TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: PHẦN 1 và 2

Written by xbvn on Tháng Tư 13th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Phái tính, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội, Đạo đức sinh học

1. Một nhận thức dần dần về đặc tính trung tâm của phẩm giá con người

10. Ngay từ thời Cổ đại [18], người ta đã tìm thấy một nhận thức đầu tiên về phẩm giá con người, vốn nằm trong viễn cảnh xã hội: mỗi con người được ban cho một phẩm giá đặc biệt, tùy theo hạng bậc của mình và trong một trật tự nào đó. Từ lĩnh vực xã hội, từ này chuyển sang mô tả những phẩm giá khác nhau của các sinh vật hiện diện trong vũ trụ. Theo quan điểm này, mọi sinh vật đều có “phẩm giá” riêng, tùy theo vị trí của chúng trong sự hài hòa của tổng thể. Chắc chắn, một số đỉnh cao của tư tưởng cổ đại đã bắt đầu thừa nhận một vị trí độc nhất dành cho con người, trong chừng mực con người được phú bẩm lý trí và do đó có khả năng đảm nhận trách nhiệm đối với bản thân và những sinh vật khác trên thế giới,[19] nhưng chúng ta vẫn còn xa với một tư tưởng có khả năng thiết lập sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, trong mọi hoàn cảnh.

Các viễn cảnh Thánh Kinh

11. Mặc Khải Thánh Kinh dạy rằng tất cả mọi người đều có một phẩm giá nội tại bởi vì họ được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”. […] Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 26-27). Nhân loại có một phẩm chất đặc thù, khiến nó không thể bị giảm thiểu thành vật chất thuần túy. “Hình ảnh” không xác định linh hồn hay những khả năng trí tuệ, nhưng xác định phẩm giá của người nam và người nữ. Cả hai, trong mối quan hệ bình đẳng và yêu thương nhau, hoàn thành chức năng đại diện Thiên Chúa trong thế giới và được mời gọi chăm sóc và nuôi dưỡng thế giới. Do đó, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa là sở hữu trong chúng ta một giá trị thánh thiêng siêu vượt mọi sự phân biệt về giới tính, xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Phẩm giá của chúng ta được ban cho chúng ta, nó không được đòi hỏi hay do công trạng. Mỗi con người đều được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn vì chính nó và do đó, phẩm giá của họ là bất khả xâm phạm. Trong sách Xuất Hành, tâm điểm của Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ ra là Đấng nghe tiếng kêu than của người nghèo, nhìn thấy nỗi khốn cùng của dân mình, chăm sóc những người bé mọn nhất và những người bị áp bức (x. Xh 3, 7; 22, 20 -26). Người ta tìm thấy giáo huấn tương tự trong sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 12-26): ở đây, giáo huấn về các quyền lợi được biến thành một “bản tuyên ngôn” về phẩm giá con người, đặc biệt bênh vực ba nhóm người : trẻ mồ côi, góa phụ và người ngoại kiều. (x. Đnl 24, 17). Những giới luật xưa của sách Xuất Hành được nhắc lại và hiện tại hóa qua lời rao giảng của các ngôn sứ, những người đại diện cho lương tâm phê bình của dân Israel. Toàn bộ các chương của các ngôn sứ Amos, Hôsê, Isaia, Mikha và Giêrêmia đều tố cáo sự bất công. Amos cay đắng chỉ trích sự đàn áp người nghèo, việc không công nhận bất kỳ phẩm giá cơ bản nào của con người đối với những người bị thiệt thòi nhất (x. Am 2, 7; 4, 1; 5, 11-12). Isaia tuyên bố tai họa chống lại những kẻ chà đạp các quyền lợi của người nghèo, phủ nhận mọi công lý của họ: “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý!” (Is 10, 1-2). Giáo huấn ngôn sứ này được lấy lại trong văn chương khôn ngoan. Sách Huấn ca so sánh sự áp bức người nghèo với tội giết người: “Cướp phương tiện sống của kẻ khác là giết người; đoạt lương của người làm thuê là gây đổ máu” (Hc 34, 22). Trong các Thánh Vịnh, mối quan hệ tôn giáo với Thiên Chúa bao hàm việc bảo vệ những người yếu đuối và thiếu thốn: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82, 3-4).

12. Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong những điều kiện khiêm tốn và đã mặc khải phẩm giá của những người nghèo khổ và những người lao động.[20] Trong suốt sứ vụ của mình, Chúa Giêsu khẳng định giá trị và phẩm giá của tất cả những ai mang hình ảnh của Thiên Chúa, bất kể địa vị xã hội và hoàn cảnh bên ngoài của họ. Chúa Giêsu đã phá bỏ các rào cản văn hóa và tôn giáo, phục hồi phẩm giá cho những người bị loại bỏ hoặc bị coi là bên lề xã hội: người thu thuế (x. Mt 9, 10-11), phụ nữ (x. Ga 4, 1-42), trẻ em (x. Mc 10, 14-15), người phong cùi (x. Mt 8, 2-3), người bệnh (x. Mc 1, 29-34), người ngoại kiều (x. Mt 25, 35), góa phụ (x. Lc 7, 11-15). Người chữa lành, nuôi dưỡng, bảo vệ, giải phóng, cứu rỗi. Người được mô tả như một mục tử quan tâm đến duy chỉ một con chiên lạc (x. Mt 18, 12-14). Người tự đồng hóa với những người anh em hèn mọn nhất của mình: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, “những người bé nhỏ” không chỉ là những trẻ em theo độ tuổi, mà còn là những môn đệ yếu đuối, những người tầm thường nhất, những người bị loại trừ, bị áp bức, bị gạt sang một bên, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người dốt nát, người bệnh tật, người bị hạ thấp bởi các nhóm thống trị. Chúa Kitô vinh hiển sẽ xét xử theo tình yêu đối với người lân cận, hệ tại việc đã giúp đỡ những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, bệnh tật, tù đày, những người mà Người tự đồng hóa (x. Mt 25, 34-36). Đối với Chúa Giêsu, việc thiện được làm cho mọi người, bất kể mối liên hệ huyết thống hay tôn giáo, là tiêu chuẩn phán xét duy nhất. Thánh Phaolô Tông đồ, khi viết cho giáo đoàn Galát, đã khẳng định rằng mọi Kitô hữu phải cư xử theo những đòi hỏi về phẩm giá và tôn trọng quyền lợi của mọi người (x. Rm 13, 8-10), phù hợp với điều răn mới về đức ái. (x. 1 Cr 13, 1-13).

Những phát triển trong tư tưởng Kitô giáo

13. Tiếp đến, sự phát triển tư tưởng Kitô giáo đã kích thích và đi kèm với sự tiến bộ trong suy tư của con người về chủ đề phẩm giá. Nhân chủng học Kitô giáo cổ điển, dựa trên truyền thống vĩ đại của các Giáo phụ, đã nhấn mạnh đến học thuyết về con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và đến vai trò đặc biệt của nó trong công trình tạo dựng.[21] Tư tưởng Kitô giáo thời trung cổ, khi xem xét một cách có phê bình di sản của tư tưởng triết học cổ đại, đã đi đến một tổng hợp về khái niệm nhân vị, thừa nhận trong đó nền tảng siêu hình về phẩm giá của nó, như được chứng thực bằng những lời sau đây của thánh Tôma Aquinô: “Nhân vị biểu thị những gì hoàn hảo nhất trong mọi bản tính: tức là, những gì tồn tại trong một bản tính có lý trí”.[22] Phẩm giá hữu thể này, trong sự biểu hiện ưu việt của nó qua hành động tự do của con người, sau đó đã được nhấn mạnh đặc biệt bởi chủ thuyết nhân bản Kitô giáo thời Phục hưng.[23] Ngay cả trong tầm nhìn của các nhà tư tưởng hiện đại, chẳng hạn như Descartes và Kant, những người cũng đặt vấn đề về một số nền tảng của nhân học Kitô giáo truyền thống, những vang vọng của Mặc Khải vẫn có thể được cảm nhận một cách mạnh mẽ. Dựa trên một số suy tư triết học gần đây hơn về cương vị của chủ thể tính lý thuyết và thực hành, suy tư Kitô giáo đã nhấn mạnh hơn nữa chiều sâu của khái niệm phẩm giá, đạt đến một viễn cảnh độc đáo trong thế kỷ XX, chẳng hạn như với chủ thuyết nhân vị. Viễn cảnh này không chỉ lấy lại vấn đề chủ thể tính, mà còn đào sâu nó theo chiều hướng liên chủ thể và các mối quan hệ gắn kết các nhân vị với nhau.[24] Đề xuất nhân học Kitô giáo đương đại cũng đã được làm phong phú nhờ tư tưởng nảy sinh từ cách tiếp cận cuối cùng này.[25]

Thời hiện tại

14. Ngày nay, thuật ngữ “phẩm giá” chủ yếu được dùng để nhấn mạnh tính cách độc nhất của nhân vị, bất khả sánh với các sinh vật khác trong vũ trụ. Từ viễn cảnh này, chúng ta hiểu cách thức mà thuật ngữ phẩm giá được sử dụng trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc năm 1948, trong đó nói về “phẩm giá gắn liền với tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và các quyền bình đẳng và bất khả tước bỏ của họ”. Chỉ có đặc tính bất khả tước bỏ này của phẩm giá con người mới cho phép nói về nhân quyền.[26]

15. Để làm rõ hơn khái niệm phẩm giá, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng phẩm giá không được những người khác ban cho nhân vị, dựa trên một số năng khiếu và phẩm chất, đến độ nó có thể bị rút lại. Nếu phẩm giá được những người khác ban cho nhân vị, thì nó sẽ được ban cách có điều kiện và có thể bị tước bỏ, và như thế chính ý nghĩa của phẩm giá (mặc dù rất đáng được tôn trọng) sẽ có nguy cơ bị xóa bỏ. Trong thực tế, phẩm giá là nội tại của nhân vị, nó không được ban cho một cách hậu nghiệm, nó có trước bất kỳ sự thừa nhận nào và không thể bị mất đi. Vì vậy, tất cả mọi người đều có phẩm giá nội tại như nhau, cho dù họ có khả năng thể hiện nó một cách thích đáng hay không.

16. Đây là lý do tại sao Công đồng Vatican II nói về “phẩm giá cao quý của nhân vị, vượt trên mọi sự và các quyền và nghĩa vụ của nó là phổ quát và bất khả xâm phạm” [27] Như những lời đầu tiên của Tuyên ngôn Dignitatis humanae của Công đồng nhắc lại, “phẩm giá của nhân vị là đối tượng của một nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết; ngày càng có nhiều người đòi hỏi cho con người khả năng hành động theo những lựa chọn riêng của mình và hoàn toàn tự do chịu trách nhiệm; không phải dưới áp lực của sự ép buộc, nhưng được hướng dẫn bởi ý thức về bổn phận của mình.”[28] Quyền tự do tư tưởng và lương tâm này, cả cá nhân lẫn tập thể, dựa trên sự nhìn nhận nhân phẩm “như được Lời Chúa và chính lý trí cho biết” [29]. Chính huấn quyền của Giáo hội đã ngày càng suy tư chín chắn hơn về ý nghĩa của phẩm giá này, cũng như những đòi hỏi và ngụ ý liên quan đến nó, khi nhận ra rằng phẩm giá của mỗi con người là như vậy trong mọi hoàn cảnh.

2. Giáo hội công bố, thăng tiến và bảo đảm nhân phẩm

17. Giáo hội công bố phẩm giá bình đẳng của mọi người, bất kể điều kiện sống và phẩm chất của họ. Lời công bố này dựa trên ba niềm xác tín mà, dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, mang lại cho nhân phẩm một giá trị vô giá và củng cố những đòi hỏi nội tại của nó.

Một hình ảnh không thể xóa nhòa của Thiên Chúa

18. Trước hết, theo Mặc Khải, phẩm giá của con người xuất phát từ tình yêu của Đấng Tạo Hóa của nó, Đấng đã in sâu vào con người những nét không thể xóa nhòa của hình ảnh Ngài (x. St 1,26), mời gọi con người nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và sống trong mối quan hệ giao ước với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ, công lý và hòa bình với tất cả mọi người nam và người nữ khác. Theo tầm nhìn này, phẩm giá không chỉ liên quan đến linh hồn, mà còn đến nhân vị như một thể thống nhất không thể chia cắt, và do đó cũng gắn liền với thân xác của nó, vốn tham dự vào hữu thể của nhân vị theo cách của nó như hình ảnh của Thiên Chúa và cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang của linh hồn trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Chúa Kitô nâng cao phẩm giá con người

19. Niềm xác tín thứ hai nảy sinh từ sự kiện là phẩm giá của nhân vị đã được mặc khải trọn vẹn khi Chúa Cha sai Con của mình đến, Đấng đã đảm nhận toàn bộ cuộc sống con người: “Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn, vốn làm nên con người” [30] Do đó, bằng cách hiệp nhất một cách nào đó với mọi người qua việc nhập thể của mình, Chúa Giêsu Kitô đã xác nhận rằng mỗi người đều có một phẩm giá vô giá, bằng sự kiện đơn giản là thuộc về cùng một cộng đồng nhân loại, và phẩm giá này không bao giờ có thể bị mất đi.[ 31] Bằng việc công bố rằng Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo, người khiêm nhường, người bị khinh miệt, những người đau khổ về thể xác và tinh thần; bằng cách chữa lành mọi loại bệnh hoạn tật nguyền, ngay cả những bệnh tật nặng nề nhất như bệnh cùi; bằng cách khẳng định rằng những gì chúng ta làm cho những người này, đó là chúng ta đang làm cho Người, bởi vì Người hiện diện nơi những người này, Chúa Giêsu đã mang đến sự mới mẻ tuyệt vời trong việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và trên hết, cả của những người bị coi là “thiếu phẩm giá”. Nguyên tắc mới này trong lịch sử nhân loại, theo đó con người càng “xứng đáng” (digne) được tôn trọng và yêu thương hơn khi họ yếu đuối hơn, khốn khổ hơn và đau khổ hơn, đến mức mất đi “dáng vẻ” người của mình, đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới, bằng việc khai sinh ra những tổ chức chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn: trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già bị bỏ rơi một mình, bệnh nhân tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị tật nghiêm trọng, người sống trên đường phố.

Ơn gọi hướng tới phẩm giá trọn vẹn

20. Niềm xác tín thứ ba liên quan đến số phận cuối cùng của con người: sau công trình tạo dựng và nhập thể, sự phục sinh của Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của phẩm giá con người. Thật vậy, “khía cạnh cao quý nhất của phẩm giá con người được tìm thấy nơi ơn gọi hiệp thông với Thiên Chúa của con người”, [32] được định sẽ tồn tại đời đời. Như vậy, “phẩm giá của sự sống không chỉ gắn liền với nguồn gốc của nó, với sự kiện nó đến từ Thiên Chúa, mà còn với cứu cánh của nó, với định mệnh của nó là hiệp thông với Thiên Chúa để biết Ngài và yêu mến Ngài. Chính dưới ánh sáng của chân lý này mà thánh Irênê đã nêu rõ và hoàn thành việc tôn vinh con người: “Vinh quang của Thiên Chúa” chính là “con người sống động”, nhưng “sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa”” [33].

21. Vì vậy, Giáo hội tin và khẳng định rằng tất cả mọi người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và được tái tạo [34] trong Ngôi Con làm người, chịu đóng đinh và phục sinh, đều được mời gọi lớn lên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để phản ánh vinh quang của Chúa Cha, trong cùng hình ảnh này, thông phần vào sự sống đời đời (x. Ga 10,15-16,17,22-24; 2 Cr 3,18; Êph 1,3-14). Thật vậy, “Mặc Khải […] tỏ lộ toàn bộ phẩm giá của nhân vị” [35]

Dấn thân cho tự do

22. Mặc dù mỗi người đều có một phẩm giá nội tại và bất khả tước bỏ ngay từ đầu cuộc sống của mình như một ân huệ không thể hủy bỏ, nhưng điều đó tùy thuộc vào quyết định tự do và có trách nhiệm của họ để diễn đạt và thể hiện phẩm giá đó một cách trọn vẹn hay làm lu mờ nó. Một số Giáo phụ – như thánh Irênê hay thánh Gioan Đamascô – đã phân biệt giữa hình ảnh và sự giống như mà sách Sáng Thế Ký nói đến, nhờ đó cho phép một cái nhìn năng động về chính phẩm giá con người: hình ảnh Thiên Chúa được ủy thác cho sự tự do của con người để, dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần, việc giống như Thiên Chúa của con người được lớn lên và mỗi người có thể đạt được phẩm giá cao nhất của mình.[36] Quả thế, mỗi người được mời gọi biểu lộ trên bình diện hiện sinh và luân lý tầm quan trọng hữu thể của phẩm giá của mình trong chừng mực, với sự tự do của mình, họ hướng tới sự thiện đích thực, để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhân vị một mặt không bao giờ mất đi phẩm giá của mình và không bao giờ ngừng được mời gọi tự do đón nhận sự thiện; mặt khác, trong chừng mực nhân vị đáp lại sự thiện, phẩm giá của họ có thể được biểu lộ, phát triển và trưởng thành một cách tự do, một cách năng động và tiến bộ. Điều này có nghĩa là con người cũng phải nỗ lực sống xứng với phẩm giá của mình.

Như thế, chúng ta hiểu theo nghĩa nào tội lỗi có thể làm tổn thương và lu mờ phẩm giá con người, như một hành vi trái ngược với phẩm giá này, nhưng đồng thời, nó không bao giờ có thể xóa bỏ được sự kiện rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, đức tin góp phần một cách quyết định vào việc trợ giúp lý trí trong việc nhận thức về phẩm giá con người, đồng thời đón nhận, củng cố và nêu bật những nét thiết yếu của nó, như Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh: “Hơn nữa, nếu không có sự sửa chữa mà tôn giáo mang lại, thì lý trí cũng có thể rơi vào tình trạng méo mó, như khi nó bị ý thức hệ thao túng, hoặc khi nó được sử dụng một cách phiến diện đến mức không còn có thể ý thức về phẩm giá nhân vị một cách đầy đủ nữa. Rốt cục, chính sự lạm dụng lý trí này, là nguồn gốc của việc buôn bán nô lệ và nhiều tệ nạn xã hội khác, trong đó ít nhất có các ý thức hệ toàn trị của thế kỷ XX.”[37]

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30