SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI SỨ MẠNG 20.10. 2024

Written by lcd on Tháng Hai 4th, 2024. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Sứ điệp, Thiên Phong

HÃY ĐI MỜI GỌI MỌI NGƯỜI TỚI DỰ TIỆC (x. Mt 22,9)

Anh chị em thân mến!Chủ đề tôi chọn cho Ngày Thế giới Sứ Mạng năm nay lấy từ dụ ngôn về tiệc cưới trong Phúc Âm (x. Mt 22,1-14). Sau khi các vị khách từ chối lời mời, đức vua, nhân vật chính trong câu chuyện, bảo các đầy tớ: “Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9). Suy tư về câu nói chủ chốt này trong bối cảnh của dụ ngôn và của chính đời sống Chúa Giêsu, chúng ta có thể phân định một số khía cạnh quan trọng của việc loan báo Tin Mừng. Những khía cạnh này hợp thời cách riêng cho tất cả chúng ta, xét như những môn đệ thừa sai của Đức Kitô, trong giai đoạn chung kết này của hành trình Thượng Hội đồng vốn nêu khẩu hiệu “Hiệp thông, Tham gia, Sứ mạng” nhằm tìm cách qui hướng Giáo hội vào nhiệm vụ trọng yếu của mình là rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

  1. Hãy đi mời gọi!” – Sứ mạng xét như việc đi ra không mệt mỏi để mời gọi mọi người tới dự bữa tiệc của Chúa

Trong lệnh truyền của đức vua cho các đầy tớ, chúng ta thấy hai từ diễn tả trọng tâm của sứ mạng: đó là các động từ “đi ra” và “mời gọi”.

Về động từ “đi ra”, chúng ta cần nhớ rằng trước đó các đầy tớ đã được sai đi trao lời mời của đức vua cho các vị khách (x. câu 3-4). Ta thấy sứ mạng là việc đi ra không mệt mỏi đến với mọi người nam nữ, để mời họ gặp gỡ Thiên Chúa và đi vào mối hiệp thông với Ngài. Không mệt mỏi! Thiên Chúa, đầy tình yêu và giàu lòng thương xót, không ngừng ra đi gặp gỡ mọi con người, và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Ngài, ngay cả dù phải đối diện với sự thờ ơ hay khước từ của họ. Chúa Giêsu Kitô, vị Mục Tử Tốt lành và sứ giả của Chúa Cha, đã đi ra tìm kiếm những con chiên lạc của nhà Israel và khao khát đi xa hơn thế nữa, để đến với ngay cả những con chiên ở xa nhất (x. Ga 10,16). Cả trước và sau Phục sinh, Người đã bảo các môn đệ rằng “Hãy đi!”, nghĩa là Người lôi kéo các môn đệ vào trong sứ mạng của chính Người (x. Lc 10,3; Mc 16,15). Về phần mình, trung tín với sứ mạng nhận lãnh từ nơi Chúa, Giáo hội sẽ tiếp tục đi đến tứ phương thiên hạ, luôn mãi lên đường mà không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước những khó khăn và trở ngại.

Nhân dịp này tôi cảm ơn tất cả các nhà thừa sai đã đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô, bỏ lại sau lưng tất cả để trẩy đi xa và đem Tin Mừng đến những nơi mà người ta chưa từng đón nhận hay chỉ vừa mới đón nhận. Các bạn thân mến, sự dấn thân quảng đại là một diễn tả cụ thể nhiệt tâm của các bạn đối với sứ mạng ad gentes mà Chúa Giêsu ủy trao cho các môn đệ của Người: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Chúng ta tiếp tục cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa về vô số ơn gọi thừa sai mới phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng đến tận cùng thế giới.

Chúng ta đừng quên rằng mọi Kitô hữu đều được kêu gọi tham gia vào sứ mạng phổ quát này bằng cách cung ứng chứng tá của mình cho Tin Mừng trong mọi bối cảnh, để toàn thể Giáo hội có thể tiếp tục cùng với Chúa và Thầy của mình đi tới những “ngã ba, ngã tư” của thế giới hôm nay. “Bi kịch trong Giáo hội hôm nay, đó là Chúa Giêsu không ngừng gõ cửa, nhưng gõ từ bên trong, để chúng ta cho phép Người đi ra ngoài! Rất thường chúng ta thấy mình là một Giáo hội ‘giam giữ’ không cho Chúa đi ra, chiếm giữ Chúa như ‘của riêng mình’, trong khi Chúa đến để thi hành sứ mạng và Người muốn chúng ta trở thành những thừa sai” (Diễn từ nói với các Tham dự viên tại Hội Nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, 18.02.2023). Ước mong tất cả chúng ta, những người đã lãnh Phép Rửa, hãy sẵn sàng lên đường một lần nữa, mỗi người theo bậc sống của mình, để khởi động một phong trào sứ mạng thừa sai mới, như buổi ban đầu của Kitô giáo!

Trở lại với lệnh truyền của đức vua trong dụ ngôn, các đầy tớ không chỉ được truyền “hãy đi”, mà còn được truyền “hãy mời gọi” nữa: “Hãy đến dự tiệc cưới!” (Mt 22,4). Ở đây ta có thể thấy một khía cạnh khác không kém quan trọng của sứ mạng được Thiên Chúa trao phó. Như ta có thể hình dung, các đầy tớ mang lời mời của đức vua một cách khẩn cấp nhưng cũng rất mực trân trọng và nhân ái. Cũng vậy, sứ mạng mang Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo cần phải bắt chước cùng một “phong cách” của Đấng được rao giảng. Khi loan báo cho thế giới “vẻ đẹp tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và từ cõi chết sống lại” (Evangelii Gaudium, 36), các môn đệ thừa sai phải loan báo như thế với hoan lạc, nhân hậu và từ tâm, là những hoa trái của Thánh Thần bên trong mình (x. Gl 5,22). Không phải bằng áp đặt, cưỡng chế hay chiêu dụ, nhưng bằng sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng, và đây là cách phản ánh chính hiện hữu và hành động của Thiên Chúa.

  1. ”Đến dự tiệc cưới” – Chiều kích cánh chung và Thánh Thể trong sứ mạng của Đức Kitô và Giáo hội

Trong dụ ngôn, đức vua sai các đầy tớ mang lời mời người ta đến dự tiệc cưới con trai mình. Tiệc cưới ấy là một phản ánh bữa tiệc cánh chung. Đó là một hình ảnh về sự cứu độ chung cuộc trong Nước Thiên Chúa, được hoàn thành ngay cả bây giờ bởi việc Đức Giêsu đến, Người là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống dồi dào (x. Ga 10,10), được biểu tượng bởi bàn ăn đầy thịt béo rượu ngon, khi Thiên Chúa đã vĩnh viễn tiêu diệt sự chết (x. Is 25,6-8).

Sứ mạng của Đức Kitô gắn với sự viên mãn của thời gian, như Người tuyên bố khi bắt đầu rao giảng: “Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Các môn đệ Đức Kitô được kêu gọi tiếp tục sứ mạng này của Chúa và Thầy mình. Ở đây chúng ta nghĩ đến giáo huấn của Công đồng Vatican II về đặc tính cánh chung của chân trời sứ mạng Giáo hội: “Thời gian của hoạt động sứ mạng kéo dài giữa lần đến thứ nhất và lần đến thứ hai của Chúa…, vì Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc trước khi Chúa đến lại (x. Mc 13,10)” (Ad Gentes, 9).

Chúng ta biết rằng nơi các Kitô hữu sơ khai nhiệt tâm sứ mạng thừa sai có một chiều kích cánh chung rất đậm nét. Họ cảm nhận tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng. Ngày nay cũng thế, thật quan trọng việc giữ tầm nhìn này, vì nó giúp chúng ta loan báo Tin Mừng trong niềm vui của những người biết rằng “Chúa gần đến”, và với niềm hy vọng của những người lao về phía trước hướng đến mục tiêu, đó là khi tất cả chúng ta sẽ có mặt với Đức Kitô tại tiệc cưới của Người trong Nước Thiên Chúa. Trong khi thế giới đặt trước mặt chúng ta đủ thứ “yến tiệc” của chủ nghĩa tiêu thụ, của tiện nghi ích kỷ, của sự tích trữ của cải và cá nhân chủ nghĩa, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bữa tiệc thần linh mang dấu ấn của niềm vui, sự chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong mối hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác.

Sự sống viên mãn này, là quà tặng của Đức Kitô, ngay bây giờ được báo trước trong bữa tiệc Thánh Thể mà Giáo hội cử hành theo lệnh truyền của Chúa để tưởng nhớ Người. Lời mời gọi đến bữa tiệc cánh chung – mà chúng ta chuyển trao cho mọi người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình – được nối kết mật thiết với lời mời gọi đến bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng lời và bằng Thịt Máu của Người. Như Đức thánh cha Bênêđictô XVI dạy: “Mọi cử hành Thánh Thể đều thực hiện theo nghĩa bí tích cuộc sum họp cánh chung của toàn Dân Thiên Chúa. Đối với chúng ta, bữa tiệc Thánh Thể thật sự là một cảm nếm trước bữa tiệc chung cuộc được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25,6-9) và Tân Ước mô tả như ‘tiệc cưới của Con Chiên’ (Kh 19,9), được cử hành trong niềm hân hoan của sự hiệp thông các thánh” (Sacramentum Caritatis, 31).

Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi kinh nghiệm thâm sâu hơn mỗi Thánh lễ, trong mọi chiều kích của nó, nhất là các chiều kích cánh chung và sứ mạng. Về phương diện này, tôi muốn nhắc lại rằng “chúng ta không thể tiếp cận bàn tiệc Thánh Thể nếu không được lôi cuốn vào sứ mạng vốn khởi phát từ chính trái tim của Thiên Chúa và nhằm đạt tới mọi dân tộc” (ibid., 84). Việc canh tân Thánh Thể mà nhiều Giáo hội địa phương đang cổ võ một cách đáng khen ngợi sau đại dịch Covid cũng rất cần thiết để làm sống lại tinh thần sứ mạng nơi mỗi tín hữu. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta cần biết bao việc đọc lên với đức tin mạnh mẽ hơn và nhiệt tâm cháy bỏng hơn: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”!

Trong năm nay, dành đặc biệt để cầu nguyện chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, tôi muốn khích lệ mọi người đào sâu trước hết lòng sốt sắng tham dự Thánh lễ và cầu nguyện cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Vâng theo lệnh truyền của Chúa, trong mọi cử hành phụng vụ và Thánh lễ, Giáo hội không ngừng cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”, với lời cầu xin “Nước Cha trị đến”. Bằng cách này, lời cầu nguyện và nhất là Thánh lễ hằng ngày làm cho chúng ta trở thành những người hành hương và những thừa sai của niềm hy vọng, tiến về đời sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa, tiến về tiệc cưới mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho tất cả con cái của Ngài.

  1. Mọi người” – Sứ mạng phổ quát của các môn đệ Đức Kitô trong Giáo hội đầy tính sứ mạng thừa sai và hiệp hành

Suy tư thứ ba và cuối cùng về những người nhận lời mời của đức vua, đó là “mọi người”. Như tôi đã nhấn mạnh, “Đây là trọng tâm của sứ mạng: ‘tất cả mọi người’, không loại trừ ai. Mọi công cuộc sứ mạng của chúng ta, vì thế, được sinh ra từ trái tim của Đức Kitô, để Người có thể lôi kéo mọi người đến với Người” (Diễn từ nói với Hội nghị Toàn thể Các Hiệp hội Sứ mạng thuộc Giáo hoàng, 3.6.2023). Ngày nay, trong một thế giới bị xé nát bởi chia rẽ và xung đột, Tin Mừng Đức Kitô vẫn là tiếng nói dịu êm nhưng kiên quyết, mời gọi mọi người gặp gỡ nhau, nhận ra mình là anh chị em của nhau, và hoan hỉ sống hòa hợp với nhau giữa sự đa dạng. “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Vì thế chúng ta đừng bao giờ quên rằng trong các hoạt động sứ mạng thừa sai của mình, chúng ta được yêu cầu phải rao giảng Tin Mừng cho mọi người: “Thay vì làm như thể áp đặt các bổn phận mới, [chúng ta] nên tỏ ra là những người mong muốn chia sẻ niềm vui của mình, những người hướng chỉ một chân trời đẹp đẽ và mời gọi mọi người tới dự một bữa tiệc thơm ngon” (Evangelii Gaudium, 14).

Các môn đệ thừa sai của Đức Kitô luôn nồng nhiệt quan tâm đến mọi con người, dù tình trạng xã hội hay ngay cả tình trạng luân lý của họ thế nào đi nữa. Dụ ngôn về tiệc cưới nói với chúng ta rằng các đầy tớ, theo lệnh đức vua, đã qui tụ “tất cả những ai mà họ gặp, cả tốt lẫn xấu” (Mt 22,10). Hơn nữa, “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt”, tắt một lời, những anh chị em bé mọn nhất của chúng ta, những người bị xã hội loại trừ, là những vị khách đặc biệt của đức vua. Tiệc cưới mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài vẫn luôn rộng mở cho tất cả, vì tình yêu của Ngài dành cho mỗi chúng ta thật lớn lao và vô điều kiện. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một, để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì sẽ không hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Bất cứ ai, tức mọi người nam nữ, đều được Thiên Chúa mời gọi thông dự vào ân sủng của Ngài, ân sủng có sức chuyển hóa và cứu độ. Ta chỉ cần đơn giản thưa “vâng” trước quà tặng thần linh nhưng không này, đón nhận quà tặng ấy và để cho mình được quà tặng ấy biến đổi, mặc lấy quà tặng ấy như một “y phục lễ cưới” (x. Mt 22,12).

Sứ mạng cho mọi người đòi hỏi sự dấn thân của mọi người. Chúng ta cần tiếp tục hành trình hướng tới một Giáo hội hiệp hành và thừa sai để phục vụ Tin Mừng. Tính hiệp hành thiết yếu có bản chất sứ mạng thừa sai, và ngược lại, sứ mạng luôn luôn có tính hiệp hành. Do đó, sự cộng tác chặt chẽ trong sứ mạng thừa sai ngày nay càng cần thiết và khẩn cấp hơn, cả trong Giáo hội hoàn vũ lẫn nơi các Giáo hội địa phương. Tiếp bước Công đồng Vatican II và các vị tiền nhiệm của mình, tôi giới thiệu với tất cả các giáo phận trên toàn thế giới sự phục vụ của các Hiệp hội Sứ mạng Giáo hoàng. Đó là những phương thế chính yếu “nhờ đó người Công giáo từ tuổi nhỏ được thấm nhuần một tầm nhìn thực sự có tính phổ quát và sứ mạng thừa sai, đồng thời đó cũng là một phương thế để thiết lập việc gây quỹ hiệu quả cho tất cả các công cuộc sứ mạng, mỗi nơi theo nhu cầu của mình” (Ad Gentes, 38). Vì lý do này, các khoản quyên góp của Ngày Thế giới Sứ mạng tại tất cả các Giáo hội địa phương được dành trọn cho quỹ liên đới phổ quát, mà Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin sẽ nhân danh Giáo hoàng phân phối cho nhu cầu của tất cả các công cuộc sứ mạng trong Giáo hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hướng dẫn và giúp chúng ta trở nên một Giáo hội có tính hiệp hành và có tính sứ mạng hơn (x. Bài giảng Thánh lễ Bế mạc Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ, ngày 29 tháng 10 năm 2023).

Cuối cùng, chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Maria, Mẹ đã xin Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ đầu tiên chính tại một tiệc cưới, ở Cana xứ Galilê (x. Ga 2,1-12). Chúa đã ban cho đôi tân hôn và mọi thực khách dồi dào rượu mới, như một hình bóng tiên báo về tiệc cưới mà Thiên Chúa đang dọn sẵn cho mọi người vào hồi tận thời. Chúng ta hãy khẩn nài sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của các môn đệ Đức Kitô trong thời đại chúng ta. Với niềm vui và sự ân cần quan tâm của Mẹ, với sức mạnh của sự dịu dàng và trìu mến (x. Evangelii Gaudium, 288), chúng ta hãy tiến bước mang đến cho mọi người lời mời gọi của Đức Vua, Đấng Cứu Độ của chúng ta. Lạy Thánh mẫu Maria, Ngôi Sao của việc Loan báo Tin Mừng, xin cầu cho chúng con!

Rôma, tại Đền thờ Gioan Laterano, ngày 25.01.2024, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại

PHANXICÔ

(Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS, dịch theo bản tiếng Anh. Trong bản dịch này, từ ‘hiệp hành’ được dùng theo xu thế chung, và được hiểu là ‘đồng hành đồng nghị’)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30