BẢN DỊCH THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI (Chương 3 và 4)

Written by lcd on Tháng Mười 18th, 2020. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Văn kiện Giáo Hội

CHƯƠNG III

HÌNH DUNG VÀ KIẾN TẠO MỘT THẾ GIỚI MỞ

  1. Con người được tạo dựng theo cách mà họ không thể sống, phát triển, và tìm thấy viên mãn trừ phi trở thành “món quà chân thành trao cho người khác”. (62) Con người cũng không thể hiểu biết đầy đủ chính mình nếu không gặp gỡ những người khác: “Tôi liên lạc tốt đẹp với chính mình chỉ trong mức độ tôi liên lạc với người khác”. (63) Không ai có thể kinh nghiệm vẻ đẹp thực sự của đời sống nếu không liên hệ với người khác, nếu không có những khuôn mặt thực sự để yêu thương. Đây là một phần của mầu nhiệm hiện sinh đích thực của con người. “Sự sống tồn tại ở nơi có sự gắn kết, hiệp thông, và tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn sự chết khi nó được xây dựng trên những tương quan thực sự và những ràng buộc về lòng trung tín. Trái lại, không có sự sống khi chúng ta tự nhận mình đầy đủ nơi chính mình, và sống như những ốc đảo: với những thái độ này, sự chết sẽ thống trị”. (64)

VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

  1. Trong sâu thẳm mỗi trái tim con người, tình yêu tạo ra những gắn kết và mở rộng sự hiện hữu, vì nó kéo người ta ra khỏi chính họ và hướng về người khác. (65) Vì chúng ta được dựng nên cho tình yêu, trong mỗi chúng ta dường như có “một luật xuất thần” vận hành: “người yêu ‘đi ra khỏi’ mình để tìm thấy một hiện hữu viên mãn hơn nơi một người khác”. (66) Vì thế, “con người luôn luôn phải đảm nhận cái thách đố vượt qua chính mình”. (67)
  2. Tôi cũng không thể giảm đời sống mình đến chỉ còn tương quan với một nhóm nhỏ, thậm chí chỉ với gia đình mình; tôi không thể hiểu biết mình nếu không có một mạng lưới tương quan rộng hơn, gồm cả những tương quan đã đi trước tôi và hình thành toàn thể cuộc đời tôi. Tương quan của tôi với những người mà tôi kính trọng cũng phải nhìn nhận sự kiện rằng họ không sống chỉ cho tôi, và tôi cũng không sống chỉ cho họ. Các tương quan của chúng ta, nếu lành mạnh và chân thực, sẽ khai mở chúng ta ra với những người khác, là những người giúp chúng ta triển nở và trở nên phong phú. Ngày nay, các khuynh năng xã hội cao quí nhất của chúng ta có thể dễ dàng bị bế tắc bởi những cuộc tán chuyện đầy tính qui ngã và trao ấn tượng như thể là những tương quan rất sâu xa. Trái lại, tình yêu trưởng thành chân thực và tình bạn đích thực chỉ có thể cắm rễ trong những trái tim mở ra để lớn lên xuyên qua các mối tương quan với người khác. Trong tư cách là những đôi lứa hay những bạn hữu, chúng ta nhận thấy rằng trái tim của mình mở rộng ra khi chúng ta đi ra khỏi chính mình và đón nhận người khác. Những nhóm và những đôi bạn đóng kín, tự định nghĩa mình trong đối lập với người khác, sẽ có chiều hướng trở thành những biểu hiện của ích kỷ và chỉ lo bảo tồn chính mình.
  3. Một cách đầy ý nghĩa, nhiều cộng đồng nhỏ bé sống trong những vùng cô quạnh đã phát triển một hệ thống độc đáo để chào đón các khách hành hương như một cách thực hành bổn phận hiếu khách có tính thiêng liêng. Những cộng đoàn đan tu thời Trung cổ cũng đã làm như thế, như chúng ta thấy trong Luật của Thánh Biển Đức. Trong khi nhìn nhận rằng điều đó có thể làm mất tập trung vào kỷ luật và sự thinh lặng của đan viện, Thánh Biển Đức vẫn khẳng định rằng “người nghèo và khách hành hương phải được đối xử với sự quan tâm chu đáo nhất”. (68) Lòng hiếu khách là một cách cụ thể để đón nhận sự thách đố và món quà tặng chứa đựng trong một cuộc gặp gỡ với những người bên ngoài cộng đoàn của mình. Các tu sĩ đã nhận ra rằng các giá trị mà mình tìm cách vun xới phải được kèm theo bởi một sự sẵn sàng vượt quá chính mình trong sự mở ra với người khác.

Giá trị độc đáo của yêu thương

  1. Người ta có thể phát triển một số nhân đức trông có vẻ như các giá trị luân lý: dũng cảm, điềm tĩnh, chịu khó và những đức tính tương tự. Nhưng nếu các hành động của các nhân đức luân lý khác nhau phải được định hướng đúng đắn, thì người ta cũng cần quan tâm đến mức độ mà chúng thúc đẩy sự mở ra và liên kết với những người khác. Đức ái mà Thiên Chúa ban cho sẽ làm cho điều đó có thể. Không có đức ái, có lẽ chúng ta chỉ có được những nhân đức mặt ngoài thôi, không có khả năng nâng đỡ đời sống chung. Vì thế, Thánh Tôma Aquinô đã dẫn lời Thánh Augustinô để nói rằng sự điều độ của một người tham ăn thì không phải là nhân đức. (69) Về phần ngài, Thánh Bonaventura giải thích rằng các nhân đức khác, nếu không có đức ái, thì rõ ràng không chu toàn các giới răn “theo cách mà Thiên Chúa muốn chúng được chu toàn”. (70)
  2. Tầm vóc đời sống thiêng liêng của một người được đo lường bằng tình yêu, cuối cùng đó vẫn là “tiêu chuẩn để quyết định dứt khoát xem một đời sống con người có hay không có giá trị”. (71) Thế nhưng một số tín hữu nghĩ rằng điều quan trọng là áp đặt các ý thức hệ của mình trên mọi người khác, hay bảo vệ chân lý một cách bạo lực, hay những thể hiện sức mạnh đầy ấn tượng. Tất cả chúng ta, trong tư cách là các tín hữu, cần nhận ra rằng tình yêu chiếm chỗ thứ nhất: không bao giờ được phép liều đánh mất tình yêu, và nguy hiểm lớn nhất nằm ở chỗ không yêu thương (x. 1Cr 13,1-13).
  3. Thánh Tôma Aquinô tìm cách mô tả tình yêu – được ân sủng của Thiên Chúa làm cho có thể – là một vận động hướng ra về phía người khác, nhờ đó chúng ta xem “người được ta yêu cách nào đó như hợp nhất với chúng ta”. (72) Tấm lòng của chúng ta dành cho người khác làm cho chúng ta có thể tự nguyện ước muốn tìm kiếm điều tốt lành cho họ. Rốt cục đó là ý tưởng đằng sau từ “bác ái”: những người được yêu mến thì “đắt giá” đối với tôi; “họ được xem là có giá trị lớn lao”. (73) Và “tình yêu trong đó người này trở thành sự vui lòng (grata) đối với tôi chính là lý do tại sao tôi trao ban một cái gì đó cho người ấy cách nhưng không (gratis)”. (74)
  4. Như vậy, tình yêu không chỉ là một loạt những hành động thi ân. Những hành động ấy có nguồn gốc ở một sự kết hợp ngày càng được định hướng về người khác, xem họ có giá trị, xứng đáng, làm mình vui lòng, và tuyệt đẹp, bất kể dáng vẻ luân lý và thể lý của họ thế nào đi nữa. Tình yêu của chúng ta dành cho người khác, vì chính họ, sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những gì tốt nhất cho đời sống họ. Chỉ bằng cách vun đắp con đường liên hệ lẫn nhau này, chúng ta mới sẽ kiến tạo được một tình thân hữu xã hội trong đó không ai bị loại trừ và kiến tạo được một tình huynh đệ mở ra cho tất cả.

MỘT TÌNH YÊU NGÀY CÀNG MỞ RỘNG

  1. Tình yêu cũng thúc đẩy chúng ta đi đến mối hiệp thông phổ quát. Không ai có thể trưởng thành hay tìm thấy sự viên mãn bằng cách rút lui khỏi những người khác. Tự bản chất của nó, tình yêu đòi phải lớn lên trong sự cởi mở và trong khả năng đón nhận người khác, như một phần của một cuộc phiêu lưu không ngừng làm cho mọi đường biên giao nhau trong một cảm thức thuộc về nhau rộng lớn hơn. Như Chúa Giêsu nói: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).
  2. Nhu cầu phải vượt lên trên những giới hạn của mình cũng áp dụng cho các vùng và các quốc gia khác nhau. Thật vậy, “con số ngày càng tăng những nối kết và những liên lạc trong thế giới hôm nay làm cho chúng ta ý thức mãnh liệt về sự hiệp nhất và về định mệnh chung của các dân tộc. Trong các năng động lịch sử, và trong sự đa dạng của các nhóm chủng tộc, các xã hội, và các nền văn hóa, chúng ta nhìn thấy những hạt giống của một ơn gọi hình thành một cộng đồng gồm những anh chị em đón nhận và chăm sóc lẫn nhau”. (75)

Những xã hội mở ra hội nhập mọi người

  1. Một số vùng ngoại biên rất gần chúng ta, tại các trung tâm thành phố hay ngay trong các gia đình. Vì vậy, có một khía cạnh của sự mở rộng phổ quát trong tình yêu có tính hiện sinh hơn là có tính địa lý. Nó liên quan tới những cố gắng hằng ngày của chúng ta để mở rộng vòng thân hữu, đến với những người mà ngay cả dù họ ở gần tôi, tôi không đương nhiên xem họ là một phần thuộc phạm vi quan tâm của mình. Mọi anh chị em túng khổ, khi bị bỏ rơi hay bị thờ ơ bởi xã hội mà tôi sống trong đó, sẽ trở thành một người ngoại kiều về mặt hiện sinh, ngay cả dù được sinh ra trong cùng một đất nước. Họ có thể là những công dân với đầy đủ quyền hạn, nhưng họ bị đối xử như những ngoại kiều ngay trên đất nước mình. Sự kỳ thị chủng tộc là một thứ vi rút biến thể rất nhanh, và thay vì biến mất, nó ẩn nấp và mai phục.
  2. Tôi muốn đề cập đến một số trong những “người lưu đày ẩn giấu” bị đối xử như thành phần ngoại lai trong xã hội. (76) Nhiều người khuyết tật “cảm thấy mình hiện hữu mà không thuộc về và không tham gia cộng đồng”. Nhiều người bị cản trở không có được đầy đủ quyền công dân. Chúng ta không nên chỉ quan tâm chăm sóc họ, mà còn phải bảo đảm họ được “tham dự tích cực vào cộng đoàn xã hội và Giáo hội. Đó là một tiến trình rất đòi hỏi và thậm chí rất mệt mỏi, song đó cũng là một tiến trình sẽ dần dần góp phần đào tạo các lương tâm, để có thể nhìn nhận mỗi cá nhân như một nhân vị độc đáo và không thể thay thế”. Tôi cũng nghĩ về “các cụ già do tình trạng tàn tật của mình mà đôi khi bị coi như một gánh nặng”. Nhưng mỗi người trong các cụ đều có thể có “một sự đóng góp độc đáo cho thiện ích chung xuyên qua những câu chuyện cuộc đời đặc sắc của các cụ”. Tôi xin lặp lại: Chúng ta cần có “can đảm để lên tiếng cho những người bị kỳ thị do khuyết tật của họ, bởi vì thật đáng buồn, tại một số nước ngay cả hôm nay, người ta cảm thấy khó để nhìn nhận họ như những con người có phẩm giá bình đẳng”. (77)

Những cách hiểu không phù hợp về tình yêu phổ quát

  1. Một tình yêu có thể vượt trên các ranh giới, đó chính là cơ sở của điều mà có thể được gọi là “tình thân hữu xã hội” nơi mọi thành phố và mọi quốc gia. Tình thân hữu đích thực trong một xã hội sẽ làm cho người ta có thể thực sự mở ra tầm phổ quát. Đây là một điều rất khác với thuyết phổ quát giả hiệu của những người thường xuyên đi nước ngoài vì họ không thể chịu đựng hay yêu mến đồng bào của mình. Những người khinh thường đồng bào mình thường có khuynh hướng tạo ra trong xã hội những phạm trù về giai cấp hạng nhất, hạng nhì, về những người có phẩm giá cao hơn và thấp hơn, về những người có nhiều quyền hơn và những người có ít quyền hơn. Bằng cách này, họ không nhìn nhận rằng có chỗ cho mọi người.
  2. Tôi chắc chắn không đang đề nghị một thuyết phổ quát trừu tượng và độc đoán, được phác họa hay lên kế hoạch bởi một nhóm nhỏ và được trình bày như một lý tưởng để phục vụ cho việc san bằng, thống trị và trục lợi. Có một mô hình toàn cầu hóa trong thực tế “nhắm đạt đến một sự đồng nhất có tính một chiều, và tìm cách loại bỏ tất cả những khác biệt và các truyền thống, trong một công cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất cách hời hợt… Nếu một kiểu toàn cầu hóa nào đó muốn làm cho mọi người thành đồng nhất, muốn san phẳng mọi người, thì kiểu toàn cầu hóa ấy sẽ tiêu diệt những tặng phẩm phong phú và tính độc đáo của mỗi người và mỗi dân tộc”. (78) Phổ quát thuyết sai lầm này sẽ dẫn đến việc tước mất của thế giới những sắc màu đa dạng của nó, tước mất vẻ đẹp, và cuối cùng tước mất tính người của nó. Vì “tương lai không đơn sắc; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngắm tương lai trong tất cả tính đa dạng của những gì mà mỗi cá nhân có thể đóng góp vào. Cần thiết biết bao việc gia đình nhân loại chúng ta biết cách sống với nhau trong hòa điệu và hòa bình, chứ không phải mọi người phải giống như nhau!” (79)

VƯỢT QUA MỘT THẾ GIỚI “LIÊN KẾT CỤC BỘ”

  1. Giờ đây chúng ta hãy trở lại với dụ ngôn về Người Samari Tốt Lành, vì dụ ngôn vẫn còn nhiều điều để nói với chúng ta. Một nạn nhân bị thương tích nằm bên đường. Những người đi ngang qua anh ta đã không nghe tiếng thúc giục bên trong mình để hành động như những người thân cận; họ đang bận tâm về các bổn phận của mình, địa vị xã hội của mình, và vai trò chuyên môn của mình trong xã hội. Họ nhận thấy mình rất quan trọng cho xã hội thời ấy, và họ mải lo làm cho tốt vai trò ấy. Nạn nhân bên đường, bị đánh nhừ tử và bị bỏ đó, là một mối phiền phức, một sự gián đoạn tất cả những điều ấy; nói cho cùng, anh ta không có gì quan trọng. Anh ta là một “người không đáng kể”, tầm thường, không phù hợp với các dự phóng của họ về tương lai. Người Samari Tốt Lành đã vượt qua những sự phân loại hẹp hòi này. Chính anh cũng không thuộc bất cứ phạm trù nào nói trên; anh chỉ đơn giản là một người ngoại và không có chỗ trong xã hội. Không dính dáng gì đến bất cứ nhãn hiệu và địa vị nào, anh đã có thể tạm gián đoạn hành trình của mình, thay đổi các chương trình của mình, và bất ngờ bước đến trợ giúp nạn nhân bị thương đang cần sự giúp đỡ của anh.
  2. Trước cùng câu chuyện ấy, liệu đâu là phản ứng của ngày hôm nay, trong một thế giới thường xuyên chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của những nhóm xã hội bám vào một căn tính tách biệt mình khỏi những người khác? Câu chuyện ấy sẽ tác động thế nào đến những người lập trình cho chính mình theo cách ngăn chặn mọi sự hiện diện ngoại lai vốn có thể đe dọa căn tính của mình và những cơ cấu đóng kín qui ngã của mình? Ở đó, ngay cả khả năng hành động như một người thân cận cũng bị loại trừ; người ta là thân cận chỉ đối với những ai phục vụ cho mục đích của họ. Từ “thân cận” đánh mất mọi ý nghĩa; chỉ có thể có những “liên kết cục bộ”, những đối tác trong việc theo đuổi các lợi ích riêng. (80)

Tự do, bình đẳng và huynh đệ

  1. Tình huynh đệ được sinh ra không chỉ từ một bầu khí tôn trọng sự tự do của các cá nhân, hay ngay cả từ một sự bình đẳng nào đó được bảo đảm bởi bộ máy hành chánh. Tình huynh đệ nhất thiết đòi một điều gì đó lớn hơn, và điều này sẽ giúp củng cố cho tự do và bình đẳng. Điều gì sẽ xảy ra khi tình huynh đệ không được vun xới cách ý thức, khi thiếu một ý chí chính trị muốn thăng tiến nó xuyên qua việc giáo dục trong tình huynh đệ, qua việc đối thoại, và qua sự nhìn nhận các giá trị của nhau và việc làm phong phú cho nhau? Tự do trở thành duy chỉ là một điều kiện để sống như mình muốn, hoàn toàn tự do để chọn thuộc về ai hay thuộc về cái gì, hay đơn giản là để chiếm hữu hoặc khai thác. Cách hiểu nông cạn này không liên quan mấy với tính phong phú của một sự tự do được định hướng trước hết để yêu thương.
  2. Bình đẳng cũng không đạt được bằng một công bố trừu tượng rằng “mọi người nam nữ đều bình đẳng”. Thay vào đó, nó là kết quả của sự vun xới tình huynh đệ một cách cẩn thận và ý thức. Những ai chỉ có khả năng “kết nhóm cục bộ” sẽ tạo ra những thế giới đóng kín. Trong cái khung ấy, còn đâu chỗ cho những người không tham gia vào nhóm hay hội của mình, nhưng họ vẫn mong ước một đời sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ?
  3. Chủ nghĩa cá nhân không giúp chúng ta có tự do, bình đẳng, và tình huynh đệ nhiều hơn. Duy chỉ việc gộp lại những lợi ích cá nhân thì không thể làm ra một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn thể gia đình nhân loại. Nó cũng không thể cứu chúng ta khỏi rất nhiều vấn đề yếu kém hiện đang ngày càng toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân triệt để là một thứ vi rút cực kỳ khó loại trừ, vì nó thông minh. Nó làm cho chúng ta tin rằng mọi sự hệ tại ở việc thả phanh cho những tham vọng của riêng mình, như thể bằng cách theo đuổi những tham vọng lớn hơn và tạo ra những mạng lưới an toàn thì đó là chúng ta đang phục vụ cho thiện ích chung vậy.

MỘT TÌNH YÊU PHỔ QUÁT THĂNG TIẾN CÁC NHÂN VỊ

  1. Tình thân hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát nhất thiết đòi hỏi sự nhìn nhận giá trị của mọi nhân vị, ở mọi lúc mọi nơi. Nếu mỗi cá nhân có giá trị lớn lao như thế, thì phải tuyên bố rõ ràng và dứt khoát rằng “duy chỉ việc một số người sinh ra ở những nơi có ít nguồn lực hay kém phát triển thì không biện minh cho sự kiện rằng họ đang sống với ít phẩm giá hơn”. (81) Nguyên tắc căn bản này của đời sống xã hội có xu hướng bị phớt lơ bằng nhiều cách bởi những người cảm thấy rằng nó không phù hợp với thế giới quan của họ hay không phục vụ cho các mục đích của họ.
  2. Mọi con người đều có quyền sống với phẩm giá và có quyền phát triển cách toàn vẹn; quyền căn bản này không thể bị chối bỏ bởi bất cứ quốc gia nào. Người ta có quyền này ngay cả dù họ không có khả năng sản xuất, hoặc họ có những giới hạn bẩm sinh hay do hoàn cảnh. Điều này không làm giảm phẩm giá cao cả của họ trong tư cách là những nhân vị, một phẩm giá không đặt nền trên những hoàn cảnh cuộc sống, nhưng trên giá trị nội tại của hữu thể con người. Nếu không thượng tôn nguyên tắc này, sẽ không có tương lai cả cho tình huynh đệ lẫn cho sự sống còn của nhân loại.
  3. Một số xã hội chấp nhận nguyên tắc ấy chỉ một phần. Người ta đồng ý rằng các cơ hội cần phải được cung ứng cho mọi người, nhưng rồi họ nói rằng mọi sự tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Từ quan điểm thiên lệch này, sẽ là vô nghĩa “việc chọn đầu tư vào những cố gắng giúp những người chậm chạp, yếu ớt hay những người ít khả năng để họ tìm thấy các cơ hội trong cuộc sống”. (82) Những cuộc đầu tư trợ giúp những người yếu ớt có thể được thấy là không có lợi nhuận; họ có thể làm cho mọi sự kém hiệu quả. Không. Điều chúng ta cần trong thực tế, đó là những cơ chế dân sự và nhà nước cần có mặt và hoạt động, những cơ chế nhìn quá sự vận hành tự do và hiệu quả của một số hệ thống kinh tế, chính trị, hay ý thức hệ, và quan tâm chủ yếu đến các cá nhân và thiện ích chung.
  4. Một số người sinh ra trong những gia đình ổn định về kinh tế, nhận được một nền giáo dục tốt, lớn lên với chế độ dinh dưỡng tốt, hay tự nhiên sở hữu được tài năng trổi vượt. Họ chắc chắn sẽ không cần một nhà nước chủ động; họ chỉ cần sự tự do của mình. Nhưng cùng một qui tắc ấy rõ ràng không phù hợp đối với một người khuyết tật, một người sinh ra trong nghèo khó cùng cực, những người thiếu một nền giáo dục tốt và ít có điều kiện nhận được sự săn sóc y tế thích đáng. Nếu một xã hội được điều hành chủ yếu bởi những tiêu chuẩn của thị trường tự do và hiệu năng, sẽ không có chỗ cho những con người như thế, và tình huynh đệ sẽ vẫn còn là một lý tưởng mơ hồ.
  5. Thật vậy, “việc cổ võ tự do kinh tế trong khi những hoàn cảnh thực tế ngăn cản nhiều người không tiếp cận được nó thực sự, và trong khi các khả năng việc làm tiếp tục giảm sút, thì đó là chơi trò lập lờ nước đôi”. (83) Những từ như tự do, dân chủ hay huynh đệ trở thành chẳng có nghĩa gì, vì thực tế là “chỉ khi hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta không còn tạo ra dù chỉ một nạn nhân, dù chỉ một người bị loại ra rìa, thì chúng ta mới có thể cử hành lễ mừng tình huynh đệ phổ quát”. (84) Một xã hội thực sự huynh đệ và nhân bản sẽ có khả năng bảo đảm một cách ổn định và hữu hiệu rằng mỗi thành viên của mình được đồng hành ở mọi giai đoạn trong đời sống. Không chỉ bằng cách cung ứng những nhu cầu căn bản cho người ta, nhưng bằng cách giúp họ có thể cống hiến hết sức có thể, ngay cả dù sự cống hiến ấy không nhiều lắm, dù bước đi của họ thì chậm chạp và hiệu năng của họ thì giới hạn.
  6. Nhân vị con người, với các quyền bất khả nhượng, tự bản chất mở ra cho tương quan. Sâu thẳm trong chúng ta được gieo một tiếng gọi vượt lên trên chính mình xuyên qua việc gặp gỡ những người khác. Vì thế, “phải lưu tâm để không rơi vào một số lầm lỗi vốn có thể xảy ra do hiểu sai ý niệm về các quyền con người và do sử dụng sai lầm các quyền đó. Ngày nay có một khuynh hướng đòi ngày càng nhiều quyền cá nhân hơn – tôi muốn tế nhị để không nói là những quyền có tính cá nhân chủ nghĩa. Ẩn dưới khuynh hướng này là một quan niệm về con người như tách rời khỏi các bối cảnh xã hội và nhân văn, như thể con người “đứng một mình”, ngày càng không dính dáng gì đến người khác… Nếu các quyền của mỗi cá nhân không được sắp đặt hòa hợp với thiện ích lớn hơn, các quyền ấy sẽ đi đến chỗ được xem là vô giới hạn và do đó sẽ trở thành một nguồn xung đột và bạo lực”. (85)

CỔ VÕ SỰ THIỆN LUÂN LÝ

  1. Chúng ta cũng không thể không đề cập rằng việc tìm kiếm và theo đuổi thiện ích cho người khác và cho toàn thể gia đình nhân loại cũng hàm ý việc giúp các cá nhân và các xã hội trưởng thành trong các giá trị luân lý có sức thúc đẩy sự phát triển nhân bản toàn diện. Tân Ước mô tả một hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5,22) là ‘từ tâm’ / ‘agathosyne’, là từ Hy lạp diễn tả sự gắn kết với sự thiện, theo đuổi sự thiện. Hơn nữa, nó chỉ một sự phấn đấu vì điều tốt đẹp nhất cho người khác, cho sự lớn lên của họ trong sự trưởng thành và trong sức khỏe, trong sự vun trồng các giá trị chứ không duy chỉ là vật chất tiền của. Một diễn tả tương tự cũng có trong tiếng La tinh: benevolentia. Đây là thái độ “muốn điều tốt” cho người khác; nó nói về một khao khát điều tốt lành, một hướng chiều về tất cả những gì là tuyệt vời, một ước ao lấp đầy đời sống của người khác bằng những điều tốt đẹp, cao quí và khai sáng.
  2. Ở đây, tôi rất tiếc buộc phải nhắc lại rằng “chúng ta đã có đủ rồi sự suy bại luân lý và những nhạo báng đối với đạo đức, lòng tốt, đức tin, và sự trung thực. Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng tính hời hợt xuề xòa không đem lại điều gì tốt cho chúng ta. Một khi nền tảng của đời sống xã hội bị sạt lở, thì điều xảy ra là những trận chiến giành giựt các lợi ích gây xung đột”. (86) Chúng ta hãy quay lại với việc cổ võ lòng tốt, cho chính chúng ta và cho toàn thể gia đình nhân loại, và nhờ đó cùng nhau tiến lên, hướng đến một sự phát triển đích thực và toàn diện. Mọi xã hội đều cần bảo đảm rằng các giá trị được chuyển trao; nếu không, cái được chuyển trao sẽ là lòng ích kỷ, bạo lực, sự hư hỏng trong các hình thức khác nhau của nó, sự dửng dưng, và cuối cùng là một đời sống khép lại đối với siêu việt, và chỉ theo đuổi những lợi ích cá nhân.

Giá trị của liên đới

  1. Tôi muốn đề cập cách đặc biệt về tinh thần liên đới; “trong tư cách là một nhân đức luân lý và thái độ xã hội có được từ sự hoán cải cá nhân, tinh thần liên đới đòi hỏi sự quan tâm về phía những người trách nhiệm việc giáo dục và đào tạo. Tôi nghĩ trước hết đến các gia đình, được mời gọi đảm nhận sứ mạng có tính quyết định hàng đầu là giáo dục. Các gia đình là nơi chốn đầu tiên mà các giá trị yêu thương, huynh đệ, cùng với sự chia sẻ, quan tâm và chăm sóc người khác được sống và được truyền thụ. Các gia đình cũng là nơi chốn ưu tiên để truyền thụ đức tin, bắt đầu bằng những cử chỉ đơn giản đầu tiên diễn tả lòng đạo đức mà các bà mẹ dạy con cái mình. Các thầy cô, những người đảm nhận công việc đầy thách đố là giáo dục thiếu nhi và các bạn trẻ ở trường hay ở những khung cảnh khác, cần phải ý thức rằng trách nhiệm của họ cũng mở ra tới các khía cạnh luân lý, tâm linh, và xã hội của đời sống. Các giá trị tự do, tôn trọng lẫn nhau, và liên đới có thể được truyền thụ từ độ tuổi rất sớm… Các nhà truyền thông cũng có trách nhiệm giáo dục và đào tạo, nhất là ngày nay, khi các phương tiện thông tin và liên lạc quá phổ cập”. (87)
  2. Vào một thời mà mọi sự dường như phân rã và mất tính nhất quán, thật tốt nếu chúng ta nhấn mạnh sự “vững chắc” (88) đến từ ý thức rằng chúng ta trách nhiệm về sự yếu ớt của người khác khi chúng ta phấn đấu xây dựng một tương lai chung. Sự liên đới tìm thấy diễn tả cụ thể của nó trong phục vụ, có thể mang nhiều hình thức trong một cố gắng chăm sóc người khác. Và phục vụ nói chung có nghĩa là “quan tâm đến sự chênh vênh, đến những thành viên mong manh của gia đình, xã hội và dân tộc chúng ta”. Khi cung ứng sự phục vụ như vậy, các cá nhân học biết “gác qua một bên những mong muốn riêng của mình, sự theo đuổi quyền lực của mình, trước cái nhìn cụ thể của những con người yếu ớt nhất… Sự phục vụ luôn luôn hướng nhìn khuôn mặt của họ, chạm đến thịt da của họ, cảm giác sự gần gũi của họ, và đôi khi thậm chí ‘chịu đựng’ sự gần gũi ấy, và cố gắng giúp đỡ họ. Sự phục vụ không bao giờ có tính ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng, chúng ta phục vụ những con người”. (89)
  3. Người nghèo túng thường “thực hành một sự liên đới đặc biệt tồn tại giữa những người nghèo và đau khổ, và nền văn minh của chúng ta dường như đã quên sự liên đới ấy, hay quả thực là muốn quên. Liên đới là một từ không luôn luôn được nồng nhiệt đón nhận; trong một số tình huống, nó trở thành một từ dơ bẩn, một từ mà người ta không dám nói. Liên đới mang ý nghĩa nhiều hơn là chỉ có những hành động quảng đại cách ngẫu nhiên. Nó có nghĩa là suy nghĩ và hành động vì cộng đồng. Nó có nghĩa rằng đời sống của mọi người thì ưu tiên hơn sự kiếm chác của một ít người. Nó cũng có nghĩa là đấu tranh chống lại những nguyên nhân có tính cơ cấu của tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, thiếu đất và nhà ở, sự phủ nhận các quyền lao động và xã hội. Nó có nghĩa là đương đầu với những hậu quả đầy sức tàn phá của đế quốc tiền bạc… Liên đới, được hiểu trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, là một cách để làm lịch sử. Và đây là điều mà các phong trào đại chúng đang làm”. (90)
  4. Khi chúng ta nói về sự cần thiết phải chăm sóc ngôi nhà chung, hành tinh của chúng ta, chúng ta nại đến tia lửa ý thức cộng đồng phổ quát và tinh thần quan tâm lẫn nhau có thể vẫn còn trong trái tim con người. Những người có điều kiện dùng nước dư dả nhưng chọn tiết kiệm nước vì ích lợi của gia đình nhân loại rộng lớn hơn, đó là những người đã đạt được một cấp độ đạo đức giúp họ nhìn quá chính mình và nhóm của mình. Thật là nhân bản tuyệt vời! Chúng ta cũng phải có cùng thái độ ấy nếu chúng ta nhìn nhận quyền của tất cả mọi người, ngay cả những người ở rất xa chúng ta.

NHÌN LẠI VAI TRÒ XÃ HỘI CỦA TÀI SẢN

  1. Thế giới hiện hữu cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều sinh ra với cùng phẩm giá. Những khác biệt về màu da, tôn giáo, tài năng, sinh quán hay trú quán, và rất nhiều thứ khác, không thể được dùng để biện minh cho các đặc lợi của một số người trên quyền của mọi người. Trong tư cách là một cộng đồng, chúng ta có bổn phận bảo đảm rằng mọi người được sống với phẩm giá và có đủ cơ hội để phát triển toàn diện.
  2. Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhiều nhà tư tưởng đã phát triển một tầm nhìn phổ quát trong các suy tư của họ về mục đích chung của các của cải thụ tạo. (91) Điều này dẫn họ tới nhìn nhận rằng nếu một ai đó thiếu những gì cần để sống với phẩm giá, đó là vì một người khác đang chiếm giữ. Thánh Gioan Kim Khẩu đúc kết như sau: “Không chia sẻ của cải của chúng ta với người nghèo, đó là ăn cướp của họ và giựt mất sự sống của họ. Của cải mà chúng ta sở hữu không phải là của riêng chúng ta, nhưng cũng là của họ nữa”. (92) Theo cách nói của Thánh Gregory Cả: “Khi chúng ta cung ứng cho người nghèo những nhu cầu căn bản của họ, đó là chúng ta đang trao cho họ những gì thuộc về họ, không phải thuộc về chúng ta”. (93)
  3. Một lần nữa, tôi muốn làm âm vang lại một tuyên bố của Thánh Gioan Phaolô II, sức mạnh của tuyên bố này có lẽ chưa được nhìn nhận đúng mức: “Thiên Chúa ban trái đất cho toàn thể loài người để nâng đỡ mọi thành viên của loài người, không loại trừ hay thiên vị ai”. (94) Về phần mình, tôi ghi nhận rằng “truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền tư hữu như cái gì tuyệt đối hay không thể bị phá vỡ, đồng thời nhấn mạnh mục đích xã hội của mọi hình thức tư hữu”. (95) Nguyên tắc về mục đích phổ quát của các của cải thụ tạo là “nguyên tắc thứ nhất của toàn bộ trật tự đạo đức và xã hội”; (96) đó là một quyền tự nhiên và thiết yếu, ưu tiên trên các quyền khác. (97) Tất cả các quyền khác liên quan tới của cải cần cho sự hoàn thành toàn vẹn của các nhân vị, gồm cả quyền tư hữu hay bất cứ loại sở hữu tài sản nào khác – theo lời của Thánh Phaolô VI – phải “không được cản trở (quyền này), nhưng phải tích cực tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền này”. (98) Quyền tư hữu chỉ có thể được coi như một quyền tự nhiên thứ cấp, rút ra từ nguyên tắc về mục đích phổ quát của các của cải thụ tạo. Điều này có những hệ quả cụ thể phải được thấy trong sự vận hành của xã hội. Song thực tế thường là những quyền thứ cấp chiếm chỗ của các quyền hàng đầu và ưu tiên hơn, và đó là thực hành không thích đáng.

Các quyền không giới hạn

  1. Vì thế, không ai có thể bị loại bỏ do xuất xứ của mình, càng không thể do những đặc quyền của những người khác, là những người sở tại với cơ hội lớn hơn nhiều. Các giới hạn và ranh giới của mỗi nước không thể can dự vào đây. Cũng như không thể chấp nhận rằng một số người có ít quyền hơn do sự kiện họ là phụ nữ, thì cũng không thể chấp nhận rằng chỉ do sinh quán hay trú quán của một số người mà họ có ít cơ hội hơn để có một đời sống phát triển và có phẩm giá.
  2. Sự phát triển không được nhắm đến việc thu gom của cải bởi một ít người, nhưng phải bảo đảm “các quyền con người – quyền cá nhân và xã hội, kinh tế và chính trị, bao gồm các quyền của các quốc gia và các dân tộc”. (99) Quyền của một số người về kinh doanh tự do, hay sự tự do của thị trường, không thể lấn át các quyền của các dân tộc và phẩm giá của người nghèo, và do đó không thể lấn át sự tôn trọng đối với môi trường tự nhiên, vì “nếu chúng ta sở hữu cái gì đó, thì đấy chỉ là để dành phục vụ cho thiện ích của mọi người”. (100)
  3. Một cách thiết yếu, hoạt động kinh doanh là “một ơn gọi cao quí, được định hướng để sản xuất của cải và cải thiện thế giới chúng ta”. (101) Thiên Chúa khích lệ chúng ta phát triển các tài năng mà Người ban cho chúng ta, và Người đã dựng nên vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ có tiềm năng hết sức lớn lao. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi cá nhân được kêu gọi để thăng tiến sự phát triển của chính mình, (102) và điều này bao gồm việc tìm ra những phương tiện kinh tế và kỹ thuật để làm ra nhiều hàng hóa và của cải hơn. Các khả năng kinh doanh, là một quà tặng của Thiên Chúa, phải luôn luôn được định hướng rõ ràng để phát triển người khác và xóa bỏ sự nghèo đói, nhất là qua việc tạo ra những cơ hội việc làm đa dạng. Quyền tư hữu luôn luôn được gắn với nguyên tắc tiên quyết về sự phụ thuộc của mọi quyền tư hữu đối với mục đích phổ quát của các của cải trên trái đất, nghĩa là mọi người có quyền sử dụng chúng.

Quyền của các dân tộc

  1. Ngày nay, một niềm tin vững chắc về mục đích phổ quát của các của cải trên trái đất đòi hỏi rằng nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các quốc gia, các lãnh thổ, và các tài nguyên của các quốc gia. Được nhìn không chỉ từ quan điểm về tính hợp pháp của quyền tư hữu, và các quyền của công dân, mà còn từ nguyên tắc đệ nhất về mục đích phổ quát của các của cải, chúng ta có thể nói rằng mỗi quốc gia cũng thuộc về những người ngoại quốc, theo nghĩa rằng của cải của một lãnh thổ không thể bị từ chối đối với một người nghèo túng đến từ một nơi khác. Như các giám mục Mỹ đã khuyến dụ, có những quyền nền tảng “đi trước bất cứ xã hội nào vì chúng xuất phát từ phẩm giá được ban cho mỗi con người xét như thụ tạo của Thiên Chúa”. (104)
  2. Điều này giả định một cách khác để hiểu các mối liên hệ và trao đổi giữa các quốc gia. Nếu mọi con người đều có một phẩm giá bất khả nhượng, nếu tất cả mọi người là anh chị em của tôi, và nếu thế giới này thực sự thuộc về mọi người, thì không quan trọng lắm chuyện người láng giềng của tôi đã sinh ra ở đất nước tôi hay ở nơi khác. Đất nước tôi cũng có trách nhiệm đối với sự phát triển của người ấy, dù trách nhiệm này có thể được thực thi bằng rất nhiều cách khác nhau. Đất nước tôi có thể cung ứng một sự hào hiệp chào đón những ai đang trong tình trạng khẩn cấp, hoặc làm việc để cải thiện các điều kiện sống tại xứ sở của họ, bằng cách từ chối bóc lột các quốc gia ấy hay vơ vét các nguồn tài nguyên của họ, từ chối hỗ trợ những hệ thống tham nhũng vốn gây cản trở sự phát triển có phẩm giá của dân chúng ở đó. Điều áp dụng cho các quốc gia thì cũng đúng đối với các vùng khác nhau trong một quốc gia, vì ở đây cũng có tồn tại quá nhiều sự bất bình đẳng. Nhiều trường hợp do không nhìn nhận đúng phẩm giá bình đẳng của con người, những vùng phát triển hơn tại một số quốc gia nghĩ rằng họ có thể liệng bỏ “của nợ” là các vùng nghèo hơn, và nhờ đó gia tăng mức tiêu thụ của mình.
  3. Chúng ta đang thực sự nói về một mạng lưới quan hệ quốc tế mới, bởi vì không có cách nào để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của thế giới chúng ta nếu ta tiếp tục suy nghĩ duy chỉ về việc tương trợ giữa các cá nhân hay các nhóm nhỏ. Chúng ta cũng không được quên rằng “sự không công bằng không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân mà cả các quốc gia nữa; nó thúc bách chúng ta xem xét một đạo đức học về các quan hệ quốc tế”. (105) Thật vậy, công lý đòi phải nhìn nhận và tôn trọng không chỉ quyền của các cá nhân, mà cả các quyền xã hội và quyền của các dân tộc nữa. (106) Nghĩa là phải tìm cách bảo đảm cho “quyền nền tảng của các dân tộc là được tồn tại và được tiến bộ”, (107) một quyền mà có nhiều lúc bị áp chế cách khắc nghiệt do áp lực tạo ra bởi nợ nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc trả nợ không chỉ không cho phép thúc đẩy phát triển mà còn giới hạn và khống chế sự phát triển rất nhiều. Trong khi tôn trọng nguyên tắc rằng mọi món nợ thủ đắc hợp pháp phải được hoàn trả, thì cách thức mà nhiều nước nghèo chu toàn bổn phận này không được gây tổn hại đến chính sự hiện hữu và sự phát triển của họ.
  4. Chắc chắn tất cả những điều này kêu gọi một cách nghĩ khác. Nếu không có một cố gắng đi vào cách nghĩ ấy, điều tôi đang nói ở đây sẽ nghe có vẻ phi hiện thực một cách điên rồ. Mặt khác, nếu chúng ta chấp nhận nguyên tắc rất quan trọng rằng có những quyền phát xuất từ nhân phẩm bất khả nhượng của chúng ta, thì chúng ta có thể đảm nhận cái thách đố về việc hình dung một nhân loại mới. Chúng ta có thể tìm kiếm một thế giới cung cấp đất đai, nhà ở, và công việc làm cho mọi người. Đây là nẻo đường hòa bình đích thực, không phải cái chiến lược thiển cận và vô nghĩa nhằm gieo rắc sợ hãi và nghi ngờ trước những đe dọa từ bên ngoài. Vì một nền hòa bình đích thực và bền vững sẽ chỉ đạt được “trên cơ sở một nền đạo đức toàn cầu về sự liên đới và hợp tác, để phục vụ một tương lai được hình thành bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và đồng trách nhiệm trong toàn thể gia đình nhân loại”. (108)

 

CHƯƠNG IV

MỘT TRÁI TIM MỞ RA CHO TOÀN THẾ GIỚI

  1. Mọi người là anh chị em của nhau, nếu muốn niềm xác tín ấy không chỉ là một ý nghĩ trừu tượng, mà tìm thấy sự thể hiện cụ thể của nó, thì rất nhiều vấn đề liên quan sẽ nổi lên, thúc đẩy chúng ta nhìn mọi sự trong một ánh sáng mới và có những sự đáp trả mới.

CÁC BIÊN GIỚI VÀ CÁC GIỚI HẠN CỦA CHÚNG

  1. Những thách đố phức tạp nổi lên khi người láng giềng của chúng ta là một người nhập cư. (109) Một cách lý tưởng, nên tránh những cuộc di cư không cần thiết; điều này đòi phải tạo ra nơi các nước nguyên quán những điều kiện cần thiết cho một đời sống có phẩm giá và sự phát triển toàn diện. Nhưng trước khi có được những tiến bộ thiết yếu để đạt được mục tiêu này, chúng ta buộc phải tôn trọng quyền của mọi cá nhân được tìm ra một nơi chốn đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ và của gia đình họ, và ở đó họ có thể tìm thấy sự hoàn thành con người của mình. Sự đáp trả của chúng ta khi những người nhập cư đặt chân đến có thể được đúc kết bằng bốn từ: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến, và hội nhập. Vì “đây không phải là một trường hợp thực hiện các chương trình phúc lợi từ trên xuống, nhưng đúng hơn đây là chuyện đảm nhận cuộc hành trình cùng với nhau, xuyên qua bốn hành động ấy, để xây dựng các thành phố và các quốc gia mà trong khi bảo toàn căn tính tôn giáo và văn hóa của mình, thì vẫn mở ra với những sự khác biệt và biết cách thăng tiến chúng trong tinh thần huynh đệ giữa con người”. (110)
  2. Điều này bao hàm việc thực hiện một số bước tất yếu, nhất là để đáp ứng cho những ai đang chạy tránh các khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ví dụ, chúng ta có thể nêu ra: gia tăng và đơn giản hóa việc cấp visa; áp dụng những chương trình bảo lãnh cá nhân và tập thể; mở các hành lang nhân đạo cho những người tị nạn trong hoàn cảnh chênh vênh nhất; cung cấp nhà ở phù hợp và xứng phẩm giá; bảo đảm an ninh cá nhân và sự tiếp cận các dịch vụ căn bản; bảo đảm sự hỗ trợ thích đáng từ lãnh sự, và quyền giữ giấy tờ tùy thân; sự tiếp cận hệ thống tư pháp; khả năng mở các tài khoản ngân hàng và sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu để sống còn; sự tự do đi lại và khả năng có việc làm; việc bảo vệ trẻ vị thành niên và bảo đảm trẻ được đi học bình thường; cung cấp những chương trình bảo trợ hay chỗ ở tạm thời; bảo đảm tự do tôn giáo; giúp hội nhập vào xã hội; hỗ trợ việc đoàn tụ gia đình; và chuẩn bị những cộng đồng sở tại cho tiến trình hội nhập. (111)
  3. Đối với những ai không phải là người mới đến nhưng đã tham gia vào đời sống xã hội, thật quan trọng việc áp dụng ý niệm “quyền công dân”, là điều “đặt nền trên sự bình đẳng về các quyền lợi và nghĩa vụ, nhờ đó mọi người có được công lý. Vì thế thật quan trọng việc thiết lập trong các xã hội chúng ta ý niệm về quyền công dân đầy đủ, và loại bỏ kiểu nói ‘người thiểu số’ có tính kỳ thị, đó là từ ngữ gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Cách dùng từ không ổn như vậy sẽ mở đường cho sự hiếu chiến và xung đột; nó phá hỏng mọi thành công và tước đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị kỳ thị như vậy”. (112)
  4. Ngay cả khi các nhà nước thực hiện những bước thiết yếu, thì một mình nhà nước cũng không thể xúc tiến những giải pháp phù hợp, “vì những hệ quả của các quyết định do mỗi chính phủ sẽ nhất thiết có những tác động đến toàn thể cộng đồng quốc tế”. Vì thế, “sự đáp ứng của chúng ta chỉ có thể là kết quả của một nỗ lực chung” (113) để phát triển một hình thức quản trị toàn cầu liên quan đến các phong trào di dân. Do đó, cần “lập kế hoạch trung hạn và dài hạn, không giới hạn chỉ ở những sự đáp ứng khẩn cấp. Việc lập kế hoạch như thế phải bao gồm sự trợ giúp hữu hiệu để hội nhập các người nhập cư tại những quốc gia tiếp nhận họ, trong khi cũng thúc đẩy sự phát triển các quốc gia nguyên quán của họ xuyên qua những chính sách được cảm hứng từ sự liên đới, nhưng không nối kết sự trợ giúp này với các chiến lược có tính ý thức hệ và các thực hành xa lạ hay tương phản với các nền văn hóa của các dân tộc được trợ giúp”. (114)

NHỮNG QUÀ TẶNG CHO NHAU    

  1. Những người mới đến, khác biệt về lối sống và văn hóa, có thể là một quà tặng, vì “những câu chuyện của người nhập cư luôn luôn là những câu chuyện về sự gặp gỡ giữa các cá nhân và giữa các nền văn hóa. Đối với các cộng đồng và các xã hội nơi mà họ đến, những người nhập cư mang tới một cơ hội giúp làm phong phú hơn, và giúp cho sự phát triển nhân bản toàn diện của mọi người”. (115) Vì thế, “tôi đặc biệt kêu gọi các bạn trẻ, đừng để bị giật dây bởi những kẻ xúi mình chống lại các bạn trẻ khác – là những người mới đến tại đất nước mình – và những kẻ khuyến khích các bạn trẻ xem những người mới đến như một mối đe dọa, và như thể họ không có cùng phẩm giá bất khả nhượng như mọi con người khác”. (116)
  2. Thật vậy, khi chúng ta bắt đầu mở lòng mình ra với những người khác mình, thì điều này sẽ giúp họ phát triển trong những con đường mới, trong khi họ vẫn tiếp tục là chính họ. Các nền văn hóa khác nhau đã triển nở qua các thế kỷ cần phải được giữ gìn, nếu không muốn thế giới chúng ta bị nghèo nàn đi. Đồng thời, những nền văn hóa ấy cần được khuyến khích mở ra với những kinh nghiệm mới, xuyên qua sự gặp gỡ với những thực tại khác, vì mối nguy của việc chịu xơ cứng văn hóa vẫn luôn luôn có đó. Đó là lý do tại sao “chúng ta cần truyền thông với nhau, khám phá những quà tặng của mỗi người, cổ võ những gì giúp hiệp nhất chúng ta, và xem những khác biệt của chúng ta như một cơ hội để lớn lên trong sự tôn trọng lẫn nhau. Rất cần sự kiên nhẫn và tin tưởng trong cuộc đối thoại như thế, cho phép các cá nhân, các gia đình và các cộng đồng chia sẻ những giá trị văn hóa của mình, và tiếp nhận những điều tốt đẹp từ kinh nghiệm của những người khác”. (117)
  3. Ở đây tôi muốn đề cập một số ví dụ mà tôi đã từng dùng. Văn hóa la tinh là “một thứ men các giá trị và các khả năng, có thể giúp làm cho nước Mỹ phong phú thêm rất nhiều”, vì “làn sóng di cư luôn tác động ảnh hưởng và biến đổi nền văn hóa của một nơi chốn… Ở Argentina, làn sóng di cư từ Ý đã để lại một dấu ấn trên nền văn hóa của xã hội tại đây, và sự hiện diện của khoảng 200.000 người Do thái đã có một hiệu ứng trên ‘phong cách’ văn hóa của Buenos Aires. Nếu những người nhập cư được giúp đỡ để hội nhập, họ sẽ là một sự chúc phúc, một nguồn đem lại sự phong phú và là một quà tặng mới có sức khích lệ một xã hội lớn lên”. (118)
  4. Trên một qui mô rộng hơn, Đại giáo trưởng Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã ghi nhận rằng “những mối quan hệ tốt giữa Đông và Tây là điều thiết yếu cần cho cả hai bên. Không được coi nhẹ các mối quan hệ ấy, để mỗi bên có thể được phong phú hơn nhờ nền văn hóa của bên kia, xuyên qua việc trao đổi và đối thoại đầy triển vọng. Phương Tây có thể khám phá nơi phương Đông những phương dược cho các bệnh trạng về tôn giáo và tâm linh gây ra bởi một chủ nghĩa duy vật đang tràn ngập. Và phương Đông có thể tìm thấy nơi phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát mình khỏi yếu kém, chia rẽ, xung đột, và sự suy yếu văn hóa, kỹ thuật và khoa học. Thật quan trọng việc chú ý đến các khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, vốn là một thành tố năng động trong việc định hình tính cách, văn hóa, và văn minh của phương Đông. Cũng quan trọng không kém, việc tăng cường mối ràng buộc về các quyền căn bản của con người, để giúp bảo đảm một đời sống có phẩm giá cho mọi người nam và nữ ở phương Đông và phương Tây, tránh những chính sách có tính tiêu chuẩn kép”. (119)

Một sự trao đổi đầy hoa trái

  1. Sự trợ giúp lẫn nhau giữa các quốc gia rõ ràng đem lại sự phong phú cho mỗi bên liên hệ. Một quốc gia tiến lên phía trước trong khi vẫn giữ gốc rễ vững chắc trên nền tảng văn hóa của mình, đó là một kho tàng cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cần phát triển nhận thức rằng ngày nay chúng ta hoặc được cứu cùng với nhau tất cả, hoặc không ai được cứu cả! Sự nghèo đói, suy thoái, và khốn khổ tại một vùng trên trái đất là một mảnh đất âm thầm sản sinh những vấn đề rốt cục ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh. Nếu chúng ta lo lắng bởi sự tuyệt chủng của một số giống loài, thì chúng ta càng phải lo lắng vì tại một số nơi trên thế giới chúng ta những cá nhân hay những dân tộc bị cản trở việc phát triển các tiềm năng và vẻ đẹp của mình, do bởi tình trạng nghèo đói hay những giới hạn có tính cơ cấu khác. Cuối cùng, điều này sẽ làm nghèo nàn tất cả chúng ta.
  2. Điều nói trên vẫn đúng trong mọi thời, song chưa bao giờ nó rõ ràng hơn thời của chúng ta, khi thế giới được nối kết bởi hiện tượng toàn cầu hóa. Chúng ta cần đạt được một trật tự kinh tế, chính trị, pháp lý có tính toàn cầu, “một trật tự có thể tăng cường và giúp định hướng cho sự hợp tác quốc tế, nhằm phát triển mọi dân tộc trong tình liên đới”. (120) Cuối cùng, điều này sẽ giúp ích cho toàn thế giới, vì “sự trợ giúp phát triển cho các nước nghèo” hàm nghĩa là “tạo ra của cải cho tất cả”. (121) Từ quan điểm phát triển toàn diện, điều này giả thiết “việc cho phép các nước nghèo có một tiếng nói có hiệu năng trong việc cùng nhau đưa ra các quyết định” (122) và khả năng “tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế đối với các nước đang trong tình trạng nghèo và kém phát triển”. (123)

Tinh thần vô vụ lợi mở ra với người khác  

  1. Tuy nhiên, tôi không muốn giới hạn ý tưởng của mình ở một cách tiếp cận có tính thực dụng. Luôn luôn có yếu tố “vô vụ lợi”: đó là khả năng làm những điều gì đó chỉ vì tự chúng tốt đẹp, chứ không bận tâm kiếm chác hay bù đắp cá nhân. Tinh thần vô vụ lợi làm cho chúng ta có thể tiếp đón người lạ, ngay cả dù điều này không đem lại cho chúng ta ích lợi cụ thể lập tức nào. Thế nhưng, một số quốc gia lại chủ trương chỉ đón nhận các nhà khoa học hay các nhà đầu tư mà thôi!
  2. Đời sống mà không có tinh thần vô vụ lợi huynh đệ sẽ trở thành một hình thức thương mại lạnh lùng, trong đó chúng ta thường xuyên cân nhắc điều mình cho đi và điều mình nhận lại. Đàng khác, Thiên Chúa trao ban cách nhưng không, đến mức Người trợ giúp cả những ai bất trung với Người; Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành” (Mt 5,45). Đó là một lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Khi anh em bố thí, đừng để tay phải biết việc tay trái làm, như thế việc bố thí của anh em sẽ kín đáo” (Mt 6,3-4). Chúng ta đón nhận sự sống cách nhưng không; chúng ta chẳng trả giá nào cho nó cả. Vì thế, tất cả chúng ta có thể cho đi mà không chờ mong nhận lại bất cứ gì, làm điều tốt lành cho người khác mà không đòi họ đối xử tốt với mình để đáp lại. Như Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, anh em hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8).
  3. Giá trị đích thực của các quốc gia trên thế giới chúng ta được đo lường bằng khả năng nhận thức mình không chỉ là một quốc gia mà còn là một phần của gia đình nhân loại rộng lớn hơn. Điều này được thấy cách đặc biệt vào những thời khắc khủng hoảng. Những hình thức hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc là một biểu hiện cực đoan của tình trạng thiếu khả năng nắm bắt ý nghĩa vô vụ lợi này. Người ta sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể tự mình phát triển mà không quan tâm đến sự thiệt hại của những người khác, họ nghĩ rằng bằng cách đóng cửa từ chối người khác thì họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Những người di dân bị coi như những kẻ đột nhập và chẳng có gì để cống hiến. Điều này dẫn tới niềm tin ngây thơ rằng người nghèo rất nguy hiểm và vô dụng, trong khi người mạnh là những đại ân nhân. Chỉ một nền văn hóa chính trị xã hội sẵn sàng tiếp đón người khác cách “vô vụ lợi” thì mới có tương lai.

ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHỔ QUÁT

  1. Cần nhớ rằng “có một căng thẳng nội tại giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta cần chú ý tới tầm vóc toàn cầu để tránh sự hẹp hòi và tầm thường. Nhưng chúng ta cũng cần để tâm tới chiều kích địa phương, qua đó giữ bàn chân mình trên mặt đất. Cả hai chiều kích sẽ giữ cho chúng ta khỏi rơi vào một trong hai thái cực. Ở thái cực thứ nhất, người ta bị kẹt trong một vũ trụ toàn cầu hóa trừu tượng… Ở thái cực kia, họ chuyển thành một viện bảo tàng thần thoại địa phương, một thế giới tách rời, chết cứng trong sự lặp đi lặp lại cùng những việc nào đó mãi mãi, không có khả năng bị thách đố bởi cái mới mẻ hay biết thưởng ngoạn vẻ đẹp mà Thiên Chúa ban cho vượt quá các biên giới của mình”. (124) Chúng ta cần có một nhãn giới toàn cầu để cứu chúng ta khỏi não trạng thiển cận nhỏ nhen. Khi ngôi nhà chúng ta không còn là một mái ấm và bắt đầu trở thành một khu nội cấm, một xà lim, thì tính toàn cầu sẽ giải cứu chúng ta, như một “nguyên tắc tối hậu” lôi kéo chúng ta về hướng hoàn thành chính mình. Đồng thời, tính địa phương cũng phải được trân trọng, vì nó có một cái gì đó mà tính toàn cầu không có: đó là khả năng làm men, đem lại sự phong phú, kích hoạt những cơ chế bổ trợ. Tình huynh đệ phổ quát và tình thân hữu xã hội, vì thế, là hai cực năng động như nhau và không thể tách rời. Việc tách rời chúng sẽ làm méo mó mỗi bên, và tạo ra tình trạng phân cực rất nguy hiểm.

Bản sắc địa phương

  1. Giải pháp ở đây không phải là một sự mở ra khiến loại bỏ nét phong phú của chính mình. Cũng như không thể có đối thoại với “người khác” nếu không có một cảm thức về căn tính của mình, thì cũng không thể có sự mở ra giữa các dân tộc trừ phi đặt nền tảng trên tình yêu đối với xứ sở mình, dân tộc mình, gốc rễ văn hóa của mình. Tôi không thể thực sự gặp gỡ một người khác nếu tôi không đứng trên những nền móng vững vàng, vì chính trên cơ sở của những nền móng này mà tôi có thể đón nhận quà tặng mà người khác mang lại, và về phần mình tôi trao một quà tặng đích thực của tôi. Tôi chỉ có thể tiếp đón người khác là những người rất khác biệt, và trân trọng sự đóng góp độc đáo mà họ cống hiến, khi tôi cắm rễ vững vàng trong dân tộc và văn hóa của mình. Người ta yêu mến và quan tâm đến quê hương xứ sở của mình, cũng như người ta yêu mến và chăm sóc mái nhà của mình và đích thân trách nhiệm giữ gìn nó. Cũng vậy, thiện ích chung đòi chúng ta phải bảo vệ và yêu mến quê hương xứ sở mình. Nếu không, những hệ quả của một tai họa ở một quốc gia sẽ rốt cục ảnh hưởng đến toàn thể hành tinh. Tất cả những điều này cho thấy rõ ý nghĩa tích cực của quyền sở hữu tài sản: Tôi quan tâm chăm sóc một cái gì đó mà tôi sở hữu, sao cho cái ấy có thể góp phần vào thiện ích của mọi người.
  2. Bản sắc địa phương cũng thúc đẩy những trao đổi lành mạnh và phong phú. Kinh nghiệm về việc được nuôi lớn lên ở một nơi cụ thể, và việc chia sẻ trong một văn hóa cụ thể, cho phép chúng ta hiểu biết những khía cạnh của thực tại mà những người khác không thể dễ dàng nhận hiểu được. Phổ quát không nhất thiết có nghĩa là vô vị, đồng nhất, và cứng nhắc, không nhất thiết chỉ dựa trên một kiểu mẫu văn hóa phổ biến, vì điều này rốt cục sẽ dẫn tới chỗ đánh mất những gam màu phong phú, và sẽ gây ra tình trạng hoàn toàn đơn điệu. Đó là cái cám dỗ được qui chiếu đến trong trình thuật cổ xưa về Tháp Babel. Sự cố gắng xây một ngọn tháp vươn tới trời không phải là một diễn tả sự hiệp nhất giữa những dân tộc khác nhau nói với nhau từ tính đa dạng của họ. Thay vào đó, đó là một cố gắng lệch lạc, phát xuất từ lòng kiêu ngạo và tham vọng, muốn xây dựng một sự hiệp nhất khác hơn sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn trong chương trình quan phòng của Người đối với các dân tộc (x. St 11,1-9).
  3. Sự mở ra với phổ quát cũng có thể là giả hiệu, khi phát xuất từ sự nông cạn của những người thiếu nhận thức về bản sắc của xứ sở mình, hay nuôi dưỡng nỗi oán hận dai dẳng đối với đồng bào mình. Dù trường hợp nào đi nữa, “chúng ta phải không ngừng mở rộng các chân trời của chúng ta, và nhìn thấy sự thiện lớn hơn có ích cho tất cả chúng ta. Nhưng khi làm thế, phải không được để xảy ra sự xói mòn hay bật rễ. Chúng ta cần cắm rễ sâu hơn trong mảnh đất màu mỡ và lịch sử của xứ sở mình, vốn là một quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm việc trên một qui mô nhỏ, trong lối xóm của mình, nhưng với một nhãn quan mở rộng hơn… Tính phổ quát không cần làm ngột ngạt người ta, bản sắc địa phương cũng không cần bị làm cho khô kiệt”; (125) kiểu mẫu của chúng ta phải là một khối đa diện, trong đó giá trị của mỗi cá nhân được tôn trọng, ở đó “toàn thể lớn hơn từng phần, nhưng nó cũng lớn hơn tổng số các thành phần”. (126)

Một chân trời phổ quát

  1. Có một chứng ái kỷ “địa phương” không liên quan gì đến tình yêu lành mạnh đối với đồng bào và văn hóa của mình. Nó phát xuất từ một sự bất an và nỗi sợ nào đó đối với người khác, dẫn tới sự tẩy chay và ước muốn dựng những bức tường bảo vệ chính mình. Nhưng không thể nào có cảm thức “địa phương” một cách lành mạnh nếu không chân thành mở ra với phổ quát, nếu không cảm thấy bị thách đố bởi những gì đang xảy ra ở các nơi khác, nếu không mở ra để được nên phong phú nhờ các nền văn hóa khác, và nếu không liên đới và quan tâm tới những thảm kịch đang ảnh hưởng đến các dân tộc khác. Trong khi đó, một chứng “ái kỷ địa phương” thì loay hoay chỉ với một số ý nghĩ nào đó, chỉ một số tập quán và dạng an toàn nào đó; không có khả năng thưởng ngoạn tiềm năng lớn lao và vẻ đẹp của thế giới rộng lớn hơn, nó thiếu một tinh thần liên đới quảng đại và chân thực. Đời sống ở cấp độ địa phương như thế sẽ trở thành ngày càng ít nồng nhiệt hơn, người ta sẽ ít mở ra hơn cho sự bổ khuyết. Những khả năng phát triển của đời sống ấy sẽ chật hẹp; người ta sẽ trở nên mỏi mòn và bạc nhược. Đàng khác, một nền văn hóa lành mạnh thì tự bản chất nó mở ra và nồng nhiệt hiếu khách; thật vậy, “một nền văn hóa mà không có các giá trị phổ quát thì không thực sự là một nền văn hóa”. (127)
  2. Chúng ta hãy nhận ra rằng khi tâm trí mình chật hẹp thì chúng ta ít có khả năng nhận hiểu thế giới xung quanh mình. Nếu không gặp gỡ và liên hệ với những sự khác biệt, thật khó mà đạt được một nhận hiểu rõ ràng và trọn vẹn ngay cả về chính mình, và về quê hương xứ sở của mình. Những nền văn hóa khác không phải là những “kẻ thù” mà chúng ta phải chiến đấu để tự vệ, nhưng đó là những phản ảnh khác nhau của sự phong phú bất tận trong đời sống con người. Nhìn chính mình từ nhãn giới của một người khác, một người khác biệt với mình, chúng ta có thể dễ nhận ra hơn những nét độc đáo của mình và của nền văn hóa mình: sự phong phú của nó, những khả năng và những giới hạn của nó. Kinh nghiệm địa phương của chúng ta cần phát triển “trong đối ứng với” và “trong hòa hợp với” kinh nghiệm của những người khác sống trong các bối cảnh văn hóa đa dạng. (128)
  3. Quả thật, một sự mở ra lành mạnh không bao giờ đe dọa căn tính của người ta. Một nền văn hóa sống động, được bồi đắp bởi các yếu tố từ những nơi khác, không du nhập các yếu tố mới ấy duy chỉ như một bản sao y hệt, nhưng hội nhập chúng bằng cách thức độc đáo của mình. Kết quả là một tổng hợp mới rốt cục có ích cho tất cả, vì chính nền văn hóa gốc kia nhận được sự bồi đắp. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi các sắc dân bản xứ trân trọng các gốc rễ và nền văn hóa của tổ tiên mình. Nhưng đồng thời, tôi nhấn mạnh rằng tôi không có ý định đề nghị một “‘chủ nghĩa duy bản địa’ hoàn toàn tĩnh tại, khép kín, thiếu nhãn giới lịch sử, và bác bỏ mọi loại pha trộn (mestizaje)”. Vì “căn tính văn hóa của chúng ta được củng cố và làm phong phú nhờ đối thoại với những người không giống với chúng ta. Căn tính đích thực của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn”. (129) Thế giới phát triển và chứa đầy vẻ đẹp mới mẻ, nhờ những tổng hợp nối tiếp nhau được sản sinh giữa các nền văn hóa mở ra, và không có bất cứ hình thức áp đặt văn hóa nào.
  4. Để có một tương quan lành mạnh giữa tình yêu quê hương xứ sở và một cảm thức thuộc về gia đình nhân loại rộng lớn hơn của chúng ta, thiết tưởng cần ghi nhớ rằng xã hội toàn cầu không phải là tổng số các quốc gia khác nhau, nhưng đúng hơn đó là mối hiệp thông giữa các quốc gia. Cảm thức thuộc về lẫn nhau đi trước sự xuất hiện của các nhóm riêng. Mỗi nhóm riêng trở thành một phần của mối hiệp thông phổ quát, và khám phá vẻ đẹp của mình ở đó. Tất cả các cá nhân, bất kể nguồn gốc, biết rằng mình là thành phần của gia đình nhân loại rộng lớn hơn, nếu không có gia đình rộng lớn này thì mình không thể nhận hiểu chính mình cách đầy đủ.
  5. Việc nhìn mọi sự theo cách này sẽ giúp ta vui mừng nhận ra rằng không một dân tộc nào, nền văn hóa hay cá nhân nào có thể tự mình đạt được mọi sự: để đạt được sự viên mãn trong đời sống, chúng ta cần đến những người khác. Ý thức về những giới hạn và bất toàn của chính mình thì không hề là một sự đe dọa, nhưng trở thành chìa khóa để hình dung và theo đuổi một dự án chung. Vì “con người là một hữu thể hữu hạn không có giới hạn”. (130)

Bắt đầu với chính vùng của mình

  1. Nhờ những sự trao đổi giữa các vùng, các nước nghèo được mở ra với thế giới rộng lớn hơn, và tính phổ quát không nhất thiết dập tắt những đặc nét của các vùng. Một sự mở ra chân thực và thích đáng với thế giới giả thiết khả năng mở ra với láng giềng của mình trong gia đình các dân tộc. Sự hội nhập chính trị, kinh tế, và văn hóa với các dân tộc lân cận, vì thế, nên được gắn liền với một tiến trình giáo dục giúp cổ võ giá trị của tình yêu đối với láng giềng, đó là bước thứ nhất tất yếu hướng tới một sự hội nhập phổ quát lành mạnh.
  2. Tại một số khu vực của các thành phố chúng ta, vẫn có một cảm thức sống động về tình láng giềng. Mỗi người hoàn toàn tự nguyện nhận trách nhiệm đồng hành và giúp đỡ người ở gần mình. Ở những nơi mà các giá trị cộng đồng này được gìn giữ, người ta kinh nghiệm một sự gần gũi in dấu ấn của lòng biết ơn, sự liên đới, và tính hỗ tương. Tình láng giềng trao cho người ta một cảm thức về căn tính chung. (131) Mong sao những quốc gia láng giềng có thể khích lệ một tinh thần láng giềng tương tự giữa các dân tộc của mình! Nhưng tinh thần cá nhân chủ nghĩa cũng ảnh hưởng trên các mối quan hệ giữa các quốc gia. Lối nghĩ rằng chúng ta phải dè chừng nhau để bảo vệ chính mình, tức nhìn kẻ khác như đối thủ tranh chấp, hay như những kẻ thù ngu hiểm, sự nguy hiểm của lối nghĩ ấy cũng tác động trên các mối quan hệ giữa các dân tộc trong cùng một vùng. Dường như chúng ta đã được đào tạo trong cảm thức sợ hãi và nghi ngờ như thế!
  3. Có những cường quốc và những doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ sự cô lập này, và thích thương lượng với mỗi nước một cách tách biệt. Mặt khác, những nước nhỏ và nghèo có thể ký các hiệp ước với các nước láng giềng trong vùng, theo đó họ sẽ thương thuyết trong tư cách một khối, và như vậy tránh bị xé lẻ ra, tránh bị làm cho cô lập và phụ thuộc vào các nước lớn. Ngày nay, không nhà nước nào có thể bảo đảm thiện ích chung cho dân của mình nếu vẫn còn bị cô lập.

Lm. Lê Công Đức dịch

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30