BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 7. ĐỐI TƯỢNG CỦA SỰ PHÂN ĐỊNH. SỰ PHIỀN MUỘN
“Không ai muốn phiền muộn, buồn phiền: đó là sự thật. Tất cả chúng ta đều muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, phấn khởi và tròn đầy. Thế nhưng, ngoài việc không thể – bởi vì nó là không thể được – điều này cũng sẽ không tốt cho chúng ta. Quả thế, sự thay đổi từ một cuộc sống có xu hướng hướng đến tật xấu có thể bắt đầu từ một hoàn cảnh buồn phiền, hối hận về những gì mình đã làm”. Đức Phanxicô khẳng định như thế trong bài giáo lý hôm thứ Tư 26/10/2022 và đồng thời lưu ý rằng “điều quan trọng là học cách đọc được nỗi buồn phiền.”
Đối với ngài, sự phiền muộn “có thể là một hồi chuông cảnh báo không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và màu mỡ hơn chủ nghĩa nhất thời và sự thoát tục không cho phép”, và “không nên thay đổi khi bạn phiền muộn”. “Và nếu chúng ta không vượt thắng được nó hôm nay, thì chúng ta đứng dậy vào lúc khác, chúng ta bước đi và chúng ta sẽ vượt thắng được nó vào ngày mai”.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sự phân định, như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước, trước hết không phải là một thủ tục theo lôgíc; nó dựa trên các hành động, và các hành động cũng có một ý nghĩa tình cảm, vốn phải được thừa nhận, bởi vì Thiên Chúa nói với trái tim. Vì thế, chúng ta hãy đi vào phương thức tình cảm đầu tiên, một đối tượng của sự phân định: sự phiền muộn. Điều này có nghĩa là gì?
Sự phiền muộn được định nghĩa như sau: “Đêm tối của tâm hồn, sự xáo trộn nội tâm, hướng đến những điều thấp hèn và trần thế, sự bồn chồn trước những kích động và cám dỗ khác nhau, chuyển sang muốn tự tin, không hy vọng, không tình yêu, khi người ta nhận thấy mình hoàn toàn lười biếng, lãnh đạm, buồn chán và như thể bị tách khỏi Đấng Tạo hóa và Chúa của mình” (Thánh Inhaxiô Loyola, Linh Thao, 317). Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này. Bằng cách này hay cách khác, tôi tin rằng tất cả chúng ta đã cảm nghiệm được điều này, sự phiền muộn. Vấn đề là làm thế nào để giải thích nó, bởi vì nó cũng có điều gì đó quan trọng nói với chúng ta, và nếu chúng ta vội vàng giải phóng bản thân khỏi nó, thì chúng ta có nguy cơ đánh mất điều này.
Không ai muốn phiền muộn, buồn phiền: đó là sự thật. Tất cả chúng ta đều muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, phấn khởi và tròn đầy. Thế nhưng, ngoài việc không thể – bởi vì nó là không thể được – điều này cũng sẽ không tốt cho chúng ta. Quả thế, sự thay đổi từ một cuộc sống có xu hướng hướng đến tật xấu có thể bắt đầu từ một hoàn cảnh buồn phiền, hối hận về những gì mình đã làm. Từ nguyên của từ này, “hối hận”, là rất hay: sự cắn rứt lương tâm, tất cả chúng ta đều biết điều này. Hối hận: theo nghĩa đen, đó là lương tâm cắn rứt [tiếng Ý, mordere], không cho phép bình an. Alessandro Manzoni, trong cuốn tiểu thuyết The Betrothed, đã cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự hối hận như một cơ hội để thay đổi cuộc sống. Nó kể về cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Hồng y Federico Borromeo và Kẻ Vô Danh, người mà, sau một đêm kinh hoàng, đã cho thấy mình bị sụp đổ nhờ Đức Hồng y, người đã nói với anh ta bằng những lời đáng ngạc nhiên: “Anh có một vài tin tốt lành cho tôi; tại sao anh do dự nói nó ra?” Người kia đáp: “Tin tốt lành?” “Con đang có hỏa ngục trong tâm hồn mình […] Cho con biết, cho con biết, nếu ngài biết, tin tốt lành nào ngài có thể mong chờ từ một người như con”. ““Thiên Chúa đã chạm vào trái tim của anh, và đang lôi kéo anh đến với Người”, Đức Hồng y thanh thản đáp” (Ch. 23). Thiên Chúa chạm vào trái tim, và điều gì đó xảy đến trong tâm hồn anh chị em, sự buồn phiền, sự hối hận về điều gì đó, và nó là một lời mời gọi bắt đầu một con đường mới. Con người của Thiên Chúa biết cách để ý sâu xa đến những gì đang chuyển động trong tâm hồn.
Điều quan trọng là học cách đọc được nỗi buồn phiền. Tất cả chúng ta đều biết buồn phiền là gì: tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta có biết cách giải thích nó không? Chúng ta có biết sự buồn phiền hôm nay có nghĩa gì đối với tôi không? Vào thời của chúng ta, nó – sự buồn phiền – hầu như bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh cần tránh bằng mọi giá, và thay vào đó nó có thể là một hồi chuông cảnh báo không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và màu mỡ hơn chủ nghĩa nhất thời và sự thoát tục không cho phép. Thánh Tôma định nghĩa sự buồn phiền như một nỗi đau của linh hồn: giống như các dây thần kinh của cơ thể, nó chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hay một lợi ích không được để ý tới (x. Summa Theologica I-II, q. 36, a.1). Vì thế, nó không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta; nó bảo vệ chúng ta khỏi làm tổn hại bản thân và người khác. Sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều nếu không cảm thấy được điều này, và để tiến tới. Đôi khi sự buồn phiền hoạt động như một đèn giao thông: “Hãy dừng lại, dừng lại! Đèn đỏ, dừng lại đây”.
Trái lại, đối với những ai ao ước làm điều thiện, sự buồn phiền là một trở ngại mà kẻ cám dỗ cố gắng làm nản lòng chúng ta. Trong trường hợp này, ta phải hành động theo cách hoàn toàn trái ngược với những gì được gợi ý, quyết tâm tiếp tục những gì ta đã đặt ra để làm (x. Linh Thao, 318). Hãy nghĩ đến công việc, học tập, cầu nguyện, một cam kết được hứa hẹn: nếu chúng ta từ bỏ chúng ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hay buồn phiền, thì chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì. Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: Tin Mừng nhắc nhở chúng ta, con đường dẫn đến sự thiện hảo là con đường hẹp và dốc dác, nó đòi hỏi chiến đấu, chinh phục bản thân. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hay hiến thân cho một công việc tốt, và kỳ lạ thay, ngay sau đó có những điều xảy đến trong tâm trí tôi là cần phải được làm gấp – để không cầu nguyện hay làm những công việc tốt. Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được điều này. Đối với những ai muốn phụng sự Chúa, điều quan trọng là đừng bị sự phiền muộn dẫn đi lạc đường. Và điều này…”Nhưng không, con không muốn, điều này thật nhàm chán…” – hãy cẩn thận. Thật không may, một số người quyết định từ bỏ đời sống cầu nguyện, hay sự chọn lựa mà họ đã đưa ra, hôn nhân hay đời sống tu trì, bị thúc đẩy bởi sự phiền muộn, mà không trước tiên dừng lại để xem xét trạng thái tâm trí này, và đặc biệt không có sự trợ giúp của một người hướng dẫn. Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn phiền muộn. Chính thời gian sau đó, hơn là tâm trạng lúc này, sẽ cho thấy sự tốt đẹp hay mặt khác của những chọn lựa của chúng ta.
Thật thú vị khi lưu ý rằng, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đẩy lùi các cám dỗ bằng một thái độ kiên quyết mạnh mẽ (x. Mt 3, 14-15; 4, 1-11; 16, 21-23). Các thử thách tấn công Ngài từ mọi phía, nhưng luôn luôn nhận thấy nơi Ngài sự kiên định này, quyết tâm thực thi thánh ý của Chúa Cha, nên chúng thất bại và không còn cản trở con đường của Ngài. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một thời điểm quan trọng, như Thánh Kinh nhắc nhở cách rõ ràng và nói: “Nếu con muốn phụng sự Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2, 1). Nếu anh chị em muốn đi con đường tốt, thì hãy chuẩn bị bản thân: sẽ có những trở ngại, sẽ có những cám dỗ, sẽ có những lúc buồn phiền. Nó giống như khi một giáo sư kiểm tra một sinh viên: nếu ông thấy rằng sinh viên đó biết những điều cốt yếu của môn học, thì ông không cứ khăng khăng: sinh viên đã vượt qua được bài kiểm tra. Nhưng ông phải trải qua bài kiểm tra.
Nếu chúng ta biết cách vượt qua nỗi cô đơn và phiền muộn với sự cởi mở và nhận thức, thì chúng ta có thể thoát khỏi đó, được củng cố về mặt nhân bản và thiêng liêng. Không có thử thách nào vượt quá khả năng của chúng ta; không có thử thách nào sẽ lớn hơn những gì chúng ta có thể làm. Nhưng đừng chạy trốn thử thách: hay xem thử thách này này có nghĩa gì, điều tôi đang buồn có nghĩa gì: tại sao tôi buồn? Việc tôi đang ở trong tâm trạng phiền muộn vào lúc này có ý nghĩa gì? Việc tôi đang ở trong tâm trạng phiền muộn và không thể tiến tới có nghĩa gì? Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng không ai bị cám dỗ vượt quá khả năng của mình, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và, sát cánh cùng với Ngài, chúng ta có thể vượt thắng mọi cám dỗ (x. 1 Cr 10, 13). Và nếu chúng ta không vượt thắng được nó hôm nay, thì chúng ta đứng dậy vào lúc khác, chúng ta bước đi và chúng ta sẽ vượt thắng được nó vào ngày mai. Nhưng chúng ta không được chết – có thể nói thế – chúng ta không được tiếp tục bị đánh bại bởi một khoảnh khắc buồn phiền, phiền muộn: hãy tiến tới. Xin Chúa chúc lành cho con đường này – đầy can đảm ! – của đời sống thiêng liêng, vốn luôn là một cuộc hành trình.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: NGUỒN MẠCH CỦA MỌI SỰ CHÍNH LÀ TÌNH YÊU
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- MARGUERITE STERN, CỰU FEMEN, XIN LỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ TỪ BỎ VIỆC VIẾT MỘT TÔNG HUẤN? »
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- BÉN RỄ SÂU VÀ LỮ HÀNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
- “LUCE”, VATICAN GIỚI THIỆU LINH VẬT CHO NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- DILEXIT NOS: “LINH ĐẠO LIÊN QUAN SÂU XA ĐẾN TÂM HỒN CON NGƯỜI”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐỊNH HÌNH GIÁO HỘI NGÀY MAI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B – BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH : ĐỪNG NGỒI YÊN MÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- NGAI TÒA CỦA THÁNH PHÊRÔ ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VATICAN
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐƯA GIÁO HỘI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA