BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH : BÀI 3. CÁC YẾU TỐ CỦA SỰ PHÂN ĐỊNH. SỰ THÂN MẬT VỚI CHÚA
Trong buổi tiếp kiến chung hôm 28/9/2022, Đức Phanxicô tiếp tục bài giáo lý về sự phân định. Lần này, ngài bàn về vai trò quan trọng của cầu nguyện, « một sự trợ giúp cần thiết cho việc phân định thiêng liêng ». Và Đức Thánh Cha lưu ý : « Phân định những gì đang diễn ra trong chúng ta không phải dễ dàng, vì vẻ bề ngoài dễ đánh lừa, nhưng sự thân mật với Thiên Chúa có thể nhẹ nhàng xua tan những nghi ngờ và sợ hãi, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận « ánh sáng ngọt ngào » của Ngài ».
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về chủ đề phân định – bởi vì chủ đề phân định rất quan trọng để biết những gì đang diễn ra trong chúng ta, biết về cảm xúc và ý tưởng của chúng ta, nên chúng ta phải phân định chúng đến từ đâu, chúng dẫn tôi về đâu, đến những quyết định nào – và hôm nay chúng ta tập trung vào yếu tố đầu tiên trong số các yếu tố cấu thành nó, đó là cầu nguyện.
Cầu nguyện là một sự trợ giúp cần thiết cho việc phân định thiêng liêng, đặc biệt khi nó liên quan đến chiều kích tình cảm, khiến chúng ta có thể nói với Chúa cách đơn sơ và thân mật, như người ta nói với một người bạn. Nó biết cách vượt quá những tư tưởng, để đi vào sự thân mật với Chúa, bằng một tình cảm tự phát. Bí quyết trong cuộc đời của các thánh là sự thân mật và tin tưởng nơi Thiên Chúa, điều này lớn lên trong họ và giúp họ dễ dàng nhận ra điều gì đẹp lòng Ngài hơn bao giờ hết. Cầu nguyện chân thật là sự thân mật và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nó không phải là đọc kinh như con vẹt, bla, bla, bla, không phải. Cầu nguyện đích thực là sự tự phát và tình cảm đối với Chúa. Sự thân mật này vượt qua nỗi sợ hãi hay nghi ngờ rằng ý muốn của Ngài không tốt cho chúng ta, một cám dỗ đôi khi lướt qua tư tưởng của chúng ta và khiến tâm hồn chúng ta bồn chồn và không chắc chắn, hoặc thậm chí là cay đắng.
Sự phân định không khẳng định sự chắc chắn tuyệt đối, nó không phải là một phương pháp thuần túy về mặt hóa học, nó không khẳng định sự chắc chắn tuyệt đối, bởi vì nó liên quan đến cuộc sống, và cuộc sống không phải luôn luôn lôgíc, nó có nhiều khía cạnh vốn không thể được gói gọn trong một phạm trù tư tưởng. Chúng ta muốn biết chính xác những gì phải làm, thế nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, chúng ta không phải lúc nào cũng hành động theo. Biết bao lần chúng ta đã cảm nghiệm được điều mà thánh Phaolô Tông đồ mô tả : « Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm » (Rm 7, 19). Chúng ta không chỉ là lý trí, chúng ta không phải là máy móc, đón nhận những chỉ dẫn để thực hiện chúng mà thôi thì không đủ : những trở ngại, cũng như những sự giúp đỡ, để quyết định vì Chúa trước hết là tình cảm, từ tâm hồn.
Thật ý nghĩa khi phép lạ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện trong Tin Mừng theo thánh Marcô là phép lạ trừ quỷ (x. 1, 21-28). Trong hội đường Capharnaum, Ngài giải cứu một người khỏi ma quỷ, thoát khỏi người ấy khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa mà Satan gợi ý từ ban đầu : hình ảnh về một Thiên Chúa không muốn hạnh phúc của chúng ta. Người bị quỷ ám, từ đoạn Tin Mừng này, biết rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng điều đó không dẫn người ấy tin vào Ngài. Trên thực tế, anh ta nói : « Có phải ông đến để tiêu diệt chúng tôi ? » (c. 24).
Nhiều người, ngay cả các Kitô hữu, cũng nghĩ như vậy : Chúa Giêsu có lẽ là Con Thiên Chúa, nhưng họ nghi ngờ rằng Ngài muốn hạnh phúc của chúng ta ; một số người thậm chí còn sợ rằng coi trọng lời đề nghị của Ngài, những gì Chúa Giêsu đề nghị cho chúng ta, có nghĩa là hủy hoại cuộc sống, làm tiêu tan ước muốn, khát vọng mạnh mẽ nhất của chúng ta. Những suy nghĩ này đôi khi lượt qua tâm trí chúng ta : rằng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta quá nhiều, chúng ta sợ rằng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta quá nhiều, hay muốn lấy đi những gì thân yêu nhất đối với chúng ta. Nói tóm lại, Ngài không thực sự yêu thương chúng ta. Trái lại, trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng dấu hiệu được gặp Chúa là niềm vui. Khi tôi gặp Chúa trong lời cầu nguyện, tôi trở nên vui mừng. Mỗi người trong chúng ta đều trở nên vui mừng, một điều đẹp đẽ. Trái lại, buồn bã, hay sợ hãi, là những dấu hiệu xa rời Ngài là Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói với chàng thanh niên giàu có : « Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn » (Mt 19, 17). Thật không may cho chàng thanh niên này, một số trở ngại đã không cho phép anh ta thực hiện ước muốn trong lòng mình, bước theo sát « Thầy nhân lành ». Đó là một thanh niên có tính toán, năng động, anh ta đã chủ động đến gặp Chúa Giêsu, nhưng anh ta cũng rất chia rẽ trong tình cảm của mình, đối với anh ta của cải là quá quan trọng. Chúa Giêsu không buộc anh ta phải quyết định, nhưng bản văn ghi nhận rằng chàng thanh niên quay lưng lại với Chúa Giêsu cách « buồn rầu » (c. 22). Ai xa rời Chúa sẽ không bao giờ thỏa mãn, ngay cả khi họ có rất nhiều của cải và khả năng tùy ý sử dụng. Chúa Giêsu không bao giờ bó buộc anh chị em đi theo Ngài, không bao giờ. Chúa Giêsu cho bạn biết ý muốn của Ngài, bằng cả tấm lòng Ngài cho bạn biết mọi sự, nhưng Ngài để bạn tự do. Và đó là điều đẹp nhất trong lời cầu nguyện với Chúa Giêsu : sự tự do mà Ngài để cho chúng ta. Trái lại, khi chúng ta xa rời Chúa, chúng ta ở lại với một điều gì đó buồn bã, điều gì đó tồi tệ trong tâm hồn.
Phân định những gì đang diễn ra trong chúng ta không phải dễ dàng, vì vẻ bề ngoài dễ đánh lừa, nhưng sự thân mật với Thiên Chúa có thể nhẹ nhàng xua tan những nghi ngờ và sợ hãi, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận « ánh sáng ngọt ngào » của Ngài, như cách diễn tả đẹp đẽ của thánh John Henry Newman. Các thánh tỏa sáng bằng ánh sáng phản chiếu và cho thấy trong các cử chỉ đơn sơ trong ngày sống của các ngài sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng biến điều không thể thành có thể. Người ta nói rằng hai vợ chồng sống với nhau trong một thời gian dài yêu thương nhau cuối cùng lại giống nhau. Người ta có thể nói điều gì đó tương tự về lời cầu nguyện tình cảm : cách tiệm tiến nhưng hiệu quả, nó khiến chúng ta ngày càng có khả năng nhận ra những gì có giá trị qua sự đồng cảm (connaturalité), như điều gì đó nảy sinh từ sâu thẳm trong hữu thể của chúng ta. Cầu nguyện không có nghĩa là nói nhiều lời, nhiều lời, không phải ; cầu nguyện có nghĩa là mở tâm hồn ra cho Chúa Giêsu, đến gần Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu đi vào tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Và ở đó, chúng ta có thể phân định khi nào là Chúa Giêsu và khi nào là chính chúng ta với tư tưởng của chúng ta, vốn rất thường xa rời với những gì Chúa Giêsu mong muốn.
Chúng ta hãy cầu xin ơn này : sống tương quan tình bạn với Chúa, như một người bạn nói với một người bạn (x. thánh Inhaxiô Loyola, Linh thao, 53). Tôi nhớ đến một tu sĩ già là người gác cổng trường và, mỗi lần có thể đến gần nhà nguyện, thầy đều nhìn bàn thờ và nói : « Con chào Chúa », bởi vì thầy gần gũi Chúa Giêsu. Thầy không cần nói bla, bla, bla, không cần : « Chào Chúa, con gần Chúa và Chúa gần con ». Đó là mối tương quan mà chúng ta phải có trong lời cầu nguyện : sự gần gũi, gần gũi tình cảm, như anh em, gần gũi với Chúa Giêsu. Một nụ cười, một cử chỉ đơn sơ chứ không phải đọc những lời không chạm đến tâm hồn. Như tôi đã nói, hãy nói với Chúa Giêsu như một người bạn nói với một người bạn. Đó là một ơn mà chúng ta phải cầu xin cho nhau : thấy Chúa Giêsu như người bạn của chúng ta, người bạn tuyệt vời nhất của chúng ta và là người bạn trung thành của chúng ta, không tống tiền, và nhất là không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta xa rời Ngài.
Ngài vẫn ở cánh cửa của tâm hồn. Chúng ta nói : « Không, tôi không muốn liên quan gì đến ông ». Và Ngài, Ngài vẫn thinh lặng, Ngài vẫn ở đó, trong tầm tay, trong tầm với của tâm hồn, vì Ngài luôn trung thành. Chúng ta hãy tiến tới với lời cầu nguyện này, hãy đọc kinh « Chào Chúa », kinh chào Chúa bằng tâm hồn, lời kinh nguyện của tình cảm, lời kinh của sự gần gũi, ít lời nhưng với những cử chỉ và những việc làm tốt. Cảm ơn anh chị em.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO