BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH GIUSE : BÀI 10. THÁNH GIUSE VÀ SỰ HIỆP THÔNG CÁC THÁNH : « KHÔNG PHẢI CÁC THÁNH LÀM PHÉP LẠ »
« Hôm nay tôi muốn tập trung vào một tín điều quan trọng vốn có thể làm phong phú đời sống Kitô hữu của chúng ta và cũng hình thành nên mối tương quan của chúng ta với các thánh và với những người thân yêu đã khuất của chúng ta theo cách tốt nhất có thể : tôi đang nói về sự hiệp thông các thánh. » Đức Phanxicô nói như thế trong bài giáo lý thứ 10 về thánh Giuse hôm 2/2/2022, bàn về « sự hiệp thông các thánh ».
Qua bài giáo lý này, Đức Thánh Cha cho thấy « sự khác biệt căn bản » trong lòng sùng kính của người Kitô hữu so với người ngoại giáo, đó là « lời cầu nguyện và lòng sùng kính của chúng ta với tư cách là tín hữu, …, không dựa trên niềm tin vào một con người, hay vào một hình ảnh hay một sự vật, cho dầu chúng ta biết rằng đó là linh thiêng. » Bởi vì, « ngay cả khi chúng ta hoàn toàn trông cậy vào lời cầu bầu của một vị thánh, hay hơn nữa của Đức Trinh Nữ Maria, thì đức tin của chúng ta chỉ có giá trị trong mối tương quan với Chúa Kitô ».
Chính « Chúa Kitô là mối liên hệ kết hợp chúng ta với Người và với nhau, mối liên kết này có một danh xưng đặc thù : mối dây liên hệ kết hợp tất cả chúng ta, giữa chúng ta với nhau và giữa chúng ta với Chúa Kitô, đó là « sự hiệp thông các thánh » ».
Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý : « Không phải các thánh làm phép lạ, không phải ! « Vị thánh này thần diệu quá… » : không phải, hãy dừng lại : các thánh không làm phép lạ, nhưng chỉ ân sủng của Thiên Chúa hành động qua họ. » Nhưng “lòng sùng kính các thánh không phải là ma thuật, không phải là mê tín dị đoan ; đó đơn giản là nói với một người anh, một người chị đang ở trước nhan Thiên Chúa. Và tôi nói với người anh, người chị này, và tôi xin sự cầu bầu của họ về những nhu cầu của tôi.”
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chi em !
Trong những tuần gần đây, chúng ta đã có thể đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về con người của thánh Giuse, được hướng dẫn bởi một số thông tin ít ỏi nhưng quan trọng được các sách Tin Mừng mang lại, và cũng được hướng dẫn bởi các khía cạnh về nhân cách của ngài mà Giáo hội qua bao thế kỷ đã có thể làm nổi bật qua lời cầu nguyện và lòng sùng kính. Khởi đi từ chính « cảm thức chung » này của Giáo hội mà, trong lịch sử của Giáo hội, đã đồng hành với con người của thánh Giuse, hôm nay tôi muốn tập trung vào một tín điều quan trọng vốn có thể làm phong phú đời sống Kitô hữu của chúng ta và cũng hình thành nên mối tương quan của chúng ta với các thánh và với những người thân yêu đã khuất của chúng ta theo cách tốt nhất có thể : tôi đang nói về sự hiệp thông các thánh. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta thường đọc, « tôi tin các thánh thông công ». Nhưng nếu người ta hỏi các thánh thông công là gì, thì tôi nhớ hồi nhỏ tôi đã từng trả lời ngay lập tức : « À, các thánh rước lễ ». Đó là một điều gì đó mà…chúng ta không hiểu những gì chúng ta đang nói. Sự hiệp thông các thánh (các thánh thông công) là gì ? Đó không phải là các thánh rước lễ, không phải thế. Đó là điều gì khác.
Đôi khi, ngay cả Kitô giáo cũng có thể rơi vào những hình thức sùng kính mà dường như phản ảnh một não trạng ngoại giáo hơn là Kitô giáo. Sự khác biệt cơ bản là lời cầu nguyện và lòng sùng kính của chúng ta với tư cách là tín hữu, trong trường hợp này, không dựa trên niềm tin vào một con người, hay vào một hình ảnh hay một sự vật, cho dầu chúng ta biết rằng đó là linh thiêng. Ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta : « Đáng nguyền rủa thay kẻ đặt tin tưởng nơi người đời…[…] Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa » (17, 5-7). Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn trông cậy vào lời cầu bầu của một vị thánh, hay hơn nữa của Đức Trinh Nữ Maria, thì đức tin của chúng ta chỉ có giá trị trong mối tương quan với Chúa Kitô. Như thể con đường dẫn tới vị thánh này hay Đức Trinh Nữ đây không dẫn đến đó : không. Nó dẫn đến đó, nhưng trong mối tương quan với Chúa Kitô. Đó là mối liên kết, Chúa Kitô là mối liên hệ kết hợp chúng ta với Người và với nhau, mối liên kết này có một danh xưng đặc thù : mối dây liên hệ kết hợp tất cả chúng ta, giữa chúng ta với nhau và giữa chúng ta với Chúa Kitô, đó là « sự hiệp thông các thánh ». Không phải các thánh làm phép lạ, không phải ! « Vị thánh này thần diệu quá… » : không phải, hãy dừng lại : các thánh không làm phép lạ, nhưng chỉ ân sủng của Thiên Chúa hành động qua họ. Các phép lạ đã được thực hiện bởi Thiên Chúa, bởi ân sủng của Thiên Chúa đang hành động thông qua một con người thánh thiện, một con người công chính. Phải rõ ràng về điều đó. Có những người nói : « Tôi không tin vào Thiên Chúa, tôi không tin, nhưng tôi tin vào vị thánh này ». Không được. Đó là sai lạc. Thánh nhân là một người cầu bầu, người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện với ngài, và ngài cầu nguyện cho chúng ta và Chúa ban ơn cho chúng ta : Chúa, thông qua vị thánh.
Vậy, « sự hiệp thông các thánh » là gì ? Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo khẳng định : « Sự hiệp thông các thánh là chính Giáo hội » (số 946). Một định nghĩa thật đẹp biết bao ! « Sự hiệp thông các thánh chính là Giáo hội ». Điều đó có nghĩa là gì ? Giáo hội được dành cho người hoàn hảo ? Không phải. Điều đó có nghĩa rằng đây là cộng đoàn các tội nhân được cứu độ. Giáo hội là cộng đoàn các tội nhân được cứu độ. Định nghĩa này thật là đẹp. Không ai có thể bị loại trừ khỏi Giáo hội, tất cả chúng ta đều là những tội nhân được cứu độ. Sự thánh thiện của chúng ta là hoa trái của tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình trong Chúa Kitô, Đấng đã thánh hóa chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta nơi sự khốn khổ của chúng ta và cứu chúng ta khỏi đó. Thánh Phaolô nói, luôn luôn nhờ Người, chúng ta làm nên một thân thể duy nhất trong đó Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể (x. 1Cr 12,12). Hình ảnh về thân thể của Chúa Kitô này và hình ảnh về thân thể giúp chúng ta hiểu ngay việc được liên kết với nhau trong sự hiệp thông nghĩa là gì : Chúng ta hãy lắng nghe thánh Phaolô, những gì ngài nói : « Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận » (1Cr 12, 26-27). Đó là những gì thánh Phaolô nói : tất cả chúng ta chỉ là một thân thể, được hiệp nhất bằng đức tin, bằng phép Rửa… Tất cả đều trong sự hiệp thông : kết hợp trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu-Kitô. Và đó là sự hiệp thông các thánh.
Anh chị em thân mến, niềm vui và nỗi buồn tác động đến cuộc sống của tôi cũng tác động đến tất cả mọi người, cũng như niềm vui và nỗi buồn tác động đến cuộc sống của anh chị em bên cạnh chúng ta cũng tác động đến tôi. Tôi không thể dửng dưng với người khác, vì tất cả chúng ta đều thuộc về một thân thể duy nhất, đều hiệp thông. Theo nghĩa này, thậm chí tội lỗi của một cá nhân luôn luôn tác động đến mọi người, và tình yêu của mỗi cá nhân tác động đến mọi người. Nhờ sự hiệp thông các thánh, của sự kết hợp này, mỗi thành viên của Giáo hội được gắn liền với tôi cách sâu xa : nhưng tôi không nói với tôi bởi vì tôi là Giáo hoàng : với mỗi người chúng ta, nó được liên kết, chúng ta đã và đang được liên kết cách sâu xa, và mối liên kết này mạnh mẽ đến nỗi nó không thể bị phá vỡ ngay cả bởi cái chết : ngay cả không bởi cái chết. Quả thế, sự hiệp thông các thánh không chỉ liên quan đến anh chị em đang ở bên tôi vào thời điểm lịch sử này, hay đang sống vào thời điểm lịch sử này, nhưng cũng liên quan đến những ai đã hoàn tất hành trình của họ, cuộc lữ hành trần thế và đã vượt qua ngưỡng cửa sự chết. Ngay cả họ cũng đang hiệp thông với chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nghĩ đến họ : trong Chúa Kitô, không ai có thể thực sự tách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu thương bởi vì mối dây liên kết là một sự liên kết hiện sinh, một sự liên kết mạnh mẽ trong chính bản tính của chúng ta ; chỉ có cách thức ở cùng nhau của họ với mỗi người chúng ta thay đổi, nhưng không gì và không ai có thể phá vỡ mối liên kết này. « Thưa Cha, chúng ta hãy nghĩ đến những người đã chối bỏ đức tin, những người bội giáo, những người bách hại Giáo hội, những người đã chối bỏ phép Rửa của mình : những người đó cũng thuộc về mái nhà ? ». Vâng, những người đó cũng thế. Tất cả. Những kẻ phạm thượng, tất cả họ. Chúng ta đều là anh em. Đó là sự hiệp thông các thánh. Sự hiệp thông các thánh duy trì cùng nhau cộng đoàn các tín hữu trên trần gian và trên Trời. Và trên trần gian, các thánh, các tội nhân, tất cả mọi người.
Theo nghĩa này, mối tương quan tình bạn mà tôi có thể thiết lập với một người anh em hay chị em bên cạnh tôi, tôi cũng có thể thiết lập nó với một người anh hay người chị ở trên Trời. Các thánh là những người bạn mà chúng ta rất thường đi vào mối tương quan tình bạn. Điều mà chúng ta gọi là lòng sùng kính đối với một vị thánh – tôi rất sùng kính vị thánh này – điều mà chúng ta gọi là lòng sùng kính thực ra là một cách thức diễn tả tình yêu dựa trên chính mối liên hệ kết hợp chúng ta đây. Cũng thế, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể nói : « Nhưng, người này rất sùng kính đối với cha mẹ già của mình » : không phải, đó là một cách thức yêu thương, một biểu hiện của tình yêu. Và tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta luôn có thể hướng đến một người bạn, nhất là khi chúng ta đang gặp khó khăn và cần sự trợ giúp. Và chúng ta cần những người bạn ở trên Trời. Tất cả chúng ta đều cần những người bạn ; tất cả chúng ta đều cần những mối tương quan có ý nghĩa vốn giúp chúng ta đương đầu với cuộc sống. Chúa Giêsu cũng đã có những người bạn, và Ngài hướng đến họ vào những lúc quyết định nhất của kinh nghiệm nhân loại của mình. Trong lịch sử của Giáo hội, có một vài hằng số đồng hành với cộng đoàn các tín hữu : trước tiên, tình cảm cao cả và mối liên hệ rất mạnh mẽ mà Giáo hội luôn cảm thấy đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta. Nhưng còn niềm vinh dự và tình cảm đặc biệt mà Giáo hội dành cho thánh Giuse. Tự sâu xa, Thiên Chúa giáo phó cho ngài những gì là quý giá nhất : Con của Ngài là Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Chính luôn luôn nhờ sự hiệp thông các thánh mà chúng ta cảm thấy rằng các thánh nam và các thánh nữ quan thầy của chúng ta gần gũi với chúng ta, chẳng hạn, qua tên thánh mà chúng ta mang, qua Giáo hội mà chúng ta thuộc về, qua nơi chốn mà chúng ta đang sống, v.v., ngay cả qua lòng sùng kính cá nhân. Và chính sự tin tưởng này phải luôn thúc đẩy chúng ta bằng cách hướng chúng ta đến các ngài vào những thời điểm quyết định của cuộc đời chúng ta. Lòng sùng kính các thánh không phải là ma thuật, không phải là mê tín dị đoan ; đó đơn giản là nói với một người anh, một người chị đang ở trước nhan Thiên Chúa. Và tôi nói với người anh, người chị này, và tôi xin sự cầu bầu của họ về những nhu cầu của tôi.
Chính vì lý do này mà tôi muốn kết thúc bài giáo lý này bằng một lời cầu nguyện với thánh Giuse, Đấng mà tôi đặc biệt gắn bó và mỗi ngày từ nhiều năm qua, hơn 40 năm, tôi đã đọc nó. Đó là một lời cầu nguyện mà tôi đã tìm thấy trong một cuốn sách kinh của các Nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria, có niên đại từ cuối những năm 1700. Lời kinh rất đẹp, nhưng còn hơn cả một lời kinh, đó là một thách đố cho người bạn này, cho người cha này, cho đấng bảo vệ chúng ta là thánh Giuse. Sẽ rất tốt nếu anh chị em học được lời cầu nguyện này và có thể lặp lại nó. Tôi sẽ đọc nó : « Lạy Cha Thánh Giuse vinh hiển, Cha có quyền thế để ban cho con những điều xem ra không thể thực hiện được. Xin Cha hãy đến cứu giúp khi con đang gặp khốn khó và đau buồn. Con xin dâng công việc quan trọng và khó khăn này lên Cha để xin Cha đặc biệt bảo vệ, và để công việc của con được kết thúc tốt đẹp. Lạy Cha yêu dấu, con đặt mọi tin tưởng nơi Cha. Xin đừng để lời van xin của con trở nên vô ích, vì Cha có quyền thế bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin Cha chứng tỏ lòng nhân lành và quyền năng cao cả của Cha. » Và lời kinh kết thúc bằng một thách đố, đó là một thách đố cho thánh Giuse : « Vì Cha có quyền thế bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin Cha chứng tỏ lòng nhân lành và quyền năng cao cả của Chúa. Amen. » Đó là một lời cầu nguyện…Tôi phó thác cho thánh Giuse hằng ngày với lời cầu nguyện này từ hơn 40 năm qua : đó là một lời cầu nguyện lâu đời.
Hãy bước đi, hãy can đảm, trong sự hiệp thông của tất cả các thánh này mà chúng ta có ở trên Trời và trên trần gian : Chúa không bỏ rơi chúng ta. Cảm ơn anh chị em.
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: các thánh-nhân vật, Giuse, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ