BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 14. ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG
Tóm tắt bài giáo lý:
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, một bậc thầy tuyệt vời về dạy giáo lý. Xin cho giáo huấn của ngài giúp chúng ta tái khám phá nơi Chúa Kitô niềm vui tin tưởng và niềm hy vọng được sống.
Hôm nay, chúng ta hoàn thành hành trình giáo lý về sự phân định bằng vấn đề về sự đồng hành thiêng liêng. Sự đồng hành này rất quan trọng để có được sự hiểu biết về bản thân vốn cần thiết cho sự phân định này. Trước hết, điều quan trọng là phải để cho người đồng hành biết mình, không sợ bộc lộ cho họ những yếu đuối và mong manh của mình. Khi việc đồng hành ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, nó giúp vạch trần những hiểu lầm, thậm chí là nghiêm trọng, trong lòng tự trọng của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Những người có mối tương quan thực sự với Thiên Chúa thì không sợ mở lòng ra cho Người. Kể cho một người thứ ba những gì chúng ta đang sống, hay những gì chúng ta ao ước, sẽ giúp soi sáng cho chính bản thân. Điều đó làm sáng tỏ những suy nghĩ tiêu cực đang chi phối chúng ta, để chúng ta có thể cảm thấy được Chúa yêu thương, có thể làm những điều tốt đẹp cho Người. Việc đồng hành sẽ có hiệu quả nếu nó được sống trong tình phụ tử và trong tình huynh đệ. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa khi chúng ta khám phá ra mình là anh chị em, con cùng một Cha. Chúng ta không đến với Chúa một mình. Đức Trinh Nữ Maria, Đấng nói ít, lắng nghe nhiều và ghi nhớ trong lòng, là bậc thầy của sự phân định. Hơn bất kỳ ai khác, Mẹ biết thực hiện, bằng hành vi và lựa chọn, ý muốn mà Thiên Chúa bày tỏ trong lòng Mẹ, và Mẹ mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.
————————————–
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trước khi bắt đầu bài giáo lý này, tôi muốn chúng ta cùng với những người, ở đây bên cạnh chúng ta, bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđíctô XVI, và hướng tư tưởng của tôi đến ngài, một bậc thầy tuyệt vời về dạy giáo lý. Tư tưởng sắc sảo và nhẹ nhàng của ngài không phải quy về bản thân mình, nhưng về Giáo hội, vì ngài luôn muốn đồng hành với chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng Hằng Sống và là Chúa, là đích đến mà Đức Bênêđíctô XVI đã nắm lấy tay chúng ta, dẫn chúng ta tới. Xin ngài giúp chúng ta tái khám phá nơi Chúa Kitô niềm vui tin tưởng và niềm hy vọng được sống.
Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta sẽ kết thúc chu kỳ dành cho chủ đề phân định, và chúng ta sẽ làm như vậy bằng cách hoàn thành bài thuyết trình về những trợ giúp có thể và phải hỗ trợ nó : hỗ trợ tiến trình phân định. Một trong những trợ giúp này là việc đồng hành thiêng liêng, điều quan trọng trước tiên và trên hết đối với việc biết mình, mà như chúng ta đã thấy là điều kiện không thể thiếu để phân định. Nhìn mình trong gương, một mình, không phải lúc nào cũng giúp ích, vì người ta có thể điều chỉnh hình ảnh. Thay vào đó, nhìn mình trong gương với sự giúp đỡ của người khác, điều này giúp ích rất nhiều bởi vì người khác nói cho anh chị em sự thật – khi họ đáng tin cậy – và theo cách này sẽ giúp ích cho anh chị em.
Ân sủng của Thiên Chúa trong chúng ta luôn hoạt động trên bản tính của chúng ta. Nghĩ về một dụ ngôn Tin Mừng, chúng ta luôn có thể so sánh ân sủng với hạt giống tốt và bản tính với mảnh đất (x. Mc 4, 3-9). Trước hết, điều quan trọng là phải làm cho mình được biết đến, không sợ chia sẻ những khía cạnh mong manh nhất, mà chúng ta cảm thấy mình nhạy cảm hơn, yếu đuối hơn, hoặc sợ bị đánh giá. Làm cho mình được biết đến, thổ lộ mình với một người đồng hành với chúng ta trên đường đời. Không phải họ quyết định cho chúng ta, không : nhưng họ đồng hành với chúng ta. Bởi vì, trên thực tế, sự mong manh là sự giàu có thực sự của chúng ta : tất cả chúng ta đều giàu có sự mong manh, tất cả mọi người ; sự giàu có đích thực, mà chúng ta phải học cách tôn trọng và đón nhận, vì, khi được dâng lên Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót, yêu thương. Khốn cho những ai không cảm thấy mình mong manh : họ cứng cỏi, độc tài. Trái lại, những người khiêm tốn nhìn nhận sự mong manh của mình sẽ thấu hiểu người khác hơn. Sự mong manh – tôi có thể nói như vậy – làm cho chúng ta là người. Không phải ngẫu nhiên mà cám dỗ đầu tiên trong ba cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc – liên quan đến đói khát – tìm cách đánh cắp sự mong manh, coi nó như một sự dữ cần loại bỏ, một trở ngại để trở nên giống Thiên Chúa. Và ngược lại, đó là kho tàng quý giá nhất của chúng ta : quả thật, để làm cho chúng ta trở nên giống Người, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ cho đến cùng sự mong manh của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh : Thiên Chúa rõ ràng đã xuống với sự mong manh. Chúng ta hãy nhìn cảnh Chúa giáng sinh trong sự mong manh lớn lao của con người. Người đã chia sẻ sự mong manh của chúng ta.
Và việc đồng hành thiêng liêng, nếu ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp vạch trần những hiểu lầm, thậm chí là nghiêm trọng, trong lòng tự trọng của chúng ta và trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Tin Mừng trình bày nhiều ví dụ về những cuộc trò chuyện khai sáng và khai phóng do Chúa Giêsu thực hiện. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samari, mà chúng ta đọc, và luôn có sự khôn ngoan và dịu dàng của Chúa Giêsu ; hãy nghĩ đến cuộc trò chuyện với Dakêu, cuộc trò chuyện với người phụ nữ tội lỗi, cuộc trò chuyện với Nicôđêmô, với các môn đệ trên đường về Emmaüs : phương thế đến gần Chúa. Những người thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu thì không sợ mở lòng ra cho Người, dâng cho Người sự tổn thương và bất toàn của mình, sự mong manh của mình. Bằng cách này, việc chia sẻ bản thân trở thành một kinh nghiệm về ơn cứu độ, về sự tha thứ được nhận lãnh cách nhưng không.
Kể trước mặt một người khác những gì chúng ta đã sống hay đang tìm kiếm trước hết cho phép làm sáng tỏ bản thân, bằng cách nêu bật nhiều suy nghĩ thường chi phối và làm rối loạn chúng ta bằng những điệp khúc dai dẳng của chúng. Biết bao nhiêu lần trong những lúc đen tối, những suy nghĩ như vậy đến với chúng ta : « Tôi đã làm mọi thứ sai trái, tôi không đáng gì cả, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không bao giờ thành đạt, số phận tôi là thất bại », biết bao lần chúng ta đã nghĩ những điều này, và cứ như thế.
Những suy nghĩ sai lầm và độc địa, mà việc đối mặt với người khác giúp vạch trần, để chúng ta có thể cảm thấy được Chúa yêu thương và quý trọng như chúng ta là, có khả năng làm những điều tốt đẹp cho Người. Chúng ta ngạc nhiên khám phá ra những cách khác nhau để nhìn sự vật, những dấu hiệu của sự tốt lành luôn hiện diện trong chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể chia sẻ sự mong manh của mình với người khác, với người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, trong đời sống thiêng liêng, dù là một giáo dân hay một linh mục, và nói : « Hãy nhìn xem điều gì xảy ra với tôi : tôi không may, những điều này xảy ra với tôi ». Và người đồng hành trả lời : « Vâng, tất cả chúng ta đều biết những điều này ». Điều đó giúp chúng ta nhìn chúng cách rõ ràng hơn và nhìn thấy nguồn gốc đến từ đâu và như thế để vượt qua chúng.
Người đồng hành – nam hay nữ – không thay thế Chúa, không làm công việc thay cho người được đồng hành, nhưng bước đi bên cạnh họ, khích lệ họ đọc những gì diễn ra trong tâm hồn mình, nơi tuyệt vời nhất mà Chúa nói. Người đồng hành thiêng liêng, mà chúng ta gọi là người linh hướng – tôi không thích thuật ngữ này, tôi thích thuật ngữ đồng hành thiêng liêng hơn, đó là từ tốt hơn – là người nói với bạn : « Nó đang diễn tiến tốt đẹp, nhưng hãy xem điều này, điều kia », họ lôi cuốn sự chú ý của bạn vào những điều có thể trôi qua ; họ giúp bạn hiểu rõ hơn những dấu chỉ của thời đại, tiếng nói của Chúa, tiếng nói của tên cám dỗ, tiếng nói của những khó khăn mà bạn không thể vượt qua. Đó là lý do tại sao thật rất quan trọng là không bước đi một mình. Có một câu cách ngôn trong sự khôn ngoan của châu Phi – vì họ có bí ẩn bộ lạc này –nói rằng : « Muốn đến nhanh thì đi một mình ; nếu bạn muốn đến an toàn, thì hãy đi với người khác », hãy đi được đồng hành, hãy đi với dân của bạn. Điều này rất quan trọng. Trong đời sống thiêng liêng, tốt hơn là được đồng hành bởi một người biết cuộc sống của chúng ta và giúp đỡ chúng ta. Và đồng hành thiêng liêng là như thế.
Sự đồng hành này có thể sinh hoa trái nếu, từ cả hai phía, chúng ta cảm nghiệm được tình phụ tử và tình huynh đệ thiêng liêng. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa vào lúc chúng ta khám phá ra rằng chúng ta là anh em, con của cùng một Cha. Đó là lý do tại sao điều cần thiết là phải được lồng vào một cộng đoàn đang trên hành trình. Chúng ta không đến với Chúa một mình. Chúng ta không đơn độc, chúng ta là thành viên của một dân tộc, của một quốc gia, của một thành phố đang tiến bước, của một Giáo hội, của một Giáo xứ, của nhóm này…Một cộng đoàn đang trên hành trình. Chúng ta không đến với Chúa một mình : điều đó không ổn. Chúng ta phải hiểu rõ điều đó. Như trong trình thuật Tin Mừng về người bại liệt, chúng ta thường được nâng đỡ và chữa lành nhờ đức tin của một người khác (x. Mc 2, 1-5) vốn giúp chúng ta tiến tới, bởi vì tất cả chúng ta đôi khi bị tê liệt nội tâm và chúng ta cần ai đó giúp chúng ta vượt qua xung đột này với người khác. Chúng ta không được đến với Chúa một mình, chúng ta hãy nhớ rõ điều đó ; những lần khác, chính chúng ta lãnh lấy sự dấn thân này nhân danh một người anh em hay chị em khác, và chúng ta đồng hành với người khác này. Nếu không có kinh nghiệm về tình phụ tử và tình huynh đệ, việc đồng hành có thể làm nảy sinh những kỳ vọng phi thực tế, những hiểu lầm và những hình thức phụ thuộc khiến con người rơi vào tình trạng ấu trĩ. Đồng hành, nhưng như là con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau.
Đức Trinh Nữ Maria là một bậc thầy về phân định : Mẹ nói ít, lắng nghe nhiều, và giữ những kho tàng trong tâm hồn mình (x. Lc 2, 19). Ba thái độ của Đức Trinh Nữ Maria : nói ít, lắng nghe nhiều và ghi nhớ trong lòng. Và vài lần Mẹ nói, Mẹ để lại dấu vết. Chẳng hạn, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có một câu rất ngắn của Đức Maria vốn là lời chỉ dẫn cho các Kitô hữu của mọi thời : « Người bảo gì các con hãy làm theo » (x. 2, 5). Thật lý thú ; một ngày nọ, tôi đã nghe một cụ bà nhỏ bé, rất tốt bụng, rất ngoan đạo, bà không học thần học, bà rất đơn gian. Và bà nói với tôi : « Cha có biết Đức Trinh Nữ luôn làm cử chỉ nào không ? » Tôi không biết, Mẹ ôm bà, Mẹ gọi bà… « Không, cử chỉ mà Đức Trinh Nữ làm là thế này » [Mẹ chỉ ngón tay trỏ]. Tôi không hiểu, bèn hỏi : « Mẹ luôn chỉ vào Chúa Giêsu ». Điều đó thật đẹp : Đức Trinh Nữ không lấy gì cho mình, Mẹ chỉ vào Chúa Giêsu. Hãy làm theo những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta : Đức Trinh Nữ là như vậy. Đức Maria biết rằng Chúa nói với tâm hồn mỗi người, và Mẹ yêu cầu chúng ta biến lời này thành hành động và chọn lựa. Mẹ biết làm điều đó hơn bất cứ ai khác và, thực ra, Mẹ hiện diện trong những thời điểm căn bản của cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là vào giờ cao điểm của cái chết của Người trên thập giá.
Anh chị em thân mến, chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý này về sự phân định : Phân định là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể được học và có những quy tắc riêng của nó. Nếu được học tốt, nó cho phép sống kinh nghiệm thiêng liêng một cách luôn đẹp đẽ và trật tự hơn. Trên hết, biện phân là một món quà của Thiên Chúa, mà cần phải cầu xin luôn, không bao giờ tự cho mình là chuyên gia và tự mãn. Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết phân định trong những thời điểm của cuộc đời những gì con phải làm và con phải hiểu. Xin ban cho con ơn biét phân định, và xin ban cho con người giúp con phân định.
Tiếng nói của Chúa luôn có thể được nhận ra, nó có một phong cách độc nhất, đó là một tiếng nói xoa dịu, khuyến khích và trấn an trong những khó khăn. Tin Mừng liên lỉ nhắc nhở chúng ta điều đó : « Đừng sợ », lời thiên thần nói với Đức Maria thật đẹp biết bao (Lc 1, 30) ; « Đừng sợ », Chúa Giêsu nói với Phêrô (Lc 5, 10) ; « Đừng sợ », đó chính là phong cách của Chúa : « Đừng sợ », , thiên thần nói với các phụ nữ vào sáng Phục Sinh (Mt 28, 5). « Đừng sợ ! », Chúa cũng lặp lại với chúng ta hôm nay : « Đừng sợ » : nếu chúng ta tin tưởng vào lời Người, chúng ta sẽ chơi tốt trò chơi cuộc đời, và chúng ta sẽ có thể giúp đỡ người khác. Như Thánh vịnh nói, Lời Người là ngọn đèn soi cho con bước và là ánh sáng chỉ đường cho con đi (x. 119, 105).
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: NGUỒN MẠCH CỦA MỌI SỰ CHÍNH LÀ TÌNH YÊU
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- MARGUERITE STERN, CỰU FEMEN, XIN LỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ TỪ BỎ VIỆC VIẾT MỘT TÔNG HUẤN? »
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- BÉN RỄ SÂU VÀ LỮ HÀNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
- “LUCE”, VATICAN GIỚI THIỆU LINH VẬT CHO NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- DILEXIT NOS: “LINH ĐẠO LIÊN QUAN SÂU XA ĐẾN TÂM HỒN CON NGƯỜI”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐỊNH HÌNH GIÁO HỘI NGÀY MAI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B – BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH : ĐỪNG NGỒI YÊN MÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- NGAI TÒA CỦA THÁNH PHÊRÔ ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VATICAN
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐƯA GIÁO HỘI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA