TUYÊN NGÔN DIGNITAS INFINITA VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI: DẪN NHẬP

Written by xbvn on Tháng Tư 11th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Phái tính, Tâm linh, Thế Giới, Tín lý, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội, Đạo đức sinh học

Dẫn nhập

1. (Dignitas infinita) Một phẩm giá vô hạn, được thiết lập một cách bất khả tước bỏ trong chính hữu thể của nó, đều thuộc về mỗi nhân vị, trong mọi hoàn cảnh và trong bất kỳ trạng thái hay tình huống nào của họ. Nguyên tắc này, hoàn toàn có thể được thừa nhận ngay cả chỉ bằng lý trí, sẽ thiết lập tính tối thượng của nhân vị và việc bảo vệ các quyền của họ. Giáo hội, dưới ánh sáng Mặc Khải, tái khẳng định và xác nhận không chút dè dặt phẩm giá hữu thể này của nhân vị, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và được cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô. Chính từ chân lý này mà Giáo hội rút ra những lý do cho sự dấn thân của mình đối với những người yếu đuối nhất và những người ít có quyền lực nhất, bằng cách luôn nhấn mạnh đến “tính tối thượng của nhân vị và việc bảo vệ phẩm giá của họ trong mọi hoàn cảnh”.[2]

2. Phẩm giá hữu thể này cũng như giá trị độc nhất và cao quý của mỗi người nữ và mỗi người nam đang sống trên thế giới này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhắc lại một cách uy tín trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (ngày 10 tháng 12 năm 1948).[ 3] Khi kỷ niệm 75 năm Văn kiện này, Giáo hội nhận thấy cơ hội để tuyên bố một lần nữa niềm xác tín của mình rằng, được Thiên Chúa tạo dựng và được Chúa Kitô cứu chuộc, mỗi con người phải được nhìn nhận và đối xử với sự tôn trọng và yêu thương, chính vì phẩm giá bất khả tước bỏ của họ. Việc kỷ niệm nói trên cũng mang lại cho Giáo hội cơ hội làm sáng tỏ một số hiểu lầm thường nảy sinh liên quan đến phẩm giá con người và đề cập một số vấn đề cụ thể nghiêm trọng và cấp bách liên quan đến phẩm giá đó.

3. Ngay từ đầu sứ mạng của mình, được thúc đẩy bởi Tin Mừng, Giáo hội đã nỗ lực khẳng định quyền tự do và thăng tiến các quyền của mọi người.[4] Trong thời gian gần đây, nhờ tiếng nói của các Đức Giáo hoàng, sự dấn thân này đã được trình bày một cách rõ ràng hơn qua lời kêu gọi mới mẻ về việc nhìn nhận phẩm giá căn bản của nhân vị. Thánh Phaolô VI đã nói: “Không có nền nhân chủng học nào sánh bằng nền nhân chủng học của Giáo hội về nhân vị – ngay cả với tư cách là một cá nhân – về tính độc đáo và phẩm giá của nó, về tính bất khả xâm phạm và sự phong phú của các quyền cơ bản của nó, về tính cách linh thiêng và có thể giáo dục của nó, về khát vọng đạt tới sự triển nở toàn diện và sự bất tử của nó”.[5]

4. Thánh Gioan-Phaolô II, vào năm 1979, tại Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh lần thứ ba ở Puebla, đã tuyên bố: “Phẩm giá con người là một giá trị Tin Mừng không thể bị coi thường mà không xúc phạm nghiêm trọng đến Đấng Tạo Hóa. Phẩm giá này bị chà đạp, ở cấp độ cá nhân, khi người ta không quan tâm đúng mức đến các giá trị như tự do, quyền tuyên xưng tôn giáo, quyền toàn vẹn về thể chất và tâm lý, quyền có những của cải thiết yếu, quyền sống… Nó bị chà đạp, trên bình diện xã hội và chính trị, khi con người không thể thực hiện quyền tham gia của mình hoặc phải chịu những ép buộc bất công và bất hợp pháp, hoặc những cuộc tra tấn về thể lý, tâm lý, v.v. […] Nếu Giáo hội hiện diện để bảo vệ hoặc thăng tiến phẩm giá con người, thì Giáo hội làm như vậy trong đường hướng sứ mạng của mình, dù mang tính chất tôn giáo chứ không phải xã hội hay chính trị, nhưng không thể không coi con người trong sự toàn vẹn hữu thể của nó.”[6]

5. Vào năm 2010, trước Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định rằng phẩm giá con người là “một nguyên tắc cơ bản mà đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh luôn bảo vệ, nhất là khi nó bị coi thường khi đó là những người đơn sơ và không có khả năng tự vệ.”[7] Trong một dịp khác, nói chuyện với các nhà kinh tế, ngài tuyên bố rằng “nền kinh tế và tài chính không tồn tại cho chính chúng, chúng chỉ là một công cụ, một phương tiện. Mục đích của chúng chỉ là nhân vị và sự thể hiện đầy đủ của nó về phẩm giá. Đây là nguồn vốn duy nhất cần được bảo toàn.”[8]

6. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi Giáo hội “tuyên xưng một Người Cha yêu thương mỗi người vô tận” và “khám phá ra rằng “qua tình yêu này Người ban cho họ một phẩm giá vô hạn””,[9] đồng thời nhấn mạnh cách mạnh mẽ rằng phẩm giá vô hạn này tượng trưng cho một dữ kiện nguyên thủy cần được nhìn nhận một cách trung thành và đón nhận với lòng biết ơn. Chính trên sự nhìn nhận và đón nhận này mới có thể thiết lập một cuộc chung sống mới giữa con người với nhau, nhằm phát triển tương quan xã hội trong một chân trời của tình huynh đệ đích thực: chỉ bằng cách “nhận ra phẩm giá của mỗi nhân vị mà chúng ta mới có thể hồi sinh giữa tất cả mọi người một khát vọng toàn cầu về tình huynh đệ”.[10] Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “nguồn gốc của nhân phẩm và tình huynh đệ này được tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô,”[11] nhưng đó cũng là một niềm xác tín mà lý trí con người có thể đạt được thông qua suy tư và đối thoại, bởi vì “nếu cần phải tôn trọng phẩm giá của người khác trong mọi hoàn cảnh, thì đó không phải vì chúng ta phát minh ra hay giả định phẩm giá của người khác, nhưng bởi vì thực sự có nơi họ một giá trị vượt xa những thứ vật chất và các hoàn cảnh, và đòi hỏi chúng ta phải đối xử với họ một cách khác. Việc mỗi người đều có một phẩm giá bất khả tước bỏ là một chân lý tương ứng với bản tính con người, bất chấp mọi thay đổi về văn hóa”.[12] Quả thế, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, “con người có cùng một phẩm giá bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn lịch sử và không ai có thể cảm thấy mình được cho phép bởi các hoàn cảnh để phủ nhận niềm xác tín này hoặc không hành động chống lại nó”.[13] Trong viễn cảnh này, thông điệp Fratelli tutti của ngài đã tạo thành một loại Đại Hiến Chương về các nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người hiện nay.

Một sự làm sáng tỏ cơ bản

7. Mặc dù ngày nay có một sự đồng thuận khá chung về tầm quan trọng và ảnh hưởng chuẩn mực của phẩm giá cũng như giá trị duy nhất và siêu việt của mỗi con người,[14] nhưng cách diễn đạt “phẩm giá nhân vị” thường có nguy cơ mang nhiều ý nghĩa và do đó đứng trước những hiểu lầm có thể xảy ra[15] và “những mâu thuẫn khiến người ta tự hỏi liệu phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người […] có thực sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay không.”[16] Tất cả những điều này đưa chúng ta đến chỗ nhận ra khả năng phân biệt bốn ý nghĩa về khái niệm phẩm giá: phẩm giá hữu thể, phẩm giá luân lý, phẩm giá xã hội và cuối cùng là phẩm giá hiện sinh.

Ý nghĩa quan trọng nhất là phẩm giá hữu thể, liên quan đến nhân vị bởi sự kiện đơn giản là hiện hữu và được Thiên Chúa muốn, tạo dựng và yêu thương. Phẩm giá này không bao giờ có thể bị xóa bỏ và vẫn có giá trị vượt trên mọi hoàn cảnh mà các cá nhân có thể gặp phải. Khi nói đến phẩm giá luân lý, người ta muốn nói đến việc thực thi quyền tự do của con người. Con người, mặc dù có lương tâm, vẫn luôn mở ra khả năng hành động ngược lại lương tâm này. Khi làm như vậy, con người chấp nhận một hành xử “thiếu phẩm giá” (indigne) với bản chất của mình như những thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và được kêu gọi yêu thương người khác. Nhưng khả năng này tồn tại. Và đó không phải là tất cả. Lịch sử cho thấy rằng việc thực thi quyền tự do đi ngược lại luật yêu thương được Tin Mừng mặc khải có thể đạt đến đỉnh cao khôn lường trong sự dữ gây ra cho người khác. Khi điều này xảy ra, chúng ta thấy mình phải đối mặt với những người dường như đã mất hết dấu vết nhân tính, mất hết dấu vết phẩm giá. Về vấn đề này, sự phân biệt được giới thiệu ở đây giúp phân định chính xác giữa khía cạnh phẩm giá luân lý có thể thực sự bị “mất đi” và khía cạnh phẩm giá hữu thể không bao giờ có thể hủy bỏ. Và chính vì phẩm giá hữu thể này mà chúng ta phải nỗ lực hết mình để tất cả những người đã làm điều ác được sám hối và hoán cải.

8. Vẫn còn hai ý nghĩa khả thi khác của phẩm giá: xã hội và hiện sinh. Khi chúng ta nói về phẩm giá xã hội, chúng ta đề cập đến những điều kiện trong đó một người đang sống. Chẳng hạn, trong tình trạng nghèo đói cùng cực, khi những điều kiện tối thiểu không được đáp ứng để một người có thể sống theo phẩm giá hữu thể của họ, chúng ta nói rằng cuộc sống của người nghèo này là một cuộc sống “thiếu phẩm giá”. Cách diễn đạt này không hề hàm ý một sự phán xét đối với con người, nhưng nhằm làm nổi bật sự kiện rằng phẩm giá bất khả tước bỏ của họ bị mâu thuẫn bởi hoàn cảnh mà họ buộc phải sống. Ý nghĩa cuối cùng là phẩm giá hiện sinh. Ngày nay, người ta ngày càng nói nhiều hơn về một cuộc sống “có phẩm giá” và một cuộc sống “thiếu phẩm giá”. Chúng ta đang đề cập đến những hoàn cảnh đúng là hiện sinh: chẳng hạn trường hợp của một người, mặc dù không thiếu thứ gì thiết yếu để sống, nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, lại gặp khó khăn để sống trong hòa bình, niềm vui và hy vọng. Trong những hoàn cảnh khác, chính sự hiện diện của các bệnh tật trầm trọng, của các bối cảnh gia đình bạo lực, của một số chứng nghiện bệnh hoạn và những khó chịu khác đã đẩy một người sống điều kiện sống của mình như là “thiếu phẩm giá” khi đối diện với nhận thức về phẩm giá hữu thể không bao giờ có thể bị lu mờ này. Dù sao đi nữa, những khác biệt được đưa ra ở đây chỉ nhắc lại giá trị bất khả tước bỏ của phẩm giá hữu thể này, bắt nguồn từ chính hữu thể nhân vị và tồn tại trong mọi hoàn cảnh.

9. Cuối cùng, thật thích hợp để nhắc lại ở đây rằng định nghĩa cổ điển về nhân vị như một “thực thể cá nhân có bản tính lý trí” [17] giải thích nền tảng của phẩm giá của nó. Thật vậy, với tư cách là một “thực thể cá nhân”, nhân vị có được một phẩm giá hữu thể (nghĩa là ở cấp độ siêu hình của chính hữu thể): đó là một chủ thể, sau khi nhận được sự hiện hữu từ Thiên Chúa, “tồn tại”, nói cách khác, thực hiện sự tồn tại một cách tự trị. Trên thực tế, từ “lý trí” bao gồm tất cả các khả năng của con người: khả năng biết và hiểu cũng như khả năng mong muốn, yêu thương, lựa chọn, ước ao. Do đó, thuật ngữ “lý trí” cũng bao gồm tất cả các khả năng của cơ thể được liên kết mật thiết với những khả năng được đề cập ở trên. Kiểu nói “bản tính” chỉ ra những điều kiện cụ thể đối với con người làm cho những hoạt động và kinh nghiệm nghiệm khác nhau trở nên khả thi: bản tính là “nguyên tắc hành động”. Con người không tạo ra bản tính của mình; họ sở hữu nó như một món quà được nhận và có thể trau dồi, phát triển và làm phong phú thêm các khả năng của mình. Khi thực hiện quyền tự do trau dồi những phong phú của bản tính mình, nhân vị được xây dựng theo thời gian. Ngay cả khi, do những hạn chế hoặc điều kiện khác nhau, không thể sử dụng những khả năng này, nhân vị luôn tồn tại như một “thực thể cá nhân” với tất cả phẩm giá bất khả tước bỏ của mình. Chẳng hạn, đây là trường hợp của một đứa trẻ chưa chào đời, một người vô thức, một người già đang hấp hối.

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30