BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 8. TẠI SAO CHÚNG TA PHIỀN MUỘN?
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Lấy lại loạt bài giáo lý về chủ đề phân định, hôm nay chúng ta bàn về sự phiền muộn, một tình trạng tinh thần có thể là một cơ hội tăng trưởng. Không có sự bất mãn, sự buồn phiền bổ ích, một khả năng lành mạnh sống trong cô tịch, thì sẽ có nguy cơ ở lại trên bề mặt và mất đi sự tiếp xúc với trung tâm của cuộc sống. Sự phiền muộn gây nên một “sự rung động của tâm hồn”, thúc đẩy sự tỉnh thức và lòng khiêm tốn và bảo vệ chúng ta khỏi cơn gió của sự thay đổi thất thường. Một sự thanh thản hoàn hảo nhưng vô trùng, được coi như là một mục tiêu phải đạt tới, khiến chúng ta trở nên phi nhân, thờ ơ với nỗi đau khổ của người khác và không có khả năng đón nhận nỗi đau khổ của bản thân. Nỗi phiền muộn cũng là một lời mời gọi đến sự cho không. Ở trong tình trạng phiền muộn mang lại cho chúng ta khả năng lớn lên, bắt đầu một mối tương quan có trách nhiệm hơn, đẹp đẽ hơn, với Chúa và người thân. Ở lại với Chúa Giêsu mà không có mục đích nào khác, thì tốt cho chúng ta. Đời sống thiêng liêng không phải là một kỹ thuật mà chúng ta tùy ý sử dụng, cũng không phải là một chương trình “phúc lợi” nội tâm. Nó là mối tương quan với Đấng Hằng Sống, vốn không thể giảm thiểu thành các phạm trù của chúng ta. Sự phiền muộn là câu trả lời rõ ràng nhất cho sự phản đối rằng kinh nghiệm về Thiên Chúa sẽ là chỉ là một hình thức ám thị, một sự phóng chiếu các ước muốn của chúng ta. Vì người cầu nguyện sẽ nhận ra rằng các kết quả là không thể đoán trước được.
—————————————————–
Toàn văn bài giáo lý:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chào mừng anh chị em đến đây!
Hôm nay, chúng ta lấy lại chu kỳ bài giáo lý về chủ đề phân định. Chúng ta đã nhận thấy thật quan trong thế nào để đọc được những gì đang chuyển động bên trong chúng ta, để không đưa ra những quyết định hấp tấp, theo cảm tính nhất thời, để rồi phải hối tiếc khi đã quá muộn. Tức là đọc được những gì xảy đến và rồi đưa ra quyết định.
Theo nghĩa này, ngay cả tình trạng tinh thần mà chúng ta gọi là phiền muộn, khi trong tâm hồn mọi sự trở nên tối tăm, buồn phiền, thì tình trạng phiền muộn này có thể là một cơ hội tăng trưởng. Quả thế, nếu không có một chút bất mãn, một chút buồn phiền bổ ích, một khả năng lành mạnh sống trong cô tịch, và ở với chính mình mà không chạy trốn, thì chúng ta có nguy cơ luôn ở trên bề mặt của sự vật và không bao giờ tiếp xúc với trung tâm của cuộc sống của chúng ta. Sự phiền muộn gây ra “sự rung động của tâm hồn”: khi chúng ta buồn phiền, đó là như thể tâm hồn bị rung động; điều đó báo động, thúc đẩy sự tỉnh thức và lòng khiêm tốn và bảo vệ chúng ta khỏi cơn gió của sự thay đổi thất thường. Đó là những điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ trong đời sống, và do đó cả trong đời sống thiêng liêng. Một sự thanh thản hoàn hảo nhưng “vô trùng”, không cảm xúc, khi nó trở thành tiêu chí của những chọn lựa và hành xử, khiến chúng ta trở nên phi nhân. Chúng ta không thể không chú ý đến cảm xúc: chúng ta là con người và cảm xúc là một phần của nhân tính chúng ta; không hiểu biết cảm xúc, chúng ta sẽ là phi nhân, không kinh nghiệm về cảm xúc, chúng ta cũng sẽ thờ ơ với đau khổ của người khác và không có khả năng đón nhận đau khổ của chúng ta. Chưa kể rằng một “sự thanh thản hoàn hảo” như thế sẽ không thể đạt được qua con đường thờ ơ này. Khoảng cách vô trùng này: “ Tôi không hòa trộn vào mọi thứ, tôi giữ khoảng cách”: đó không phải là cuộc sống, đó là như thể chúng ta đang sống trong một phòng thí nghiệm, đóng kín, để không có vi trùng, bệnh tật. Đối với nhiều vị thánh, nỗi lo âu đã là một động lực quyết định để thay đổi đời sống của mình. Sự thanh thản giả tạo này là không tốt, đang khi nỗi lo âu lành mạnh thì tốt, tâm hồn lo âu, tâm hồn tìm kiếm con đường để theo. Chẳng hạn, đó là trường hợp của thánh Augustin ở Hippone, hay của thánh Edith Stein, hay thánh Joseph Benoît Cottolengo, hay thánh Charles de Foucauld. Những chọn lựa quan trọng đều có một cái giá mà cuộc sống chỉ ra, một giá nằm trong tầm tay của mọi người: Nói cách khác, những chọn lựa quan trọng không đến từ việc xổ số, không; chúng có một cái giá và bạn phải trả giá đó. Đó là một giá mà bạn phải trả với tâm hồn của bạn, đó là một giá của sự quyết định, một giá của một nỗ lực liên lỉ. Nó không miễn phí, nhưng đó là một giá ở trong tầm tay của mọi người. Chúng ta hết thảy đều phải trả giá cho quyết định của mình để ra khỏi tình trạng thờ ơ, vốn luôn làm cho chúng ta suy sút.
Nỗi phiền muộn cũng là một lời mời gọi đến sự cho không, không luôn luôn và chỉ hành động để thỏa mãn cảm xúc. Bị phiền muộn sẽ mang lại cho chúng ta khả năng lớn lên, bắt đầu một tương quan trưởng thành hơn, tốt đẹp hơn với Chúa và với những người thân yêu của chúng ta, một tương quan không được giảm thiểu thành chỉ là một cuộc trao đổi cho và nhận. Hãy nhớ lại thời thơ ấu của chúng ta, chẳng hạn chúng ta hãy nhớ lại: khi còn nhỏ, chúng ta thường tìm kiếm cha mẹ của mình để có được điều gì đó từ họ, một món đồ chơi, tiền để mua kem, một sự cho phép…Và vì thế, chúng ta tìm kiếm họ không phải vì chính họ, nhưng vì một lợi ích. Tuy nhiên, món quà lớn lao nhất, đó là chính họ, các bậc cha mẹ, và chúng ta hiểu được điều đó khi lớn lên.
Nhiều lời cầu nguyện của chúng ta cũng hơi giống như thế, đó là những lời cầu xin Chúa ban ơn này ơn kia, mà không thực sự quan tâm đến Ngài. Chúng ta không ngừng cầu xin, cầu xin, cầu xin Chúa. Tin Mừng ghi nhận rằng Chúa Giêsu thường bị vây quanh bởi nhiều người tìm kiếm Ngài để được điều gì đó, chữa bệnh, giúp đỡ vật chất nhưng không chỉ đơn giản là được ở với Ngài. Ngài bị đám đông theo đuổi, thế nhưng Ngài vẫn một mình. Một số vị thánh, và ngay cả một số nghệ sĩ, đã suy niệm về hoàn cảnh này của Chúa Giêsu. Có vẻ lạ lùng, không thực tế, khi hỏi Chúa: “Chúa có khỏe không?”. Trái lại, đó là một cách rất đẹp để đi vào một mối tương quan đích thực, chân thành, với nhân tính của Ngài, với nỗi đau khổ của Ngài, thậm chí với sự cô đơn đặc biệt của Ngài. Với Ngài, với Chúa, Đấng đã muốn cho chúng ta chia sẻ trọn vẹn cuộc sống của Ngài.
Thật tốt cho chúng ta biết bao để học biết ở với Ngài, ở với Chúa mà không có mục đích nào khác, chính xác như điều đó xảy đến cho chúng ta cùng với những người mà chúng ta yêu thương: chúng ta muốn biết họ ngày càng nhiều hơn, bởi vì thật tốt đẹp được ở với họ.
Anh chị em thân mến, đời sống thiêng liêng không phải là một kỹ thuật mà chúng ta tùy ý sử dụng, đó không phải là một chương trình “phúc lợi” nội tâm mà chúng ta tùy ý hoạch định. Không. Đời sống thiêng liêng là tương quan với Đấng Hằng Sống, với Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, vốn không thể bị giảm thiểu thành các phạm trù của chúng ta. Và như thế, nỗi phiền muộn là câu trả lời rõ ràng nhất cho sự phản đối theo đó kinh nghiệm về Thiên Chúa chỉ là một hình thức ám thị, một phóng chiếu về các ước muốn của chúng ta. Sự phiền muộn, đó là không cảm thấy gì, tất cả đều là bóng tối: nhưng bạn tìm kiếm Thiên Chúa trong sự phiền muộn. Trong trường hợp này, nếu chúng ta nghĩ rằng Ngài là sự phóng chiếu các ước muốn của chúng ta, thì chúng ta sẽ luôn lập trình điều đó, chúng ta sẽ luôn hạnh phúc và hài lòng, như một đĩa nhạc lặp đi lặp lại cùng một bản nhạc. Trái lại, người cầu nguyện nhận ra rằng kết quả là không thể đoán trước: những kinh nghiệm và những đoạn Thánh Kinh thường là cho chúng ta phấn khởi, hôm nay, thật lạ lùng, không khơi dậy bất kỳ cảm xúc nào. Và cũng thật bất ngờ, những kinh nghiệm, những cuộc gặp gỡ và những bài đọc mà chúng ta chưa bao giờ chú ý đến hay chúng ta muốn tránh – như kinh nghiệm về thập giá – lại mang đến một sự bình an bất ngờ lớn lao. Đừng sợ sự phiền muộn, theo đuổi nó cách kiên trì, đừng chạy trốn nó Và trong sự phiền muộn, tìm cách tìm thấy trái tim của Chúa Kitô, tìm thấy Chúa. Và câu trả lời sẽ luôn luôn đến.
Vì thế, đối diện với những khó khăn, xin đừng bao giờ nản lòng, nhưng đương đầu với thử thách cách cương quyết, với sự trợ giúp của ân sủng của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Và nếu chúng ta lắng nghe nơi mình một tiếng nói dai dẳng nhằm ngăn cản chúng ta cầu nguyện, thì chúng ta hãy học cách vạch mặt nó như là tiếng nói của tên cám dỗ; và đừng để mình bị ảnh hưởng. Cách đơn giản chúng ta hãy làm ngược lại với những gì nó nói với chúng ta! Cảm ơn anh chị em.
———————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: NGUỒN MẠCH CỦA MỌI SỰ CHÍNH LÀ TÌNH YÊU
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- MARGUERITE STERN, CỰU FEMEN, XIN LỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ TỪ BỎ VIỆC VIẾT MỘT TÔNG HUẤN? »
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- BÉN RỄ SÂU VÀ LỮ HÀNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
- “LUCE”, VATICAN GIỚI THIỆU LINH VẬT CHO NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- DILEXIT NOS: “LINH ĐẠO LIÊN QUAN SÂU XA ĐẾN TÂM HỒN CON NGƯỜI”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐỊNH HÌNH GIÁO HỘI NGÀY MAI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B – BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH : ĐỪNG NGỒI YÊN MÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- NGAI TÒA CỦA THÁNH PHÊRÔ ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VATICAN
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐƯA GIÁO HỘI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA