BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 9. SỰ AN ỦI
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Sau khi bàn về sự phiền muộn, hôm nay chúng ta nói về sự an ủi, vốn là một yếu tố quan trọng khác để phân định. Sự an ủi thiêng liêng là một kinh nghiệm sâu xa về niềm vui nội tâm, vốn cho phép nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự. Nó là một ân ban to lớn cho đời sống thiêng liêng và cho đời sống nói chung. Sự an ủi cũng là một chuyển động thâm sâu chạm đến tận đáy lòng chúng ta. Đây không phải là điều gì đó cố gắng ép buộc ý chí chúng ta, cũng không phải là một cảm giác hưng phấn chóng qua. Trên hết, nó gắn liền với niềm hy vọng, hướng về tương lai. Sự an ủi thiêng liêng không thể được lập trình theo ý muốn. Nó là một ân ban của Chúa Thánh Thần, cho phép sự thân thuộc với Thiên Chúa. Tuy nhiên, có sự an ủi giả tạo thúc đẩy khép kín nơi chính mình và không quan tâm đến người khác. Sự an ủi giả tạo cuối cùng để cho chúng ta trống rỗng và xa rời với trung tâm của cuộc sống chúng ta. Đó là lý do tại sao cần phải chứng tỏ sự phân định, ngay cả khi chúng ta cảm thấy được an ủi. Sự an ủi giả tạo có thể trở thành một mối nguy hiểm nếu chúng ta tìm kiếm nó như một mục đích tự tại, một cách ám ảnh, mà quên đi Chúa của nó, tức là tìm kiếm sự an ủi của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của sự an ủi vốn là ân ban đẹp nhất.
————————————————
Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về sự phân định các thần khí và cách phân định chúng khi chúng xảy đến trong tâm hồn và linh hồn chúng ta. Sau khi xem xét vài khía cạnh của sự phiền muộn – đó là bóng tối trong tâm hồn – hôm nay chúng ta hãy nói về sự an ủi – vốn là ánh sáng trong tâm hồn và là yếu tố quan trọng khác trong sự phân định, và không được coi là đương nhiên, vì nó có thể khiến cho hiểu lầm. Chúng ta phải hiểu an ủi là gì, cũng như chúng ta đã cố gắng hiểu rõ phiền muộn là gì.
An ủi thiêng liêng là gì ? Đó là một kinh nghiệm sâu xa về niềm vui nội tâm, cho phép nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự; nó củng cố đức tin và đức cậy, cũng như khả năng làm điều thiện. Người cảm nghiệm được sự an ủi không cam chịu khi đối diện khó khăn, vì họ cảm thấy được một sự bình an mạnh hơn thử thách. Vì thế, đó là một ân ban tuyện vời cho đời sống thiêng liêng và cho cuộc sống nói chung. Và sống niềm vui nội tâm này.
An ủi là một chuyển động thâm sâu chạm đến tận đáy lòng chúng ta. Nó không phô trương, nhưng dịu dàng, tinh tế, như một giọt nước trên miếng bọt biển (x. thánh Inhaxiô Loyola, Linh Thao, 335) : người đó cảm thấy mình được bao bọc bởi sự hiện diện của Thiên Chúa, theo cách luôn tôn trọng sự tự do của mình. Đó không bao giờ là điều gì đó bất hòa, tìm cách ép buộc ý chí của chúng ta, đó cũng không phải là một sự hưng phấn thoáng qua : trái lại, như chúng ta đã thấy, ngay cả nỗi đau đớn – chẳng hạn về tội lỗi của mình – cũng có thể trở thành một lý do an ủi.
Chúng ta hãy nghĩ đến kinh nghiệm của thánh Augustinô khi ngài nói với mẹ mình là bà Mônica về vẻ đẹp của sự sống đời đời ; hay niềm vui hoàn hảo của thánh Phanxicô – vốn cũng gắn liền với việc chịu đựng những hoàn cảnh rất khó khăn -; và chũng ta hãy nghĩ đến có biết bao vị thánh đã có thể làm được những điều vĩ đại, không phải vì họ xem mình là tốt lành và có khả năng, nhưng bởi vì họ đã được chinh phục bởi sự ngọt ngào êm dịu của Thiên Chúa. Chính sự bình an mà thánh Inhaxiô kinh ngạc nhận thấy nơi mình khi đọc cuộc đời của các thánh. Được an ủi, đó là được sống trong bình an với Thiên Chúa, đó là cảm thấy rằng mọi sự đều tốt đẹp trong bình an, mọi sự đều hài hòa trong chúng ta. Đó là sự bình an mà thánh Edith Stein đã cảm nghiệm sau khi trở lại; một năm sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, thánh nữ đã viết – đây là những gì thánh Edith Stein đã nói: “ Khi tôi buông mình cho cảm giác này, dần dần một cuộc sống mới bắt đầu lấp đầy tôi và – không có bất kỳ sự căng thẳng nào trong ý chí của tôi – thúc đẩy tôi hướng tới những nhận thức mới. Dòng sự sống này dường như bắt nguồn từ một hoạt động và một sức mạnh không phải của tôi và tỏ ra tích cực nơi tôi mà không cưỡng bức hoạt động và sức mạnh của tôi.” (Psicologia e scienze dello spirito, Città Nuova, 1996, 116). Nói cách khác, sự bình an đích thực là sự bình an làm nảy sinh những tình cảm tốt đẹp trong chúng ta.
Sự an ủi trước tiên liên quan đến niềm hy vọng, nó hướng tới tương lai, nó đưa chúng ta vào một cuộc hành trình, nó cho phép đưa ra những sáng kiến mà cho đến lúc đó luôn bị trì hoãn, hay thậm chí không được hình dung đến, như bí tích Rửa tội của thánh Edith Stein.
Niềm an ủi là là sự bình an như thế, nhưng không phải ngồi ở đó để tận hưởng nó, không, nó ban cho bạn sự bình an và lôi kéo bạn đến với Chúa và đưa bạn vào một cuộc hành trình để làm mọi việc, để thực thi những việc tốt lành. Trong những lúc được an ủi, khi chúng ta được an ủi, chúng ta luôn có ước muốn làm những việc tốt lành. Trái lại, những lúc muộn phiền, chúng ta muốn khép kín nơi chính mình và không làm gì cả. Niềm an ủi thúc đẩy anh chị em tiến tới, phục vụ người khác, xã hội, con người. Sự an ủi thiêng liêng không thể bị “điều khiển” – bạn không thể nói bây giờ sự an ủi đang đến, không, nó không thể bị điều khiển – nó không thể được lập trình theo ý muốn, đó là một ân ban của Chúa Thánh Thần: nó cho phép một sự thân thuộc với Thiên Chúa mà dường như xóa bỏ những khoảng cách. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, khi viếng thăm vương cung thánh đường Thánh Giá Giêrusalem ở Rôma lúc mười bốn tuổi, đã tìm cách chạm vào chiếc đinh được tôn kính ở đó, một trong những chiếc đinh mà Chúa Giêsu bị đóng. Thánh Têrêxa cảm thấy sự mạnh dạn này của mình như một sự thúc đẩy của tình yêu và sự tin tưởng. Và sau đó thánh nữ đã viết: “Con đã thực sự quá mạnh dạn. Nhưng Chúa nhìn thấy tận đáy lòng, Ngài biết rằng ý hướng của con là trong sáng […]. Con đã hành động với Ngài như một đứa trẻ, nghĩ rằng mọi thứ đều được phép và coi kho tàng của Chúa Cha như là của mình” (Manuscrit autobiographique, 183). An ủi là điều tự phát, nó khiến bạn làm mọi sự cách tự nhiên, như thể ban là một đứa trẻ. Các trẻ em thì tự nhiên, và niềm an ủi khiến anh chị em trở nên tự nhiên với sự dịu dàng, với sự bình an rất lớn. Một thiếu nữ mười bốn tuổi cho chúng ta một mô tả tuyệt vời về sự an ủi thiêng liêng: chúng ta cảm thấy một cảm giác dịu dàng đối với Thiên Chúa, điều này làm cho ước muốn tham dự vào sự sống của Ngài trở nên mạnh dạn, làm những gì đẹp lòng Ngài, bởi vì chúng ta cảm thấy thân thuộc với Ngài, chúng ta cảm thấy rằng nhà của Ngài là nhà của chúng ta, chúng ta cảm thấy được đón tiếp, được yêu thương, được phục hồi. Với niềm an ủi này, chúng ta không thể đầu hàng trước những khó khăn: quả thế, cũng với sự mạnh dạn đó, thánh Têrêxa sẽ xin Đức Thánh Cha cho phép vào dòng Cát Minh, cho dù chị thánh còn quá trẻ, và chị thánh sẽ được nhậm lời. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa rằng sự an ủi làm cho chúng ta mạnh dạn: khi chúng ta ở trong một thời điểm tối tăm, phiền muộn, và chúng ta nghĩ: “Tôi không thể làm được điều đó”. Sự phiền muộn làm bạn suy sụp, nó khiến bạn thấy mọi thứ đều ảm đạm: “Không, tôi không thể làm được điều đó, tôi sẽ không làm được”. Trái lại, trong những lúc an ủi, bạn thấy cùng những điều đó theo một cách khác và bạn nói: “Không, tôi sẽ tiến về phía trước, tôi sẽ làm điều đó”. “Nhưng bạn có chắc chắn không?” “Tôi cảm thấy sức mạnh của Thiên Chúa và tôi tiến về phía trước”. Và vì thế, sự an ủi thúc đẩy bạn tiến về phía trước và làm những điều mà vào lúc phiền muộn, bạn sẽ không thể làm được ; nó thúc đẩy bạn thực hiện bước đầu tiên. Đó là vẻ đẹp của sự an ủi.
Nhưng chúng ta hãy thận trọng. Chúng ta phải phân biệt rõ giữa sự an ủi đến từ Thiên Chúa với những an ủi giả tạo. Trong đời sống thiêng liêng, diễn ra điều gì đó tương tự với những gì diễn ra trong quá trình sản xuất của con người : có bản gốc và bản sao. Nếu sự an ủi đích thực giống như một giọt nước trên miếng bọt biển, nó dịu dàng và thâm sâu, thì sự bắt chước của nó là ồn ào và phô trương hơn, chúng là sự nhiệt tình thuần túy, chúng là bồng bột, không nhất quán, chúng dẫn đến sự khép kín nơi bản thân và không quan tâm đến người khác. Sự an ủi giả tạo cuối cùng khiến chúng ta trống rỗng, xa rời với trung tâm của cuộc sống chúng ta. Do đó, khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, bình an, thì chúng ta có thể làm được mọi sự. Nhưng đừng lẫn lộ sự bình an này với sự nhiệt tình thoáng qua, vì sự nhiệt tình có hôm nay, rồi lụi tàn và biến mất.
Đó là lý do tại sao cần phải chứng tỏ sự phân định, ngay cả khi chúng ta cảm thấy được an ủi. Vì sự an ủi giả tạo có thể trở thành một mối nguy hiểm nếu chúng ta tìm kiếm nó như một mục đích tự tại, một cách ám ảnh, và chúng ta quên Chúa của nó. Như thánh Bernard đã nói, chúng ta tìm kiếm sự an ủi của Thiên Chúa chứ chúng ta không tìm kiếm Thiên Chúa của sự an ủi. Chúng ta phải tìm kiếm Chúa, và Chúa, qua sự hiện diện của Ngài, sẽ an ủi chúng ta, và thúc đẩy chúng ta tiếp tục. Và đừng tìm kiếm Thiên Chúa vì Ngài mang lại cho chúng ta sự an ủi, với động cơ tiềm ẩn đó, không, điều đó không ổn, chúng ta không được tìm kiếm điều đó. Đó là động lực của đứa con mà chúng ta đã nói đến lần trước, tìm kiếm cha mẹ nó chỉ để có được những thứ từ họ, nhưng không phải vì họ : nó tiến hành vì lợi ích. « Thưa bố, thưa mẹ » – con cái biết làm điều đó, chúng biết cách chơi, và khi gia đình bị chia rẽ, chúng có thói quen đến với người nay và đến với người kia, điều này không tốt, đây không phải là sự an ủi, nhưng là lợi ích cá nhân. Chúng ta cũng có nguy cơ sống mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa theo cách trẻ con, bằng cách tìm kiếm lợi ích riêng của mình, cố gắng giảm thiểu Thiên Chúa thành một đối tượng cho sự sử dụng và tiêu thụ của chúng ta, mà quên đi món quà đẹp nhất là chính Thiên Chúa. Do đó, chúng ta theo đuổi cuộc sống của mình, cuộc sống trôi qua giữa sự an ủi của Thiên Chúa và sự phiền muộn của tội lỗi thế gian, nhưng biết cách phân biệt khi nào đó là sự an ủi từ Thiên Chúa, Đấng ban cho bạn sự bình an trong sâu thẳm linh hồn, và khi nào là một sự nhiệt tình thoáng qua vốn không xấu, nhưng không phải là sự an ủi của Thiên Chúa.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO