BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 5. LÒNG TRUNG TÍN VỚI SỰ VIẾNG THĂM CỦA THIÊN CHÚA ĐỐI VỚI THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha (ngày 30/3/2022):
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về chủ đề tuổi già, bằng cách xem xét các nhân vật Simêon và bà Anna, những người chắc chắn trong niềm hy vọng của mình, đang chờ đợi Đấng Mêsia. Hai người lớn tuổi này, đầy sức sống tinh thần, dạy cho chúng ta rằng lòng trung tín trong sự chờ đợi sẽ làm tinh tế các giác quan của linh hồn. Đó là những gì chúng ta vẫn còn cầu xin Chúa Thánh Thần trong bài thánh ca Veni Creator Spiritus.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, trong sự ngất ngây của các giác quan thể xác và sự ảo tưởng về một tuổi trẻ vĩnh cửu, chúng ta thấy mình đối mặt với một sự tê liệt, thường là vô thức, của các giác quan tinh thần. Sự nhạy cảm của linh hồn không chỉ liên quan đến ý nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo, nhưng còn lòng trắc ẩn và lòng thương xót, sự xấu hổ và sự hối hận, lòng trung tín và sự tận tụy, sự dịu dàng và trách nhiệm của chúng ta với người khác.
Người ta hiểu rõ sự hùng biện này về sự hòa nhập những người mong manh trong các diễn văn đúng đắn về mặt chính trị, nhưng trong thực tế, tinh thần tình huynh đệ nhân loại – mà đối với tôi cần thiết phải khởi động lại cách mạnh mẽ – là như một chiếc áo đã sờn, chắc chắn để chiêm ngưỡng, nhưng…trong một viện bảo tàng !
Bất chấp chủ nghĩa tuân thủ đang thịnh hành, chúng ta có thể quan sát thấy chứng tá đầy cảm động của rất nhiều người trẻ vốn tôn vinh cách trọn vẹn tình huynh đệ này và biểu lộ nhiệt huyết sống động về sự dịu dàng xã hội này.
—————————————————-
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong hành trình giáo lý của chúng ta về chủ đề tuổi già, hôm nay chúng ta chiêm ngắm bức tranh dịu dàng được thánh sử Luca vẽ, mô tả hai nhân vật cao tuổi, ông Simêon và bà Anna. Lý do sống của họ, trước khi rời khỏi thế giới này, là để chờ đợi cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Họ sống trong niềm mong đợi rằng Thiên Chúa sẽ đến viếng thăm họ, tức là Chúa Giêsu. Nhờ Chúa Thánh Thần tiên báo, ông biết rằng ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Mêsia. Bà Anna lên đền thờ hằng ngày, hết lòng phục vụ đền thờ. Cả hai đều nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi Hài Nhi Giêsu, Đấng lấp đầy sự chờ đợi lâu nay của họ bằng niềm an ủi và ban cho họ sự thanh thản vào cuối cuộc đời. Đó là cảnh gặp gỡ với Chúa Giêsu, và từ biệt.
Chúng ta có thể học được gì từ hai nhân vật cao tuổi đầy sức sống thiêng liêng này ?
Đồng thời, chúng ta học biết được rằng lòng trung tín của sự chờ đợi làm tinh tế các giác quan. Vả lại, chúng ta biết, đó chính xác là những gì Chúa Thánh Thần thực hiện : Ngài soi sáng các giác quan. Trong bài thánh ca cổ Veni Creator Spiritus, mà ngày nay chúng vẫn còn dùng để cầu xin Chúa Thánh Thần, chúng ta nói : « Accende lumen sensibus » (« Xin soi sáng các giác quan »), xin đặt trong chúng con ánh sáng của Ngài, xin chiếu sáng chúng con, xin soi sáng các giác quan của chúng con. Chúa Thánh Thần có khả năng thực hiện điều đó : Ngài mài dũa các giác quan của linh hồn, bất chấp những giới hạn và vết thương của các giác quan thể xác. Bằng cách này hay cách khác, tuổi già làm yếu đi thể xác nơi tính chất thể của nó : người này thì mù hơn, người kia thì điếc hơn….Thế nhưng, một tuổi già đã được chuẩn bị để mong đợi sự viếng thăm của Thiên Chúa sẽ không bỏ lỡ bước đi qua của Ngài : thậm chí tuổi già sẽ càng mau mắn hơn đón tiếp Ngài tốt hơn, sẽ nhạy cảm hơn để nhận biết Chúa khi Ngài đi ngang qua. Chúng ta hãy nhớ rằng thái độ của người Kitô hữu là chú ý đến những cuộc viếng thăm của Chúa, bởi vì Chúa đi qua, trong cuộc đời chúng ta, với những soi sáng, với lời mời gọi trở nên tốt đẹp hơn. Và thánh Augustinô đã nói : « Tôi sợ Thiên Chúa khi Ngài đi qua » – « Nhưng làm thế nào, bạn sợ ? ». – « Vâng, tôi sợ mình không nhận ra Ngài và để Ngài đi qua ». Chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị các giác của chúng ta để hiểu được khi Chúa viếng thăm chúng ta, như Ngài đã làm với ông Simêon và bà Anna.
Ngày nay, chúng ta cần điều đó hơn bao giờ hết : chúng ta cần một tuổi già được phú ban những giác quan tinh thần sống động và có khả năng nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa, thậm chí Dấu Chỉ của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Một dấu chỉ luôn khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng : Chúa Giêsu khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng bởi vì Ngài là « dấu mâu thuẫn » (Lc 2, 34) – nhưng là Đấng làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Bởi vì cuộc khủng hoảng không nhất thiết mang lại cho bạn nỗi buồn, không : bị khủng hoảng trong khi vẫn phụng sự Chúa rất thường mang lại cho bạn sự bình an và niềm vui.
Sự tê liệt của các giác quan tinh thần – và đây là điều bất hạnh – sự tê liệt của các giác quan tinh thần, trong sự phấn khích và ngây ngất của các giác quan thể xác, là một hội chứng phổ biến trong một xã hội nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi trẻ vĩnh cửu, và nét nguy hiểm nhất của nó là nó thậm chí không ý thức được điều đó. Người ta không nhận ra mình bị tê liệt. Và nó xảy ra. Nó đang xảy ra. Điều đó luôn xảy ra và điều đó đang xảy ra vào thời đại chúng ta. Các giác quan bị tê liệt, không hiểu được những gì đang diễn ra ; các giác quan nội tâm, các giác quan của Chúa Thánh Thần để hiểu được sự hiện diện của Thiên Chúa hay sự hiện diện của sự dữ, bị tê liệt, không phân biệt được.
Khi bạn mất nhạy cảm với xúc giác hay vị giác, bạn nhận thấy điều đó ngay lập tức. Trái lại, sự nhạy cảm của linh hồn, sự nhạy cảm của linh hồn này, bạn có không biết trong thời gian lâu dài, sống mà không nhận ra rằng bạn đã mất sự nhạy cảm của linh hồn. Đó không chỉ là ý nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo. Sự vô cảm của các giác quan tinh thần liên quan đến lòng trắc ẩn và thương xót, sự xấu hổ và nỗi hối hận, lòng trung tín và sự tận tâm, sự dịu dàng và danh dự, trách nhiệm đối với chính mình và mối ưu tư đối với tha nhân. Thật lạ lùng : sự vô cảm không làm bạn hiểu được lòng trắc ẩn, nó không làm cho bạn hiểu được lòng thương xót, nó không làm cho bạn cảm thấy hổ thẹn hay hối hận vì đã làm một điều xấu…Nó là như thế. Các giác quan tinh thần bị tê liệt làm lẫn lộn mọi thứ và người ta không cảm thấy được, về mặt tinh thần, những điều như thế. Và, có thể nói, tuổi già trở thành sự mất mát đầu tiên, nạn nhân đầu tiên của sự mất nhạy cảm này. Trong một xã hội sử dụng sự nhạy cảm chủ yếu đối với thú vui, thì sự quan tâm đến những người mong manh sẽ bị suy yếu đi và sự cạnh tranh của những kẻ chiến thắng sẽ chiếm ưu thế. Và như thế sự nhạy cảm bị mất đi. Dĩ nhiên, sự hùng biện về sự hòa nhập là công thức nghi thức của mọi diễn văn đúng đắn về mặt chính trị. Nhưng nó vẫn không dẫn đến việc sửa chữa thực sự các thực hành trong đời sống chung bình thường : một nền văn hóa về sự dịu dạng xã hội đang vất vả để phát triển. Không : tinh thần tình huynh đệ nhân loại – mà tôi đã cảm thấy cần thiết phải khởi động lại cách mạnh mẽ – giống như một chiếc áo mà người ta không còn mặc nữa, chắc chắn là để chiêm ngưỡng, nhưng … trong một viện bảo tảng. Chúng ta đánh mất sự nhạy cảm của con người, những chuyển động của Chúa Thánh Thần đang làm cho chúng ta trở thành người này. Đúng là trong cuộc sống thực, chúng ta có thể quan sát thấy, với lòng biết ơn, chứng tá đầy cảm động của rất nhiều người trẻ tôn vinh trọn vẹn tình huynh đệ này. Nhưng vấn đề chính là ở đây : có một hố chia cắt, một hố chia cắt đáng xấu hổ, giữa chứng tá về sức sống của sự dịu dàng xã hội này và chủ nghĩa tuân thủ buộc tuổi trẻ phải thể hiện mình theo một cách hoàn toàn khác. Chúng ta có thể làm gì để lấp đầy hố chia cắt này ?
Từ câu chuyện của ông Simêon và bà Anna, cũng như các trình thuật Thánh Kinh khác về tuổi già nhạy cảm với Chúa Thánh Thần, có một dấu hiệu ẩn giấu đáng được làm sáng tỏ. Cách cụ thể, mạc khải vốn khơi dậy sự nhạy cảm của ông Simêon và bà Anna hệ tại ở điều gì ? Nó hệ tại nhận ra nơi một hài nhi, mà họ không sinh ra và họ thấy lần đầu tiên, dấu chỉ chắc chắn của sự viếng thăm của Thiên Chúa. Họ chấp nhận không phải là nhân vật chính, nhưng chỉ là chứng nhân. Và khi chúng ta chấp nhận không phải là nhân vật chính, nhưng được tham gia với tư cách là chứng nhân, thì điều đó thật tốt : người nam hay người nữ này đã trưởng thành rất tốt. Nhưng nếu con người này luôn có khát vọng trở thành nhân vật chính chứ không gì khác, thì con đường dẫn đến sự viên mãn của tuổi già sẽ không bao giờ trưởng thành. Cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không nhập thể vào cuộc sống của họ, trong cuộc sống của những người muốn trở thành nhân vật chính chứ không bao giờ trở thành chứng nhân, nó không đưa họ lên sân khấu như những vị cứu tinh : Thiên Chúa không nhập thể trong thế hệ của họ, nhưng trong thế hệ tương lai. Họ mất tinh thần, họ mất ý chí sống trưởng thành và, như người ta thường nói, họ sống cách hời hợt. Đó là thế hệ vĩ đại của những người hời hợt, vốn không cho phép mình cảm nhận mọi thứ bằng sự nhạy cảm của Chúa Thánh Thần. Nhưng tại sao họ không cho phép điều đó ? Một phần vì lười biếng, và một phần vì họ không còn có thể làm được nữa : họ đã mất nó. Thật không may khi một nền văn minh mất đi sự nhảy cảm của Chúa Thánh Thần. Trái lại, thật tuyệt đẹp khi chúng ta tìm thấy những trưởng lão như ông Simêon và bà Anna, những người vẫn giữ được sự nhạy cảm của Chúa Thánh Thần này và có khả năng hiểu được các hoàn cảnh khác nhau, giống như hai người này đã hiểu hoàn cảnh trước mặt họ và vốn là một biểu hiện của Đấng Mêsia. Vả lại, không có bất kỳ sự oán hận hay đả kích nào khi họ ở trong trạng thái âm thầm, kiên trì [tĩnh lặng], trong sự vững tin của họ. Trái lại, cảm xúc và sự an ủi lớn lao khi các giác quan tinh thần vẫn còn sống động. Cảm xúc và sự an ủi khi có thể nhìn thấy và loan báo rằng lịch sử của thế hệ của họ không bị mất đi hay lãng phí, chính nhờ một sự kiện vốn nhập thể và được biểu lộ trong thế hệ tiếp theo. Và đó là những gì một người cao tuổi cảm thấy khi con cháu của mình, cháu trai và cháu gái, đến nói chuyện với họ : họ cảm thấy sống lại. « À, cuộc sống của tôi vẫn luôn ở đây ». Đến với người lớn tuổi, lắng nghe họ là điều rất quan trọng. Nói chuyện với họ là rất quan trọng bởi vì […] có sự trao đổi nền văn minh này, sự trao đổi sự trưởng thành này giữa người trẻ và người già. Và như thế, nền văn minh của chúng ta tiến tới một cách trưởng thành.
Chỉ tuổi già tinh thần mới có thể mang lại chứng tá này, khiêm tốn và chói lọi, trao cho nó uy tín và gương mẫu cho tất cả mọi người. Tuổi già, vốn hun đúc nên sự nhạy cảm của linh hồn, làm biến mất mọi sự ghen tỵ giữa các thế hệ, mọi oán hận, mọi đả kích về một cuộc xuất hiện của Thiên Chúa trong thế hệ tiếp theo, một thế hệ vốn đến như để đồng hành với sự kết thúc của họ. Và đó là những gì xảy ra cho một người già cởi mở với một người trẻ cởi mở : họ từ biệt cõi đời nhưng đồng thời truyền đạt – trong ngoặc kép – cuộc sống của mình cho thế hệ mới. Và đó là lời từ biệt của ông Simêon và bà Anna : « Giờ đây, con có thể an bình ra đi ». Sự nhạy cảm tinh thần của tuổi già có khả năng phá vỡ sự cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ một cách đáng tin cậy và dứt khoát. Sự nhạy cảm này vượt lên trên : người cao tuổi, với sự nhạy cảm này, vượt qua sự xung đột, họ vượt lên trên, họ hướng tới sự hiệp nhất, chứ không hướng tới xung đột. Chắc chắn, điều đó là bất khả đối với con người, nhưng điều đó là khả thi đối với Thiên Chúa. Và hôm nay chúng ta rất cần điều đó, cần đến sự nhạy cảm của tinh thần, sự trưởng thành của tinh thần, chúng ta cần những người già khôn ngoan, trưởng thành trong tinh thần, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng đối với cuộc sống ! Cảm ơn anh chị em.
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
————————————-
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 30/3/2022, sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một « lời chào đặc biệt trìu mến » đối với các trẻ em người Ucraina đang hiện diện ở thính phòng Phaolô VI. Đức Thánh Cha nói thêm : « Và với lời chào này dành cho các trẻ em, chúng ta cũng bắt đầu nghĩ đến cuộc chiến tranh quái dị này và chúng ta tiếp tục cầu nguyện để cuộc chiến tranh tàn ác man rợ này được chấm dứt » (Vatican News).
Tags: Audience, Giới trẻ, Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ