BẢN DỊCH THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI (Chương 7)

Written by lcd on Tháng Mười 18th, 2020. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Văn kiện Giáo Hội

CHƯƠNG VII

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ MỚI

  1. Tại nhiều vùng trên thế giới, cần có những nẻo đường hòa bình để chữa lành các vết thương hở miệng. Cũng cần có những người xây dựng hòa bình, những con người nam và nữ được chuẩn bị để làm việc một cách dũng cảm và sáng tạo, nhằm khởi xướng những tiến trình chữa lành và những sự gặp gỡ mới mẻ.

BẮT ĐẦU LẠI TỪ SỰ THẬT

  1. Sự gặp gỡ mới mẻ không có nghĩa là quay trở lại với thời gian trước khi xảy ra xung đột. Tất cả chúng ta đều thay đổi qua thời gian. Nỗi đau và sự xung đột làm thay đổi chúng ta. Chúng ta không còn dùng lối ngoại giao trống rỗng, kiểu cách giả vờ, lối nói hàng hai, sự giấu giếm các ý định, và những cung cách tỏ ra tử tế để che đậy thực tại. Những người vốn là kẻ thù hung hăng của nhau phải nói sự thật rõ ràng và đầy đủ với nhau. Họ phải học cách khai khẩn một ký ức đáng hối tiếc, biết chấp nhận quá khứ để không che mờ tương lai với những cắn rứt, những vấn đề, và những dự phóng của mình. Chỉ bằng cách dựa trên sự thật lịch sử của các biến cố thì người ta mới có thể có những cố gắng rộng rãi và bền bỉ để hiểu biết nhau và phấn đấu đạt được một tổng hợp mới, vì thiện ích của tất cả. Mọi “tiến trình hòa bình đều đòi sự dấn thân lâu dài. Đó là một nỗ lực kiên trì tìm kiếm sự thật và công lý, trân quí ký ức của các nạn nhân và từng bước mở lối tiến tới một niềm hy vọng chung mạnh mẽ hơn cả ước muốn trả thù”. (209) Như các giám mục Congo đã nói về một cuộc xung đột dai dẳng: “Các hiệp ước hòa bình trên giấy thì không đủ. Chúng ta sẽ phải đi xa hơn, bằng cách tôn trọng những đòi hỏi được biết sự thật về nguồn gốc của khủng hoảng dai dẳng này. Dân chúng có quyền biết điều gì đã xảy ra”. (210)
  2. “Quả thực, sự thật là một bạn đồng hành không thể tách rời của công lý và lòng thương xót. Cùng với nhau, cả ba đều thiết yếu để xây dựng hòa bình; hơn nữa, mỗi thành tố giúp giữ cho các thành tố kia không bị thay thế… Sự thật không nên dẫn tới oán hận, nhưng đúng hơn nên dẫn tới hòa giải và tha thứ. Sự thật có nghĩa là nói với các gia đình bị xé nát bởi hoàn cảnh đau thương về điều gì đã xảy ra cho những người thân mất tích của họ. Sự thật có nghĩa là thú nhận những gì đã xảy ra cho các trẻ em vị thành niên bị tuyển dụng bởi những kẻ độc ác và bạo lực. Sự thật có nghĩa là nhận ra nỗi thống khổ của các phụ nữ là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng… Mỗi hành động bạo lực chống lại một con người là một vết thương trên da thịt của nhân loại; mỗi cái chết do bạo lực làm cho chúng ta bị suy thoái trong tư cách là một dân… Bạo lực dẫn tới bạo lực nhiều hơn, oán ghét sinh ra thêm oán ghét, giết người gây thêm giết người. Chúng ta phải bẻ gãy cái vòng tưởng chừng như không thể thoát được này”. (211)

NGHỆ THUẬT VÀ KIẾN TRÚC CỦA HÒA BÌNH

  1. Con đường hòa bình không có nghĩa là làm cho xã hội thành đồng nhất một cách đơn điệu, nhưng làm cho người ta sát cánh làm việc với nhau, theo đuổi những mục tiêu phục vụ mọi người. Rất nhiều đề nghị thực tiễn đa dạng và những kinh nghiệm khác nhau có thể giúp đạt được các mục đích chung và phục vụ cho công ích. Các vấn đề mà một xã hội đang kinh nghiệm cần phải được nhận diện rõ ràng, để có thể nhận thức sự tồn tại của những cách hiểu khác nhau và việc giải quyết chúng. Con đường hiệp nhất xã hội luôn luôn giả thiết sự nhìn nhận rằng người khác có thể có một quan điểm chính đáng, ít nhất một phần, tức một cái gì đó đáng để đóng góp, ngay cả dù họ ở trong sai lầm hay hành động cách tệ hại. “Chúng ta đừng bao giờ giam hãm người khác nơi những gì họ đã nói hay đã làm, nhưng phải đánh giá họ theo triển vọng đang có nơi họ”, (212) một triển vọng luôn luôn mang theo với nó một tia lửa của niềm hy vọng mới.
  2. Các giám mục Nam Phi đã chỉ ra rằng sự hòa giải đích thực có thể đạt được một cách chủ động, “bằng cách hình thành một xã hội mới, một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác, thay vì mong muốn thống trị họ; một xã hội dựa trên việc chia sẻ với người khác những gì mình có, thay vì mỗi người cứ ích kỷ giành giựt càng nhiều của cải càng tốt; một xã hội trong đó giá trị của việc liên kết với nhau trong tư cách là những con người thì rốt cục quan trọng hơn là các nhóm nhỏ, dù đó là gia đình, quốc gia, chủng tộc hay văn hóa”. (213) Như các giám mục Hàn Quốc đã nói rõ, hòa bình đích thực “chỉ có thể đạt được khi chúng ta đấu tranh cho công lý qua đối thoại, tìm kiếm sự hòa giải, và giúp nhau phát triển”. (214)
  3. Làm việc để vượt qua các chia rẽ của chúng ta mà không đánh mất căn tính của mình xét như những cá nhân, điều này giả thiết rằng mọi người phải có một cảm thức thuộc về cách căn bản. Thật vậy, “xã hội sẽ được ích lợi khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội thật sự cảm thấy an nhiên. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cháu đều cảm thấy an nhiên; không ai bị loại trừ. Nếu một ai đó có vấn đề, ngay cả một vấn đề hệ trọng, dù người đó đã tự xoay xở, những người khác trong gia đình đến trợ giúp; họ nâng đỡ người ấy. Các vấn đề của người ấy là của cả nhà… Trong các gia đình, mọi người đóng góp cho mục đích chung; mọi người làm việc cho thiện ích chung, mà không phủ nhận cá thể tính của mỗi người, nhưng khích lệ và nâng đỡ nó. Họ có thể cãi nhau, nhưng vẫn có một cái gì đó không thay đổi: đó là mối ràng buộc gia đình. Những tranh cãi trong gia đình luôn luôn sẽ được giải quyết với thời gian. Những niềm vui và nỗi buồn của mỗi thành viên được cảm nhận bởi cả nhà. Đó là ý nghĩa của gia đình! Ước gì chúng ta có thể nhìn các đối thủ chính trị hay các người láng giềng cùng một cách như chúng ta nhìn con cái hay vợ chồng, hay cha mẹ mình! Sẽ tốt đẹp biết bao! Chúng ta có yêu mến xã hội không, hay xã hội vẫn là một cái gì xa xa, một cái gì vô danh và không liên quan đến chúng ta, một cái gì mà chúng ta không dấn thân cho nó?” (215)
  4. Việc thương lượng thường trở nên cần thiết để hình thành những nẻo đường cụ thể đi đến hòa bình. Nhưng các tiến trình thay đổi để dẫn tới hòa bình bền vững thì trước hết được tạo ra bởi các dân tộc; mỗi cá nhân có thể hành động như một nắm men hữu hiệu qua cách sống của mình mỗi ngày. Những thay đổi lớn không được sản xuất ở các bàn giấy hay trong các văn phòng. Điều này có nghĩa rằng “mọi người có một vai trò nền tảng để đảm nhận trong một dự án lớn đầy sáng tạo: đó là dự án viết một trang sử mới, một trang đầy hy vọng, hòa bình và hòa giải”. (216) Có một “kiến trúc” hòa bình, trong đó các cơ chế xã hội khác nhau đều góp phần, theo lãnh vực chuyên môn riêng, nhưng cũng có một “nghệ thuật” hòa bình liên can đến tất cả chúng ta. Từ những tiến trình hòa bình khác nhau đã diễn ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, “chúng ta đã học biết rằng những cách kiến tạo hòa bình ấy, những cách đặt lý trí trên sự oán hận, những cách hòa hợp tế nhị giữa chính trị và luật pháp, thì không thể bỏ qua sự liên can của dân chúng. Hòa bình không đạt được bằng những khung qui chuẩn và những dàn xếp có tính cơ chế giữa các nhóm kinh tế hay chính trị có thiện chí… Sẽ luôn là điều hữu ích việc tháp nhập vào các tiến trình hòa bình của chúng ta kinh nghiệm của những thành phần vốn thường bị bỏ qua, để chính các cộng đồng có thể tác động đến sự phát triển của một ký ức tập thể”. (217)
  5. Việc xây dựng hòa bình trong xã hội của một quốc gia không bao giờ kết thúc; đúng hơn, đó là “một công cuộc trường kỳ, đòi hỏi sự dấn thân của mọi người, và nó thách đố chúng ta cần mẫn làm việc để xây dựng sự hiệp nhất của đất nước. Bất kể những cản trở, những khác biệt và những nhãn giới khác nhau trên con đường mưu cầu sự chung sống hòa bình, công cuộc này mời gọi chúng ta kiên trì đấu tranh để thăng tiến một ‘nền văn hóa gặp gỡ’. Điều này yêu cầu chúng ta phải dành vị trí trung tâm của mọi hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế cho nhân vị con người, vốn có phẩm giá cao nhất, và phải tôn trọng công ích. Ước gì quyết tâm này giúp chúng ta tránh được cái cám dỗ báo thù và sự thỏa mãn những lợi ích cục bộ và nhất thời”. (218) Những cuộc biểu tình bạo lực công khai, từ phía này hay phía khác, sẽ không giúp tìm ra các giải pháp. Chính bởi vì, như các giám mục Colombia đã ghi nhận đúng đắn: “các nguồn gốc và các mục đích của biểu tình dân sự thì không luôn luôn rõ ràng; một số hình thức thao túng chính trị có mặt trong đó, và trong một số trường hợp người ta bị khai thác cho những lợi ích phe phái”. (219)

Bắt đầu với những người rốt hết

  1. Việc xây dựng tình thân hữu xã hội không chỉ đòi quan hệ hữu nghị giữa các nhóm đã từng là phe phái khác nhau vào một giai đoạn bất ổn nào đó trong lịch sử, nhưng cũng đòi một sự gặp gỡ mới mẻ với những thành phần nghèo nàn và yếu ớt nhất của xã hội. Vì hòa bình “không chỉ là vắng chiến tranh, nhưng là một sự dấn thân không mệt mỏi – nhất là đối với những người có trách nhiệm nhiều hơn trong chúng ta – để nhìn nhận, bảo vệ và phục hồi một cách cụ thể phẩm giá vốn thường bị bỏ qua của các anh chị em chúng ta, để họ có thể thấy chính họ là những tác nhân chủ yếu của định mệnh đất nước mình”. (220)
  2. Rất thường, những thành viên yếu ớt nhất của xã hội là những nạn nhân của những sự khái quát hóa có tính bất công. Nếu có những lúc người nghèo và những người vô sản phản ứng với những thái độ có vẻ như phản xã hội, chúng ta nên nhận ra rằng trong nhiều trường hợp những phản ứng ấy phát xuất từ một lịch sử bị xã hội khinh miệt và bị loại trừ. Các giám mục Mỹ La tinh đã ghi nhận rằng “chỉ sự gần gũi làm cho chúng ta thành bạn hữu mới có thể giúp chúng ta biết trân trọng sâu xa các giá trị của người nghèo hôm nay, các mong ước chính đáng của họ, và cách sống đức tin của họ. Việc chọn lựa người nghèo phải dẫn chúng ta đến tình thân hữu với người nghèo”. (221)
  3. Những người làm việc thúc đẩy sự sống chung hòa bình phải đừng bao giờ quên rằng sự bất bình đẳng và tình trạng thiếu phát triển nhân bản toàn diện làm cho chúng ta không thể đạt được hòa bình. Thật vậy, “nếu không có sự bình đẳng về các cơ hội, những hình thức quá khích và xung đột khác nhau sẽ tìm thấy một mảnh đất màu mỡ để lớn lên và cuối cùng bùng nổ. Khi một xã hội – dù cấp địa phương, quốc gia hay toàn cầu – sẵn sàng bỏ một phần của nó ra ngoài lề, thì không có chương trình chính trị hay nguồn tài chánh nào cho việc củng cố luật pháp và các hệ thống cảnh sát có thể bảo đảm trật tự an ninh mãi được”. (222) Nếu chúng ta phải bắt đầu lại, thì luôn luôn phải bắt đầu từ những người rốt hết trong các anh chị em của chúng ta.

GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA THA THỨ

  1. Có những người không thích nói về hòa giải, vì họ nghĩ rằng xung đột, bạo lực và đổ vỡ là một phần của sự vận hành bình thường của xã hội. Trong bất cứ nhóm người nào cũng luôn sẽ có tranh chấp quyền lực cách tế nhị nhiều hay ít giữa các thành phần / đảng phái khác nhau. Những người khác nghĩ rằng việc cổ võ sự tha thứ có nghĩa là chịu nhường sân và nhường ảnh hưởng cho những người khác. Vì thế, họ cảm thấy tốt hơn nên giữ mọi sự y như thế, duy trì một sự cân bằng sức mạnh giữa các nhóm khác nhau. Vẫn có những người khác nữa tin rằng hòa giải là dấu hiệu của yếu nhược; vì không có khả năng đối thoại thực sự nghiêm túc, họ chọn tránh các vấn đề bằng cách không quan tâm đến những bất công. Không thể giải quyết các vấn đề, họ chọn một thứ hòa bình biểu kiến thôi.

Xung đột không tránh được

  1. Tha thứ và hòa giải là những chủ đề trung tâm trong Kitô giáo, và cách nào đó cũng thấy trong các tôn giáo khác nữa. Nhưng có nguy cơ rằng một cách nhận hiểu và trình bày không phù hợp về những xác tín thâm sâu ấy có thể dẫn đến thuyết định mệnh, sự lãnh đạm và bất công, hay thậm chí thái độ bất bao dung và bạo lực.
  2. Chúa Giêsu không bao giờ cổ võ bạo lực và tinh thần bất bao dung. Người công khai tố cáo việc sử dụng sức mạnh để nắm quyền lực trên người khác: “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20,25-26). Thay vào đó, Tin Mừng bảo chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) và cung cấp một ví dụ về người đầy tớ độc ác được tha thứ, nhưng đến lượt mình thì không có khả năng tha thứ cho kẻ khác (x. Mt 18,23-35).
  3. Đọc các bản văn khác của Tân Ước, chúng ta có thể nhận thấy các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai sống trong thế giới dân ngoại đầy những sự hư hỏng và lộn xộn, đã tìm cách cho thấy sự kiên nhẫn vững vàng, tinh thần bao dung và cảm thông. Một số bản văn rất rõ ràng về khía cạnh này: chúng ta được dạy phải đáp trả những kẻ chống đối mình “với sự hiền hòa” (2Tm 2,25) và được khuyến khích “không nói xấu ai, tránh cãi vã, cư xử hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người. Vì chính chúng ta đã từng ngu xuẩn” (Tt 3,2-3). Sách Công vụ Tông đồ ghi nhận rằng các môn đệ, dù bị bách hại bởi một số nhà cầm quyền, “đã được toàn dân thương mến” (2,47; x. 4,21.33; 5,13).
  4. Nhưng khi suy tư về sự tha thứ, hòa bình, và hòa hợp xã hội, chúng ta cũng gặp những lời gây sốc của Chúa Kitô: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36). Những lời này cần phải được hiểu trong văn mạch, ở đó thật rõ Chúa Giêsu đang nói về sự trung tín của chúng ta trong quyết định đi theo Người; chúng ta không được xấu hổ với quyết định đó, dù cho có những thử thách đủ loại, và dù cho những người thân yêu nhất của chúng ta không chấp nhận điều đó. Những lời của Chúa Kitô không khuyến khích chúng ta tìm kiếm xung đột, nhưng đơn giản là chịu đựng nó khi không tránh được, để việc tôn trọng người khác (nhằm giữ hòa thuận trong gia đình, xã hội) sẽ không chi phối đến sự trung tín của chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II nhận định rằng Giáo hội “không có ý lên án mọi hình thức xung đột xã hội. Giáo hội ý thức rõ rằng trong dòng lịch sử, những xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội khác nhau không thể tránh xảy ra, và rằng đứng trước những xung đột như thế, các Kitô hữu thường phải có một lập trường, cách chân thành và dứt khoát”. (223)

Xung đột chính đáng và sự tha thứ

  1. Điều này cũng không có nghĩa là kêu gọi tha thứ khi đó là chuyện người ta bác bỏ các quyền của chúng ta, chuyện đương đầu với các quan chức tham nhũng, các tội phạm hay những ai sỉ nhục phẩm giá chúng ta. Chúng ta được kêu gọi yêu thương mọi người, không trừ ai; đồng thời, việc yêu thương một kẻ áp bức không có nghĩa là cho phép kẻ ấy tiếp tục áp bức mình, hay cho phép kẻ ấy nghĩ rằng điều y làm có thể được chấp nhận. Trái lại, tình yêu đích thực đối với một kẻ áp bức có nghĩa là tìm cách làm cho y ngừng việc áp bức ấy; nó có nghĩa là tước khỏi y quyền lực mà y đã không biết cách sử dụng, và quyền lực ấy làm giảm tính người của y cũng như của những người khác. Tha thứ không phải là cho phép những kẻ áp bức tiếp tục chà đạp lên phẩm giá của chính họ và của người khác, hay để cho những kẻ tội phạm tiếp tục phạm tội ác. Những ai bị đối xử bất công phải kiên quyết bảo vệ các quyền của mình và của gia đình mình, chính vì họ phải trân trọng phẩm giá mà họ đã nhận được như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa. Nếu một kẻ tội phạm đã hại tôi hay một người thân yêu của tôi, không ai có thể cấm tôi đòi công lý và tìm cách để bảo đảm rằng kẻ ấy – hay bất cứ ai khác – sẽ không hại tôi hay những người khác nữa. Điều đó hoàn toàn công bằng; sự tha thứ không cấm mà thực sự yêu cầu tôi làm điều đó.
  2. Điều quan trọng là không chọc khuấy giận dữ, điều vốn không tốt cho linh hồn chúng ta và linh hồn của những người khác, và cũng đừng bị ám ảnh với việc trả thù và hủy diệt người khác. Không ai đạt được sự bình an nội tâm hay trở về với một đời sống bình thường bằng cách đó. Sự thật là “không có gia đình nào, không có nhóm láng giềng hay nhóm sắc tộc nào, càng không có quốc gia nào có một tương lai nếu cái lực liên kết họ, giữ họ với nhau và giải quyết các khác biệt của họ lại là sự óan thù và đố kỵ. Chúng ta không thể dàn xếp và liên kết với nhau để báo thù, hoặc đáp trả người khác bằng chính thứ bạo lực mà họ đã đối xử với mình, hoặc gài bẫy để trả đũa dưới danh nghĩa hợp pháp”. (224) Ta không đạt được điều gì tốt đẹp bằng cách thức này, và cuối cùng, sẽ mất tất cả.
  3. Chắc chắn “không dễ vượt qua cái di sản cay đắng của những bất công, hung hăng và nghi ngờ do sự xung đột để lại. Chỉ có cách là chế ngự sự dữ bằng sự thiện (x. Rm 12,21) và bằng cách vun xới những nhân đức thúc đẩy sự hòa giải, liên đới và hòa bình”. (225) Bằng cách này, “những người nuôi dưỡng sự thiện hảo trong trái tim mình sẽ nhận thấy rằng những sự thiện ấy sẽ đem lại một lương tâm an ổn và niềm vui thâm sâu, ngay cả giữa những khó khăn và những hiểu lầm. Ngay cả khi bị lăng nhục, sự thiện không bao giờ yếu đi, mà đúng hơn nó cho thấy sức mạnh của nó ở chỗ từ chối trả thù”. (226) Mỗi người chúng ta cần nhận ra rằng “ngay cả sự bức xúc trong lòng tôi đối với người anh chị em mình, vết thương toang hoác ấy chưa bao giờ lành, sự xúc phạm ấy chưa bao giờ được tha thứ, nỗi cay đắng này đang làm tổn thương tôi… tất cả đều là những tình huống cho một cuộc đấu tranh diễn ra trong tôi, một ngọn lửa nhỏ trong sâu tâm hồn tôi cần phải bị dập tắt trước khi nó chuyển thành một đám cháy lớn”. (227)

Cách tốt nhất để bước tới

  1. Khi các xung đột không được giải quyết nhưng bị giấu kín hay vùi lấp đi trong quá khứ, thinh lặng có thể dẫn tới sự đồng lõa trong những việc làm sai trái và tội lỗi nghiêm trọng. Sự hòa giải đích thực không trốn tránh xung đột, nhưng đạt được trong xung đột, giải quyết nó xuyên qua đối thoại và thương lượng kiên trì, chân thành và cởi mở. Xung đột giữa các nhóm khác nhau – “nếu kiềm chế được sự thù địch và căm ghét nhau – sẽ dần dần đổi thành một cuộc thảo luận chân thành về những khác biệt, đặt nền trên một khát vọng công lý”. (228)
  2. Trong nhiều dịp, tôi đã nói về “một nguyên tắc tất yếu để xây dựng tình thân hữu trong xã hội: đó là, hiệp nhất thì hơn xung đột… Đây không phải là chọn một loại chủ trương hổ lốn, hay bên này bị hút bởi bên kia, nhưng đúng hơn đây là một giải pháp xảy ra ở một bình diện cao hơn, và bảo tồn được những gì có hiệu lực và có ích ở cả hai phía”. (229) Tất cả chúng ta biết rằng “khi chúng ta, trong tư cách cá nhân và cộng đồng, học cách nhìn quá chính mình và những lợi ích riêng của mình, thì sự hiểu biết và dấn thân cho nhau sẽ sinh hoa trái… trong một khung cảnh mà ở đó các xung đột, căng thẳng, và ngay cả các nhóm đã từng được coi là thù địch, có thể đạt được một sự hiệp nhất đa diện giúp làm phát sinh sự sống mới”. (230)

KÝ ỨC    

  1. Đối với những người đã hứng chịu nhiều đau khổ do bất công và tàn nhẫn, thì không được đòi hỏi họ một loại “tha thứ xã hội” nào đó. Hòa giải là một hành động cá nhân, và không ai có thể áp đặt nó trên toàn thể một xã hội, cho dù nhu cầu thúc đẩy điều đó lớn đến mấy đi nữa. Bằng một cách rất riêng tư, do một quyết định quảng đại và tự nguyện, một người nào đó có thể chọn không đòi hỏi sự trừng phạt (x. Mt 5,44-46), ngay cả dù điều này được đòi hỏi cách hoàn toàn chính đáng bởi xã hội và hệ thống tư pháp của nó. Tuy nhiên, không thể công bố một “sự hòa giải toàn thể” bằng cách dùng một lời tuyên bố để đóng các vết thương lại, hay cố gắng chôn lấp các bất công bằng một ‘phù phép lãng quên”. Ai có thể có quyền tha thứ nhân danh những người khác? Thật cảm kích khi ta nhìn thấy sự tha thứ được thể hiện bởi những người có khả năng bỏ lại sau lưng sự thiệt hại mà họ đã phải chịu, nhưng cũng dễ cảm thông phận người trong trường hợp của những người không thể bỏ qua như thế. Trong mọi trường hợp, sự lãng quên không bao giờ là câu trả lời.
  2. Không được quên lãng Shoah (= nạn tàn sát người Do thái của Đức Quốc Xã). Nó mãi còn là biểu tượng cho thấy sự dữ của con người có thể đạt đến mức nào, khi mà bị kích động bởi những ý thức hệ sai lầm, người ta không nhận ra phẩm giá nền tảng của mỗi con người, là phẩm giá đáng được tôn trọng vô điều kiện, bất chấp nguồn gốc chủng tộc hay niềm tin tôn giáo”. (231) Mỗi khi tôi nghĩ về nạn tàn sát ấy, tôi không thể không lặp lại lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con trong lòng thương xót của Chúa. Xin ban cho chúng con ơn biết xấu hổ vì những gì chúng con đã làm, xấu hổ vì đã thờ ngẫu tượng kinh khủng này, vì đã khinh bỉ và hủy diệt chính cốt nhục của chúng con, mà chính Chúa đã làm ra từ đất, đã ban sự sống bằng hơi thở sự sống của Chúa. Đừng bao giờ nữa, Chúa ơi, đừng để như thế bao giờ nữa!”. (232)
  3. Chúng ta cũng không được quên những quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki. Một lần nữa, “tôi tưởng niệm tất cả các nạn nhân, và tôi nghiêng mình trước sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót qua những khoảnh khắc đầu tiên ấy, nhiều năm sau họ vẫn mang trên da thịt mình sự đau đớn khủng khiếp, và mang trong tinh thần mình những hạt giống của sự chết tiếp tục tiêu hao sức sống của họ… Chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai đánh mất ký ức về những gì đã xảy ra. Đó là một ký ức giúp bảo đảm và khích lệ việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn”. (233) Chúng ta cũng không được quên những cuộc bách hại, nạn buôn nô lệ, và những vụ tàn sát người bản xứ vẫn tiếp tục tại nhiều nước khác nhau, cũng như nhiều biến cố lịch sử khác nữa vẫn làm cho chúng ta xấu hổ về nhân loại của mình. Cần phải nhớ những biến cố ấy, nhớ lại luôn luôn. Chúng ta không bao giờ được trơ lì mất cảm xúc trước các biến cố ấy.
  4. Ngày nay, thật dễ bị cám dỗ để lật sang trang khác, để nói rằng mọi chuyện ấy xảy ra lâu rồi và ta nên nhìn về tương lai. Đừng như vậy, nhân danh Chúa! Chúng ta không bao giờ có thể tiến tới trước mà không hồi tưởng về quá khứ; chúng ta không tiến bộ nếu không có một ký ức trung thực và rõ ràng. Chúng ta cần “giữ sống động ngọn lửa của lương tâm tập thể, làm chứng cho các thế hệ theo sau về sự kinh dị của những gì đã xảy ra”, vì lời chứng ấy “đánh thức và bảo tồn ký ức về các nạn nhân, để lương tâm nhân loại có thể trổi dậy khi đứng trước mọi tham vọng thống trị và hủy diệt”. (234) Chính các nạn nhân – các cá nhân, các nhóm xã hội, và các quốc gia – cần phải làm như thế, để họ không đầu hàng trước cái tâm thức dẫn đến việc biện minh cho những sự trả đũa và mọi loại bạo lực nhân danh sự dữ lớn lao mà họ đã chịu. Vì lý do này, tôi nghĩ cần phải nhớ lại không chỉ những điều kinh tởm ấy, mà còn tất cả những ai – ở giữa sự phi nhân và tồi tệ như thế – đã giữ phẩm giá của mình, và với những cử chỉ lớn hay nhỏ, họ đã chọn đứng về phía liên đới, tha thứ và huynh đệ. Nhớ lại điều tốt lành cũng là một điều tốt lành.

Thứ tha nhưng không quên lãng

  1. Tha thứ không có nghĩa là quên lãng. Hay nói đúng hơn, đứng trước một thực tại không thể phủ nhận được, không thể giảm nhẹ hay che giấu được, thì sự tha thứ vẫn là điều có thể. Đứng trước một hành động không bao giờ có thể được chấp nhận, được biện minh hay bỏ qua, thì chúng ta vẫn có thể tha thứ. Đứng trước một điều gì đó không thể bị quên lãng vì bất cứ lý do nào, chúng ta vẫn có thể tha thứ. Nếu tha thứ là nhưng không, thì nó có thể được thể hiện ngay cả cho một người không hối hận và không có khả năng xin sự tha thứ.
  2. Ai tha thứ thực sự thì không quên lãng. Thay vào đó, họ chọn không chịu thua chính cái lực hủy diệt đã gây cho họ quá nhiều đau khổ. Họ phá vỡ cái vòng ác nghiệt; họ chặn đứng sự lấn tới của các lực tàn phá. Họ chọn không làm lan tràn trong xã hội cái tinh thần trả thù mà sớm hay muộn nó sẽ quay lại đòi trả giá. Sự trả thù không bao giờ thực sự làm thỏa mãn các nạn nhân. Một số tội ác thì kinh khủng và tàn độc đến nỗi hình phạt đối với những người gây ra chúng không đền bù được sự thiệt hại. Ngay cả việc tử hình kẻ phạm tội cũng sẽ không đủ, cũng không có bất cứ hình thức hành hạ nào là tương xứng với những đau khổ đã gây ra cho nạn nhân. Trả thù không giải quyết được gì cả.
  3. Điều này không có nghĩa là miễn hình phạt. Công lý được tìm kiếm cách đúng đắn chỉ từ tình yêu đối với chính công lý, từ lòng tôn trọng đối với các nạn nhân, như một cách phòng tránh những tội ác mới và bảo vệ công ích, chứ không phải như một nút xả trút giận. Sự tha thứ mới chính là cái giúp chúng ta theo đuổi công lý mà không rơi vào vòng xoáy của báo thù hay sự bất công của việc quên lãng.
  4. Khi các bất công xảy ra ở cả hai phía, thì thật quan trọng việc xem xét kỹ liệu chúng có hệ trọng như nhau, hay hơn kém nhau cách nào đó. Bạo lực gây ra bởi nhà nước, với việc sử dụng các cơ cấu và quyền lực, thì không ở trên cùng bình diện như bạo lực do các nhóm riêng biệt nào đó. Trong mọi tình huống, người ta không thể nói rằng những đau khổ do bất công của chỉ một bên cần phải được ghi nhớ. Các giám mục Croatia đã tuyên bố rằng “chúng ta mắc nợ cùng một lòng kính trọng đối với mọi nạn nhân vô tội. Không thể có những khác biệt do chủng tộc, quốc gia, tôn giáo hay đảng phái”. (235)
  5. Tôi cầu xin Thiên Chúa “giúp chuẩn bị cho con tim chúng ta để gặp gỡ anh chị em mình, để chúng ta có thể vượt qua những khác biệt cắm rễ trong quan điểm chính trị, trong ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy xin Chúa xức dầu toàn thể con người chúng ta với thứ dầu lòng thương xót của Người, dầu sẽ chữa lành các thương tích gây ra bởi những sai lỗi, những hiểu lầm và những tranh chấp. Và chúng ta hãy xin Chúa sai chúng ta đi, trong khiêm nhường và hiền lành, trên con đường tìm kiếm hòa bình rất cam go nhưng cũng thật phong phú”. (236)

CHIẾN TRANH VÀ ÁN TỬ HÌNH

  1. Có hai tình huống cực đoan có thể được người ta xem là những giải pháp cho các trường hợp đặc biệt, mà không nhận ra rằng chúng là những giải pháp sai lầm, không giải quyết được những vấn đề chúng muốn giải quyết, và cuối cùng chẳng khác gì đưa thêm những yếu tố hủy diệt vào khung cảnh xã hội toàn cầu và quốc gia. Đó là chiến tranh và án tử hình.

Sự bất công của chiến tranh

  1. “Lòng kẻ mưu điều ác chất đầy chuyện lừa đảo, người cổ võ hoà bình được chan chứa niềm vui” (Cn 12,20). Tuy nhiên có những người tìm các giải pháp trong chiến tranh, thường được bồi thêm bởi một sự đổ vỡ mối quan hệ, những tham vọng thống trị, những lạm dụng quyền lực, nỗi sợ những người khác, và khuynh hướng nhìn sự đa dạng như một chướng ngại. (237) Chiến tranh không phải là một con ma của thời đã qua, mà là một mối đe dọa thường hằng. Thế giới chúng ta đang gặp ngày càng nhiều khó khăn hơn trên hành trình chậm chạp tìm kiếm hòa bình, hành trình vốn đã được khởi động và cũng đã bắt đầu có những hoa trái.
  2. Vì các điều kiện gây bùng nổ chiến tranh một lần nữa lại đang gia tăng, tôi chỉ muốn nhắc lại rằng “chiến tranh là sự phủ nhận mọi lẽ phải và là một sự tấn công khủng khiếp vào môi trường. Nếu chúng ta muốn sự phát triển nhân bản toàn diện cho mọi người, chúng ta phải nỗ lực không mệt mỏi để tránh chiến tranh giữa các quốc gia và các dân tộc. Để đạt mục đích này, cần phải bảo đảm nền pháp trị vững vàng và luôn luôn tìm kiếm thương lượng, vai trò trung gian và trọng tài, như được đề ra trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là qui chuẩn pháp lý nền tảng thực sự”. (238) Bảy mươi lăm năm kể từ sự kiện thành lập Liên Hiệp Quốc và kinh nghiệm từ hai mươi năm đầu tiên của thiên niên kỷ này đã cho thấy rằng việc áp dụng đầy đủ các qui chuẩn quốc tế sẽ đem lại hiệu quả thực sự, và việc không tôn trọng các qui chuẩn ấy sẽ rất tai hại. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, khi được tuân thủ và áp dụng cách minh bạch và chân thành, là một điểm qui chiếu bắt buộc của công lý và là một kênh dẫn tới hòa bình. Ở đây không có chỗ cho việc ngụy trang những ý hướng sai lầm hay việc đặt các lợi ích cục bộ của một quốc gia hay một nhóm lên trên lợi ích chung toàn cầu. Nếu các qui tắc chỉ được xem là phương tiện để dùng khi thấy có lợi, và khi không có lợi thì chúng bị phớt lơ, thì những sức mạnh không thể kiểm soát được sẽ bung ra và gây thiệt hại trầm trọng cho các xã hội, cho người nghèo và những người yếu ớt, cho các mối quan hệ huynh đệ, cho môi trường và cho các kho tàng văn hóa, với những mất mát không bù đắp được cho cộng đồng thế giới.
  3. Người ta dễ dàng chọn chiến tranh bằng cách nại đến đủ thứ lý do như nhân đạo, tự vệ hay ngăn ngừa, và thậm chí bằng cách bóp méo thông tin. Trong những thập niên gần đây, mọi cuộc chiến tranh đều được “biện minh” cách chiếu lệ. Giáo lý Giáo hội Công giáo nói về khả năng phòng vệ chính đáng bằng phương tiện vũ trang quân sự, và cho thấy rõ rằng một số “điều kiện nghiêm ngặt cho tính chính đáng về luân lý” (239) phải được đáp ứng. Nhưng thật dễ rơi vào một sự giải thích quá rộng về cái quyền có tính tiềm năng này. Ví dụ, một số người sẽ biện minh cách sai trái ngay cả những cuộc tấn công “phòng vệ”, hay những hành động chiến tranh vốn khó tránh, họ gây ra “những sự dữ và hỗn loạn trầm trọng hơn cả sự dữ cần được loại trừ”. (240) Vấn đề là sự phát triển các vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, và những khả năng to lớn ngày càng được cung ứng bởi các công nghệ mới, đã trao cho chiến tranh một sức mạnh hủy diệt không thể kiểm soát được trên vô số người dân vô tội. Sự thật là “chưa bao giờ nhân loại có sức mạnh như thế trên chính mình, nhưng không có gì bảo đảm rằng sức mạnh ấy sẽ được sử dụng một cách khôn ngoan”. (241) Chúng ta không còn có thể nghĩ về chiến tranh như một giải pháp, bởi vì sự nguy hiểm của nó xem ra luôn luôn lớn hơn những ích lợi được kỳ vọng của nó. Trong nhãn giới này, ngày nay thật khó nêu lên những tiêu chuẩn lý tính vốn được trình bày rõ trong các thế kỷ trước để nói về khả năng của một cuộc “chiến tranh chính đáng”. Đừng bao giờ chiến tranh nữa! (242)
  4. Cần phải nói thêm rằng với hiện tượng toàn cầu hóa ngày càng tăng, điều có vẻ như một giải pháp trực tiếp và thực tiễn, đó là một vùng của thế giới phát động một chuỗi bạo lực và các hậu quả thường tiềm ẩn của nó rốt cục sẽ phá hại toàn thể hành tinh, và mở đường cho những cuộc chiến tranh khác tệ hại hơn trong tương lai. Trong thế giới ngày nay, không còn những sự bùng nổ chiến tranh chỉ cô lập tại nước này hay nước khác; thay vào đó, chúng ta đang kinh nghiệm “một cuộc chiến tranh thế giới từng phần”, vì vận mạng của các quốc gia được nối kết mật thiết với nhau trong khung cảnh toàn cầu.
  5. Như cách diễn tả của Thánh Gioan XXIII: “Không còn ý nghĩa gì việc khẳng định chiến tranh là một công cụ thích hợp để sửa chữa những vi phạm công lý”. (243) Khi nêu điều này giữa bầu khí thế giới rất căng thẳng, ngài đã nói lên khát vọng hòa bình ngày càng được thấy rõ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Ngài ủng hộ niềm tin rằng những lý do cho hòa bình thì mạnh hơn bất cứ sự tính toán lợi ích riêng nào, và mạnh hơn lòng tin đặt vào việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, các cơ hội có được lúc kết thúc Chiến tranh Lạnh đã không được nắm bắt thích đáng, do thiếu một tầm nhìn về tương lai và thiếu một ý thức về vận mệnh chung của chúng ta. Vì thế, bóng ma đáng sợ của chiến tranh lại bắt đầu có cơ hội mới của nó.
  6. Mọi cuộc chiến tranh đều làm cho thế giới chúng ta tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một sự khuất phục đau đớn trước những sức mạnh của sự dữ. Chúng ta đừng cứ miệt mài trong những tranh luận thuần lý thuyết, nhưng hãy chạm đến thân thể đầy thương tích của các nạn nhân. Chúng ta hãy một lần nữa nhìn vào tất cả những người dân mà việc họ bị giết chết được coi như “thiệt hại thứ cấp”. Chúng ta hãy hỏi chính các nạn nhân ấy. Chúng ta hãy nghĩ về những người tị nạn và những người bị xua đuổi, những người đã hứng chịu các hậu quả của phóng xạ nguyên tử hay của những cuộc tấn công hóa học, những người mẹ mất con mình, và những đứa trẻ bị thương tật hay bị tước mất tuổi thơ của chúng. Chúng ta hãy nghe những câu chuyện thực của các nạn nhân này của bạo lực, hãy nhìn thực tại bằng con mắt của họ, và mở lòng ra lắng nghe các câu chuyện họ kể. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể nắm hiểu được sự dữ của chiến tranh khủng khiếp dường nào. Và chúng ta cũng sẽ không bối rối khi bị coi là ngây thơ vì chọn lựa hòa bình.
  7. Các qui tắc tự chúng sẽ không đủ, nếu chúng ta tiếp tục nghĩ rằng giải pháp cho các vấn đề hiện nay là việc người ta chùn tay lại vì lo sợ, hay sự đe dọa của các vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học. Thật vậy, “nếu chúng ta xem xét các đe dọa chủ yếu đối với hòa bình và an ninh, với nhiều chiều kích của chúng trong thế giới đa cực này của thế kỷ 21, chẳng hạn như nạn khủng bố, những xung đột không cân sức, an ninh mạng, các vấn đề môi trường, sự nghèo đói… thì sẽ nổi lên không ít nghi ngờ rằng thật không thích đáng nếu coi nỗi sợ vũ khí hạt nhân như là giải pháp hữu hiệu cho những thách đố ấy. Những bận tâm này thậm chí càng lớn hơn khi chúng ta xem xét các hậu quả về môi trường và về thảm họa nhân đạo gây ra bởi bất cứ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào, với những tác động hủy diệt toàn diện và không thể kiểm soát, trong thời gian và không gian… Chúng ta cũng cần tự hỏi làm sao có thể tin cậy một sự ổn định dựa trên sự sợ hãi, khi thực ra nó làm gia tăng nỗi sợ và làm xói mòn các mối tương quan tin tưởng giữa các dân tộc. Hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm giác an toàn giả tạo, dựa trên sự đe dọa hủy diệt lẫn nhau hay xóa sạch tất cả, hoặc dựa trên duy chỉ việc giữ thế cân bằng quyền lực… Trong bối cảnh này, mục tiêu cuối cùng là loại trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân trở thành vừa là một thách đố vừa là một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo… Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng hơn và hiện tượng toàn cầu hóa có nghĩa rằng bất cứ sự đáp trả nào đối với sự đe dọa của vũ khí hạt nhân phải có tính tập thể và phối hợp, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng này chỉ có thể được xây dựng xuyên qua việc đối thoại được định hướng phục vụ công ích, chứ không phải nhằm bảo vệ những lợi ích riêng hay được che đậy”. (244) Với số tiền chi tiêu cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thiết lập một quĩ toàn cầu (245) có thể cuối cùng chấm dứt nạn đói và hỗ trợ cho sự phát triển tại những nước nghèo nhất, để người dân ở đó sẽ không phải dùng đến những giải pháp bạo lực hay ảo vọng, hay phải bỏ đất nước mình để tìm kiếm một đời sống có phẩm giá hơn.

Án tử hình

  1. Vẫn có một cách khác nữa để loại trừ người khác, không nhắm các quốc gia mà nhắm các cá nhân. Đó là án tử hình. Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng án tử hình là điều không thích đáng xét theo một quan điểm luân lý, và không còn cần thiết xét theo quan điểm tư pháp hình sự. (246) Chúng ta không thể thoái lui khỏi lập trường này. Ngày nay chúng ta tuyên bố rõ ràng rằng “án tử hình là điều không thể chấp nhận” (247) và Giáo hội dấn thân mạnh mẽ để kêu gọi hủy bỏ nó trên toàn thế giới. (248)
  2. Trong Tân Ước, khi các cá nhân được yêu cầu không tự ý mình đòi công lý (x. Rm 12,17.19), cũng có một sự nhìn nhận rằng các nhà cầm quyền cần áp đặt các án phạt đối với những kẻ làm điều ác (x. Rm 13,4; 1Pr 2,14). Quả thật, “đời sống dân sự, được cấu trúc xung quanh một cộng đồng được tổ chức, cần những qui tắc cho việc sống chung, và sự cố tình vi phạm các qui tắc ấy cần phải được xử lý tương xứng”. (249) Điều này có nghĩa rằng thẩm quyền công cộng chính đáng có thể và phải “áp dụng các hình phạt tùy theo mức nghiêm trọng của tội phạm” (250), và quyền của tòa án phải được bảo đảm có “tính độc lập cần thiết trong lãnh vực pháp luật”. (251)
  3. Từ những thế kỷ đầu của Giáo hội, một số người rõ ràng chống lại án tử hình. Chẳng hạn, Lactantius chủ trương rằng “không có ngoại lệ nào cả; việc giết một con người luôn luôn là phi pháp”. (252) Đức giáo hoàng Nicholas I kêu gọi phải có các cố gắng để “tránh dùng án tử hình không chỉ đối với mỗi người vô tội, mà đối với tất cả những kẻ phạm tội nữa”. (253) Trong cuộc xét xử những kẻ sát hại hai linh mục, Thánh Augustinô đã xin quan tòa đừng lấy mạng sống của những kẻ giết người, với lý do: “Chúng tôi không phản đối việc quí vị tước sự tự do của những kẻ xấu này, để họ không phạm tội ác như thế nữa. Đúng hơn, điều mong ước của chúng tôi là công lý phải được thực hiện mà không tước đi mạng sống của họ, hay hủy hoại phần nào đó của thân thể họ. Và đồng thời, chúng tôi mong ước rằng bằng những biện pháp cưỡng chế theo luật định, họ sẽ chuyển từ kẻ cuồng nộ mất lý trí thành người điềm tĩnh và sáng suốt, từ kẻ làm những việc gian ác thành người hữu ích. Đây cũng được coi là một sự lên án, nhưng khi bạo lực hung hãn bị kiềm chế và những phương dược giúp hối cải được cung cấp, thì ai cũng thấy rằng nên xem xét một điều ích lợi, hơn là một biện pháp thuần túy trừng phạt… Đừng để cho sự tàn ác của tội lỗi của họ nung nấu một ao ước báo thù, nhưng thay vào đó nên ao ước chữa lành các thương tích mà những hành động ấy đã gây ra cho linh hồn họ”. (254)
  4. Sự sợ hãi và oán hận rất dễ dẫn tới việc nhìn hình phạt như một cách trả đũa và thậm chí độc ác, thay vì như một phần của một tiến trình chữa lành và tái hội nhập vào xã hội. Ngày nay, “trong một số khung cảnh chính trị, và một số phương tiện truyền thông, bạo lực công khai hay riêng tư, và sự oán hận được kích động, không chỉ chống lại những người phạm tội, mà chống lại cả những người bị nghi ngờ phạm pháp nữa, dù có chứng cứ hay không. Có khi người ta cố ý tạo ra các kẻ thù: những nhân vật ‘đối tượng’, tức những người tiêu biểu cho tất cả các tính cách mà xã hội hiểu và diễn dịch là đầy đe dọa. Các hệ thống qui trình tạo ra những hình ảnh này thì không khác các hệ thống đã cho phép truyền bá sự phân biệt chủng tộc vào thời trước”. (255) Điều này làm tăng thêm nguy hiểm cho cái biện pháp đang phổ biến tại một số nước, đó là giam giữ, bỏ tù người ta mà không qua xét xử, và đặc biệt là án tử hình.
  5. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng “thật không thể tưởng tượng các chính phủ ngày nay mà không có phương tiện nào khác hơn án tử hình để bảo vệ sự sống của mọi người trước những kẻ hung dữ quá khích”. Đặc biệt trầm trọng ở đây là những vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, đó là những vụ “cố ý giết người do một số nhà nước hay mật vụ của họ ra tay, thường được đưa tin kiểu như những vụ chạm súng với các tội phạm, hay được giải thích như là hậu quả ngoài ý muốn của việc dùng vũ lực đúng mức, cần thiết và có lý do, theo đúng qui định của pháp luật”. (256)
  6. “Các lý do chống lại án tử hình thì có rất nhiều và cũng được nhiều người biết đến. Giáo hội đã có dịp kêu gọi chú ý đến một số lý do, như khả năng xét xử sai lầm và việc sử dụng hình phạt ấy bởi các chế độ độc tài và toàn trị như một phương tiện để đàn áp những người bất đồng chính kiến, hay để bách hại các nhóm thiểu số văn hóa và tôn giáo, tức tất cả các nạn nhân mà luật pháp của các chế độ ấy gọi là ‘những kẻ chống đối’. Tất cả các Kitô hữu và những người thiện chí ngày nay được mời gọi đấu tranh không chỉ cho việc hủy bỏ án tử hình, dù án hợp pháp hay bất hợp pháp, trong mọi hình thức của nó, mà còn được mời gọi làm việc để cải thiện các điều kiện lao tù, vì tôn trọng nhân phẩm của những con người bị tước mất tự do. Tôi muốn nối kết những điều này với án tù chung thân… Một án chung thân chính là một án tử hình bí mật”. (257)
  7. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng “ngay cả một kẻ sát nhân cũng không mất phẩm giá con người của y, và chính Thiên Chúa hứa bảo vệ điều này”. (258) Việc dứt khoát loại bỏ án tử hình sẽ cho thấy mức độ mà người ta có thể nhìn nhận phẩm giá bất khả nhượng của mọi con người, và chấp nhận rằng ai cũng có chỗ trong vũ trụ này. Nếu tôi không phủ nhận phẩm giá ấy nơi những kẻ tội phạm tệ hại nhất, tôi sẽ không phủ nhận nó đối với bất cứ ai. Tôi sẽ trao cho mọi người cái khả năng chia sẻ hành tinh này với tôi, bất chấp mọi khác biệt giữa tôi và họ.
  8. Tôi kêu gọi những Kitô hữu nào vẫn còn do dự về điểm này, và những ai bị cám dỗ để nhượng bộ cho bạo lực trong bất cứ hình thức nào, hãy ghi nhớ những lời này trong sách Isaia: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày” (2,4). Đối với chúng ta, lời tiên tri này ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu Kitô. Người đã nói dứt khoát khi trông thấy một môn đệ bị cám dỗ dùng bạo lực: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Những lời này vang âm lại lời cảnh cáo xưa: “Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra” (St 9,5-6). Phản ứng của Chúa Giêsu, phát xuất từ trái tim của Người, lấp cái khoảng trống của nhiều thế kỷ và chạm tới hiện tại này như một lời kêu gọi khôn nguôi.

Lm. Lê Công Đức, PSS, dịch

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30