BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 6. NHỮNG YẾU TỐ PHÂN ĐỊNH. CUỐN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Trong những tuần này, qua các bài giáo lý, chúng ta nhấn mạnh đến những điều kiện để thực hiện một sự phân định tốt. Hôm nay, chúng ta sẽ bàn về một yếu tố mới rất cần thiết: câu chuyện của cuộc đời chúng ta. Nó là cuốn sách quý giá nhất đã được ban cho chúng ta và chứa đựng những gì chúng ta tìm kiếm cách vô ích bằng những con đường khác. Quả thế, thánh Augustinô đã hiểu được điều đó khi đọc lại đời mình và khám phá ra sự hiện diện của Chúa ở đó. Từ đó ngài mời gọi vun trồng đời sống nội tâm để tìm thấy những gì chúng ta đang tìm kiếm. Đọc câu chuyện của mỗi người có nghãi là mở rộng khuôn khổ câu chuyện của mình, bằng cách làm cho nó phong phú hơn, tôn trọng tính phức tạp hơn, nhất là bằng cách thành công trong việc nắm bắt các cách thức kín đáo mà Thiên Chúa hành động trong cuộc sống của chúng ta. Câu chuyện về các sự kiện của cuộc đời chúng ta cũng cho phép nắm bắt các sắc thái và những chi tiết quan trọng vốn có thể là những trợ giúp quý giá cho đến lúc đó vẫn còn ẩn giấu. Đó là một công việc thu thập những viên ngọc mà Chúa đã vùi trên mảnh đất của chúng ta. Điều tốt thì ẩn giấu và thầm lặng, nó đòi hỏi sự đào bới chậm rãi và liên tục, vì phong cách của Thiên Chúa thì kín đáo và không áp đặt. Việc quen đọc lại đời mình sẽ giúp giáo dục cái nhìn, làm tinh tế nó, cho phép nhận ra những phép lạ nhỏ bé mà Thiên Chúa nhân lành thực hiện mỗi ngày cho chúng ta. Đời sống của các thánh cũng là sự trợ giúp quý giá để nhận ra phong cách của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Một số cư xử của các thánh chất vấn chúng ta, cho chúng ta thấy những ý nghĩa và cơ hội mới mẻ.
——————————————————–
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong các bài giáo lý của những tuần này, chúng ta đang tập trung vào các điều kiện tiên quyết để phân định tốt. Trong cuộc sống, chúng ta phải luôn đưa ra quyết định, và để đưa ra quyết định, chúng ta phải theo một hành trình, một con đường phân định. Mọi hoạt động quan trọng đều có « những hướng dẫn » cần phải theo, những hướng dẫn cần phải được biết để chúng có thể tạo ra những hiệu quả cần thiết. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét một thành phần không thể thiếu khác để phân định : câu chuyện cuộc đời của chính mình. Có thể nói, biết được câu chuyện cuộc đời của mình là một thành phần thiết yếu để phân định.
Cuộc đời của chúng ta là « cuốn sách » quý giá nhất được ban cho chúng ta, một cuốn sách mà thật không may nhiều người không đọc, hay đúng hơn, họ đọc quá muộn, trước khi chết. Tuy nhiên, chính trong cuốn sách đó mà người ta tìm thấy những gì người ta tìm kiếm một cách vô nghĩa ở nơi khác. Thánh Augustinô, một người vĩ đại tìm kiếm sự thật, đã hiểu điều này chỉ bằng cách đọc lại cuộc đời của mình, ghi nhận trong đó những bước chân âm thầm và kín đáo, nhưng sâu sắc của sự hiện diện của Chúa. Vào cuối cuộc hành trình này, ngài ngạc nhiên ghi nhận : « Người ở trong con, mà con lại ở ngoài, và con đi tìm Người ở ngoài, nơi mà con, kẻ xấu xa, lao tới, một cách trái khuấy trên những cái đẹp tại thế này, những công trình tay Chúa làm nên. Người ở với con, nhưng con đã không ở với Người » (Tự Thuật X, 27.38). Do đó, lời mời gọi của ngài là hãy vun trồng đời sống nội tâm để tìm thấy những gì mà mình đang tìm kiếm : « Hãy trở về bên trong bản thân bạn. Trong con người nội tâm là sự thật » (Bàn về Tôn giáo thật, XXXIX, 72). Đây là lời mời gọi mà tôi muốn gởi đến tất cả anh chị em, và ngay cả cho chính tôi : « Hãy trở về bên trong bản thân bạn. Hãy đọc cuộc đời của bạn. Hãy đọc bên trong bản thân bạn, con đường bạn đã đi. Cách thanh thản. Hãy trở về bên trong bản thân bạn ».
Nhiều lần, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm của thánh Augustinô, thấy mình bị giam cầm bởi những tư tưởng khiến chúng ta xa rời mình, bởi những thông điệp định kiến làm hại chúng ta : chẳng hạn, « tôi vô dụng » – và nó hạ gục anh chị em ; « mọi sự tồi tệ đối với tôi » – và nó hạ gục anh chị em ; « tôi sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì đáng giá » – và nó hạ gục anh chị em , và điều này trở thành cuộc sống của anh chị em. Những câu nói bi quan này hạ gục anh chị em ! Đọc lịch sử của mình cũng có nghĩa là nhận ra sự hiện diện của những yếu tố « độc hại » này, nhưng rồi mở rộng câu chuyện của chúng ta, học cách chú ý đến những điều khác, làm cho nó phong phú hơn, tôn trọng tính phức tạp hơn, cũng thành công trong việc nắm bắt những cách kín đáo mà Thiên Chúa hành động trong cuộc đời của chúng ta. Tôi từng biết một người mà người ta nói rằng xứng đáng Giải Nobel về sự tiêu cực : mọi thứ đều tồi tệ, mọi thứ, và anh ta luôn cố gắng hạ bệ bản thân. Anh ta là một người cay đắng, thế nhưng anh ấy có nhiều phẩm chất. Và rồi người này tìm thấy một người khác giúp đỡ mình, và mỗi khi anh ta phàn nàn về điều gì đó, thì người kia thường nói : « Nhưng bây giờ, để bù lại, hãy nói điều gì đó tốt về bản thân bạn ». Và anh ta sẽ nói : « Vâng, vâng…tôi cũng có phẩm chất này », và dần dần điều này đã giúp anh ta tiến tới, đọc kỹ cuộc đời mình , cả điều tốt lẫn điều xấu. Chúng ta phải đọc cuộc đời mình, và bằng cách làm như vậy, chúng ta nhận thấy những điều không tốt và cả những điều tốt mà Thiên Chúa gieo vào chúng ta.
Chúng ta đã thấy rằng sự phân định có một lối tiếp cận tường thuật ; nó không tập trung vào hành động lẻ tẻ, nhưng đúng hơn lồng nó vào một bối cảnh : tư tưởng này đến từ đâu ? Bây giờ tôi đang cảm thấy gì, nó đến từ đâu ? Nó dẫn tôi về đâu, bây giờ tôi đang nghĩ gì ? Tôi đã gặp nó khi nào chưa ? Nó có phải là điều gì mới chỉ xuất hiện trong tâm trí tôi bây giờ không, hay tôi đã tìm thấy nó vào những lần khác ? Tại sao nó dai dẳng hơn những thứ khác ? Với điều này, cuộc sống đang cố gắng nói với tôi điều gì ?
Kể lại các sự kiện của cuộc đời mình cũng làm cho chúng ta có thể nắm bắt được những sắc thái và chi tiết quan trọng, vốn có thể tiết lộ chúng là những trợ giúp có giá trị, cho đến nay vẫn được che giấu. Chẳng hạn, việc đọc sách, phục vụ, gặp gỡ, thoạt đầu được coi là ít quan trọng, nhưng theo thời gian lại truyền tải sự bình an nội tâm ; chúng truyền tải niềm vui sống và gợi ý những sáng kiến hay hơn nữa. Dừng lại và thừa nhận điều này là cần thiết. Dừng lại và thừa nhận : nó quan trọng cho sự phân định ; nó là một nhiệm vụ thu thập những viên ngọc quý giá và ẩn giấu mà Chúa đã gieo trên mảnh đất của chúng ta.
Điều tốt luôn ẩn giấu, bởi vì điều tốt thì khiêm tốn và ẩn mình : điều tốt thì ẩn giấu ; nó thầm lặng, nó đòi hỏi sự đào bới chậm rãi và liên tục. Vì phong cách của Thiên Chúa là kín đáo : Thiên Chúa thích hành động cách ẩn giấu và kín đáo, Ngài không áp đặt ; nó giống như không khí chúng ta thở, chúng ta không thấy nó nhưng nó làm chúng ta sống, và chúng ta chỉ nhận ra điều đó khi chúng ta thiếu nó.
Việc quen đọc lại cuộc đời của mình sẽ giáo dục cái nhìn, làm cho nó tinh tế, cho phép nhận thấy những phép lạ nhỏ mà Thiên Chúa nhân lành thực hiện mỗi ngày cho chúng ta. Khi chúng ta chú ý, thì chúng ta nhận thấy những hướng khả thi khác vốn củng cố hương vị nội tâm, sự bình an và tính sáng tạo. Và nhất là, điều đó giải thoát chúng ta khỏi những định kiến độc hại. Người ta đã nói một cách khôn ngoan rằng người không biết quá khứ của mình thì buộc phải lặp lại nó. Thật kỳ lạ : nếu chúng ta không biết con đường mình đã trải qua, quá khứ, thì chúng ta luôn lặp lại nó, chúng ta đi vòng tròn. Người đi vòng tròn sẽ không bao giờ tiến tới, không có đường đi, như chó cắn đuôi của nó, người đó luôn đi như thế, họ lặp đi lặp lại những thứ đó.
Chúng ta có thể tự hỏi : tôi đã từng kể cuộc đời của tôi cho ai đó chưa ? Đó là một kinh nghiệm đẹp được sống bởi các cặp đính hôn, những người, khi họ trở nên nghiêm túc, sẽ kể cho nhau về cuộc đời của họ…Đó là một trong những hình thức giao tiếp đẹp đẽ và thân mật nhất, kể lại cuộc đời của mình. Nó cho phép chúng ta khám phá những điều mà cho đến lúc đó chưa được biết, nhỏ bé và đơn sơ, nhưng, như Tin Mừng nói, chính từ những điều bé nhỏ mà nảy sinh những điều lớn lao (x. Lc 16, 10).
Đời sống của các thánh cũng là một sự trợ giúp quý giá để nhận ra phong cách của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta : nó cho phép chúng ta quen thuộc với cách hành động của Ngài. Một số cư xử của các thánh chất vấn chúng ta, cho chúng ta thấy những ý nghĩa và những cơ hội mới mẻ. Chẳng hạn, đó là những gì đã xảy ra cho thánh Inhaxiô Loyola. Khi mô tả khám phá căn bản của đời mình, ngài đã thêm vào một chi tiết quan trọng, và ngài nói thế này : « Qua kinh nghiệm, ngài đã suy ra rằng một số tư tưởng đã khiến ngài buồn, một số khác khiến ngài vui ; và dần dần ngài học biết sự đa dạng của các tư tưởng, sự đa dạng của các tâm trạng đang khuấy động trong ngài » (Tự truyện, số 8). Biết những gì đang diễn ra trong chúng ta, biết, chú tâm.
Phân định là đọc theo cách tường thuật những thời điểm hạnh phúc và những thời điểm khó khăn, những an ủi và những u sầu mà chúng ta cảm nghiệm trong cuộc đời mình. Trong sự phân định, chính tâm hồn nói với chúng ta về Thiên Chúa, và chúng ta phải học cách để hiểu ngôn ngữ của Ngài. Chẳng hạn, vào cuối ngày sống, chúng ta hãy tự hỏi : điều gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi hôm nay ? Một số người nghĩ rằng việc kiểm điểm lương tâm này là đếm những tội lỗi chúng ta đã phạm – chúng ta đã làm như thế rất nhiều – nhưng đó cũng là tự hỏi : « Điều gì đã xảy ra trong tôi, tôi có niềm vui không ? » Điều gì đã mang lại cho tôi niềm vui ? Có phải tôi vẫn buồn chán ? Điều gì đã mang lại nỗi buồn cho tôi ? Và như thế, học cách phân định những gì đang diễn ra nơi sâu thẳm bản thân chúng ta.
——————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO