm vui đức tin khiến bà chọn một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, ở trung tâm của Giáo hội và trung tâm của thế giới, chia sẻ cách đơn sơ trong tình huynh đệ cuộc sống của “những người trên đường phố”.
Với tâm hồn luôn đi ra, Madeleine để mình bị chất vấn bởi tiếng kêu của người nghèo và những người không tin, coi đó là một thách thức để đánh thức khát vọng truyền giáo trong Giáo hội. Bà cảm thấy rằng Thiên Chúa của Tin Mừng phải đốt cháy chúng ta bên trong chừng nào chúng ta chưa mang Danh Ngài đến với tất cả những người chưa tìm thấy Ngài.
Madeleine Delbrêl cũng dạy chúng ta rằng chúng ta được loan báo Tin Mừng bằng việc loan báo Tin Mừng, chúng ta được biến đổi bởi Lời chúng ta rao giảng. Bà tin chắc rằng những môi trường vô thần hoặc thế tục hóa là những nơi mà, chính ở đó người Kitô hữu phải đấu tranh, họ có thể củng cố đức tin mà Chúa Giêsu đã ban cho họ.
Dưới đây là bài giáo lý ngày 8/11/2023 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong số những chứng nhân của niềm say mê loan báo Tin Mừng, những nhà loan báo Tin Mừng đầy nhiệt huyết này, hôm nay tôi xin giới thiệu hình ảnh một phụ nữ Pháp của thế kỷ 20, Tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa, Madeleine Delbrêl. Sinh năm 1904 và mất năm 1964, bà là một trợ lý xã hội, nhà văn và nhà thần bí. Bà đã sống hơn ba mươi năm ở các vùng ngoại ô nghèo khổ của tầng lớp lao động ở Paris. Choáng váng trước cuộc gặp gỡ với Chúa, bà viết: “Khi chúng ta đã biết Lời Chúa, chúng ta không có quyền không tiếp nhận; khi đã nhận được, chúng ta không có quyền không để Lời Chúa hiện thân nơi chúng ta; khi Lời Chúa hiện thân nơi chúng ta, chúng ta không có quyền giữ Lời Chúa cho riêng mình: từ nay trở đi, chúng ta thuộc về những người chờ đợi Lời Chúa” (Nous autres, gens des rues, Seuil, coll. “Livre de vie” , số 107, Paris, 1971). Đẹp: thật đẹp những gì bà viết…
Sau thời niên thiếu sống trong thuyết bất khả tri – bà không tin vào điều gì cả – vào khoảng hai mươi tuổi, Madeleine đã gặp Chúa, bị đánh động bởi lời chứng của những người bạn có đức tin. Sau đó, bà bắt đầu tìm kiếm Thiên Chúa, bày tỏ nỗi khao khát sâu sắc mà bà cảm thấy trong mình, và hiểu rằng “sự trống rỗng đang kêu lên trong nỗi khắc khoải của bà”, đó chính là Thiên Chúa đang tìm kiếm bà (Eblouie par Dieu – correspondance 1: 1910-1941 dans Œuvres complètes vol. 1, Nouvelle cité, coll. «Spiritualité», Mont-rouge, 2004). Niềm vui đức tin đã giúp bà trưởng thành trong việc lựa chọn cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, ở trung tâm của Giáo hội và trung tâm của thế giới, chia sẻ cách đơn sơ trong tình huynh đệ cuộc sống của “những người trên đường phố”. Bà đã nói với Chúa Giêsu một cách đầy thi vị như sau: “Để được ở với Chúa trên con đường của Chúa, chúng con phải ra đi, ngay cả khi sự lười biếng nài xin chúng con ở lại. Chúa đã chọn chúng con để ở trong một sự cân bằng kỳ lạ, một sự cân bằng chỉ có thể được thiết lập và duy trì trong chuyển động, trong sự nhiệt huyết. Hơi giống một chiếc xe đạp, không thể đứng thẳng nếu không lăn bánh […] Chúng ta chỉ có thể đứng thẳng bằng cách tiến về phía trước, bằng cách di chuyển, trong sự nhiệt huyết của đức ái.” Đây là điều mà bà gọi là “linh đạo từ chiếc xe đạp” (Humour dans l’amour: Méditations et fantaisies dans Œuvres complètes vol. 3, Nouvelle cité, coll. «Spiritualité», Montrouge, 2005). Chỉ bằng cách lên đường, bằng cách bước đi mà chúng ta mới sống trong sự cân bằng của đức tin, vốn là một sự mất cân bằng, nhưng nó là như thế: giống như chiếc xe đạp. Nếu bạn dừng lại, nó sẽ không giữ vững.
Trái tim của Madeleine luôn tỉnh thức và bà để mình bị chất vấn bởi tiếng kêu của người nghèo. Bà hiểu rằng Thiên Chúa hằng sống của Tin Mừng phải cháy bỏng trong chúng ta cho đến khi chúng ta mang danh Ngài đến với những người chưa tìm thấy Ngài. Trong tinh thần này, hướng về sự hỗn loạn của thế giới và tiếng kêu than của người nghèo, Madeleine cảm thấy được mời gọi “sống tình yêu của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn và theo đúng nghĩa, từ dầu của người Samaritanô Nhân hậu đến dấm đồi Canvê, nhờ đó đáp trả tình yêu đối với tình yêu dành cho Ngài […] để khi yêu mến Ngài hết lòng và để mình được yêu thương cho đến cùng, hai giới răn lớn của đức ái được hiện thân trong chúng ta và trở thành một” (La vocation de la charité, 1, Œuvres complètes XIII, Bruyères-le-Châtel, 138-139).
Cuối cùng, Madeleine Delbrêl dạy chúng ta một điều nữa: qua việc Phúc Âm hóa, chúng ta được Phúc Âm hóa: khi loan báo Tin Mừng, chúng ta được loan báo Tin Mừng. Đây là lý do tại sao bà nói, vang vọng lại lời Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu việc loan báo Tin Mừng không loan báo Tin Mừng cho tôi”. Bằng cách loan báo Tin Mừng, chính chúng ta được loan báo Tin Mừng. Và đó là một học thuyết hay.
Khi chiêm ngưỡng người phụ nữ làm chứng cho Tin Mừng này, chúng ta cũng học được rằng trong mọi tình huống và hoàn cảnh cá nhân hay xã hội của cuộc đời chúng ta, Chúa hiện diện và mời gọi chúng ta sống trong thời đại của mình, chia sẻ cuộc sống của người khác, hòa nhập với niềm vui và nỗi buồn của thế giới. Đặc biệt, bà dạy chúng ta rằng ngay cả những môi trường tục hóa cũng có thể giúp ích cho việc hoán cải, bởi vì việc tiếp xúc với những người không tin sẽ thúc đẩy người tín hữu liên tục xem xét lại cách tin của mình và khám phá lại đức tin trong tính cốt yếu của nó (x. Nous autres, gens des rues, Seuil, coll. «Livre de vie», n. 107, Paris, 1971).
Ước gì Madeleine Delbrêl dạy chúng ta sống đức tin “in moto” – “trong chuyển động” này, có thể nói là, đức tin phong nhiêu vốn biến mọi hành vi đức tin trở thành một hành vi bác ái trong việc loan báo Tin Mừng này. Cảm ơn anh chị em.
—————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, bác ái-liên đới, các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS