BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT – BÀI 6 : MỐI NGUY HIỂM CỦA LỀ LUẬT

Written by xbvn on Tháng Tám 25th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

« Kẻ giả hình là một người sống giả vờ, nịnh hót và lừa dối vì họ sống với một chiếc mặt nạ trên khuôn mặt, và họ không có can đảm đương đầu với sự thật. Đó là lý do tại sao họ không thể yêu thương thực sự – một kẻ giả hình không biết yêu thương – họ tự giới hạn trong việc sống theo thói ích kỷ và không có sức cho thấy tâm hồn trong sáng của mình. » Đức Phanxicô cảnh giác các Kitô hữu như thế, hôm 25/8/2021, trong bài giáo lý thứ 6 về Thư gởi tín hữu Galát, liên quan đến mối nguy hiểm của Lề luật.

Đối với Đức Thánh Cha, kẻ giả hình,  « đó là sợ sự thật. Kẻ giả hình sợ sự thật. Chúng ta thích giả vờ hơn là trở nên chính mình ». « Và sự che giấu ngăn cản người ta có can đảm nói ra sự thật và như thế người ta dễ dàng thoát khỏi nghĩa vụ nói sự thật luôn luôn, khắp nơi và bất chấp tất cả. Và sự che giấu dẫn bạn tới điều đó : một nửa sự thật ».

Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc nhở chính Chúa Giêsu rất nhiều lần lên án thói giả hình này, và đồng thời cảnh giác thói giả hình ở trong Giáo hội : « Sự giả hình trong Giáo hội là đặc biệt đáng ghê tởm, và thật không may thói giả hình tồn tại trong Giáo hội, và có nhiều Kitô hữu và nhiều thừa tác viên giả hình ». Và từ đó lời mời gọi « chúng ta đừng sợ sống trung thực, nói lên sự thật, cảm nhận sự thật, tuân theo sự thật ».

Dưới đây là bài giáo lý thứ 6 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thư gởi tín hữu Galát :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Thư gởi tín hữu Galát tường thuật một sự kiện khá ngạc nhiên. Như chúng ta đã nghe, thánh Phaolô nói rằng ngài trách mắng Kêpha, tức là thánh Phêrô, trước mặt cộng đoàn Antiôkia, bởi vì lối hành xử của thánh Phêrô không tốt. Đã xảy ra điều gì nghiêm trọng đến nỗi thánh Phaolô buộc lòng phải nói với thánh Phêrô bằng những từ ngữ rất cứng rắn như vậy ? Có lẽ thánh Phaolô đã phóng đại quá chăng, phải chăng ngài đã quá nhượng bộ cho tính tình của mình mà không biết kiềm chế bản thân ? Chúng ta sẽ thấy rằng ngài không phải như vậy, nhưng một lần nữa vấn đề là mối tương quan giữa Lề luật và tự do. Và chúng ta phải trở lại với điều này nhiều lần.

Khi viết thư cho tín hữu Galát, thánh Phaolô chủ ý đề cập đến tình tiết đã xảy ra ở Antiôkia từ nhiều năm trước này. Ngài muốn nhắc cho các Kitô hữu của các cộng đoàn này rằng họ tuyệt đối không được nghe theo những người ra giảng về sự cần thiết phải cắt bì và do đó rơi vào việc « sống dưới Lề luật » với tất cả các quy định của nó. Chúng ta hãy nhớ rằng chính những nhà giảng thuyết thuộc khuynh hướng thủ cựu quá khích đã đến đó và đã tạo ra sự rối ren, và họ cũng đã lấy đi sự bình an của cộng đoàn này.  Đối tượng của việc phê bình đối với thánh Phêrô là lối hành xử của ngài trong việc ngồi vào bàn ăn. Lề luật cấm một người Do Thái dùng bữa với những người không Do Thái. Nhưng chính thánh Phêrô, trong một hoàn cảnh khác, đã đến Xêdarê tại nhà của viên bách quản Cornêliô, dù biết rằng mình đang vi phạm Lề luật. Lúc đó Phêrô đã khẳng định : « Nhưng Thiên Chúa vừa cho tôi thấy là không được gọi bất cứ ai là ô uế hay không thanh sạch » (Cv 10, 28). Sau khi trở về Giêrusalem, các Kitô hữu được cắt bì trung thành với Lề luật Môisê đã khiển trách lối hành xử của Phêrô, nhưng ngài đã biện minh rằng : « Lúc đó tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng : ‘ông Gioan làm phép rửa bằng nước, còn anh em sẽ được rửa trong Thánh Thần’. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa ? » (Cv 11, 16-17). Chúng ta hãy nhớ rằng vào lúc đó Chúa Thánh Thần đã đến nhà ông Cornêliô khi thánh Phêrô đến đó.

Một sự kiện tương tự cũng đã xảy ra ở Antiôkia trước mặt của thánh Phaolô. Trước đó, thánh Phêrô đang ngồi ở bàn ăn mà không có khó khăn gì với các Kitô hữu gốc dân ngoại ; nhưng khi nhiều Kitô hữu chịu cắt bị từ Giêrusalem – những người gốc Do Thái giáo – đến thành phố, thì lúc đó ngài không ngồi nữa, vì không chịu được những lời phê phán của họ. Và đó là sai lầm : ngài chú ý hơn đến những lời phê phán, chú ý hơn đến việc tỏ ra là người tốt lành. Và điều đó là nghiêm trọng đối với thánh Phaolô, cũng bởi vì các môn đệ khác đã bắt chước Phêrô, mà người đầu tiên trong số đó là Barnabê, người đã cùng với thánh Phaolô loan báo Tin Mừng cho những người Galát (x. Gl 2, 13). Dù không muốn điều đó, nhưng Phêrô, với cách hành động này – lúc thế này, lúc thế kia – không rõ ràng, không trong sáng – trên thực tế đã tạo ra sự chia rẽ bất công ngay giữa cộng đoàn : « Tôi trong sạch…tôi theo đường hướng này, tôi phải làm như thế kia, ta không thể làm điều đó… ».

Thánh Phaolô, trong lời khiển trách của mình – và trọng tâm của vấn đề là ở đó – , sử dụng một từ ngữ cho phép đi vào điểm trọng tâm của phản ứng của mình : thói giả hình (x. Gl 2, 13). Đó là một từ sẽ trở lại nhiều lần : thói giả hình. Tôi nghĩ rằng hết thảy chúng ta đều hiểu nó có nghĩa là gì. Việc tuân giữ Lề luật từ phía các Kitô hữu đã dẫn đến lối hành xử giả hình này, mà thánh Tông đồ muốn chống lại cách mạnh mẽ và xác tín. Thánh Phaolô là người thẳng thắn, ngài có những khiếm khuyết – rất nhiều, tính tình của ngài rất tệ -, nhưng ngài thẳn thắn. Giả hình là gì ? Khi chúng ta nói : hãy coi chừng người này là một lẻ giả hình : chúng ta muốn nói gì ? Giả hình là gì ? Ta có thể nói rằng đó là sợ sự thật. Kẻ giả hình sợ sự thật. Chúng ta thích giả vờ hơn là trở nên chính mình. Đó giống như hóa trang linh hồn mình, như là hóa trang các thái độ của mình, như là hóa trang cách hành động của mình : đó không phải là sự thật : « Tôi sợ phải tiến bước như tôi là và tôi hóa trang mình bằng những thái độ này ». Và sự che giấu ngăn cản người ta có can đảm nói ra sự thật và như thế người ta dễ dàng thoát khỏi nghĩa vụ nói sự thật luôn luôn, khắp nơi và bất chấp tất cả. Và sự che giấu dẫn bạn tới điều đó : một nửa sự thật. Và một nửa sự thật là điều hư cấu : bởi vì sự thật là sự thật hay không phải là sự thật. Nhưng một nửa sự thật là cách thức hành động không phải đích thực này. Như tôi đã nói, chúng ta thích giả vờ hơn là trở nên chính mình, và sự che giấu ngăn cản lòng can đảm nói ra sự thật. Và như thế chúng ta thoát khỏi nghĩa vụ – và đó là một giới răn – luôn nói sự thật, nói sự thật khắp nơi và nói sự thật bất chấp tất cả. Và trong một môi trường mà các mối tương quan liên vị được sống theo tinh thần của chủ nghĩa hình thức, thì virus giả hình được phát tán cách dễ dàng. Nụ cười này không xuất phát từ tâm hồn, việc tìm kiếm này để có quan hệ tốt với tất cả mọi người, nhưng không với ai cả…

Trong Thánh Kinh, chúng ta tìm thấy nhiều ví dụ trong đó người ta chống lại thói giả hình. Một chứng tá đẹp đẽ để chống lại thói giả hình là chứng tá của cụ Eléazar, người mà người ta yêu câu giả vờ ăn thịt được dâng cúng cho các thần ngoại để có thể cứu sống bản thân : giả vờ ăn thịt, nhưng ông đã không ăn. Hay giả vờ ăn thịt heo, nhưng các bạn của ông đã chuẩn bị thịt khác cho ông. Nhưng ông là người kính sợ Thiên Chúa, đã trả lời : « Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Eléazar đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già » (2 Mac 6, 24-25). Trung thực : ông không đi theo con đường giả hình. Thật là một trang đẹp đẽ để suy nghĩ về việc tránh xa thói giả hình ! Các Tin Mừng cũng tường thuật nhiều hoàn cảnh trong đó Chúa Giêsu khiển trách mạnh mẽ những ai tỏ vẻ như những người công chính bên ngoài, nhưng bên trong đầy những giả dối và gian ác (x. Mt 23, 13-29). Nếu hôm nay anh chị em có ít thời gian, anh chị em hãy đọc chương 23 của Tin Mừng theo thánh Matthêu và nhận thấy bao nhiêu lần Chúa Giêsu nói : « Hỡi những kẻ giả hình, hỡi những kẻ giả hình, hỡi những kẻ giả hình », và Ngài cho thấy những gì là giả hình.

Kẻ giả hình là một người sống giả vờ, nịnh hót và lừa gạt vì họ sống với một mặt nạ trên mặt, và họ không có can đảm đương đầu với sự thật. Đó là lý do tại sao họ không thể yêu thương thực sự – một kẻ giả hình không biết yêu thương – họ tự giới hạn trong việc sống theo thói ích kỷ và không có sức cho thấy tâm hồn trong sáng của mình. Có nhiều hoàn cảnh trong đó thói giả hình có thể xảy ra. Nó thường được che giấu ở những nơi làm việc, nơi người ta tìm cách tỏ ra thân thiện với các đồng nghiệp, trong khi việc cạnh tranh dẫn đến chỗ đánh sau lưng họ. Trong chính trị, không có gì lạ khi tìm thấy những kẻ giả hình đang sống hai mặt giữa đời sống công và tư của họ. Sự giả hình trong Giáo hội là đặc biệt đáng ghê tởm, và thật không may thói giả hình tồn tại trong Giáo hội, và có nhiều Kitô hữu và nhiều thừa tác viên giả hình. Chúng ta không bao giờ được quên những lời của Chúa : « Nhưng hễ « có » thì phải nói « có », « không » thì phải nói « không ». Thêm thắt điều gì là do Ác quỷ » (Mt 5, 37). Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy nghĩ đến những gì thánh Phaolô và Chúa Giêsu lên án : thói giả hình. Và chúng ta đừng sợ sống trung thực, nói lên sự thật, cảm nhận sự thật, tuân theo sự thật. Một kẻ giả hình không biết yêu thương. Hành động khác với sự thật có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa đã cầu nguyện.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican.va ; trích dẫn Thánh Kinh : nhóm CGKPV)

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31