BÀI PHÁT BIỂU CUỐI CÙNG CỦA ĐHY BERGOGLIO TRƯỚC CÁC HỒNG Y CỦA MẬT TUYỂN VIỆN
Dưới đây là bài tham luận của ĐHY Jorge Mario Bergoglio trước các Hồng y, dịp buổi họp chung ngày 9.3.2013. Chính từ giây phút đó mà ý hướng bầu ngài làm Giáo hoàng đã tiến triển. Trong bài phát biểu này, ĐHY phê bình « tính trần tục thiêng liêng » đang tác động đến Giáo hội.
Trên thực tế, ngài đã ứng khẩu trong lần phát biểu này. Sau đó, như lời ĐHY Jaime Lucas Ortega y Alamino, Tổng giám mục La Havane, Cuba, kể, ngài đã gặp ĐHY Bergoglio để xin bản văn viết tay để giữ nó. ĐHY Bergoglio trả lời là ngài không có. Nhưng ngày hôm sau, ĐHY Bergoglio đã đưa cho ĐHY Ortega bài tham luận do chính ngài viết ra. ĐHY Ortega hỏi ĐHY Bergoglio liệu ngài có thể phổ biến bản văn này không, thì ĐHH Bergoglio trả lời là được.
Ngày 13.3.2013, ĐHY Ortega hỏi ĐHY Bergoglio một lần nữa, lúc đó đã được bầu làm Giáo hoàng rồi, và Đức tân Giáo hoàng đã cho phép. Vì thế, ngày 26.3, bản sao bản viết tay của ĐHY Bergoglio và bản chuyển sang tiếng Tây Ban Nha đã được đăng trên trang web « Palabra Nueva » của giáo phận La Havane.
Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu của ĐHY Bergoglio :
PHÚC ÂM HÓA CÁC VÙNG NGOẠI VI
Chúng ta đã nói về việc Phúc Âm hóa. Đó là lý do hiện hữu của Giáo hội. « Niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc loan báo Tin Mừng » (Phaolô VI). Chính Chúa Giêsu-Kitô thúc đẩy chúng ta từ bên trong.
1) Phúc Âm hóa ngụ ý một nhiệt huyết tông đồ. Phúc Âm hóa giả thiết trong Giáo hội sự « parrhésia » (* gan dạ) ra khỏi chính mình. Giáo Hội được mời gọi ra khỏi chính mình và đi đến các vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, nhưng cả những vùng ngoại vi của cuộc sống : những vùng ngoại vi của mầu nhiệm tội lỗi, của sự đau khổ, của bất công, của sự thiếu hiểu biết và vắng mặt đức tin, những vùng ngoại vi của tư tưởng, của mọi hình thức khốn khổ.
2) Khi Giáo hội không ra khỏi chính mình để loan báo Tin Mừng, thì nó trở thành tự quy chiếu và như thế nó trở nên bệnh hoạn (ta có thể nghĩ đến người phụ nữ bị còng lưng mà Tin Mừng nói đến). Những điều xấu xa mà, suốt dòng thời gian, đã đánh vào các thể chế của Giáo hội, đều có cội rễ trong thái độ tự quy chiếu này, trong một thứ tự say mê bản thân có tính thần học nào đó. Trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu nói rằng Ngài đứng ở ngưỡng cửa và Ngài gọi. Dĩ nhiên, bản văn quy chiếu đến sự kiện rằng Chúa Giêsu đang ở bên ngoài, đứng ở cửa, và Ngài gõ cửa để bước vào…Nhưng, đôi khi, tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu gõ từ bên trong, để chúng ta để cho Ngài đi ra. Giáo hội tự quy chiếu muốn giữ Chúa Giêsu ở trong chính mình và nó không để cho Ngài đi ra.
3) Giáo hội, khi nó tự quy chiếu, mà không nhận thấy điều đó, nghĩ là đang sở hữu một ánh sáng riêng cho mình ; nó ngưng là « mysterium lunae » (huyền nhiệm của ánh trăng (**)) và gây nên sự xấu xa rất nghiêm trọng này là tính trần tục thiêng liêng (theo Henri de Lubac, đó là điều tệ hại nhất có thể xảy đến với Giáo hội) : lối sống để tự tôn vinh nhau này. Đơn giản hơn, có hai hình ảnh về Giáo hội : Giáo hội loan báo Tin Mừng ra khỏi chính mình, Giáo hội của « Dei Verbum religiose audiens et fidenter proclamans » [Giáo Hội kính cẩn lắng nghe và trung thành loan báo Lời Thiên Chúa – chú thích] ; hay là Giáo hội trần tục, sống nơi chính mình, bằng chính mình, cho chính mình. Điều đó phải soi sáng những thay đổi khả thể và những cải cách cần thực thi vì phần rồi các linh hồn.
4) Nghĩ đến vị Giáo hoàng sắp đến, cần có một người , qua việc chiêm ngắm và thờ lạy Chúa Giêsu-Kitô, trợ giúp Giáo hội ra khỏi chính mình và đi đến các vùng ngoại vi của cuộc sống, giúp Giáo hội trở thành người mẹ sinh hoa trái của “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc loan báo Tin Mừng”.
Rôma, 9/3/2013
——————-
(*) Sách GLGHCG, số 2778 (2828), giải thích : « từ “Parrhésia”, một thuật ngữ đặc biệt Kitô giáo muốn diễn tả tâm tình đơn sơ chân thành, lòng tin tưởng của người con, vui mừng an tâm, dạn dĩ nhưng khiêm nhu, xác tín là mình được yêu thương », ctnd.
(**) « Mysterium lunae » là một công thức mà các Giáo Phụ dùng đến từ thế kỷ thứ II để lưu ý rằng nó là bản chất đích thực của Giáo hội và đâu là phương thức hoạt động thích hợp với Giáo hội : như mặt trăng, thánh Ambrôsio khẳng định, « Giáo hội chiếu tỏa một ánh sáng vốn không phải là của Giáo hội , nhưng là ánh sáng của Chúa Kitô ». Theo Cyrille d’Alexandrie, « Giáo hội được tắm bởi ánh sáng thần linh của Chúa Kitô, là ánh sáng duy nhất tồn tại trong vương quốc các linh hồn. Do đó, chỉ có một ánh sáng duy nhất. Chính trong ánh sáng duy nhất này mà Giáo hội cũng chiếu sáng… »
——————-
Tý Linh
Theo Sandro Magister
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC