BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 8 : SỰ NGUỘI LẠNH
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, trong số tất cả các tật xấu đầu sỏ, có một tật xấu ít được biết đến: tật nguội lạnh. Từ này, xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là thiếu chăm sóc cho đời sống nội tâm và dẫn đến biếng nhác hoặc lười biếng thiêng liêng, đến mức chán ngấy. Đây là cơn cám dỗ khủng khiếp khi mối tương quan với Thiên Chúa trở nên chán ngấy, những hành động sùng kính trở nên vô ích và cuộc chiến chống lại chính mình trở nên vô nghĩa. Một loại “quỷ ban trưa” xâm chiếm chúng ta trong chốc lát, trong ngày sống hay trong cuộc sống, khi chúng ta mệt mỏi nhất, sự nguội lạnh ngăn cản chúng ta hoàn thành nhiệm vụ của mình với sự ân cần hoặc đam mê; nó khiến chúng ta buông thả cho sự phân tâm hoặc cho ước muốn không nghĩ gì cả. Đối mặt với mối nguy hiểm khủng khiếp này đối với đời sống thiêng liêng, con người phải phản ứng bằng sự kiên nhẫn của đức tin, bằng cách chấp nhận thực tế hoàn cảnh của mình, nơi luôn có Chúa Giêsu ngự trị.
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 14/2/2024 :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong số những tật xấu đầu sỏ, có một tật thường bị bỏ qua, có lẽ vì cái tên của nó mà nhiều người không hiểu: Tôi đang nói đến sự nguội lạnh (acédie). Đây là lý do tại sao, trong danh mục các tật xấu, thuật ngữ acédie thường được thay thế bằng một thuật ngữ khác phổ biến hơn nhiều: sự lười biếng. Trên thực tế, sự lười biếng là một hệ quả hơn là một nguyên nhân. Khi một người nhàn rỗi, biếng nhác, lãnh đạm, chúng ta nói rằng người đó lười biếng. Tuy nhiên, như sự khôn ngoan của các tổ phụ sa mạc xưa đã dạy, nguồn gốc của sự lười biếng này thường là sự nguội lạnh, nghĩa đen trong tiếng Hy Lạp là “thiếu chăm sóc”.
Đây là một cám dỗ rất nguy hiểm mà không được xem nhẹ. Nạn nhân của nó như bị một sự xung năng chết chóc đè bẹp: họ cảm thấy chán ghét mọi thứ, mối quan hệ với Thiên Chúa dường như chán ngấy đối với họ, và ngay cả những hành động thánh thiện nhất, những hành động mà trong quá khứ đã sưởi ấm tâm hồn họ, giờ đây dường như hoàn toàn vô ích đối với họ. Họ bắt đầu hối hận về thời gian đã trôi qua và về tuổi trẻ không thể cứu vãn được phía sau họ.
Thói nguội lạnh được định nghĩa là “quỷ ban trưa”: nó đột kích chúng ta vào giữa ngày, khi sự mệt mỏi lên đến đỉnh điểm và những giờ phút sắp đến dường như đơn điệu, không thể sống. Trong một mô tả nổi tiếng, đan sĩ Évagre mô tả sự cám dỗ này như sau: “Con mắt của kẻ đang ở trong trạng thái nguội lạnh liên tục tìm kiếm các cửa sổ, và tâm trí hư ảo của họ là nơi cư trú của những vị khách đến thăm họ. […] Khi họ đọc, người nguội lạnh thường ngáp và dễ ngủ, nheo mắt, xoa tay và, rời mắt khỏi cuốn sách, nhìn chằm chằm vào tường; rồi, nhìn lại vào cuốn sách, họ đọc thêm một chút […]; cuối cùng, cúi đầu xuống, họ đặt cuốn sách xuống dưới, chìm vào giấc ngủ chập chờn, cho đến khi cơn đói đánh thức và thúc đẩy họ bận tâm đến nhu cầu của mình”; tóm lại, “người ở trong trạng nguội lạnh không thực hiện công việc của Thiên Chúa một cách ân cần” [1].
Độc giả hiện đại nhìn thấy trong những mô tả này một điều gì đó rất gợi nhớ đến tai họa của bệnh trầm cảm, cả từ quan điểm tâm lý học và triết học. Quả thực, đối với những người bị tật nguội lạnh chiếm giữ, cuộc sống mất đi ý nghĩa, việc cầu nguyện trở nên nhàm chán, mọi trận chiến dường như vô nghĩa. Cho dù chúng ta đã nuôi dưỡng những đam mê khi còn trẻ, nhưng chúng dường như phi lôgic đối với chúng ta ngày nay, những ước mơ không làm chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta buông thả mình và sự xao lãng, thiếu vắng suy nghĩ, dường như là lối thoát duy nhất: chúng ta muốn ngây dại, muốn có một tâm trí hoàn toàn trống rỗng… Điều đó hơi giống như cái chết trước hạn, và điều đó thật đáng trách.
Đối mặt với tật xấu mà chúng ta biết là rất nguy hiểm này, các bậc thầy về tâm linh hình dung nhiều phương thuốc khác nhau. Tôi muốn chỉ ra điều mà đối với tôi là quan trọng nhất và tôi gọi là sự kiên nhẫn của đức tin. Nếu, dưới ngọn roi của sự nguội lạnh, ước muốn của con người là “ở một nơi khác”, trốn chạy thực tại, thì ngược lại, cần phải có can đảm ở lại và chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa trong hoàn cảnh “ở đây và bây giờ” của tôi, trong hoàn cảnh của tôi như nó là. Các đan sĩ nói rằng tu phòng đối với họ là người thầy tốt nhất của cuộc sống, bởi vì nó là nơi nói với bạn một cách cụ thể và hàng ngày về câu chuyện tình yêu của bạn với Chúa. Quỷ nguội lạnh muốn tiêu diệt chính niềm vui đơn giản ở đây và bây giờ này, nỗi e sợ biết ơn về thực tại này; nó muốn làm cho bạn tin rằng mọi thứ đều vô ích, không có gì có ý nghĩa, không đáng phải lo lắng về bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Trong cuộc sống, chúng ta gặp những người “dưới sự chi phối của thói nguội lạnh”, những người mà chúng ta nói: “Nó thật chán ngấy!” và chúng ta không thích ở với họ; những người cũng có một thái độ chán ngấy dễ lây lan. Đó là sự nguội lạnh.
Biết bao nhiêu người, dưới sự chi phối của thói nguội lạnh, bị thúc đẩy bởi một nỗi lo lắng không tên, đã ngu ngốc từ bỏ con đường sự thiện mà họ đã đi! Tật nguội lạnh là một trận chiến quyết định, cần phải thắng bằng mọi giá. Và đó là một trận chiến không tha ngay cả các vị thánh, bởi vì trong rất nhiều nhật ký của các ngài, có một số trang tiết lộ những khoảnh khắc khủng khiếp, những đêm tối đức tin thực sự, nơi mọi thứ dường như đen tối. Các thánh này dạy chúng ta kiên nhẫn vượt qua đêm tối bằng cách chấp nhận sự nghèo nàn của đức tin. Các ngài khuyên chúng ta, dưới sự áp bức của thói nguội lạnh, hãy duy trì mức độ dấn thân nhỏ hơn, đặt ra những mục tiêu dễ tiếp cận hơn, nhưng đồng thời chống lại và kiên trì bằng cách nương tựa vào Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ bỏ cuộc trước cám dỗ.
Đức tin, bị tra tấn bởi thử thách của thói nguội lạnh, không mất đi giá trị của nó. Ngược lại, đó là đức tin đích thực, đức tin rất nhân bản mà, bất chấp mọi sự, bất chấp bóng tối che mờ nó, vẫn tin một cách khiêm nhường. Chính đức tin này vẫn còn mãi trong trái tim, như than hồng dưới đống tro tàn. Nó luôn còn mãi. Và nếu một người trong chúng ta rơi vào tật xấu này hoặc rơi vào cám dỗ nguội lạnh, thì họ hãy cố gắng nhìn vào bên trong mình và duy trì than hồng của đức tin: chính như thế mà chúng ta tiến về phía trước.
——————————————–
Tôi mời gọi anh chị em, vào đầu Mùa Chay này, hãy chiến đấu chống lại tật xấu nguội lạnh bằng lòng nhiệt thành của đức tin, tin tưởng vào sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Giêsu trong chúng ta.
——————————————–
[1] Évagre le Pontique, Traité des huit esprits de malice, 14.
————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
Xem thêm bài : Thói nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng ở đây.
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?