BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 14. NHÂN ĐỨC CAN ĐẢM
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, nhân đức can đảm mà chúng ta gợi lên hôm nay quả thực là nhân đức mà, trong những lúc khó khăn, đảm bảo cho chúng ta kiên trì và quyết tâm trong việc tìm kiếm sự thiện. Nó giúp chúng ta chống lại những cám dỗ và vượt qua những trở ngại, nỗi sợ hãi, những sự bắt bớ. Nó cũng cho phép chúng ta giáo dục những đam mê của mình và do đó tỏ ra như là nhân đức chiến đấu nhất trong các nhân đức. Nó cho phép chúng ta không chỉ chiến đấu và đánh bại những kẻ thù bên trong vốn làm chúng ta tê liệt – sợ hãi, lo lắng và lỗi lầm – mà còn chiến đấu chống lại những kẻ thù bên ngoài là những thử thách trong cuộc sống và những bách hại đủ loại. Nó còn cho phép chúng ta phản ứng mạnh mẽ trước sự dữ trên thế giới, giống như các ngôn sứ khuấy động và các thánh xây dựng.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 10/4/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Bài giáo lý hôm nay bàn về nhân đức bản lề thứ ba, đó là nhân đức can đảm. Chúng ta hãy bắt đầu với lời mô tả trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo: “Can đảm là nhân đức luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Đức can đảm giúp chúng ta có khả năng chiến thắng sự sợ hãi, thậm chí cả sự chết, đương đầu với sự thử thách và các cuộc bách hại” (số 1808). Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo tuyên bố như vậy về nhân đức can đảm.
Vì thế, đây chính là nhân đức “chiến đấu” nhất trong các nhân đức. Trong khi nhân đức đầu tiên trong các nhân đức bản lề, nhân đức khôn ngoan, trước tiên gắn liền với lý trí của con người, và nhân đức công bằng tìm thấy vị trí của nó trong ý chí, thì nhân đức thứ ba này, nhân đức can đảm, thường được các tác giả kinh viện liên kết với điều mà người xưa gọi là “nộ dục”. Tư tưởng cổ xưa không tưởng tượng được một người không có đam mê: đó sẽ là một hòn đá. Và những đam mê không nhất thiết là cặn bã của tội lỗi, nhưng chúng phải được giáo dục, phải được hướng dẫn, phải được thanh tẩy bằng nước của bí tích Rửa tội, hay tốt hơn là bằng lửa của Chúa Thánh Thần. Một Kitô hữu không có lòng can đảm, không uốn sức lực của mình theo điều thiện, không khuấy động ai, là một Kitô hữu vô dụng. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó! Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa trắng muốt và khử trùng, không biết đến cảm xúc của con người. Ngược lại, trước cái chết của người bạn Ladarô, Người đã bật khóc. Trước cái chết của người bạn Ladarô, Người đã bật khóc; và trong một số cách diễn đạt, tâm hồn đam mê của Người đã lộ ra, như khi Người nói: ” Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49); và đứng trước việc buôn bán trong đền thờ, Người đã phản ứng mạnh mẽ (x. Mt 21, 12-13). Chúa Giêsu có đam mê.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy tìm kiếm một mô tả hiện sinh về nhân đức rất quan trọng này, nhân đức giúp chúng ta sinh hoa trái trong cuộc sống. Người xưa – cả các triết gia Hy Lạp lẫn các nhà thần học Kitô giáo – đã nhìn nhận nơi nhân đức can đảm một chuyển động kép, một chuyển động thụ động và một chuyển động chủ động.
Chuyển động thụ động hướng vào bên trong chúng ta. Có những kẻ thù bên trong mà chúng ta phải vượt qua, có tên gọi là lo âu, bồn chồn, sợ hãi, tội lỗi: rất nhiều sức mạnh khuấy động sâu bên trong chúng ta và trong một số hoàn cảnh, làm chúng ta tê liệt. Có bao nhiêu chiến binh đã thua cuộc ngay cả trước khi bắt đầu thử thách! Tại sao họ không nhận ra những kẻ thù bên trong này? Can đảm trước hết là một chiến thắng chống lại chính chúng ta. Hầu hết những nỗi sợ hãi nảy sinh trong chúng ta đều phi hiện thực và hoàn toàn không thành hiện thực. Tốt hơn hết là cầu xin Chúa Thánh Thần và đương đầu với mọi sự bằng lòng can đảm kiên nhẫn: từng vấn đề một, như chúng ta có thể, nhưng không một mình! Chúa ở cùng chúng ta nếu chúng ta tin tưởng vào Ngài và chân thành tìm kiếm điều thiện. Vì vậy, trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta có thể trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng trở nên tấm khiên che thuẫn đỡ cho chúng ta.
Và rồi động tác thứ hai của nhân đức can đảm, lần này có tính chất chủ động hơn. Bên cạnh những thử thách bên trong còn có thêm những kẻ thù bên ngoài, đó là những thử thách của cuộc sống, những bắt bớ, những khó khăn mà chúng ta không ngờ tới và khiến chúng ta ngạc nhiên. Quả thế, chúng ta có thể cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra với mình, nhưng thực tế phần lớn được tạo nên từ những sự kiện không thể lường trước được, và ở vùng biển này, con thuyền của chúng ta đôi khi bị sóng đánh chòng chành. Lòng can đảm khi đó biến chúng ta trở thành những thủy thủ kiên cường, không sợ hãi và không nản lòng.
Can đảm là một nhân đức căn bản vì nó nghiêm túc đương đầu với sự dữ trên thế giới. Một số người cho rằng sự dữ không tồn tại, mọi thứ đều ổn, ý chí con người đôi khi không mù quáng, trong lịch sử không tồn tại những thế lực đen tối mang đến sự chết. Nhưng chỉ cần lật qua một cuốn sách lịch sử, hoặc thật không may ngay cả các tờ báo, để khám phá ra những hành động tai hại mà chúng ta một phần là nạn nhân và một phần là nhân vật chính: chiến tranh, bạo lực, nô lệ, áp bức người nghèo, những vết thương không bao giờ lành và vẫn chảy máu. Nhân đức can đảm khiến chúng ta phản ứng và hét lên “không”, một tiếng “không” dứt khoát với tất cả những điều này. Ở phương Tây tiện nghi của chúng ta, nơi đã phần nào giảm bớt mọi thứ, nơi đã biến con đường của sự hoàn thiện thành một sự phát triển hữu cơ đơn giản, nơi không cần phải đấu tranh vì mọi thứ dường như giống nhau, thì đôi khi chúng ta cảm thấy một niềm hoài niệm lành mạnh về các ngôn sứ . Nhưng những người khuấy động, có tầm nhìn xa trông rộng lại rất hiếm. Cần có một ai đó đưa chúng ta ra khỏi tình trạng uể oải mà chúng ta đã thành nếp và giúp chúng ta kiên quyết lặp lại lời nói “không” với sự dữ và tất cả những gì dẫn đến sự thờ ơ. Nói “không” với sự dữ và “không” với sự thờ ơ; nói “vâng” với cuộc hành trình, với cuộc hành trình đưa chúng ta tiến về phía trước, và vì điều này chúng ta phải chiến đấu.
Vì vậy, chúng ta hãy tái khám phá trong Tin Mừng sự can đảm của Chúa Giêsu và học nó từ chứng tá của các thánh. Cảm ơn anh chị em !
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?